Hiện đại

 1. Có hai nhận thức của thời đại, một cũ một mới. Cái cũ là nhằm vào cá nhân/tính cá thể. Cái mới là trực hướng vào tính phổ quát. Mâu thuẫn giữa cá nhân và phổ quát được phản ánh thông qua Chiến tranh Thế giới cũng như là thông qua nghệ thuật. 
2. Chiến tranh đang phá huỷ thế giới cũ với tất cả những gì nó chứa đựng: tính ưu việt (preeminence) của tính cá nhân (individual) trong mỗi ngành nghề. 
3. Nghệ thuật mới đã hé lộ chất liệu của nhận thức mới của thời đại: một sự cân bằng giữa tính phổ quát và tính cá nhân trong mỗi ngành nghề.
4. Nhận thức mới đã sẵn sàng được hiện thực hóa trong mọi thứ, bao gồm mọi thứ hằng ngày của cuộc sống.
5. Truyền thống, học thuyết (giáo điều) và sự ưu việt của tính cá nhân đứng chắn giữa quá trình hiện thực hoá này.
6. Vì thế mà những người sáng lập của Neo-plasticism (trường phái Tân tạo hình) kêu gọi những ai tin tưởng vào cải cách trong nghệ thuật và văn hoá cùng phá huỷ những thứ ngăn cản sự phát triển xa hơn, giống như trong nghệ thuật tạo hình mới (the new plastic art), bằng cách loại bỏ những hạn chế của những hình thức tự nhiên (natural forms), chúng ta đã loại bỏ cái đứng chắn đường biểu hiện của một nền nghệ thuật thuần khiết, kết quả cuối cùng (extreme) của mọi khái niệm nghệ thuật. 
 (Tuyên ngôn thứ nhất của De Stijl, 1918)

Thật khó để bắt đầu một khái niệm như “hiện đại” vì sự phổ biến và thành kiến sẵn có. Sự thân thuộc giả định của nó hoà lẫn các thuật ngữ liên quan. Đồng thời, sức mạnh hình thức tất yếu của “hiện đại” lu mờ dự định của chúng ta trong việc khám phá căn cơ và cùng đích của nó. 


Ở nước ta, thời Pháp thuộc, từ “modernes" (có nghĩa là hiện đại hoá) đã được các báo viết tiếng Pháp sử dụng để dịch cho chữ “cải lương”. Cải lương, nghĩa ban đầu của nó (trước khi trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu) là làm cho tốt hơn, cải trong cải biên- sửa đổi, và lương trong lương thiện. Cải lương là làm cho bộ môn hát bội truyền thống trở nên tốt hơn (1). Phải chăng hiện đại cũng có nghĩa là làm cho tốt hơn?

Tôi nghĩ rằng mọi tiến trình phát triển đều hướng về cái được giả định là tốt hơn cái trước đó, mà giả định phụ thuộc vào chủ thể, và vì thế mà cái tốt theo định nghĩa của chủ thể. Chi bằng chúng ta đừng cố gắng giản lược hay khái quát hoá mà đi vào, trước tiên, định nghĩa lại một số thuật ngữ liên quan dễ gây nhầm lẫn, bao gồm chủ nghĩa hiện đại (modernism), hiện đại hóa (modernization) và tính hiện đại (modernity). Một cách cụ thể, hiện đại hóa (modernization) bao gồm tiến trình phát triển công nghiệp và khoa học, quá trình tái tổ chức và lý tính hoá của sản xuất và quản lý, và sự xuất hiện của thị trường đại chúng (mass market), chủ nghĩa hiện đại (modernism) là phản ứng về mặt văn hoá, thẩm mỹ trước những thay đổi đó; và tính hiện đại (modernity) là một dự án, kể từ thời Khai Sáng của thế kỷ 18, “để phát triển khoa học khách quan, luật lệ và đạo đức phổ quát, và nghệ thuật có tính tự trị thể theo logic nội tại của nó” (2). 

Xin hãy nói rõ hơn về tính hiện đại.

Trong phần mở đầu, tôi đã trích dẫn tuyên ngôn thứ nhất của nhóm De Stijl (bao gồm Piet Mondrian, Theo van Doesburg và Gerrit Rietveld) với mục đích thông qua đó hé lộ phần nào tinh thần của “tính hiện đại". Đó là thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối với cái phổ quát và bài bác chủ thể con người. Peter Eisenman trong Post-functionalism cũng một lần nữa khẳng định “bản chất của chủ nghĩa hiện đại là di dời con người ra khỏi vị trí trung tâm của thế giới” (3). Mặc dù có thái độ bi quan hơn, Kenneth Frampton cũng nhận định rằng “mặt tối của Khai sáng (Darkside of Enlightenment) là đem con người đặt vào trong một tình huống mà ở đó anh ta bắt đầu trở nên xa lạ với sản phẩm của chính anh ta, cũng như là giới tự nhiên” (4).

