Điều thú vị nhất mà tôi nhận thấy ở các công trình bảo tồn đó là thực tế của việc người kiến trúc sư, thay vì suy tính cho cái đang hiện diện, thì đối mặt với cái không còn ở đó, hay cái-vắng-mặt. Đó có thể là sự thiếu vắng của một phần vật chất công trình, cũng có thể là một thứ không thể nắm bắt được, như là một nhân vật lịch sử hay một nền văn hoá, giống như cố Đô Huế với phần vắng mặt phi vật chất là vương triều nhà Nguyễn. Làm thế nào để cái-vắng-mặt được nhớ đến, phải chăng chính là nhiệm vụ cơ bản của bảo tồn? Và việc này có nhất thiết đồng nghĩa với phục hồi nguyên trạng công trình?