Đương đại

Sự đương đại (contemporariness) là mối quan hệ độc lập với thời gian của một cá nhân, người này vừa tham dự (adhere) vào sự đương đại và đồng thời, vừa giữ khoảng cách với nó. Nói chính xác hơn, [sự đương đại] chính là mối quan hệ với thời gian, trong đó việc tham gia vào thời gian được thực hiện thông qua sự ngắt quãng (disjunction) và lệch đại (anachronism). Những kẻ đồng thời trùng khớp với thời đại, những kẻ hoàn toàn bện siết với thời đại ở mọi mặt, không phải là đương đại (contemporaries), chính xác là vì họ (những kẻ được xem là đương đại) không tìm cách để thấy sự đương đại; (vì) họ không có khả năng để đối diện với nó. 
What is the apparatus - Giorgio Agamben 

 1.
Chúng ta đang ở vào một thời kỳ không thể định dạng. Các biên giới trở nên mờ nhạt và các khái niệm không ngừng va chạm nhau. Thật khó để xác định một hướng đi rõ ràng về tương lai.


Chỉ một ví dụ đơn giản có thể cho thấy tình huống mà kiến trúc đang đối mặt. Nếu như ở thế kỷ trước, chúng ta dựa vào tỉ lệ con người để tiêu chuẩn hoá thiết kế thì vào thời điểm hiện tại, khái niệm này gần như là lỗi thời. Kích thước đã bị kéo dãn và nén chặt đến cực hạn, như câu chuyện về những hạt thông tin có thể di chuyển trên một khoảng cách ở quy mô lục địa chỉ trong nháy mắt - một kích thước cực nhỏ được vận chuyển qua một khoảng cách cực lớn. Kiến trúc ở một bờ vực chơ vơ nơi mà những giá trị có tính nền tảng của nó đã bắt đầu rạn nứt. 

Tôi lại nghĩ rằng vấn đề là ở chỗ, nền tảng mà chúng ta đã tin tưởng thực chất có phải là nền tảng hay không, vì nền tảng thì không thể rạn nứt - điều này là mâu thuẫn tự trong bản chất. Nhưng đầu tiên, một câu hỏi có tính nền tảng cần phải trả lời trước khi chủ đề này được làm rõ hơn, chính là: “Đương đại” là gì? Phải chăng nó thực chất là “một khái niệm về mối quan hệ độc lập với thời gian của cá nhân" như trích dẫn trên của Giorgio Agamben? Vậy theo đó, kiến trúc đương đại là gì? Phải chăng có thể xem kiến trúc đương đại như là một thời kỳ đứng sau “Hậu-hiện đại"?

Định nghĩa của Giorgio Agamben đã đưa ra một từ khoá then chốt, đó là “mối quan hệ”. Xin được nhắc lại, “đương đại là mối quan hệ với thời gian của một cá nhân”. Chính vì tính chủ quan của mối quan hệ này, mà chúng ta không thể khái quát hóa đương đại thành một thời kỳ lịch sử. Nếu ai đó phát biểu đại diện cho đương đại, thì họ đang nhân danh một nhóm nhỏ loài người (vẫn là chủ thể) gắn kết trong một mối quan hệ chủ quan với thời gian. Trên thực tế, “đương đại" là một khái niệm chủ quan, và thậm chí - phi-lịch sử. Trong khi các thời kỳ khác có khởi đầu và kết thúc, “Đương đại" chỉ có hiện hữu gắn chặt với một chủ thể vừa ở trong nó, vừa tách ra khỏi nó, vì thế mà, nó không thể là một thời kỳ trong lịch sử kiến trúc. Kiến trúc đương đại, theo tôi, là kiến trúc của mối quan hệ như vậy. Liên quan đến Hậu-hiện đại, tôi thậm chí còn nghi ngờ khả năng mà Hậu-hiện đại có thể xem như là một thời kỳ kiến trúc riêng biệt. 

Hoàn toàn đồng ý. Hãy nhớ rằng trong một phỏng vấn Alvaro Siza đã gay gắt đưa ra nhận định rằng mục đích của việc đối lập hiện đại của Hậu-hiện đại (Postmodern) là sự “giả vờ" để được kết nối vào trong lịch sử (1).

Sự giả vờ nằm ở chỗ, hậu hiện đại tưởng rằng mình đang phê phán hiện đại, nhưng thực tế không phải vậy. Trong tiểu luận Post Functionalism (tạm dịch: hậu chủ nghĩa công năng), Peter Eisenman cho rằng thực chất những tấn công của cái gọi là “Hậu hiện đại" là những tấn công nhằm vào chủ nghĩa công năng (functionalism), còn tinh thần hiện đại vẫn là một công trình dang dở (unfinished project) hay, nói cách khác, kiến trúc hiện đại vẫn chưa hoàn toàn được thực thi (2). 

