Thiêng & Phàm


“Tôi cho rằng nhiệm vụ của thế kỷ sau, đối diện với sự đe dọa khủng khiếp nhất mà nhân loại từng biết tới, sẽ phải tái hội nhập cùng với thánh thần.” - André Malraux

Trước hết, có một nhu cầu cần thiết cho việc làm rõ khái niệm “thiêng" vì phần lớn chúng ta thường có xu hướng đánh đồng “thiêng" với kinh nghiệm tôn giáo hay thực hành tôn giáo.

Trên thực tế, con người chúng ta đã từng có sự gắn bó sâu sắc với cái thiêng trước khi lý trí loài người chia cắt tất cả (1). Một cách nghịch lý, đó chính là sự xuất hiện của các tôn giáo đã đặt một lằn răn cho đời sống thế tục và đời sống thiêng liêng mà ở đó sự thiêng được cho rằng chỉ có thể đạt tới thông qua các nghi lễ tôn giáo. Tiếp đến, Kỷ nguyên Ánh Sáng vào thế kỷ 18 -một mặt phản kháng sự áp bức của nhà thờ cũng như các thể chế toàn trị, vì thế mà, mặt khác, tuyên truyền cho khoa học - đã thủ tiêu hoàn toàn cái thiêng khỏi đời sống con người. 

Tại sao việc gắn bó với cái thiêng lại có ý nghĩa quan trọng? Khoa học nhân danh chân lý để phủ nhận sự phụ thuộc con người vào các thế lực siêu nhiên chẳng phải là sự tiến bộ?

Càng mở rộng khả năng giải thích các sự vật và hiện tượng, khoa học càng chạm phải nhiều khúc mắc và bí ẩn. Nghịch lý này có thể được giải thích bằng câu chuyện về vòng tròn của Albert Einstein. Khi một học trò tán dương sự hiểu biết của Eistein, ông đã bất ngờ khẳng định rằng, điều ông không biết còn nhiều hơn điều người học trò không biết. Để giải thích, nhà bác học lấy ví dụ về một hình tròn tượng trưng cho sự hiểu biết của anh học trò, và một hình tròn lớn hơn bao lấy hình tròn nhỏ tượng trưng cho sự hiểu biết của chính mình. Thiên tài khoa học sau đó cắt nghĩa rằng nếu như vậy thì đường kính tiếp xúc với cái không biết của ông cũng sẽ tương ứng lớn hơn rất nhiều với đường kính tiếp xúc với cái không biết của anh học trò. Nếu Albert Einstein là đại diện của khoa học, chúng ta có thể thấy ở đây vô tận những câu hỏi không thể có lời giải đáp của con người cho dù khoa học có phát triển tới đâu đi chăng nữa.

Và vì thế mà anh đề xuất quay trở lại với "thánh thần"?

Đó là đề xuất của André Malraux “Tôi cho rằng nhiệm vụ của thế kỷ sau, đối diện với sự đe dọa khủng khiếp nhất mà nhân loại từng biết tới, sẽ phải tái hội nhập cùng với thánh thần”. 

Câu nói sử dụng “tái hội nhập" cũng ám chỉ rằng, chúng ta đã từng hội nhập với thánh thần. Điều đó đã từng xảy ra như thế nào?

Một ví dụ đơn giản như này. Đối với nhận thức của con người hiện đại chúng ta, một hành động sinh lí xã hội chẳng hạn như ăn uống, tính dục … tựu chung lại chỉ là một hiện tượng hữu cơ của một loài vật. Nhưng đối với người nguyên thuỷ, “hành động như thế chẳng bao giờ đơn giản là sinh lí xã hội; nó là, hoặc có thể trở thành, một bí tích, đó là, một sự đối thoại với cái thiêng” (2). 

Nhà văn Nhật Bản Murakami chia sẻ rằng hoạt động tình dục là một cam kết tinh thần trong các tác phẩm của ông. Nơi đó, những nhân vật nữ được xem như những bà đồng-tiên tri có khả năng, thông qua hoạt động tình dục, hàn gắn những tổn thương và dẫn dắt nhân vật nam chính đến một nơi cao đẹp hơn, tới một thế giới mới (3).

Nhắc đến Murakami, ta không thể bỏ qua nền văn hóa Nhật Bản mà ở đó sự gắn bó với cái thiêng dường như chưa bao giờ bị đứt đoạn. "Tư tưởng vật linh" tiến tới thừa nhận “một bản chất linh hồn cho mọi tồn tại trong vũ trụ, thế giới quan đó kết hợp thiên nhiên với siêu nhiên, thế giới con người với thế giới các loài động vật và thực vật, và ngay cả vật chất và sự sống” vẫn còn gây ảnh hưởng đến ngày nay (4). Thần Đạo - tín ngưỡng và đồng thời là tôn giáo của dân tộc Nhật Bản cũng chia sẻ quan niệm trên, cho rằng mọi vật tồn tại trong tự nhiên đều có thần linh. 

