Exhibition 1933, Alvar Aalto & Aino Aalto |
Câu hỏi về mối quan hệ giữa kiến trúc và những môn nghệ thuật luôn luôn nổi lên hàng đầu. Thông thường nó hình thành từ một khát khao để kiến trúc thể hiện thêm điêu khắc và hội hoạ. Một vài đề xuất khác nhau đã được đưa ra cho việc hợp tác giữa những đại biểu tích cực của “bộ ba nghệ thuật" này (hội hoạ - điêu khắc - kiến trúc) - và đôi khi đề xuất một thứ mà suýt nữa đã trở thành “đại hội của các tu sĩ và tiến sĩ".
Thông thường, nhu cầu được cụ thể hoá là “có thêm nhiều hơn nữa những tác phẩm hội họa kinh điển trong các công trình công cộng". Nhưng kỳ lạ thay, nhu cầu như vầy hiếm khi xuất phát từ những nghệ sĩ hàng đầu - chúng thường là đòi hỏi của số đông hay, nói đúng hơn, là những đề xuất về chính sách nghệ thuật đến từ các liên đoàn nghệ thuật và những tổ chức tương tự.
Tôi không phản đối các yêu cầu này - ngược lại mới đúng. Vùng đất hấp dẫn tôi hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới: nước Ý - là quê nhà của sự hợp tác giữa bộ ba nghệ thuật này. Tin tức về việc phá huỷ ngôi đền thờ nhỏ Mantegna ở Chiesa degli Eremitan đã khiến tôi đau lòng. Dầu vậy, tôi nghĩ rằng toàn bộ câu hỏi và câu trả lời nằm ở đâu đó sâu xa hơn. Không thể nào việc tái hợp về lượng của bộ ba nghệ thuật này lại có thể đi đến bản chất vấn đề. Giờ đây tôi đối mặt với một câu hỏi về “mối quan hệ của kiến trúc đối với nghệ thuật trừu tượng". Tôi thiết tha rằng đây có lẽ là cách thức để đi sâu hơn, đến gần hơn với bản chất của mối quan hệ này.
Đầu tiên, các dạng nghệ thuật trừu tượng đã luôn là nguồn kích thích to lớn đối với kiến trúc hiện đại, dầu cho điều này được công nhận một cách gián tiếp, dữ kiện thực tế của chúng cũng không thể bị chối bỏ. Mặt khác, kiến trúc cũng cung cấp vật liệu cho nghệ thuật trừu tượng. Hai phạm vi của nghệ thuật này đã luôn lần lượt ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Vậy là, thậm chí trong thời của chúng ta hai nền nghệ thuật có một gốc rễ chung và điều này đã nói lên khá nhiều thứ rồi.
Khi bản thân phải giải quyết một vài vấn đề kiến trúc, tôi luôn luôn - gần như là không có ngoại lệ, trên thực tế đối mặt với một trở ngại rất khó khăn để vượt qua, một dạng “cảm xúc lúc ba giờ sáng". Lý do dường như chính là bởi vì gánh nặng phức tạp, nặng nề thể hiện qua thực tế rằng quy hoạch kiến trúc vận hành với vô số những yếu tố thường mâu thuẫn lẫn nhau. Xã hội, nhân văn, kinh tế và yêu cầu kỹ thuật cộng với những câu hỏi tâm lý học ảnh hưởng đến cả cá thể lẫn tập thể, cùng với những dịch chuyển của dòng người và cá nhân, và những va chạm nội tại - tất cả hình thành một mớ rối ren không thể tháo gỡ theo cách lý tính hay máy móc. Con số khổng lồ những nhu cầu khác nhau và những vấn đề thành phần tạo ra một hàng rào mà từ phía sau nó rất khó để cho những ý tưởng kiến trúc cơ bản nảy sinh. Tôi, sau đó, tiến hành như sau - dầu không hề có chủ đích. Tôi quên đi toàn bộ vấn đề trong một lúc, sau khi toàn bộ bầu khí của công việc và vô số những yêu cầu khác nhau đã chìm vào tiềm thức của mình. Tôi, sau đó, tiếp diễn một phương thức làm việc giống như một kiểu nghệ thuật trừu tượng. Tôi vẽ theo bản năng, không phải một tổ hợp kiến trúc, nhưng cái gì đó đôi khi là một bố cục ngây ngô, và theo cách này, theo nền tảng trừu tượng này, ý tưởng chính dần dần thành hình, một dạng chất phổ quát giúp tôi mang vô số vấn đề thành phần có tính đối lập vào trong sự hoà hợp.
