“Ngôn ngữ kiến trúc" là cụm từ vẫn thường xuyên xuất hiện trong sư phạm và báo chí kiến trúc. Người ta sử dụng nó nhiều đến nỗi tôi cảm thấy một thôi thúc đặt ra câu hỏi về tính đúng đắn và tính ứng dụng của từ này. Nói “ngôn ngữ kiến trúc" là ý nói khả năng giao tiếp của kiến trúc. Và điều đó đồng nghĩa với, kiến trúc có khả năng “nói" với chúng ta?
Tôi luôn bị ấn tượng bởi một căn nhà nằm trên một con phố mua bán sầm uất nọ. Trong khi người ta tranh nhau từng mét vuông để dựng bảng quảng cáo, trưng bày sản phẩm. Căn nhà đơn thuần căng một bức tường rào đắp vữa kẻ sọc ngang lên mặt tiền dài hơn 10m và cao hơn 2m. Ở giữa, cạnh chiếc cổng màu xám bằng sắt đan nong, đặt một cây hoa giấy. Thân cây uốn lượn cùng với những tán lá lấp xấp làm mềm cạnh trên của hàng rào và nửa che nửa mở cơ ngơi cao hai tầng lầu ở phía sau. Nhưng vượt lên tất cả, căn nhà như nói với tôi “hãy giữ im lặng". Đúng vậy, mỗi lần đi ngang qua, từ ngôi nhà luôn toả ra một uy thế khiến tôi run sợ.
Một quan sát rất ấn tượng! Thế nhưng chúng ta cũng sẽ thấy rất rõ ở ngay đấy một thông diễn (hermetic) tràn ngập tính chủ quan. “Hãy giữ im lặng" là tưởng tượng mang tính áp đặt, bởi nó phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng cảm thụ cũng như tri thức của người quan sát. Ở đây, công trình không thể đứng bật dậy và phủ nhận “ý tôi không phải thế". Những hình ảnh và hình thức không rõ ràng của kiến trúc (dù có hay không có thêm diễn giải của người thiết kế) cũng không bao giờ đạt tới độ chính xác của ngôn ngữ nói và viết. Kiến trúc có thể không nói gì, hoặc có thể nói mọi thứ!
“Ráng vàng thì nắng ráng trắng thì mưa”. Màu sắc của bầu trời dự báo thời tiết. Một chiếc nấm sặc sỡ nói rằng “tôi chỉ để ngắm nhìn"... Những ngôi sao dẫn lối cho các mục đồng đường đến hang Belem … Thế giới của con người là một thế giới của ký hiệu đã được đúc kết qua hàng nghìn năm văn minh, mà ở đó ngôn ngữ nói hay viết chỉ là một tập hợp nhỏ nhoi, khiêm tốn. Bởi chính tính chính xác của mình - cái mà ông bà ta gọi là “bút sa gà chết" hay “sẩy chân còn hơn sẩy miệng", ngôn ngữ viết hay tiếng nói có thể được đính chính lại, có thể đúng hoặc sai. Kiến trúc, và nhiều môn nghệ thuật khác, hàm chứa vô tận ý nghĩa đối với từng đối tượng quan sát khác nhau qua các thời kỳ khác nhau. Cũng vì lẽ đó, kiến trúc trở nên thi vị hơn.
Giải thích này của anh khiến tôi nhớ đến cách đọc riêng của George Steiner về ngôn ngữ nghệ thuật (văn học, thị giác). Anh ta cho rằng chúng là những hệ thống thông diễn (hermetic system) có mục tiêu che giấu hơn là bộc lộ ý nghĩa thực của nó. “Với Steiner sức mạnh giao tiếp của ngôn ngữ như là một thiết bị chuyên chở thông tin không thể quan trọng bằng chức năng của ngôn ngữ - mọi thể loại ngôn ngữ - để che giấu, để tạo hư cấu” (1).
Vâng, tạo hư cấu!
Giả thuyết rằng kiến trúc là một thứ ngôn ngữ, vậy phải chăng kiến trúc cũng bao hàm ngữ pháp mà dựa vào đó mỗi công trình được đọc hiểu?