Bàn thờ các vị thần ở một số nơi trên nước Nhật đôi khi chỉ được lập thành bởi một vài viên đá cuội, hay những mảnh vỏ sò có hình thù kỳ lạ. Mọi vật dường như đều có khả năng là hiện thể của cái thiêng. Ở một chừng mực nào đó, đời sống thường ngày của những người dân nơi ấy vẫn duy trì cùng một lúc hai tồn tại thiêng - phàm. Và đó phải chăng là điều chúng ta nên hướng tới? Duy trì hai tình trạng hiện sinh thiêng -phàm của con người? 

Nhu cầu gắn bó với cái thiêng trong đời sống của con người cũng được thể hiện qua Cái bốn của triết gia Martin Heidegger “Ta ở đâu? Ở trên mặt đất! Ở trên mặt đất cũng là ở dưới bầu trời, đối diện với thần linh và cùng với đồng loại. Nhờ một nhất thể sơ nguyên, cái Bốn này - mặt đất và bầu trời, thần linh và con người khả tử - cùng thuộc về nhau trong nhất thể” (5). Trong tác phẩm "Xây, ở, suy tư", Heidegger đã nêu ra định nghĩa về sự "ở" của con người được kiện toàn bằng sự nhận thức Cái Bốn.

Tồn tại của chúng ta không chỉ đơn thuần với một bản ngã con người duy nhất và cô độc. Có những kết nối đã bị đứt và cần phải được hàn gắn lại. Vấn đề là bằng cách nào để chúng ta có thể "tái hội nhập" mà không trở lại thời kỳ mông muội và cuồng tín phủ định hoàn toan chức năng của lý trí?

Heidegger đã gợi ý thế này “Ở là ngóng đợi thần linh như là thần linh của lòng lạc quan, hy vọng. Là không biến những vị thần của mình thành của riêng mình và không sùng bái ngẫu tượng. Trong đáy sâu của vận rủi, ta chờ đợi vết roi sẽ được cất đi. Ngóng đợi thần linh là trải nghiệm sự thường hằng của thời gian và những giá trị vĩnh cửu” (6).  Gắn chặt với sự "ở" của con người là kiến trúc. Liệu nó có thể cung cấp bối cảnh cho sự tái hoà nhập con người với cái thiêng? Hoặc thậm chí liệu chăng có thể tạo ra cái thiêng từ công trình kiến trúc?

Sự thiêng là một trải nghiệm hoàn toàn chủ quan, một trao đổi tinh thần không thể kiểm chứng và có tính cá nhân cực độ. Điều chúng ta có thể trông cậy là một số trải nghiệm thẩm mỹ có khả năng vượt qua thực tại cả không gian và thời gian theo lời kể của những chứng nhân. Chỉ vậy thôi!

Làm cách nào để tạo ra những trải nghiệm thẩm mỹ như thế?

Đầu tiên tôi sẽ nói rằng nó là cái gì đó vượt ra ngoài khả năng tưởng tượng của con người, và khiến chúng ta sửng sốt. Tỉ lệ vượt trội là một yếu tố quan trọng hàng đầu. Ở bên trong, Brother Klaus Field Chapel hẹp dần lên đỉnh khiến cho tôi có cảm giác rằng mình thậm chí có thể được hút lên trên. Tính thủ công là yếu tố thứ hai. Để làm khuôn đổ bê tông, 112 thân cây khác biệt nhau về hình dạng, về bán kính và bề mặt được Peter Zumthor sử dụng. Cuối cùng, chính là vật liệu. Phương pháp đặc biệt để mang gỗ khuôn ra khỏi công trình biến đổi cảm giác vật liệu của bê tông, không thể phân biệt được đó là bê tông hay gỗ. Dường như có một loại vật liệu khác đã được phái sinh. 

Dường như anh quên nhắc đến ánh sáng? 

Tôi cũng có thể nói đó chính là bóng tối, trong trường hợp của Sigurd Lewerentz đối với nhà thờ Saint Peter ở Klippan. Ở đây người ta chẳng thể nào tìm ra công thức của những luồng ánh sáng được rót từ một độ cao thần thánh, mà trái lại, bóng tối trở thành lời mời gọi. Chiếc mái nhiều vòm, hệ khung dầm, cột thép có tính biểu tượng, và những thay đổi cao độ của nền chỉ có thể được cảm nhận dần dần khi thị giác con người từng chút từng chút một phát quang khung cảnh. 

