Tôi muốn bắt đầu chủ đề này với Alvaro Siza, và bằng chia sẻ của ông trong Alvaro Siza, Writings on Architecture như sau “Họ nói với tôi rằng công trình của tôi, cả gần đây và trước đây, dựa trên kiến trúc truyền thống của địa phương … truyền thống là một thử thách đối với sự cách tân (innovation). Nó được làm từ những mảnh ghép liên tục. Tôi là một người bảo thủ và một người theo chủ nghĩa truyền thống (traditionalist), nói vậy nghĩa là, tôi dịch chuyển giữa những đối nghịch, những thỏa hiệp, những phép lai, những biến đổi” (1). Không chỉ dừng lại ở đó, Kenneth Frampton trong tiểu luận đầy tính hùng biện Hướng đến một chủ nghĩa địa phương có tính phê phán (Toward a critical Regionalism - Six Points of an architecture of Resistance) cũng nhắc tới công trình Saynatsalo Town Hall như là một ví dụ. Sự nhạy cảm về mặt xúc giác của công trình chính là một trong những yếu tố quan trọng của chủ nghĩa địa phương có tính phê phán này.
Anh cũng đồng ý với Frampton rằng kiến trúc của Alvaro Siza có thể được nhìn nhận như là chủ nghĩa địa phương có tính phê phán?
Thực ra Frampton không hề khẳng định điều đó trong bài viết, nhưng tôi cho là nó hoàn toàn có thể, dựa trên những chia sẻ của Siza. Trước hết, hãy làm rõ khái niệm chủ nghĩa địa phương có tính phê phán của Kenneth Frampton. Như phân tích của chính tác giả, Critical Regionalism khác biệt với Regionalism hay Populism ở điểm mấu chốt là chiến lược của nó “không phải là những nỗ lực một cứng đầu cứng cổ nhằm cải tử hoàn sinh những hình thức mang tính giả định của một tinh thần bản địa (vernacular) đã bị thất lạc” (2). Phương tiện cơ bản của Critical Regionalism cũng không phải là những dấu hiệu có tính giao tiếp (communicative) hay là có tính công cụ (instrumental). Bởi lẽ “một dấu hiệu (sign) như vậy khơi gợi không phải là một nhận thức có tính phê phán thực tại, nhưng thay vào đó là sự thăng hoa của một mong muốn của trải nghiệm trực tiếp thông qua sự cung cấp thông tin. Mục đích chiến lược của nó là nhằm đạt được, một cách tiết kiệm nhất, một mức độ đã được thừa nhận của sự hài lòng xét về phương diện hành vi" (3). Chủ nghĩa Critical Regionalism, như cái tên của nó đề xuất, phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng duy trì một mức độ cao khả năng tự ý thức có tính phê phán, dù cho nó có tìm thấy nguồn cảm hứng từ thứ ánh sáng của địa phương hay một tectonic (tính kiến trúc) của một phương thức kết cấu đặc biệt, hay một hình thái khu đất cụ thể nào đi chăng nữa.
Tôi sẽ không cố gọi tên những chủ nghĩa và trường phái. Nhưng tôi vẫn đồng tình với anh rằng ở Alvaro Siza có cái gì đó như là sự tiếp nối, và cả phê phán, nếu được phép mượn từ của anh. Căn nhà ông thiết kế cho anh trai của mình - Antonio Alvaro Siza House hội tụ những yếu tố đó. Ở đây, bức tường rào định hình khu đất tham gia trực tiếp vào sự hình thành không gian, thậm chí nó còn trở đầu quay ngược lại và cắt xiên công trình một cách bất ngờ, kéo theo đó, giới thiệu đồng thời một hệ trục thứ hai gắn kết khu vệ sinh. Việc sử dụng hai hệ trục khác nhau cùng chi phối một khu đất được chính Siza thừa nhận là chịu ảnh hưởng của những biệt thự và cung điện Roman Baroque. Đem so sánh với mặt bằng cho Palazzo Carpegna của Borromini, “tính phê phán" nằm ở chỗ Alvaro Siza không sử dụng hệ hai lưới nhằm mục đích tạo ra một ảo ảnh thị giác nhằm giấu nhẹm đi sự bất đối xứng của khu đất. Ở đây, ông muốn nó phơi bày.