Khi tôi thiết kế thư viện Viipuri City (và tôi có rất nhiều thời gian - cả 5 năm trời), tôi đã dành quãng thời gian dài để điều chỉnh phạm vi của mình (getting my range), theo một cách, thông qua những nét vẽ ngây ngô. Tôi vẽ đủ mọi phong cảnh núi non viễn tưởng, với những sườn dốc được chiếu sáng bởi nhiều mặt trời ở những vị trí khác nhau, cái mà dần dần nảy sinh ý chính của công trình thư viện. Cơ cấu kiến trúc của thư viện bao gồm những không gian đọc và mượn sách đa dạng giật bậc ở những cao độ khác nhau, trong khi trung tâm điều hành và giám sát nằm ở trên cùng. Những nét vẽ ngây ngô của tôi chỉ liên quan một cách rất gián tiếp với ý tưởng kiến trúc, nhưng dù vậy dẫn đến sự đan xen lẫn nhau của mặt cắt và hình dáng mặt bằng, và dẫn đến một dạng thống nhất cấu trúc theo phương ngang lẫn dọc.
Tôi nhắc đến những kinh nghiệm cá nhân này không mong muốn làm chúng trở thành một kiểu phương pháp nào đó. Dù thế nào đi nữa, tôi nghĩ rằng hầu hết đồng nghiệp của tôi sẽ thấy cái gì đó tương tự được rút ra từ chính những đấu tranh giải quyết vấn đề của họ. Những ví dụ tôi đề cập, dĩ nhiên, không liên quan đến thuộc tính tốt hay xấu của công trình sau cùng. Tôi nhắc đến chúng để minh hoạ cho niềm tin bản năng của tôi rằng kiến trúc và nghệ thuật tự do có một gốc rễ chung, và một gốc rễ trừu tượng theo một cách nào đó nhưng dầu vậy dựa trên kiến thức và phân tích lưu trữ trong tiềm thức của chúng ta.
Trong triển lãm ở London năm 1933 (triển lãm tác phẩm của Aino Aalto và tôi do The Architectural Review tổ chức), chúng tôi đã có một vài cấu trúc gỗ trưng bày. Một vài trong số đó là những kết cấu chúng tôi sử dụng trong đồ nội thất của mình: một vài là những thử nghiệm với hình thức và cách thức với gỗ mà không có giá trị thực tiễn hay thậm chí là cả mối quan hệ lý tính với thực tiễn cũng không. Nhà phê bình của tạp chí Times đã viết về chúng như biểu hiện của nghệ thuật trừu tượng. Anh ta nói rằng chúng là “nghệ thuật phi-mục đích" (non-objective art), nhưng là kết quả của một quá trình đối lập hoàn toàn của khái niệm (diametrically opposed process). Anh ấy muốn nói rằng chúng khởi đi từ một nguồn gốc thực tiễn căn bản, nhưng kết quả cuối cùng là nghệ thuật “phi-mục đích". Một vài trong số đó, mặt khác, anh ta phân loại là những đơn vị thuần khiết của nghệ thuật trừu tượng cái mà, không giống như nghệ thuật phi-vật chất nói chung, theo như góc nhìn của anh ta có thể đem ra thực tiễn sử dụng vào lúc nào đó trong tương lai. Có lẽ anh ta đã nói đúng; tôi sau đó đã không, và cả bây giờ nữa, phản đối gì cả. Nhưng cái nhìn cá nhân và cảm tính của tôi là kiến trúc và những chi tiết của nó theo một cách nào đó là một phần của giới sinh học. Có lẽ kiến trúc và những chi tiết là, nói ví dụ, là một loại cá hồi hoặc cá trout lớn. Chúng không được sinh ra hoàn chỉnh (fully-grown); chúng thậm chí còn không được sinh ra ở biển hay vùng nước mà chúng vẫn thường sinh sống. Chúng được sinh ra hàng trăm dặm cách xa nơi sinh sống (home-grounds), nơi mà những con sông hẹp dần thành những dòng nhỏ, nơi con lạch trong vắt giữa những đầm lầy, nơi giọt nước đầu tiên của tảng băng tan, cách ly khỏi đời sống thường ngày của chúng. Điều này cũng giống như cảm xúc và bản năng của con người bị tách ra khỏi công việc hằng ngày của mình vậy.