Có hay không sự thiêng trong các công trình phi tôn giáo hoặc tâm linh. 

Nếu vậy tôi có thể quay trở lại với chính Zumthor bằng nhà tắm Vals. Ở đây, cái thiêng được trải nghiệm thông qua cuộc đối đầu trực tiếp giữa cơ thể của người sử dụng và tính chất vật lý của đá thông qua dung môi là nước. Nước, không nghi ngờ nữa, là vật chất cơ bản nhất, và vì thế thuần khiết thiêng liêng. Trong khi đó, đá là hiện thân của vĩnh cửu, trường tồn. 

Ở thái cực đối lập với cái thiêng, những công trình nhà ở gần như là hiện thân của cái phàm bởi nó gắn liền với những sinh hoạt có tính thế tục. Nhưng đồng thời, nhà ở cũng là nơi mà cái thiêng có thể đạt đến cực hạn khi mà con người dễ bước vào trạng thái cô độc. Với những ngôi nhà ở giai đoạn đầu của mình, Shinohara thường tạo ra những không gian giản lược để đạt sự trừu tượng. Trừu tượng hoá gọt bỏ đi những giá trị có tính cá thể để đưa về phổ quát. Ở giai đoạn sau với không gian “fissure" (khe nứt), Shinohara chủ động tạo ra một ngắt quãng phi chức năng, là một không gian, theo tôi, bỏ ngỏ những tra vấn hiện sinh. 

3. 
Những điều anh trình bày ở trên đang ngầm ám chỉ rằng Kazuo Shinohara có chủ đích đặt trọng tâm vào các yếu tố thiêng trong công trình? 

Không chỉ Shinohara mà tất cả các kiến trúc sư bậc thầy luôn dành cho cái thiêng một thứ tự ưu tiên. Và tôi cho rằng tất cả các kiến trúc sư đều nên như thế, không chỉ bởi sự toàn vẹn trong tình trạng hiện sinh của con người, sự cân bằng giữa thiêng phàm. Mà quan trọng hơn hết là bởi cái thiêng chứa đựng giới hạn của công trình kiến trúc. Đó chính là sự trường tồn. Và vì thế mà chúng ta luôn hướng về nó với một niềm mong mỏi và sự vận động không bao giờ ngơi nghỉ.

Tôi đã từng rất tò mò về những công trình tôn giáo được thực hiện bởi Le Corbusier. Với Ronchamp, phát ngôn của ông về việc chiếc mái của công trình lấy ý tưởng từ một cái vỏ cua nhặt được trên bờ biển Long Island dường như là dội một gáo nước lạnh vào kiến trúc hiện đại mà chính ông là người phát ngôn. Tuy nhiên, những chia sẻ của Le Corbusier về tâm linh và biểu tượng lại cho thấy, giống như anh nói, có một mối quan tâm đặc biệt của các kiến trúc sư với cái thiêng. Mà riêng trong trường hợp của Le Corbusier, cái thiêng thể hiện qua những quy luật tự nhiên mà ông không ngừng khám phá, học hỏi. 

Chuyện kể rằng trong quá trình xây dựng Tu viện La Tourette, Le Corbusier đã gặp khó khăn với những chiếc cọc trên mặt đứng bởi khu đất có địa hình nghiêng dốc và không thể xây dựng từ dưới lên theo cách thông thường. Nhưng chính ở buổi tham dự Thánh lễ khánh thành nhà thờ Ronchamp, Le Corbusier đã thực sự bị chấn động sâu sắc và ở chính giây phút đó cách thức xây dựng Tu viện đã xảy đến trong ông. Le Corbusier cuối cùng đã có thể nhanh chóng đưa ra quyết định “xây từ trên trời xuống. Và cuối cùng với La Tourette, "từ trời cao ông ấy (Le Corbusier) đã chạm xuống đất"(7).

Chú thích:
(1) (2) Mircea Eliade, The sacred and the profane (Mariner Books, 1968). 
(3) Phan Triều Hải tuyển chọn và dịch, Không thể sống mà không viết (NXB Hội Nhà Văn, 2019). 
(4) Claude Lévi-Strauss, Mặt khác của trăng - Khảo luận về Nhật Bản, Nguyễn Duy Bình dịch, (NXB Thế giới, 2018) 
(5) (6) Martin Heidegger, Xây, ở, suy tư, Bùi Văn Nam Sơn dịch. 
(7) Tim Benton, Le Corbusier - Le Grand (Phaidon Press, 2019)

No comments:

Post a Comment