Sự chuyên chế của cái mới - Adam Caruso *

Từ buổi đầu của chủ nghĩa hiện đại, có thể chúng ta đã được nghe các kiến trúc sư tiến bộ và các nhà phê bình than phiền về sự thụt lùi của ngành kiến trúc khi đem so với thiết kế của các sản phẩm sản xuất công nghiệp. Trong khuôn khổ hùng biện của chủ nghĩa thực chứng, nỗi ám ảnh nhất định với cái mới là dễ hiểu. Mặc dù vậy, thậm chí là trong những năm hai mươi và ba mươi, ở đỉnh cao nhiệt huyết của các nhà hiện đại chủ nghĩa, các kiến trúc sư vẫn phải đối đầu với nền tảng văn hoá cho sự nỗ lực của họ. Dù đó là Le Corbusier công thức hoá năm điểm nhằm phê phán các quy tắc cổ điển, hay những kiến trúc sư của Weimar Republic giải quyết tình trạng định cư và vấn đề chỗ ở, các kiến trúc sư luôn gặp khó khăn trong việc trụ lại trên con đường hẹp của thuyết tiền định. Cuối thế kỷ 20, chủ nghĩa tư bản muộn (late capitalism - biểu hiện bằng các tiến bộ công nghệ vượt bậc, đầu cơ tư bản và gia tăng khoảng cách giàu nghèo, N.D) ngày càng được chấp nhận rộng rãi hơn bao giờ như là một mô hình kinh tế. Điều này khiến cho ý thức hệ về sự Mới mẻ đã trở nên gắn bó với hoạt động của thị trường một cách rõ ràng. Lúc này, hơn bất kỳ lúc nào, chính nhờ tính văn hoá đã cho kiến trúc vay mượn khả năng tiếp tục trở nên thích hợp. Năng lực phản xạ và phê phán của kiến trúc chính là thứ đã tách nó ra khỏi một bên là hoạt động quảng cáo và bên còn lại là khoa học thuần tuý. 

Trong một bài giảng mới đây của AA, sự đình trệ tương đối của hình thức kiến trúc đã bị đem ra so sánh một cách không công bằng với điện thoại di động và xe hơi. Người ta có thể chỉ ra rằng sự vận hành của điện thoại hầu như là không thay đổi kể từ khi nó được phát minh. Điều đáng lưu ý là sự phát triển của công nghệ truyền thông không phải là câu chuyện một chiếc điện thoại trông giống như chuột mickey hay là một trái bóng đá của Mỹ, nhưng thay vì thế là dung lượng, sự phức tạp và tốc độ của hệ thống có thể truy cập bởi thiết bị đó. Cũng như vậy, chiếc Porsche 904 được sản xuất ngay sau thế chiến thứ nhất trông khá giống chiếc Porsche Boxster và thậm chí trông còn “đương đại" hơn phần thân xe hơi thể thao góc cạnh của những năm 70. Trên thế giới, sự bất động của kinh tế thị trường tự do không bao giờ là đủ tốt. Vào lúc nhu cầu thực tế của thị trường hiện hữu trở nên bão hoà, các nhu cầu quan sát được và ngày càng có tính trù liệu cần được tạo ra và hơn là được thỏa mãn bởi các công ty đa quốc gia đang tuyệt vọng tăng cổ phần thị trường. Ở trong khuôn khổ này, thiết kế đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Khi mà những tiến bộ có giá trị ngày càng khó đạt được, sự mới mẻ hình thức trở nên điểm chú ý mới. Phát minh ra “rượu nhẹ" có hương thơm - Alcopops có thực sự là tiến bộ? Lợi ích mà người ta có thể nhận được từ Word phiên bản 6, vốn đã không còn hiệu lực trong những phiên bản trước tương thích với Quark Xpress, còn là gì ngoài việc đòi hỏi một nền tảng vận hành mạnh mẽ hơn? 

