Tôi nói gì khi nói về sự im lặng của Sigurd Lewerentz



“Cái còn lại là sự im lặng" - Shakespeares


Nói về sự im lặng trong kiến trúc: từ trong bản chất đã là một hành động đầy mâu thuẫn mà quỹ đạo của nó chực chờ đưa ta vào mê lộ của những lời "tán tỉnh" sáo rỗng và ngạo mạn. Ngôn ngữ kiến trúc theo lối diễn giải không gì hơn là cái nhìn phiến diện, thậm chí tư biện của chúng ta về công trình. Chính những hành động "thay lời muốn nói" đã tiễn đưa mối quan hệ cá nhân lẽ ra sâu sắc với kiến trúc - một vật tự thân và thay vào đó những chỉ dẫn cảm xúc chủ quan và giáo điều.

Hôm nay, mặc dù ở trong tình thế không lấy gì là thoải mái, tôi đành phải phá vỡ sự im lặng ngôn từ để nói về sự im lặng trong kiến trúc. Một mặt, tôi tin rằng sự im lặng đã được Sigurd Lewerentz chưng cất trong hơn bảy mươi năm làm nghề sẽ không hư mất vì những lời thì thầm vô thưởng vô phạt của mình. Mặt khác, tôi hy vọng người ta bỏ ngoài tai những điều tôi trình bày sau đây.


Chapel of Resurrection - Sigurd Lewerentz

Đầu tiên, đó là sự ngắt quãng, tính không liên tục có thể bắt gặp trong công trình của Sigurd Lewerentz. Càng quan sát Chapel of the Resurrection thuộc "quần thể " Eastern Cemetery ở Malmo tôi càng củng cố quan điểm của mình về cách mà Lewerentz đã dựng nên công trình. Đó là gắn kết những khối tích khác nhau về hình thức lẫn tính chất mà không có bất kỳ mưu cầu nào của sự thống nhất, liên tục hay liền mặt. Từ một cảm xúc bán tự do trong không gian gần lập phương được quây quanh bởi thức cột Corinthian kinh điển sang sự giam cầm hoàn toàn của một khối hộp chữ nhật vô cảm với bề mặt dường như không có chỗ cho ánh sáng lọt vào, Lewerentz dường như đã chuẩn bị cho chúng ta trong khoảnh khắc chuyển giao một quãng nghỉ, để thực hiện cái hít hơi thật sâu về mặt tinh thần. Khối với khối tách biệt nhau thôi chưa đủ, ông còn treo lơ lửng hệ mái của đền thờ bằng một nhát cắt rất sâu của bóng tối, tách nó ra khỏi mối quan hệ với phần đỉnh tường trang trí. Giờ đây, mái là mái và tường là tường, công trình chẳng còn gì ngoài những thành phần đặt cạnh nhau, ở giữa là những khoảng nghỉ - khoảng im lặng - phải vượt qua?

Ở những năm cuối đời, những ngắt quãng của Sigurd Lewerentz dường như đã tiến sâu vào trong sự tự vấn. Chúng xuất hiện không phải ở nơi giao tiếp giữa các đối tượng khác nhau, giữa bộ phận này với bộ phận khác, mà chính trong tự bản thân của các yếu tố. Mặt đất phía dưới nhà thờ ở Klippan nứt ra và sụt xuống, những viên gạch nguyên vẹn còn trụ lại đóng khung bên trong nó một hố sâu thăm thẳm. Ánh sáng yếu ớt toả ra từ những chiếc đèn cầy chỉ khiến cho ảo giác về một giếng nước không đáy trở nên ám ảnh và đột ngột hơn. Hình ảnh khe nứt trở đi trở lại khi ta bước qua ngạch cửa, khi ta chiêm ngắm cấu trúc thép có tính biểu tượng nâng đỡ hệ vòm bất đối xứng của công trình. Luôn luôn tồn tại ở đó, không tài nào hàn gắn được là những hố thẳm?

