Thuật chắp nhặt - Bricolage

Lời quê chắp nhặt dông dài 
Mua vui cũng được một vài trống canh 
- Truyện Kiều, Nguyễn Du 

Lý do để bricolage trở nên hấp dẫn ở đương đại, phổ biến hơn ở đương đại là bởi hai yếu tố. Thứ nhất, sự chuyên môn hoá đã dần trở nên lỏng lẻo hơn, ranh giới của các ngành nghề đã trở nên mờ nhạt hơn, cho phép những phép lai là kết quả của những cuộc hôn phối đa ngành. Thứ hai, thời kỳ hậu công nghiệp trở thành một mảnh đất màu mỡ cho những “sản phẩm” phi-sản xuất công nghiệp vốn đã dần trở nên nhàm chán vì sự giống nhau hàng loạt, cũng như vì sự bóng bẩy, hoàn hảo của chúng. Xét về bản chất bricolage là sự trở lại với thực hành thời tiền sử khi các công cụ còn đang trong quá trình hoàn thiện hay trong những điều kiện thiếu thốn mà ở đó trí khôn con người được kích hoạt theo một cách thức rất đặc biệt. 

Tôi không tìm được từ đồng nghĩa tiếng Việt cho bricolage, ngoài một số những định nghĩa mang tính chất giải thích, ví dụ như “bricolage là thủ pháp kết hợp những yếu tố đa dạng”. Một số những công trình có sử dụng thủ pháp bricolage mà tôi biết không thể được bao hàm trong cách giải thích ở trên, nghĩa là khác với nghĩa đen mà bricolage chứa đựng. Vì thế, tôi vẫn rất trông đợi một phân tích từ nguyên học* từ phía anh!

Rất sẵn lòng! Danh từ tiếng Pháp bricolage này từ đâu mà có cùng với các tiếp-nhánh của nó (bricoler, bricoleur …) là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, có một giải thích thuyết phục rằng bricolage được ghép bởi /bric/ (tách từ /bric-à-brac/): “mảnh vụn vứt đi”, cộng với /collage/: colle là “thuật dán giấy bằng keo" (1). Tựu chung lại, có thể tạm dịch bricolage là chắp dán những “mảnh vụn vứt đi". 

Cũng giống như anh, tôi đã mất một thời gian khá dài tìm cách dịch bricolage sang Tiếng Việt. May mắn thay, trong một diện kiến tình cờ với một khảo luận về Levi-Strauss - nhà nghiên cứu nhân học đầu tiên đề cập đến khái niệm bricolage, tôi đã tìm được một kiến giải về cách dịch từ này (2). Không quá xa lạ, ta có thể tìm thấy đáp án trong hai câu thơ cuối của Truyện Kiều (Lời quê chắp nhặt dông dài). Đó là “chắp nhặt". Từ ghép “chắp nhặt", bao hàm nghĩa của từ “chắp dán” lẫn “nhặt nhạnh” những mảnh vụn đã vứt đi. Vậy bricolage, theo đề xuất của tác giả khảo luận, có thể dịch sang tiếng Việt là “thuật chắp nhặt". 

Giống như cách mà Truyện Kiều đã nhặt nhạnh những vụn vặt vỡ nát của cổ văn, điển tích làm thành một bài thơ trường thiên bất hủ? (3)

Chính xác là vậy. Nhưng không chỉ dừng lại ở nghĩa đen của thuật chắp nhặt này, giống như đề xuất của anh ở trên, có những tính chất của bricolage khiến nó trở nên quan trọng. Với những bài luận rất nổi tiếng của mình, Levi-Strauss đã phân biệt giữa kỹ sư (engineer) và bricoleur, đó là “trong khi kỹ sư làm việc với vật liệu và dụng cụ đã được cung cấp và đôi khi được sáng tạo cho mục đích của một dự án cụ thể, thì bricoleur hoạt động trong một thế giới bị đóng chặt (closed) và anh ta xoay trở (makes do) với cái sẵn có" (4). 

Tôi được biết rằng đối với người Hy Lạp cổ đại, bricolage là một dạng thông minh, khác với trí thông minh logic mà chúng ta được biết. Đó là một cách nghĩ và vận hành phía dưới bề mặt, đắm chìm vào quá trình thực hành. 

Nói một cách chính xác, người Hy Lạp gọi dạng thông minh bricolage này dưới cái tên metis. Không giống như logic, metis không sản sinh ra bất kỳ hệ thống triết học nào, cũng không có những văn bản giải thích tính chất, nguồn gốc, hay thậm chí khái niệm của nó. “Metis tới và lui giữa cái tri biết và cái tri giác (the intelligible and the sensible)... không giống như kỹ thuật (engineering), nó không thích hợp với sự đo lường nghiêm ngặt, với những tính toán chính xác và logic khắt khe” (5).

