Con đường tìm kiếm sự "bất tử" và "viên mãn" này của các nhà giả kim kiến trúc ghi dấu chân Le Corbusier qua tác phẩm The poem of the right angle (tạm dịch: Bài thơ thẳng góc) sáng tác trong 7 năm từ 1947 đến 1953. Có quy cách gần như là một ghi chép giả kim, tập thơ hoạ bao gồm 16 bức tranh diễn giải triết lý liên quan đến thủ pháp thẳng góc (right angle) - vốn rất quen thuộc trong các mặt đứng tỉ lệ của Le Corbusier. Không dừng lại ở đó, ngôn từ huyền bí cộng với hình ảnh mang tính biểu tượng và trừu tượng của tác phẩm còn tiềm ẩn sức khơi gợi lớn lao vượt ngoài khuôn khổ, mà ví dụ của nó sẽ được xem xét ở đây, trong The House for the Poem of the right angle (Ngôi nhà cho Bài thơ Thẳng góc) - kiến trúc sư Smiljan Radic.
(có thể đọc Bài thơ Thẳng góc ở đây )
Smiljan Radic đã chọn thẻ C2, mục Flesh (Xác thịt) của tập thơ làm bối cảnh cho công trình (hình trên):
C2 - Flesh - The poem of the Right angle - Le Corbusier |
Trích đoạn trong thẻ C2:
Có vô số người
ngủ nhưng những kẻ khác biết
mở mắt ra.
Bởi vì nơi trú ẩn thâm sâu là ở trong
hang đá vĩ đại của
giấc ngủ phía bên kia
sự sống ở trong đêm tối
Hình ảnh bàn tay mở ra với ngón cái duỗi vuông góc với các ngón còn lại ( thẻ F3 - Offering) là biểu tượng quen thuộc của sự thẳng góc, xuất hiện ở nhiều công trình của Le Corbusier. Riêng với ngôi nhà cho Bài thơ Thẳng góc, hình ảnh này được nhắc lại theo một cách thức đặc biệt. Bàn tay nắm thay vì mở có thể được nhận diện dễ dàng nơi mặt bằng tổng thể công trình. Trên thực tế, hình ảnh ngón trỏ duỗi thẳng hợp với phần còn lại một góc 90 độ vẫn chứa đựng yếu tính của sự thẳng góc. Chỉ có điều, lúc này Offering (trao tặng) đã chuyển thành Signaling (chỉ dẫn).
Bên cạnh mặt bằng, yếu tố thẳng góc được nhìn nhận rõ ràng nhất là thông qua những hình nón cụt nhô ra khỏi lớp vỏ. Tán của những cành cây xung quanh được thu tóm vào công trình qua một cái nhìn rất đỗi "hang động". Ở bên trong, những hình nón này gây cảm xúc mạnh mẽ hơn vì động tác xé toạc vật liệu gỗ để lộ phần tường sơn trắng nhằm gia tăng yếu tố phản quang. Sự thẳng góc ở đây vì thế mà không còn là một sắp đặt tĩnh tại nhưng một hành động có tính bạo lực, bộc phát, giống như sự dựng đứng của dương vật do một cơn hứng tình đột ngột. Người đàn bà ngồi trần truồng trong thẻ C2 phải chăng chính là nguyên nhân của cơn hứng tình đó? Vậy thì trong công trình, hành động thẳng góc đột ngột của các cấu trúc nón cụt này có nguyên nhân kích thích là gì?
Quan sát mặt cắt ngôi nhà, phần sàn công trình và mặt đất tách biệt nhau ở một số vị trí còn cho thấy ảnh hưởng to lớn của bài thơ lên công trình. Với Le Corbusier, phần không gian bên dưới mặt đất chứa đựng nhiều bí ẩn. Đơn cử là Ở thẻ B2, ông đã vẽ một con cú, biểu tượng cổ điển của sự thông thái, ở trong lòng đất cạnh bên hệ móng, điều tương tự cũng có thể tìm thấy ở thẻ B3. Trong ngôi nhà cho Bài thơ thẳng góc, Smiljan Radic không san phẳng khu đất dù chiều cao chênh lệch là tương đối nhỏ. Thế nhưng, ông chủ đích để cho hệ móng nhô ra khỏi mặt đất tạo một khoảng hở giữa sàn nhà và nền đất tự nhiên. Thủ pháp này không hẳn (hay thậm chí là không phải) phục vụ cho mục đích nhân văn của việc hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, nhưng mở ra một khả thể của "cái gì đó khác" thay đổi tư duy của chúng ta về khái niệm quen thuộc mà ở đó diện sàn lâu nay vẫn được thừa nhận là lằn răn giới hạn công trình kiến trúc.
No comments:
Post a Comment