Tại sao lại có sự quay lưng với con người chủ thể?

Vì con người chủ thể không còn đáng tin cậy nữa. Con người, theo lập luận của triết gia Spinoza mà nhóm De Stijl chịu ảnh hưởng, không có tự do của lý trí (5). Tất cả mọi hành động của con người đều được định sẵn bởi một bản thể Thượng Đế là Tự nhiên với những quy luật nội tại. Chính những quy luật phổ quát hay bất biến vượt lên trên lý trí con người mới là đối tượng thích đáng để theo đuổi là điều chúng ta có thể rút ra được từ bản tuyên ngôn ở phần mở đầu. Vì lẽ đó, đường nét kỷ hà, màu đỏ-vàng-xanh dương, hình học cơ bản là những ví dụ của các yếu tố phổ quát đã chi phối nghệ thuật thời kỳ 1917-1931. 

Chúng ta có thể tuân theo những luật lệ phổ quát ở một chừng mực nào đó, nhưng tính cá thể mới làm nên con người, và kiến trúc dành cho con người. Luigi Figini đã ứng dụng năm điểm của của kiến trúc hiện đại vào căn nhà của chính mình ở Milan năm 1934-1935: tầng trệt để trống chống cột, mặt bằng mở, cửa sổ băng, vườn trên mái và mặt đứng tự do. Dầu vậy, Villa Savoye là “tuyên ngôn” bóng bẩy, chau chuốt nhưng “không ở được" (6) của kiến trúc hiện đại. Trong khi đó, phiên bản có phần thô mộc của Luigi Figini vẫn còn được sử dụng đến ngày nay và vì thế mà sự tiếp cận từ phía công chúng là hạn chế. Cây cối ở khu vườn tầng trệt đã phát triển rậm rạp khiến cho ngôi nhà càng trở nên bí ẩn đối với người quan sát từ phía ngoài. Dù cùng dựa trên một nguyên lý, hai phiên bản với bầu khí khác biệt nhau hoàn toàn được tạo ra. Tính cá thể của con người là không thể chối bỏ được, và cách này hay cách khác thể hiện lên công trình nghệ thuật.


Đó là một trong những lập luận chống đối chủ nghĩa hiện đại rất được ưa chuộng. Giá trị con người, hay giá trị nhân văn là những ý tưởng được cho là thiếu vắng trong các công trình ở thời kỳ này. Tuy nhiên, riêng nhắc đến trường hợp của Le Corbusier, tôi sẽ biện luận rằng, dầu nghe có vẻ nghịch lý, giá trị nhân văn mới chính là động lực xã hội chi phối thực hành kiến trúc của ông. 

Phải chăng giá trị nhân văn đó là trong việc đấu tranh cho vị trí con người đối với thiên nhiên, nhờ sự trợ giúp của công nghệ? Thông qua đó khẳng định sức mạnh ý chí của con người với những thực thể có tính áp đặt, có thể là thiên nhiên, có thể là giáo điều. Villa Savoye đứng trên một thảm cỏ rộng, bao bọc xung quanh là cây cối. Bao cảnh của nó không khỏi khiến tôi liên tưởng đến bãi đáp tự nhiên của trực thăng, hoặc ở đây một “cái máy" đến từ hành tinh khác. Công trình như một vật thể, trong mối quan hệ căng thẳng với thiên nhiên, nếu không muốn nói là có phần áp chế hơn. Từ bên trong, các yếu tố phương vị đứng và ngang như cột, sàn, cửa sổ đóng khung thiên nhiên làm nên một “triển lãm” cảnh quan mà đối tượng thưởng lãm không ai khác là con người. 
Lập luận của anh đang ám chỉ sự giải phóng mà Le Corbusier hướng đến được tạo ra bởi các thế lực bên ngoài, nhưng điều tôi muốn đề cập là hoàn toàn trái ngược. Le Corbusier muốn giải thoát con người khỏi các áp bức nội tại: “con người là bình đẳng, được phú cho (endow) cùng những nhu cầu cơ bản, dù họ đang ở bất kỳ giai cấp nào; bởi chính điều này, họ có quyền được hạnh phúc; điều này phải được bảo đảm bằng tiến trình của công nghệ, được đặt làm nhiệm vụ của người KTS”(7). Đây mới là sự giải phóng mà Le Corbusier thực sự hướng tới. 
Cách dẫn dắt của anh khiến tôi có chút thay đổi trong hình dung về Le Corbusier, vốn dĩ giống như một “giáo chủ" độc tài! 

