Sự chuyên chế của cái mới - Adam Caruso *

Từ buổi đầu của chủ nghĩa hiện đại, có thể chúng ta đã được nghe các kiến trúc sư tiến bộ và các nhà phê bình than phiền về sự thụt lùi của ngành kiến trúc khi đem so với thiết kế của các sản phẩm sản xuất công nghiệp. Trong khuôn khổ hùng biện của chủ nghĩa thực chứng, nỗi ám ảnh nhất định với cái mới là dễ hiểu. Mặc dù vậy, thậm chí là trong những năm hai mươi và ba mươi, ở đỉnh cao nhiệt huyết của các nhà hiện đại chủ nghĩa, các kiến trúc sư vẫn phải đối đầu với nền tảng văn hoá cho sự nỗ lực của họ. Dù đó là Le Corbusier công thức hoá năm điểm nhằm phê phán các quy tắc cổ điển, hay những kiến trúc sư của Weimar Republic giải quyết tình trạng định cư và vấn đề chỗ ở, các kiến trúc sư luôn gặp khó khăn trong việc trụ lại trên con đường hẹp của thuyết tiền định. Cuối thế kỷ 20, chủ nghĩa tư bản muộn (late capitalism - biểu hiện bằng các tiến bộ công nghệ vượt bậc, đầu cơ tư bản và gia tăng khoảng cách giàu nghèo, N.D) ngày càng được chấp nhận rộng rãi hơn bao giờ như là một mô hình kinh tế. Điều này khiến cho ý thức hệ về sự Mới mẻ đã trở nên gắn bó với hoạt động của thị trường một cách rõ ràng. Lúc này, hơn bất kỳ lúc nào, chính nhờ tính văn hoá đã cho kiến trúc vay mượn khả năng tiếp tục trở nên thích hợp. Năng lực phản xạ và phê phán của kiến trúc chính là thứ đã tách nó ra khỏi một bên là hoạt động quảng cáo và bên còn lại là khoa học thuần tuý.