Giống như việc trứng cá cần thời gian để phát triển thành một con cá hoàn chỉnh, chúng ta cũng cần thời gian cho mọi thứ phát triển và được làm rõ trong thế giới ý tưởng. Kiến trúc đòi hỏi nhiều thời gian cho việc này hơn những công việc sáng tạo khác. Một ví dụ có thể rút ra từ chính những trải nghiệm của tôi đó là cái mà dường như là chơi với hình thức có thể một cách bất ngờ, thông qua một thời gian dài, dẫn đến sự xuất hiện của một hình thức kiến trúc thực thụ.
Làm thế nào mà đầu cột Ionic đã được hình thành? Nó có nguồn gốc từ việc uốn gỗ và làm cong những thớ gỗ dưới một tải trọng. Nhưng kết quả cuối cùng bằng cẩm thạch không phải là một bản sao chép có tính tự nhiên của quá trình này. Hình thức đã được mài dũa và làm cho ổn định của nó chứa đựng chất lượng con người mà không tồn tại ở trong hình thức cấu thành ban đầu.
“Theo tôi, thuộc tính chính yếu của nghệ thuật trừu tượng là bản chất con người thuần tuý của nó", một hoạ sĩ người Czech đến thăm văn phòng của tôi đã nói thế. “Tôi không thể lý giải nó, nhưng cảm xúc và kinh nghiệm nói cho tôi biết nó là thế" - ông ta tiếp tục.
“Entweder fuhle Ich oder fuhle Ich nicht" (tạm dịch: tôi vừa cảm nhận được tôi vừa không cảm nhận được) là câu của một bác sĩ người Thuỵ Sỹ, một người đã kinh qua trường học khắc nghiệt của bi kịch con người, nói với tôi, khi cố gắng biểu lộ mối quan hệ cá nhân của ông với nghệ thuật.
Trong điều kiện tốt nhất, nghệ thuật trừu tượng là kết quả của quá trình kết tinh. Có lẽ đây là lý do vì sao nó được hiểu là thuần khiết và độc nhất thông qua cảm xúc, mặc dầu vậy ở trong nó và đằng sau nó thường là những ý tưởng cấu thành và toàn bộ mạng lưới của bi kịch con người. Theo cách nào đó nó là một vũ khí có thể tạo ra trong chúng ta một dòng chảy của cảm xúc con người thuần khiết mà thế giới chữ viết đã cách nào đó đánh mất.
Dĩ nhiên, tất cả những điều này không áp dụng cho những dạng thức tầm thường và thương mại hoá của nghệ thuật tự do, cái mà ngày nay, đầy rẫy như cỏ dại.
Đối với tôi dường như chúng đã ở trên con đường hướng tới sự kết nối giữa những môn nghệ thuật rồi, và rằng sự kết nối này có thể xem như là một mạng lưới nối kết “bộ ba nghệ thuật" ở tại gốc rễ của chúng “in statu nascendi" (ở trạng thái sơ sinh) và không phải là [kết nối] trên bề mặt (như kết nối về lượng đề cập trước đó). Dĩ nhiên, chúng ta ở một giai đoạn ban đầu của quá trình kết liên này - nhưng điều này không làm giảm đi giá trị của nó. Khi một nền văn hoá lớn lên thì giá trị nghệ thuật của nó cũng vậy. Về mặt con người, chúng ta không thể đặt nghệ thuật cổ xưa ở phân hạng thấp hơn Acropolis. Và Giotto thì không phải là một bậc thầy thua kém bất kỳ kiến trúc sư hay họa sĩ nào đến sau ông ấy.
Copyright: Bài dịch tiểu luận "The trout and the stream" của Alvar Aalto thuộc quyền sở hữu của Alab, yêu cầu liên hệ tác giả khi có nhu cầu trích dẫn lại.
No comments:
Post a Comment