Bảo tồn

Điều thú vị nhất mà tôi nhận thấy ở các công trình bảo tồn đó là thực tế của việc người kiến trúc sư, thay vì suy tính cho cái đang hiện diện, thì đối mặt với cái không còn ở đó, hay cái-vắng-mặt. Đó có thể là sự thiếu vắng của một phần vật chất công trình, cũng có thể là một thứ không thể nắm bắt được, như là một nhân vật lịch sử hay một nền văn hoá, giống như cố Đô Huế với phần vắng mặt phi vật chất là vương triều nhà Nguyễn. Làm thế nào để cái-vắng-mặt được nhớ đến, phải chăng chính là nhiệm vụ cơ bản của bảo tồn? Và việc này có nhất thiết đồng nghĩa với phục hồi nguyên trạng công trình?



Nếu có thể so sánh, Caranda Market in Braga của Souto de Moura không gì hơn là một lát cắt niên đại của nơi chốn. Những bức tường bao bằng đá granite nhắc nhớ về thời kỳ công trình vẫn còn là một khu nông trại trên đồi. Hai hàng cột cao tô vữa sơn trắng kể lại khoảng thời gian chúng được dùng để đỡ chiếc mái của khu chợ cũ. Xung quanh, các khối chức năng văn hoá, cộng đồng mọc lên vây quanh cái đã không còn ở đó nữa. Hơn ba mươi năm phát triển của thành phố Braga có thể được phản ánh thông qua vi lịch sử của một nơi chốn. Không phải bằng sự cố gắng phục hồi hết thảy, nhưng đó là bởi những “tàn tích” được giữ lại không ngừng truy vấn chúng ta: “Đã từng ở đây: cái gì?”

Ví von công trình như một lát cắt niên đại của nơi chốn cũng đồng nghĩa với việc xem xét nơi chốn như là một thực thể sống. Mặt khác, nơi chốn còn là tất cả những gì chúng ta có thể có, giống như Souto de Moura khi bắt đầu chia sẻ về Caranda Market “nơi chốn là đó, và chỉ mỗi chốn đó mà thôi" (the place is that one and only that one) (2). 
Vì thế mà có thể xem thủ pháp “tái chuyển đổi" như là cách mà Souto de Moura giúp cho kiến trúc tiến hoá cùng với nơi chốn. Tái chuyển đổi (reconversion) cũng là thuật ngữ được chính ông sử dụng đặt cho công trình đầu tiên của mình - Reconversion of a ruin in Gerês. 
Dầu vậy, không phải công trình cần được bảo tồn nào cũng có thể áp dụng “tái chuyển đổi", đặc biệt là những công trình quy mô lớn và có giá trị đối với nhân loại. Tôi e rằng chúng ta chẳng thể làm gì hơn là duy trì nguyên trạng của quần thể Angkor Wat, của thánh địa Mecca hay Kim Tự Tháp … Vì nếu không, tổn thất đối với nhân loại là không tài nào đong đếm được. 

Giống như buổi sáng thức dậy và cảm thấy biết ơn vì Đền thờ Parthenon vẫn còn đứng sừng sững trên ngọn đồi của những vị thần của Hy Lạp. Nhưng với tôi, Parthenon đã không còn là kiến trúc, mà kết tinh thành biểu tượng, một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc kỳ vỹ. Nó đã chết và dẫu cho đó có là một cái chết tuyệt đẹp với hàng dài rồng rắn con người chờ đợi thăm viếng đi chăng nữa. Quan niệm bảo tồn kiên quyết đưa công trình kiến trúc trở lại về hình dáng nguyên khởi là phủ nhận sự tiến hoá theo thời gian của kiến trúc. Bắt công trình phải để tang chính mình. Một hành động chôn sống!

Liệu anh có đang quá gay gắt? Tôi thì cho rằng “công năng" của chúng lúc này phải được xem xét bằng “công dụng", hay cách nói khác, là bằng giá trị của chúng đối với lịch sử kiến trúc và lịch sử nhân loại nói chung. Trên thực tế, các di sản không còn được sử dụng theo mục đích ban đầu này (hầu hết) đã trở thành “bảo tàng", với công trình chính là vật phẩm trưng bày. Sinh viên và học giả sử dụng chúng như những trường học thực tế quý giá bởi sức lay động lớn lao, như KTS Alberto Campo Baeza đã từng chia sẻ ông không bao giờ kìm được nước mắt mỗi lần đến Pantheon ở Roma (1). 

Pantheon ở Roma vẫn còn hoạt động như một nhà thờ Công giáo La Mã. Hãy trở thành một trong số những tín hữu ở đó sáng chủ nhật hàng tuần, có những tầng thức nhận mà chỉ những người trực tiếp tham dự thánh lễ mới có khả năng chạm tới. Đó là công năng mà tôi hướng đến. Nhưng xin nhớ cho, Pantheon có lẽ đã không còn nữa, nếu nó không ở Roma - thủ phủ của hội thánh công giáo La Mã. 