Một bộ phận của kiến trúc đã luôn luôn phục vụ chủ nghĩa bá quyền kinh tế. Giống như cách mà kiểu chữ grunge thời hậu-David Carson đã thay cho kiểu chữ tân-bảo thủ (neo-conservative) Baskerville của các quảng cáo doanh nghiệp những năm 80s, chủ nghĩa hiện đại mới (neo-modernism: tham khảo các công trình Parametricism, N.D) chính là bản mới của chủ nghĩa cổ điển hậu-hiện đại những năm 90s (post-modern classicism: tham khảo công trình của Charles Moore, N.D), được xây cho cùng một khách hàng là nhà đầu tư và trong nhiều trường hợp cùng bởi một kiến trúc sư. Điều đã thay đổi chính là tính hợp pháp về mặt lý thuyết cho rằng cách thức thực hành này đã được công nhận bởi một số nhà thực hành cũng như học giả hàng đầu. Họ cho rằng kiến trúc ngày càng trở nên ngoại vi và không còn có khả năng níu kéo giấc mơ của một động cơ đạo đức. Kiến trúc sư đương đại không ở trong một vị trí để đánh giá tình hình thực hành của họ và nếu kiến trúc muốn tiếp tục có bất kỳ khả năng thích hợp nào nó phải khai thác lực lượng khổng lồ của hệ thống kinh tế và hạ tầng ngày nay. Kết nối với chủ nghĩa gần như là chủ nghĩa công năng (quasi-functionalist) - cơ sở mới cho kiến trúc là niềm tin vào sức mạnh của những công cụ miêu tả (descriptive tools) nhằm sắp đặt và biến đổi thông tin thô của các hệ thống hạ tầng xã hội vào trong những hình thức kiến trúc hoàn toàn mới. Sự thoải mái tương đối của việc thao túng những bề mặt phức tạp trên máy tính đồng nghĩa với không gian phi-Descartes và những tổ chức mặt bằng theo kiểu các thẻ phân nhánh (bifurcated-plate) trở nên sặc mùi kiến trúc mới. 

Mối quan tâm gần đây với loại hình sân bay, trung tâm thương mại và hạ tầng đô thị xuất phát từ ý tưởng cho rằng diễn tiến của nền kinh tế đương đại được trông thấy rõ nét nhất ở những nơi chốn ấy. Một cách nghịch lý, chính những loại hình này đối với kiến trúc lại ít có giá trị nhất.  Sự phát triển của những trung tâm thương mại trong suốt bốn mươi năm qua đã cho thấy một cách thuyết phục rằng nhu cầu của thị trường luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Một cách truyền thống, điều này đồng nghĩa với các trung tâm mua sắm hay siêu thị rộng lớn đáp ứng tối đa cho thương mại, lối đi rộng đúng bằng hai chiều lưu thông và bãi xe dư thừa. Khi thị trường mua sắm trở nên bão hoà, bên cạnh những quầy thức ăn, những cụm rạp và các trò chơi giải trí, hình thức của các trung tâm mua sắm đã được xem xét như là một nét hấp dẫn tiềm năng. Để kiến trúc sư tham gia vào các chương trình này chính là biến kiến trúc trở thành sản phẩm hàng hoá và dễ dàng trở thành đối tượng chịu sự chuyên chế của cái mới. Mặc dù vậy, diễn tiến của thị trường không có nghĩa là nó đã đúng, hay cũng không có nghĩa là chúng ta không thể thay đổi được gì nữa. Sự kích động đã tính cách hoá việc hình thành thị trường mới và biểu hiện của những thứ đang hiện hữu không thể nào bền vững trên bình diện tài chính được, và hơn thế nữa, cũng không hề bền vững trên bình diện môi trường. 

Thay vì chấp nhận lợi thế liên quan đến tình hình đương đại của chúng ta, kiến trúc có thể cung cấp một chiến lũy có tính phê phán đối với tình trạng đang xảy ra. Không có bất kỳ một bằng chứng thuyết phục nào cho thấy kiến trúc nên từ bỏ hơn 400 năm hoạt động trong khuôn khổ của một môn nghệ thuật xã hội (liberal art). Cũng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy trong suốt thời gian này kiến trúc bị cho ra rìa hơn những thời điểm khác trong lịch sử. Đã bao giờ tỉ lệ phần trăm tổng số lượng công trình có sự tham gia của các kiến trúc sư cao hơn một phần trăm hay chưa? Như cách mà thực hành nghệ thuật đã làm trong suốt 50 năm qua, kiến trúc có khả năng thúc đẩy những chiến lược và mô hình có tính cải thiện nhằm đề xuất cái sẽ đến sau nền kinh tế toàn cầu và có thể nhắc nhở chúng ta về những điều đã bị loại ra khỏi hình mẫu xã hội đương thời. 