Metis, như anh nói, là một cái gì đó có thể được gọi tên như là sự nhạy bén, nhạy cảm của tâm hồn, hoặc trực giác. Có một chút mánh khóe trong đó, một biệt tài xoay trở trước những tình huống bất ngờ, biết nắm bắt cơ hội. Tôi nghĩ có thể gọi nó bằng một từ dân gian như là “khôn lỏi", hoặc là “ứng biến" ...

Những tính chất mà anh vừa nêu lên ở trên cũng rất trùng khớp với một số trong 10 đặc điểm của ad hoc (một từ Latin dành cho bricoleur) đã được Charles Jenks đề cập trong quyển sách đầu tiên giới thiệu khả năng đặc biệt này cho giới kiến trúc sư. Mặc dù được viết với một ngôn ngữ hùng biện thái quá cho một thế giới đa hoá trị chống lại tuyên ngôn đại đồng của chủ nghĩa hiện đại, Adhocism - The case for improvisation đã khái quát hoá những đặc điểm quan trọng của “thuật chắp nhặt" và gợi ý một số cách thức thực hành thú vị. 

Tại sao lại sử dụng ad hoc nếu chúng ta đã có bricoleur? 

Bởi vì ad hoc, trong nghĩa đen của nó, bao hàm “sự tuỳ cơ ứng biến" mà bricoleur dường như thiếu vắng. Ad hoc được sinh ra nhờ sự kết hợp giữa một bên là nhu cầu (cấp bách/ hạn chế về thời gian) và một bên là một hạn chế về mặt công cụ chuyên môn, mà bởi vì thế phải nhờ đến sự kết hợp của những những thứ sẵn có (ready to hand) (6). Hãy nghĩ đến những cấu trúc tự chế: xe trái cây, gánh hàng rong, một chiếc giá để sách từ gỗ vụn, nơi ở dựng nên tạm bợ của những người vô gia cư … chúng là những cấu trúc ad hoc - có tính ứng biến. 

Giống như Smiljan Radic đã “ứng biến" với chiếc bánh donut - mô hình cho Serpentine Pavilion 2014 của mình. Khi những khoảng mở lên trên chiếc bánh quá lớn, có nguy cơ làm sụp đổ cấu trúc, đứng trước áp lực phải làm dày thêm lớp vỏ để tăng cường sự ổn định, Radic đã tiến hành một giải pháp vô cùng đơn giản: “Khi một thứ gì sắp sụp đổ, hãy chống nó lên bằng những cái cây". Y hệt với cách mà những đứa trẻ đã làm với chiếc lều của chúng. Và vì thế mà cấu trúc của pavillion có một hệ phụ trợ bao gồm hai cây cột chống, thậm chí còn được làm cho nổi bật bởi những dấu thập lớn trên đỉnh. 

Smiljan Radic là một bậc thầy của bricoleur. Sự tình cờ, tính nhất thời hay các cấu trúc tự chế đã nhiều lần được ông ca ngợi thông qua các tiểu luận của mình. Đơn cử như trong Fragile Fortune, ông viết “như kẻ lang thang, cấu trúc dễ vỡ (fragile construction), lạc khỏi lối đi thông thường, mặc lấy màu sắc của khung cảnh, bằng cách cóp nhặt cái mà nó cần trong một tình thế thảm họa tập thể. Nó bộc lộ hình dạng, bề mặt, những chi tiết không kiểm soát, tan vào trong một khung cảnh cứng rắn, một khung cảnh bị chiếm dụng hoặc bị thu thập, cái mà vẫn chầm chậm cào xé và hoà tan nó, cải tạo nó thành một phế tích mờ ảo” (7). Cũng giống như cách viết của Radic, công trình Casa Chica - một cấu trúc dễ vỡ được tạo ra từ việc nhặt nhạnh từ bối cảnh và lắp ghép lại, là một vật thể thi ca (poetic object) không thể chối cãi. 

Nếu kết quả của thuật chắp nhặt của Smiljan Radic là thi ca, tôi sẽ gọi các collage của Frank Gehry là siêu thực. Trong căn nhà cho chính mình ở Santa Monica, ông đã tham gia vào một trò chơi thủ công với căn nhà cũ: cắt bỏ, che giấu, và hé lộ. Điều duy nhất ông không thực hiện đó là cố gắng để cho căn nhà trở nên nghiêm túc. Cuối cùng, xuyên qua những “cắt dán”, các bộ phận của căn nhà cũ lộ ra theo cách đã được biên tập lại, các yếu tố không liên quan sắp đặt cạnh nhau tạo cảm giác siêu thực. 

Trên thực tế, trường phái nghệ thuật siêu thực (surrealism) khi được nhìn thấy đầu tiên cũng là cuộc hôn phối vô lý, sự tổng hợp của những thứ không thể thích nghi lẫn nhau. Trước đó không lâu, trường phái lập thể (cubism) mà ở đó các đối tượng của nó “mổ xẻ, phân tích và kết hợp lại trong một hình thức trừu tượng" cũng lại một lần nữa hé lộ dáng dấp của thuật chắp nhặt. 