Tôi hiểu ý của anh. Một chế độ nắm quyền - ví như những kẻ thắng cuộc sau chiến tranh, có thể phá bỏ di sản của kẻ thù trước đó nhằm mục đích tuyên truyền chính trị, khẳng định vị trí và quyền lực. Lịch sử thế giới đã khi nhận không ít những cuộc thanh trừng nhằm vào các công trình có giá trị cao đối với một nền văn hoá, ngày nay, đó là những điều Trung Quốc đã làm với Mông Cổ và Miến Điện. Chưa kể đến việc, số phận của di sản còn bị lệ thuộc vào cách diễn dịch khác nhau về chúng theo từng thời đại. Bảo tồn không tránh khỏi tư kiến (bias). Nói cách khác, “bảo tồn không thể tránh khỏi sự sắp đặt lại những giá trị và quan điểm đương thời về quá khứ”. Hay thậm chí cực đoan như Walter Benjamin “không có bất kỳ sự ghi nhận một nền văn minh nào mà không đồng thời là sự ghi nhận lại một chủ nghĩa bạo tàn" (2). 

Có phải chúng ta đã quá bảo tồn? Giá như kiến trúc được để yên, đã có nhiều hơn những thực thể sống như Diocletian Palace. Một thị trấn nhỏ hình thành ngay bên trong cung điện khổng lồ của đế chế La Mã bị bỏ lại sau thời phiến loạn từ thế kỷ thứ IV. Những hàng cột mái hiên cấu trúc hoá giao thông, biến phần rỗng của các sân trong thành những đơn vị ở. Tàn tích trở thành sân khấu trình diễn của đời sống đương đại. 

Để trả lời cho câu hỏi của anh, có lẽ không gì thích hợp hơn việc xem xét một số phát hiện thú vị Rem Koolhaas nêu ra trong “Preservation is overtaking us" (tạm dịch: bảo tồn đang vượt quá chúng ta). Dựa theo những số liệu nghiên cứu thực tế, niên đại của các công trình được bảo tồn đang bị giảm xuống, từ 2000 năm xuống còn 20 năm, và phạm vi của cái được bảo tồn thì trở nên quá rộng lớn. OMA còn lưu ý chúng ta tới việc hai dự luật bảo tồn quan trọng, Commissions of art and monuments (1790) và Society for the Protection of ancient buildings (1877), xuất hiện đồng thời với những phát minh hiện đại (có thể kể đến xi măng, những khung quay, kính viễn vọng, thuốc gây tê, nhiếp ảnh ...). Rem Koolhaas đặt nghi vấn rằng phải chăng bảo tồn (một cách nghịch lý) lại là sản phẩm của tính hiện đại. Và tính hiện đại, phải chăng chẳng qua chỉ là “vấn đề của việc giữ lại cái gì” (3)?

Tôi sẽ hỏi thêm rằng liệu chăng chúng ta có đang xây dựng dựa trên việc suy tính “cái gì sẽ được giữ lại”? 

Tôi nghĩ đó không phải là không có cơ sở, Rem Koolhaas cũng cho rằng bảo tồn thoạt nghe là một hoạt động liên quan đến quá khứ (retrospective activity) nay trở thành một hoạt động hướng đến tương lai (prospective activity). Điều này cũng, một cách nào đó, tương đồng với khái niệm préservation được diễn giải trong từ điển Pháp-Việt (Đào Duy Anh) với ý nghĩa là “sự phòng dự”. Ngẫm cho thật kỹ, trong khi conservation (tạm dịch bảo tồn) có xu hướng bảo thủ, “sự phòng dự” hay preservation yêu cầu một tinh thần chủ động, hay sâu xa hơn một tầm nhìn chiến lược. Nói theo nhà bảo tồn Paul Spencer Byard, đó là tầm nhìn “có thể mang nghĩa đánh sập một bức tường và hé lộ cái gì đó chưa từng được trông thấy, bảo tồn được hiểu là một hành động luôn luôn cấp tiến” hay thậm chí được nâng lên tầm vóc của “một dạng nghệ thuật cấp tiến, một thách thức về mặt trí tuệ và thiết kế ở cấp độ cao nhất" (4). 

Rafael Moneo không đánh sập một bức tường nào cho thiết kế của National Museum of Roman Art in Merida, nhưng ông đã có một phương án với sức nổ lớn, và đậm. Tôi thấy mình đắm chìm trong mặt bằng của hai cấu trúc tương tự nhau nhưng trượt khỏi nhau. Tương tác nảy sinh giữa hai thực thể là cái không thể “phòng dự” ngay cả với chính quy hoạch sư. Đó chính là nơi mà nghệ thuật nảy sinh. 

Chú thích:
(1) Alberto Campo Baeza, "Suspending time" (An essay by Alberto Campo Baeza, 2014). 
(2) Walter Benjamin, Theses on the Philosophy of History, VII: "There is no document of civilization which is not at the same time documents of barbarism." 
(3) Rem Koolhaas and Jorge Otero-PailosPreservation is overtaking us (GSAPP Books, 2014). 
(4) Paul Spencer Byard, The architecture of additions - Design and Regulation (W.W. Norton and Company, 2005).

No comments:

Post a Comment