Giây phút Eureka không chỉ tồn tại trong bồn tắm, mà là nỗi ám ảnh đeo bám đến tận cùng những khoảnh khắc của sự thân mật. Đó là sự canh thức chờ đợi kể cả trong giấc mơ, như cách mà giấc mơ benzen đã thành tựu. Nhưng tôi thích chúng ta giữ một khoảng cách với ý tưởng, hay là chúng ta chỉ giữ một đầu dây duy nhất, và để ngỏ cho phía còn lại ... của thơ ca, của siêu hình, của những điều không thể lý giải.
Trong trường hợp cụ thể của kiến trúc, khái niệm ý tưởng công trình dường như là một khái niệm hậu hiện đại, được phổ biến bởi các kiến trúc sư starchitects trong một nền kiến trúc mang tính giải thích. Những “vật thể tham khảo" (objects of reference) cho thời đại này đã không thể tìm thấy. Dầu trước đó, “kiến trúc Phục Hưng là đại diện của Kiến trúc cổ điển, hay kiến trúc hiện đại là biểu tượng cho các nguyên tắc của chủ nghĩa positivism (chủ nghĩa thực chứng) và cho công năng của bộ máy sản xuất xã hội công nghiệp” (1). Một là, kiến trúc đương đại, như Valerio Olgiati đã chia sẻ, chẳng còn có thể vin vào điều gì, hai là, đối tượng tham khảo của kiến trúc đã biến mất?
Thật vậy, trừu tượng đã biến mất, thay vào đó là hình tượng. Ý tưởng đã không còn được đại diện, nhưng hình dạng bị sao chép. Kiến trúc theo dạng này chỉ làm việc với những ảo ảnh và trở thành không gì hơn là sự giả lập, một giả lập hoa mỹ.
Nhưng nói như thế, chúng ta có đang quá bi quan và quy chụp? Phải chăng tính biểu tượng hay hình tượng cũng là một trong những vai trò mang tính bản thể luận của kiến trúc, mà ở đó sắp xếp không gian hay mối quan hệ của bối cảnh không phải là những mối bận tâm duy nhất? Đầu tiên chúng ta phải nhìn nhận rằng “mọi công trình nghệ thuật, cũng giống như những sản phẩm văn hoá khác của con người, là biểu tượng trong những biểu tượng, và chính bản thân thực tế, ít nhất là dưới con mắt của loài người, thực ra cũng chỉ là một vũ trụ có tính biểu tượng”. Arthur Danto - nhà triết gia phân tích, người đã đề xuất khái niệm về tính tham khảo referentiality (“aboutness") như là tính chất đặc trưng của tác phẩm nghệ thuật, giải thích thêm rằng“các tác phẩm nghệ thuật nói lên một điều gì đó thì việc chúng được đóng ngoặc (giải thích) bằng từ ngữ là một điều vô cùng hợp lý dù cho từ ngữ này có một bản đối chiếu là một thứ gì đó thực sự hữu hình đi chăng nữa".
Picasso tìm thấy ghi đông và một chiếc yên xe đạp trong đống sắt vụn. Ông hàn chúng lại với nhau. Rồi gọi tên tác phẩm là Đầu bò (Bull's head). Tác phẩm không vinh danh cái đầu con bò, hoặc nói về đất nước Tây Ban Nha. Những vật thể được tìm thấy trong sự thân thuộc pha lẫn tinh nghịch này làm dấy lên lòng ham thích đối với con người, với trí tưởng tượng. Cũng vậy, nếu muốn được xem như là nghệ thuật, kiến trúc phải đưa người ta đi xa hơn cái mà nó được miêu tả một cách rõ ràng thông qua ngôn ngữ.
KTS Valerio Olgiati, mặc dầu công nhận rằng “lý tưởng có thể tin cậy được (believable ideals) đã không còn tồn tại trong một thế giới không có tính tham khảo (non-referential world)” và “người kiến trúc sư không còn được cung cấp cho một hệ thống những hướng dẫn về cách thiết kế một công trình", đề xuất một công thức để tạo ra “ý tưởng" trong thời đại này. Theo ông, một ý tưởng phải bao hàm hai điều kiện: tạo-hình-thức (form-making) và tạo-nghĩa (sense-making). Ở đó, “một ý tưởng là tạo nghĩa nếu như nó khơi gợi nhận thức (cognizance) và suy tư (insight) trong tâm trí của người cư ngụ” (2).
Aldo Rossi miêu tả nơi ở dành cho những người lớn tuổi mà ông từng ghé thăm, đại ý là thế này: nỗi buồn vương khắp nơi … trên những bức tường … nơi khoảng sân trong ... khu ký túc xá. Tôi không hiểu những công thức có tính khái niệm của Olgiati nhưng ý tưởng về một “kiến trúc của nỗi buồn” mới đẹp làm sao? Vì nó thực sự làm tôi day dứt.
Kiến trúc của nỗi buồn? Làm sao có khách hàng nào chịu chấp nhận ý tưởng về một thứ kiến trúc mang lại nỗi buồn cơ chứ?
Kiến trúc của nỗi buồn, của cái chết, của đau đớn, của sợ hãi, của bất công … cũng quan trọng như kiến trúc của niềm vui, của tái sinh, của chữa lành, của an nhiên, của bình đẳng. Sẽ đến một lúc, những ý tưởng trên bề mặt ấy qua đi và duy nhất còn tồn tại: kiến trúc.
Có phải chúng ta lại một lần nữa quay về cấu trúc luận? Việc anh phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của những ý tưởng khiến tôi liên tưởng đến chia sẻ của KTS Souto de Moura. Phát biểu của ông dường như là một gáo nước lạnh dội lên hết những tranh luận về ý tưởng đến thời điểm này của chúng ta. "Có những kiến trúc sư dành cả đời thiết kế cùng một căn nhà. Có những kiến trúc sư dành cả đời đợi chờ cùng một người khách hàng: bản thân họ. Từ công trình đầu tiên của tôi, tôi đã liên tục thiết kế cùng một căn nhà, như thể nó là một nỗi ám ảnh. Mặc dầu công bằng mà nói, chúng đều khác biệt, bởi vì nơi chốn và con người tương ứng với chúng. Tôi luôn bắt đầu bằng việc thực hiện dự án của cùng một ngôi nhà, cho cùng một người, nhưng với những cái tên giả, và nếu có thể, như Aldo Rossi nói, "không bao giờ bị phân tâm bởi những con người hay ngôi nhà mà đối với tôi là không hữu dụng, và cân nhắc rằng tiến bộ trong nghệ thuật và trong khoa học tuỳ thuộc vào tính liên tục và nhất quán này, những thứ duy nhất cấp phép cho sự biến đổi"(3).
Một phát biểu nhân văn và chân thành báo hiệu rằng đã đến lúc chúng ta thôi gán cho ý tưởng cái thuộc tính của sự mới mẻ. Giống như bộ kích điện, và không hơn thế, đó là toàn bộ vai trò mà ý tưởng có thể đảm nhận: kích hoạt bánh xe tư duy.
Chú thích:
(1) San Rocco?
(2) Valerio Olgiati and Markus Breitschmid, Non-referential Architecture (Park Books, 2018).
(3) Eduardo Souto de Moura # Archives 4 (ARCHIVES, 2019).
Chú thích:
(1) San Rocco?
(2) Valerio Olgiati and Markus Breitschmid, Non-referential Architecture (Park Books, 2018).
(3) Eduardo Souto de Moura # Archives 4 (ARCHIVES, 2019).
No comments:
Post a Comment