Kiến trúc về mặt bản chất là ổn định. Đó là câu chuyện về việc tạo ra những can thiệp vật chất vào một kích thước hữu hạn trong những trạng huống cụ thể. Trong trường hợp tốt nhất, đó là một sự can thiệp kiến trúc có mối quan hệ mật thiết với trạng huống và quá trình hình thành của nó và bằng cách nào đó có tính đối thoại với bối cảnh vật lý và xã hội hiện hữu. Thậm chí trong những công trình vô vị nhất thì nơi chốn vật lý vẫn cung cấp một hệ khung mà dựa vào đó kích hoạt sự cư ngụ. Trong một ngôi nhà, sự cư ngụ đó là địa điểm dành cho văn hoá hộ gia đình. Trong môi trường công cộng, nó là lãnh thổ vật lý dành cho các hành động tập thể. Bởi vì dự án kiến trúc thực sự có vị trí xác định, vô tình hay cố ý nó không thể tránh khỏi việc gắn kết với những mô thức đang tồn tại của sự cư ngụ. Cùng một cách thức như trong nghệ thuật và văn học nhưng theo cách khó bị phớt lờ hơn, kiến trúc đóng góp vào ký ức tập thể của chúng ta. Bởi vì một điều kiện rỗng không (tabula rasa) là bất khả, quá trình xây dựng khiến chúng ta trở nên thành thật. Nó nhắc nhở chúng ta về những thứ chúng ta không nhất thiết muốn nhớ tới. 

Điều đáng lưu ý là công nghệ đã có rất ít ảnh hưởng tới sự phát triển của hình thức kiến trúc. Phần lớn công trình vẫn có dạng kiến tạo hệ khung dầm. Và mặc cho những nỗ lực hết mình của các kiến trúc sư, hệ kết cấu nguyên khối và tương thân (self-similar) được sử dụng rộng rãi trong chế tạo máy bay và tàu thuyền vẫn gặp rất nhiều trở ngại để được hợp thức hoá vào trong xây dựng công trình. Sự trường thọ của khung dầm không đơn thuần bởi vì việc xây dựng những hình thức mặt bằng vuông với những đơn vị vật liệu có dạng thẳng là khá dễ dàng, nhưng bởi hình ảnh của cột và dầm, của những cửa sổ có hình dạng, của những đơn vị xây dựng (masonry units) tất cả là một phần của cuộc đàm luận kết cấu đang tiếp diễn. Kêu đòi các hình thức hoàn toàn mới là không cần thiết. Không những nó khiến người ta nghi ngờ về sự tồn tại của những hình thức hoàn toàn mới, nhưng động cơ để tạo ra những hình thức này là phản-phê phán và bảo thủ. Bởi những hình thức này không có liên kết với quá khứ vốn chứa đựng các tiêu chuẩn để phê phán. Cũng bởi, đồng thời, chúng là điềm báo trước của một tương lai được tăng cường bởi công nghệ như là công cụ bù đắp mọi thiếu sót. Điều kiện để luôn mới lạ chỉ có thể tồn tại trong khoảng trống hoàn toàn - như tabula rasa, giống như một màn hình trống không hứa hẹn về mạng lưới những thực tế ảo xảy ra đồng thời. Điều kiện này ngầm huỷ hoại sự tiếp diễn văn hoá và phủ nhận vị trí nơi những hành động tập thể diễn ra. Một chiến lược hình thức cấp tiến hơn chính là việc xem xét và tái thể hiện cái đang có và cái đã biết. Theo cách này sự sản xuất nghệ thuật có thể gắn kết một cách phê phán với tình trạng hiện hữu và đóng góp vào diễn ngôn văn hoá đang tiếp diễn và tiến triển. 

Trong khi Trafalgar Square có thể còn nhiều thiếu sót để được xem như là một không gian đô thị đáng mơ ước, song một cuộc biểu tình phản đối thuế khoán (poll tax) không thể diễn ra trong một trung tâm thương mại hay trên internet. 

*Tiểu luận "Sự chuyên chế của cái mới", trích trong The feeling of things, tác giả Adam Caruso. Bản dịch thuộc quyền sở hữu của alab, nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức. 

No comments:

Post a Comment