Xem xét kỹ lưỡng hơn, hai chiếc cột vuông trong phòng khách bị Siza xoay đi, với góc xoay không quá lớn, gây ra cảm giác của một cú chạm vô tình đã khiến nó bị lệch chứ không có chủ đích. Tiếp đến, một trong chúng có phần đỉnh xoay đi tạo nên phần đầu cột, nhắc nhớ các thức cổ điển. Trái ngược với sự tĩnh tại vốn dĩ tạo cảm giác bền vững cho công trình, những cây cột trong trường hợp này mang tinh thần mới của chuyển động, vận động. Đó là sự cách tân.
Tôi không biết liệu anh có nhận ra hay không, nhưng Siza còn là một kiến trúc sư rất chăm chỉ trong việc học hỏi từ các kiến trúc sư bậc thầy và cả những người đồng nghiệp. Điều này liên kết chúng ta với câu trích dẫn của TS. Eliot ở phần đầu, rằng truyền thống với Siza cũng đồng thời là một truyền thống lớn hơn của cả nền kiến trúc của nhân loại. Rafael Moneo trong phần nhận định của ông về các kiến trúc của Alvaro Siza đã chỉ ra những ảnh hưởng không nhỏ đó (4). Như trong công trình hồ bơi ở Leca da Palmeira, những bức tường theo phương vị ngang và những khoảng lùi, sự lặp lại của những khung dầm gỗ là “những sắc thái" đặc trưng của Wright. Ở Magalhaes House, đó là cách lấy ánh sáng với vết cắt xuyên qua sàn rất Le Corbusier. Trong Beires House, bức tường kính cong gợi nhớ đến James Stirling …
Hay cách sử dụng đá cẩm thạch lát từ sàn tràn lên cả tường và nội thất đặc trưng Adolf Loos?
Chính xác, thủ pháp đó được tìm thấy ở trong Banco Borges & Irmao Bank và cả trong Avelino Duarte House nữa!
Đến đây, tôi thấy cần đính chính một vài điều, vì chắc hẳn có nhiều kết luận vội vàng về Valerio Olgiati với tuyên bố về một nền kiến trúc không tham khảo (non-referential) của ông, thoạt nghe có vẻ như là đối nghịch với phương pháp của chủ nghĩa địa phương có tính phê phán (critical regionalism). Trên thực tế ông không tuyên bố từ chối việc học hỏi từ quá khứ, và kiến trúc của ông cũng không bật gốc khỏi lịch sử. Trái lại, Olgiati quả quyết rằng “người KTS học hỏi rất nhiều bằng cách xem lại và học tập từ những công trình trong quá khứ và họ nên làm như vậy thường xuyên và một cách chi tiết. Thế nhưng, người KTS thực hành không đạt được gì thông qua nghiên cứu kiến trúc như một đại diện cho cái gì đó bên ngoài công trình kiến trúc, như là bằng cách xem xét công trình kiến trúc như sự trừu tượng hoá của một khái niệm thêm vào của kiến trúc; có thể kể đến những lý tưởng, tôn giáo, dân tộc hay tính cá nhân” (5).
Hình ảnh truyền thống của ngôi nhà mái dốc như là một dạng cổ mẫu tái đi tái lại nhiều lần trong phần lớn các công trình của Olgiati. Villa Harem có cấu trúc của khu vườn có hồ nước kéo dài bao quanh bằng hành lang mở vương vấn bầu khí của cung điện Alhambra ở Granada, Tây Ban Nha. Atelier Bardill là cách tân dựa trên cổ mẫu của Pantheon ở Rome. Trong khi đó, Yellow House sử dụng rất nhiều thủ pháp đặc trưng của KTS Kazuo Shinohara, như mặt bằng lệch cột, dầm bê tông chéo. Olgiati rất tinh tế, và người ta rất dễ bị “cái mới” của ông làm cho bối rối. Phải có một nền tảng lịch sử đồ sộ, mới thực hành kiến trúc đến cực độ như thế.
Hay nói chính xác hơn, phải có một phương pháp, một chiến lược tiếp cận cụ thể. Bởi lẽ, ai trong chúng ta ngày nay, với sự hỗ trợ của internet, đều có rất nhiều thuận lợi trong việc đào xới kho tàng lịch sử kiến trúc của nhân loại. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách tỉnh táo để không bị chệch hướng, bởi lẽ các phương pháp có tính lịch sử thường tập trung vào việc diễn giải các cấu trúc hơn là xem xét những đặc tính hình thức thực sự của cấu trúc đó (6). Để khắc phục điều này, Olgiati đã đề xuất một cách thức nghiên cứu có tính phả hệ (genealogical research) - nghiên cứu các thông tin tương đối không khác biệt do tổ tiên di truyền lại. Nói cách khác, “nghiên cứu phả hệ giới thiệu những dữ kiện vật chất cơ bản, như là thông tin về kích thước căn phòng, vật liệu mà căn phòng được xây, cách bố trí và kích cỡ của lỗ cửa, chiều dày của tường, cách mà người ta bước vào không gian, vân vân … Phả hệ của hệ thống sắp xếp có tính kiến trúc (genealogy of architectonic ordering systems) tìm kiếm trong đó thứ gì là cụ thể và có tính hình thức” (7).