Nghiên cứu của Peter Eisenman cùng những khám phá của các bậc tiền bối như Rudolf Wittkower và Colin Rowe liên quan đến di sản của KTS Phục Hưng Palladio chứng minh rằng tính hiện đại đã có mầm mống từ trước tuyên ngôn của Le Corbusier rất lâu rồi. Vì thế mà tôi vô cùng tâm đắc với nhận định, lại một lần nữa, của Alvaro Siza, không có phát minh hay cái mới trong kiến trúc, chỉ có sự kết nối lịch sử (3).

2.
Sự kết nối lịch sử này, phải được hiểu như thế nào? Có phải là cách mà Phục Hưng đã phục hồi và chấn hưng kiến trúc Roman? 

Sự kết nối lịch sử này dĩ nhiên được soi rọi dưới ánh sáng đương đại, trong mối quan hệ của chúng ta chủ thể với kiến trúc đang xảy ra vào lúc này. Ta có thể dễ dàng bắt gặp hệ lưới và hàng cột, là những yếu tố kiến tạo “kinh điển" của kiến trúc được OFFICE KGDVS sử dụng. Công trình City Villa ở Brussel là yêu thích đặc biệt của cá nhân tôi. Ở đó người ta sẽ bắt gặp hệ lưới và hàng cột phối hợp cùng nhau trong việc kiến tạo các không gian kiến trúc đồng đẳng. Hệ cấu trúc có tính kiến tạo này đi từ ngoại thất vào nội thất với mục đích thống nhất khu đất và công trình. Việc nhân đôi diện tích sàn trệt và giữ nguyên phần công trình phía trên với mái dốc và ban công cửa sổ đặc trưng của những thế kỷ trước giống như việc người ta thêm một cái bục, hay đế cao khi trưng bày vậy. Ở đây là trưng bày một tàn tích kiến trúc. 

Trong một bài phỏng vấn, OFFICE KGDVS cho biết họ sử dụng những yếu tố “hệ lưới” (grid) hay “hàng cột" (colonnades) như là “những công cụ để nắm bắt và kiểm soát một không gian cụ thể” chứ không nhằm khơi gợi bất kỳ một mối liên hệ cảm xúc, hay biểu tượng đối với một giai đoạn kiến trúc cụ thể nào (4). Đó phải chăng là điều anh muốn nói?

Sự học hỏi quá khứ của OFFICE KGDVS luôn có tính biện chứng. Họ không chỉ là những tay buôn đồ cổ giới thiệu một chiếc bình gốm đã hàng nghìn năm tuổi trong một sắp đặt hiện đại, nhưng họ còn là Ai Wei Wei có khả năng đập nát chiếc bình chỉ để cho thấy cái rỗng không của sự chứa đựng. Họ là những kiến trúc sư đương đại theo con đường tham khảo lịch sử. Hay tôi có thể gọi họ, những nhà kiến trúc cổ điển. 

Có thể tóm tắt một cách ngắn gọn cách học hỏi lịch sử của các kiến trúc sư đương đại có tính cổ điển (classical) bằng phát biểu sau của Kersten Geers “chủ nghĩa cổ điển tốt (good classicism) thì không phải là chủ nghĩa hình thức" (5). 
Nếu như Office Kersten Geers quan tâm đến các cấu trúc kiến trúc kinh điển, thì, ở một góc nhìn khác về lịch sử, Go Hasegawa bày tỏ sự say mê đối với các yếu tố kinh điển phi vật chất, cụ thể ở đây là về “tỉ lệ". 

Tôi có thể cảm nhận một sức căng tâm lí tạo ra bởi những tỉ lệ này trong công trình của Go Hasegawa, rõ ràng là chịu ảnh hưởng rõ nét bởi những nén-giãn không gian đặc trưng của Kazuo Shinohara. Điều tôi chắc chắn là “tỉ lệ” này không phải là “tỉ lệ vàng" hoặc dựa trên kích thước của một con người nào cả. 

Vâng, tỉ lệ mà Go Hasegawa hướng đến là một tỉ lệ có tính tương đối. Anh mong muốn “tạo ra một dạng công thức dành cho tỉ lệ, tỉ lệ dành cho tường thuật (narrative) hoặc mối quan hệ … một dạng chuyện kể tạo bởi những tỉ lệ … Những loại tỉ lệ này cực kỳ cụ thể và chúng bắt đầu nói lên điều gì đó” (6).  “Đây là một sự dịch chuyển mô hình đối với tôi, từ tỉ lệ có tính giáo điều sang tỉ lệ như là một tường thuật”- Go Hasegawa kết luận (7). 