Tôi có một thắc mắc liên quan đến chắp nhặt (bricoleur) và chiết trung (eclectic). Cả hai dường như là sự kết hợp của các yếu tố không liên quan lẫn nhau vào trong một trật tự? 

Đó là lý do tôi đề xuất thêm ad hoc vào. Ad hoc cho thấy tính tức thời của hành động. Nhưng nếu phân tích kỹ từ ngữ, ta cũng có thể thấy “chiết trung” miêu tả một quá trình tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng trong việc kết hợp các yếu tố khác biệt nhau. Các yếu tố này thậm chí là những tinh hoa, những bảo vật. Trong khi đó, chắp nhặt cố gắng tận dụng những thứ sẵn có, thậm chí đã bị vứt bỏ mà vì thế cần những quyết định nhanh chóng, dứt khoát. Thêm vào đó, eclecticism là một thực hành có điểm kết thúc nằm ở sự hoàn hảo của một bố cục. Trong khi, bricolage đôi khi là một quá trình không ngừng tiếp diễn mà công viên trên cao Highlines ở New York là một ví dụ cho sự tiến hoá theo thời gian của nó. 

Tôi nghĩ có thể rút ra từ công trình Tokyo Technological University Hall của Kazuo Shinohara một đặc điểm phân biệt giữa chiết trung và chắp nhặt, hay bricolage và eclecticism. Đó là các thành phần thực hiện chức năng riêng lẻ của mình, và không có một nhu cầu nào cho sự thống nhất, hay hài hoà về mặt hình thức giữa chúng. Một hình bán nguyệt xuyên ngang khối hộp chữ nhật công trình tạo ra cho không gian cafeteria một nội dung siêu thực và choáng ngợp. Các hình trụ giao thông đứng biệt lập, nối với khối chính qua những hành lang lộ thiên, thậm chí còn được làm cho nổi bật với màu sắc. Shinohara từng tiết lộ, giai đoạn này, ông bị ấn tượng bởi thiết kế của chiếc máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ Tomcat F14 - một tổ hợp các hình dạng khác biệt, gắn kết một cách vụng về mà vì lẽ đó thực hiện chức năng với hiệu quả tối ưu (8). 
Đúng là với ví dụ trên, anh đã chứng minh được rằng không hẳn hạn chế về mặt thời gian mới là yếu tố làm nên thủ pháp bricolage, mà là ở tinh thần của nó. Không ai có thể nói rằng Mars Exploration Rover của NASA là kết quả của một quyết định chớp nhoáng mà là ngược lại, dĩ nhiên nó đòi hỏi nhiều nghiên cứu và thực nghiệm. May mắn của con robot không gian này là nó không phải chịu áp lực của một vẻ ngoài thống nhất, những thành phần của nó tự do phát huy tối đa sức mạnh thông qua những hình dáng thích hợp cho từng chức năng chuyên biệt.

Vậy là ở đây có hai dạng thực hành bricolage khác nhau. Dạng thứ nhất là chắp nhặt các hình dạng khác nhau để tối ưu hóa công năng. Dạng còn lại, như chúng ta đã trao đổi từ đầu, phụ thuộc nhiều vào các vật thể được tìm thấy (found-object), và nhất thiết kèm theo nó là những quá trình tráo đổi khái niệm. “Mọi thứ đều có thể trở thành một thứ gì khác" (9). 

Để làm được như vậy, người thực hành bricolage phải trang bị cho mình một khả năng đặc biệt, giống như khả năng ứng biến của một diễn viên hài kịch. Những cú rẽ ngoặt tư duy đòi hỏi không chỉ sự sáng tạo nhưng một bộ óc khôi hài có năng lực phát hiện và dung nạp các khả thể khác nhau của sự vật và hiện tượng. Bởi vì, suy cho cùng, “xã hội là một công trình có tính chắp nhặt (bricolage), một vở hài kịch không bao giờ kết thúc mà nhờ đó các tồn tại và vật thể bện chặt vào nhau" (10). 


Chú thích 

(1) (2) (3) Trần Ngọc Ninh, Khảo luận Sự nghiệp, tư tưởng và hương hỏa của một nhà đại tri thức: Claude Lévi-Strauss (http://www.viethoc.com/Ti-Liu/bien-khao/khao-luan/su-nghiep-tu-tuong-va-huong-hoa-cua-claude-levi-strauss)
(4) (5) Irenee Scalbert and 6a architects, Never modern (Park Books, 2013). 
(6) Charles Jencks and Nathan Silver, Adhocism: The case for improvisation (The MIT Press, 2013).
(7) Smiljan Radic, Every So Often a Talking Dog Appears and Other Essays: 2G Essays ( Walther König, 2019)
(8) David B.Steward, What was history for Kazuo Shinohara? An adapted question and answer with David B. Steward (https://www.cca.qc.ca/en/articles/issues/25/a-history-of-references/53966/what-was-history-for-kazuo-shinohara). 
(9) Charles Jencks and Nathan Silver, Adhocism: The case for improvisation, ?.
(10) Irenee Scalbert and 6a architects, Never modern, ?

No comments:

Post a Comment