Hoàn toàn không, Francoise Choay đã nhận định về Le Corbusier thế này “ông có tâm hồn của một ngôn sứ", và “kiến trúc với ông thôi là chưa đủ", ông “sẽ tranh đấu cho cuộc cách mạng kiến trúc" (8). Đây là hệ quả tất yếu vì hoàn cảnh sinh trưởng của Le Corbusier là quá trình chứng kiến mâu thuẫn giữa một bên là các phát minh trong mọi lĩnh vực và một bên là sự giậm chân tại chỗ của môi trường sống con người. Kết quả là, “sự thiếu hụt trong việc đáp ứng với chức năng mới tạo nên một hình huống đáng hổ thẹn cho con người tư duy (thinking man): con người ở thế kỷ 20 sống trong một môi trường sai lầm được dựng nên từ những sự thật đã lỗi thời” (9).

Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau đó, Le Corbusier của La Ronchamp và La Tourette - một sự phản bội đối với kiến trúc hiện đại (10). Yếu tố biểu tượng và tôn giáo. Nó cũng đi ngược lại với miêu tả với tính hiện đại mà anh nêu ra ở đầu bài, sự khách quan của khoa học, đã không còn nữa? 

Đó là lý do vì sao tính hiện đại được đánh giá là một dự án chưa hoàn thành (unfinished). Sự phân loại trong quyển Modern Architecture A to Z cũng cho thấy phân loại hiện đại của họ bắt đầu từ khi manh nha ý tưởng về tính hiện đại và hiện vẫn chưa khép lại, vì tinh thần của nó vẫn còn được tiếp nối đến ngày nay. 
Ngay cả một người khắt khe như Mies Van de Rohe cũng bộc lộ trong Project for a Courthouse một mặt bằng kỳ lạ. Một trục xéo bất thường dẫn dắt chuyển động của các bức tường cong, dường như là đồng khí tương cầu với chuyển động của chiếc xe khi tiếp cận gara. Ngoại trừ lò sưởi và vách ngăn ở lối vào trực giao với phần kẻ ô, toàn bộ nội thất của nó dường như phục vụ một đối tượng phi-con người, giống như nhà của một chiếc xe hơi. 

Hệ thống tường chịu lực theo phương chéo của Courthouse trên thực tế phục vụ cho nhu cầu của một mặt bằng tự do (11). Đường chéo trong mặt bằng này có tính thống trị, và vì thế thống nhất hơn là tạo căng thẳng với các đường bao vuông góc. Ý của tôi là, kể cả với công trình này, Mies vẫn rất thống nhất. Tôi không cho rằng đó là sự suy giảm hoặc thay đổi tư duy, hoặc ông ấy trở nên nhân văn hơn, ngẫu hứng hơn. Tôi không cho là vậy. 

Với tôi, hiện đại là một mảnh đất màu mỡ, mà cây trái của nó là minh chứng cho sự phát triển của nhận thức của con người. Và dĩ nhiên, sự giải phóng nó khỏi những ràng buộc có tính tập thể, giáo điều. Có những trường phái, phong cách, chủ nghĩa đã được gọi tên: organic architecture (kiến trúc hữu cơ), international style (phong cách quốc tế), brutalism (chủ nghĩa thô mộc), functionalism (chủ nghĩa công năng) … và sẽ tiếp tục được gọi tên. 

Đột nhiên, căn nhà mùa hè của Alvar Aalto hiện lên trong tâm tưởng của tôi. Giữa rừng thông nhìn ra phía hồ, bức tường gạch trần phủ sơn trắng để lộ khoảng sân trong. Trên nền gạch, những đường cỏ chạy, cây dây leo bao phủ. Hơn 50 loại gạch kèm với các cách xếp đặt khác nhau, chúng giống như những phong cách và chủ nghĩa mà anh nói tới, sẽ còn được gọi tên. Tất cả đang cùng tụ họp quanh nhóm lửa tinh thần của “tính hiện đại”. 

Chú thích: 
(1) Nguyễn Tuấn Khanh, Bước Đường Của Cải Lương (California, Viện Việt-Học, 2014), 83. 
(2) Jurgen Habermas, “Modernity - An Incomplete Project",  trong Architecture theory from 1968 edited by K. Micheal Hays (The MIT Press, 1998). 
(3) Peter Eisenman, "Post-Functionalism", trong Architecture theory from 1968 edited by K. Micheal Hays (The MIT Press, 1998). 
(4) (5) Kenneth Frampton, Modern Architecture (Thames & Hudson, 2007), 9 - 142. 
(6) Alain de Botton, The architecture of happiness (Vintage, 2008), 66. 
(7) (8) (9) Francoise Choay, Masters of World architecture - Le Corbusier (George Braziller, 1960) 10-11. 
(10) Tim Benton, Le Corbusier - Le Grand (Phaidon Press, 2019). 
(11) Robert Venturi, Complexity and Contradiction in architecture (The Museum of Modern Art,1977) 50. 


No comments:

Post a Comment