3.
Trong quá trình hùng biện cho việc tham khảo lịch sử của mình, Go Hasegawa đồng thời đã đưa ra những nhận định về “cái mới" (newness), đang được khai thác triệt để trong kiến trúc đương đại Nhật Bản: “Khát vọng của con người cho “cái mới" là điều gì đó đáng được trân trọng. Chúng ta cần có cái mới để cải thiện tính cứng nhắc và tính đơn nhất trong những giá trị xã hội chúng ta. Cái mà tôi thấy khó chịu (disturbing), mặc dù vậy, là khi sự ái mộ của cái mới này làm thành mục đích vượt thắng cái vừa mới xuất hiện bằng cách thay thế nó với cái phiên bản “hậu-”. Rất thường xuyên những kiến trúc sư Nhật Bản đã tạo nên lịch sử của riêng họ bằng cách làm lu mờ những bậc thầy hay thế hệ đi trước. Đây là kiểu kiến trúc sư với nhận thức rằng kiến thức phát xuất không phải từ công sức (undertaking) tập thể nhưng từ một vài cá nhân kiệt xuất, kiến trúc Nhật Bản ngày nay đã bị thống trị bởi tư tưởng của cái “hậu -”, và điều đó, tôi tin rằng đã bỏ bùa chúng tôi với một góc nhìn thiển cận về lịch sử” (8). 

Đúng là có một tinh thần của cắt đứt lịch sử thông qua sự ngợi ca “cái mới" được gợi lên từ một số cái tên rất được yêu thích ngày nay như Junya Ishigami hay Sou Fujimoto. Tuy nhiên, đó là do những diễn ngôn kiến trúc chứ không phải là bởi thực hành của họ. Nếu gạt bỏ những ấn tượng bề mặt, những câu chuyện cliche của ý tưởng, hay bỏ qua chính những “diễn ngôn" có phần tư biện của KTS (Kiến trúc và tự nhiên, etc), ta gạn lọc được những truy vấn có tính kiến trúc (architectonic) đáng lưu ý trong các công trình của họ. Những truy vấn căn cơ về vật liệu, mối quan hệ trong ngoài, các kích thước bị đẩy đến cực hạn là những nghiên cứu rất bản thể kiến trúc theo một nghĩa nào đó. 

Anh cho rằng vấn đề nằm ở phát ngôn chứ không phải thực hành của các KTS này? 

Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ tôi không tin, giống như Alvaro Siza, rằng có một thứ gì có thể được cho là thực sự “mới" và rời bỏ hoàn toàn quá khứ. 

Thế còn “cái mới” mà Adam Caruso đã đề cập trong tiểu luận “Sự chuyên chế của cái mới”? Trợ giúp công nghệ đã cho phép chúng ta có quyền xa rời các không gian phi- Descartes và thao túng những bề mặt phức tạp trên máy tính, mở ra kỷ nguyên của “những hình thức kiến trúc hoàn toàn mới", như thành tựu mà Parametrism đã thiết lập khắp nơi (9)? 

Ở đây anh vẫn chưa thoát khỏi sự nhập nhằng giữa “cái mới" mà tôi muốn nói đến và việc công trình trông “cũ" hay “mới". Bây giờ hãy nhớ lại công trình Villa Harem của Olgiati. Bố cục sân trong hình chữ nhật có mặt nước quây quanh bởi tường không gợi nhớ anh tới cung điện Alhambra ở Tây Ban Nha hay sao? Với vật liệu, đường nét và bối cảnh thay đổi, có thể nói công trình là “mới" so với Alhambra trên phương diện hình thức. Còn thứ làm cho công trình của Olgiati trở nên “mới" về mặt bản chất, thì chắc hẳn phải là thủ pháp đối với bức tường bị nghiêng đi từ một độ cao xác định. Yếu tố có tính kiến trúc này không chỉ thay đổi suy nghĩ của chúng ta về mối quan hệ trong ngoài, mà còn là sự cật vấn với lực cơ bản của kiến trúc là trọng lực. 

Vậy là, dầu Olgiati liên tục hùng biện cho “cái mới" và phát minh, ta vẫn tìm thấy, bên cạnh những cải cách “gợi nhiều suy tưởng", nhiều dấu hiệu có tính kế thừa lịch sử. Kiến trúc không liên tưởng của ông hướng dẫn chúng ta cách thức để tham khảo lịch sử nhiều hơn là ngăn cản việc học hỏi từ quá khứ. 


Chú thích 
(1) Go Hasegawa, Conversations with Western Architects  (LIXIL Publishing, 2015). 
(2) Rafael Moneo, Theoretical Anxiety and Design Strategies: In the work of eight contemporary architecture (The MIT Press, 2004). 
(3) Go Hasegawa, Conversations with Western Architects  (LIXIL Publishing, 2015). 
(4) (5) (6) Defining Criteria, Edited by Marina Montresor and Stephan Lando 
(7) (8) Go Hasegawa, Conversations with Western Architects  (LIXIL Publishing, 2015). 
(9) Adam Caruso, The feeling of things (Distributed Art Pub Incorporated, 2008). 




No comments:

Post a Comment