Đến Pompeii hai lần … cuốc bộ hàng giờ liền trên những con đường lát đá bóng nhẵn … dưới bóng đổ dài của những hàng cột colonnade … qua những bức tường nhấp nhô sau cơn sóng dữ của cát bụi …, tôi đã nghĩ về điều đó … về thứ đã hợp lý hoá hết thảy những vật chất hãy còn bám trụ lại … về luồng không khí đang dẫn dắt bước chân của mình… Cái gì đó ở đó, và cũng ở trong chính bản thân chúng ta, một sợi dây thông hiểu. Hay là theo cách của anh - một thứ ngữ pháp , mà nhờ đó hốc tường là từ vựng, gạch nung là từ vựng, neo đậu lại ...
Ngữ pháp, bao gồm cả từ pháp lẫn cú pháp, có tính bền vững cao, và sự thay đổi của nó trong ngôn ngữ là rất hạn chế. Trái ngược lại, cú pháp và từ pháp, thay đổi nhanh hơn và có tính cập nhập. Nếu như có một đại diện của cú pháp trong ngôn ngữ kiến trúc, đó có thể là bố cục: đăng đối, tuyến tính, tự do ... Từ pháp là đề cập về cách sử dụng từ ngữ, điều này có thể so sánh với công nghệ vật liệu, kỹ thuật hoặc các yếu tố liên quan đến hình thức kiến trúc.
Sự kết hợp của cả hai yếu tố này một cách đồng thời, phải chăng có thể tạo ra sự thay đổi ngữ pháp? Anh nghĩ sao với phát biểu rằng chủ nghĩa hiện đại đánh dấu sự thay đổi ngữ pháp kiến trúc? Mặt bằng tự do đại diện cho cú pháp mới, và vật liệu kính, bê tông, hệ kết cấu khung dầm như là những từ vựng mới đã đồng thời làm nên điều đó.
Tôi nghĩ mỗi chúng ta đều mắc nợ chủ nghĩa hiện đại. Nhờ đó mà, kiến trúc đương đại ngày nay có khả năng sử dụng các bố cục cổ điển, vật liệu truyền thống như những phép tu từ gợi cảm xúc, những cảm xúc đã trở nên quen thuộc trong bộ ứng xử của nhân loại. Tuy nhiên, riêng tôi tin tưởng vào ý kiến được nêu ra ở trên, rằng ngữ pháp là bền vững … là vĩnh cửu và trường tồn. Sự thay đổi của nó, nếu có, cũng không thể thấy bằng mắt thường …
Nhưng ít nhất anh cũng đồng thuận với tôi ở ý kiến về tính có thể so sánh được giữa kiến trúc và ngôn ngữ, ở phía bên kia, Susanne K. Langer nêu ra một lập luận phủ nhận tính khả thi của phép so sánh này mà tôi cho rằng rất đáng để tham khảo. Cô cho rằng những ký hiệu kiến trúc chắc chắn là được nhìn nhận rất khác với những ký hiệu của văn bản hoặc của phát biểu (speech). Bởi lẽ, kiến trúc không thể cấu thành nên những chuỗi tuyến tính mang thông tin. Cô phân biệt “ngôn ngữ” là “hình thức phân tán" (discursive form) và nghệ thuật thực chất là ký hiệu của cảm xúc dưới “hình thức đại diện" (presentation form). Ngôn ngữ có được ý nghĩa của nó bằng cách đặt một yếu tố ký hiệu này - từ, dấu câu, con số, chữ cái … - sau cái khác theo một thứ tự có nghĩa, theo trình tự, và vì thế mà theo chiều kích thời gian (trước sau). Nghệ thuật, mặt khác, giới thiệu cho chúng ta hình thức của một thể loại hoàn toàn khác biệt, một Gestalt, một tổng thể hữu cơ (organic unity), được lĩnh hội và được nắm bắt là một tổng thể mà vì thế không thể được thể hiện bằng cách nào hết là thông qua chính bản thân nó”.
Một góc nhìn thú vị! Nhưng chẳng phải kiến trúc phân biệt với các môn nghệ thuật khác là bằng trải nghiệm bằng xương bằng thịt trong không gian đó sao, và trải nghiệm này thì ở tỉ lệ con người. Một cái nhìn bao quát đối với kiến trúc thì đơn giản là không khả dĩ với loài người.