Nói vậy tức là, thay vì xem xét lịch sử kiến trúc dưới lăng kính của những thay đổi, khác biệt, hay cụ thể là các thời kỳ, thì giờ đây, ta nghiên cứu nó dưới góc độ của cái giống, của cái tiến hoá. Chứ không phải của cái khác, của đột biến giống như những gì lịch sử kiến trúc truyền thống trong môi trường sư phạm vẫn đề xuất?
Đó chính là mấu chốt. Chúng ta tìm sự tương đồng, tìm kiếm cái gen đã được truyền lại. Để tôi nêu thêm một trường hợp nữa, trong quá trình giảng dạy tại trường Academy of Architecture in Mendrisio, Go Hasegawa đã ra một bài tập thú vị như sau: Có 11 phong cách kiến trúc (Hy Lạp, Roman, Romanesque, Gothic, Renaissance, Baroque, NeoClassical, Art Nouveau, Modernism, Postmodernism, và Contemporary) với các màu sắc tương ứng, các sinh viên được yêu cầu hoàn thiện tấm bảng “Thời gian biểu kiến trúc" này bằng cách dán lên những tấm thẻ có mối liên hệ với tấm thẻ khác đã ở trên bảng trước đó (8). Ngay khi một người dán một tấm thẻ, nó lần lượt được vây quanh bởi những cái khác. Hầu hết những tấm thẻ được tạo ra bởi sự “tham khảo", sau đó là từ những yếu tố cùng được sử dụng giữa các phong cách hay thời kỳ.
Chắc hẳn có nhiều phát hiện bất ngờ ở đây!
Đúng là vậy, khi thời gian kết thúc, Go Hasegawa cùng các học viên của mình đi đến hai kết luận như sau. Thứ nhất, đây là một quá trình không bao giờ kết thúc. Khi người ta thay đổi vị trí hay lấy mất một tấm thẻ thì hiệu ứng gợn sóng “ripple effect" dẫn đến nhu cầu phải thay đổi cả những tấm ở xung quanh nó nữa. Sự điều chỉnh có thể diễn ra mãi mãi. Go Hasegawa muốn thông qua bài tập gợi lên “cảm thức về lịch sử như là liên tục, nhiều lớp, mở, và liên tục được sửa chữa” (9).
Lịch sử liên tục được sửa chữa bởi chúng ta, bởi hiện tại, và tương lai của lịch sử có thể cũng nằm ở trong chính chúng ta … Và kết luận còn lại?
Ngay đây thôi, kết luận thứ hai của bài tập, đó chính là việc ta có thể phân chia 11 thời kỳ trên thành hai loại “tham khảo" và “không tham khảo". “Tham khảo” thuộc về bản chất có thể thấy ở thời kỳ Phục Hưng và Hậu hiện đại. Trong bảng thời gian thì những phân đoạn của Phục Hưng và Hậu hiện đại giống như bảng mosaic màu sắc từ những thời kỳ khác. Ở thái cực còn lại, “không tham khảo” … tôi cá là anh cũng có thể đoán được …
Chủ nghĩa hiện đại?
Chính xác. Chủ nghĩa hiện đại là phong cách “không - tham khảo" tuyệt đối. Trên bảng biểu, nó gần như là một màu.
Chú thích:
(1) Alvaro Siza and Antonio Angelillo, Writings on Architecture: Alvaro Siza (Skira, 1999).
(2), (3) Kenneth Frampton, "Toward a Critical Regionalism: Six Points on an architecture of resistance", trong The Anti-Aesthetic, Essays on Postmodern Culture biên tập Hal Foster (Seattle, Bay Press, 1983).
(4) Rafael Moneo, Theoretical Anxiety and Design Strategies: In the work of eight contemporary architecture, 200-251 (The MIT Press, 2004).
(5), (6), (7) Valerio Olgiati and Markus Breitschmid, Non-referential architecture (Park Books, 2018
(8), (9) Go Hasegawa, Conversations with Western Architects (LIXIL Publishing, 2015).
No comments:
Post a Comment