Không thể nhắc đến ngôn ngữ mà bỏ qua cấu trúc luận, đặc biệt để hiểu về bản đối chiếu của nó (counterparts) trong kiến trúc - chủ nghĩa cấu trúc. Simon Blackburn đã tóm tắt thế này: cấu trúc luận là "một niềm tin cho rằng mọi hiện tượng trong cuộc sống con người không thể được hiểu trừ khi thông qua những mối liên hệ qua lại giữa chúng (interrelations). Những mối quan hệ này cấu thành một cấu trúc, và phía sau những biến đổi cục bộ trên bề mặt hiện tượng là những quy luật thường hằng của một nền văn hoá trừu tượng" (2).
Cánh cửa … bậc thang … mái nhà … và tôi có thể kể một danh sách dài … hành lang … phòng … giống như vẫn một con tắc kè nguỵ trang ở những điều kiện môi trường khác nhau … “Không có gì mới dưới ánh mặt trời". Không có gì mới, trừ khi chúng ta thôi truy vấn cái lõi. Nhưng mấu chốt là làm thế nào để xác định cái gì là lõi, và cái gì chỉ đơn thuần là lớp sơn.
Nhận định của anh, một cách nào đó, tương đồng với cách mà Herman Hertzberger miêu tả với các học trò của mình, chủ nghĩa cấu trúc (structuralism) bao gồm hai thành phần: một cấu trúc (structure) tuần hoàn dài hạn và những mảng trám (infill) tuần hoàn ngắn hạn. Tuy nhiên, Arnulf Luchinger trong Structuralism in Architectural and Urban Planning phủ nhận việc gọi bất kỳ công trình nào là structuralist nếu chỉ xem xét chúng dựa trên sự hiện diện của một "cấu trúc bề mặt đan xen và một mạng lưới (grid)". Với ông, định nghĩa theo chủ nghĩa hình thức đó phải bị gạt bỏ và giải thích thêm rằng: "Về bản chất, chủ nghĩa cấu trúc quan tâm đến sự cấu hình của những đơn vị hình thức (có tính không gian, tính giao tiếp và tính xây dựng ...) có điều kiện và nhiều hoá trị ở trong mọi quy mô đô thị. Chỉ khi người sử dụng nắm quyền sở hữu những cấu trúc thông qua tương tác, thông dịch hoặc bằng cách trám vào những chi tiết, thì những cấu trúc mới đạt tới trạng thái trọn vẹn nhất của chúng"(3). Về điểm này, Luchinger đề cao những công trình của Hertzberger và cho rằng chúng chứa đựng những hình thái cấu trúc từ quy mô nhỏ nhất đến lớn nhất.
Hertzberger nhắc tôi nhớ rằng một cấu trúc bao trùm có thể chỉ đơn thuần là một khái niệm. Cấu trúc giật tầng trong trường hợp của khu kênh cũ Oude Gracht ở Utrecht, Hà Lan là một ví dụ tôi vô cùng yêu thích. Dòng kênh xanh rợp bóng cây làm nhiệm vụ chuyên chở hàng hoá trong nhiều thế kỷ. Những chiếc xà lan đậu trước con đường ven kênh chạy song song với hệ thống kho bãi. Hàng hoá được chất vào bên trong, về sau, được đưa lên bày bán ở cửa tiệm phía trên, nơi mà khách hàng lui tới bằng một hệ thống đường bộ tách biệt ở một cao độ khác. Trong bức ảnh trở đi trở lại nhiều lần nơi tâm trí tôi, Oude Gracht chứng kiến một mùa đông mặt nước đóng băng, biến dòng kênh trở thành sân trượt tuyết kéo dài cả cây số xuyên qua những cây cầu đá, nơi những khách bộ hành đang mải mê quan sát người chơi ở phía dưới. Tôi nghĩ, đó là một thứ kiến trúc rất đỗi nhân văn.
Chú thích:
(1) George Steiner, Language and silence: Essay on language, literature and the inhuman (Yale University Press, 1967).
(2) Simon Blackburn, The Oxford dictionary of philosophy (Oxford University Press, 2008).
(3) Arnulf Luchinger, Structuralism in Architectural and Urban Planning (Stuttgart: Karl Kramer, 1981).
No comments:
Post a Comment