Klippan Church - Sigurd Lewerentz 













Bầu trời Bắc Âu toả ra thứ ánh sáng có cường độ thấp, Lewerentz sử dụng những khoảng hở trên bề mặt phải chăng nhằm tạo chiều sâu cho công trình? Nếu không, toàn bộ khung cảnh có thể sẽ bị làm phẳng trong thứ ánh sáng khuếch tán nhè nhẹ giống như được miêu tả qua những nét cọ trong tranh của Eugene Jansson. Chính vì mặt trời ở thấp, ánh sáng phát ra ở khu vực này của thế giới đặc biệt trong các tháng mùa đông sẽ rất hạn chế. Không rực rỡ và chan hoà như được rót xuống từ trên cao, ánh sáng ở đây giống như những người bạn từ phương xa, lặng lẽ đến bên cạnh ta qua những chiếc cửa đi và cửa sổ, từ phía mặt bên của căn nhà. Và trong những đêm hè ngắn ngủi, người ta sẽ tiệc tùng mê say để ăn mừng sự hiện diện của ánh sáng như một người bạn “đã bấy lâu nay bác đến nhà". Nói như vậy để thấy rằng, trong hầu hết những ngày còn lại của năm, bóng tối mới là chủ nhân của vùng đất này và trở thành mối bận tâm cơ bản nhất trong công trình của Sigurd Lewerentz cũng là điều hợp lẽ.

Grove of Remembrance, Eastern Cemetery in Malmo - Sigurd Lewerentz

Nói rằng bóng tối là sự im lặng hay nói rằng bóng tối là cái chết quả thực là một trò chơi có tính biểu tượng của chữ nghĩa. Cũng tương tự như nói ánh sáng đại diện cho sự sống thì sự sống ở nơi này ngắn ngủi và khó nắm bắt biết nhường nào. Thêm vào đó, nếu ánh sáng được xem như đại diện tinh túy của tinh thần, thì vùng đất với những chiếc bóng đổ dài kéo lê trên mặt đất này phải chăng không thể nào trở mình? Thế nên, điều quan trọng nhất để có được một cái nhìn đồng cảm là tháo bỏ mọi gán ghép hay định kiến cố hữu trong nhận thức. 

Với công trình nghĩa trang Malmo, đó còn là sự vỡ lẽ “nỗi kinh hãi huyệt mộ không thuộc về cái chết", đó là điều mà nhà văn Bỉ Maurice Maeterlinck* đã cố gắng khẳng định trong khảo luận triết học của mình về cái chết: "Phải chăng cái chết đã đào huyệt và ra lệnh cho chúng ta cất giữ ở đó cái đã được chuẩn bị cho biến mất? Nếu chúng ta không thể nào không cảm thấy kinh hãi khi nghĩ đến số phận của người thân yêu trong huyệt mộ, vậy thì ta có từng nghĩ qua cái chết hay chính chúng ta đã đặt người thân yêu ở đó? Bởi vì cái chết mang linh hồn đến nơi nao khôn dò, chúng ta có nên trách cứ nó với sự tặng cho của thân xác mà nó đã để lại cho chúng ta?" 

The way of the Gross, Eastern Cemetery in Malmo - Sigurd Lewerentz 

Cái chết đi qua nhưng âm thanh của nó vẫn còn vang vọng trong nội tâm sâu thẳm của những người ở lại. Nghĩa trang hay các nghi thức an táng chỉ là vùng chuyển tiếp ủi an những tâm hồn còn sống bỗng nhiên bước hụt chân vào vùng tối của sự mất mát, nỗi cô đơn. Maeterlinck đã tiếp rằng “Hình tượng của cái chết, trong trí tưởng tượng của con người, phụ thuộc trước tiên vào hình thức chôn cất, và nghi thức an táng quyết định không chỉ số phận của người đã mất, nhưng đồng thời là hạnh phúc của những người ở lại, vì họ dựng nên phông nền cuộc sống phía sau một hình ảnh tuyệt vời mà dựa vào đó đôi mắt nán lại trong sự ủi an hay tuyệt vọng”. 

Chức năng trong tổng thể nghĩa trang Malmo không theo lối phân vùng nhưng được chủ trì như một chuỗi các nghi thức với những chặng dừng có ý nghĩa riêng biệt. Lewerentz và Asplund biến toàn bộ tổng thể thành một trải nghiệm tâm linh có tầng bậc thông qua nhiều hình thức cảnh quan khác nhau. Những chặng dừng được đặt tên có nguồn gốc từ Thánh Kinh như Grove of Remembrance, The way of the cross, The Seven Gardens, The Ways of the seven Wells … Thậm chí, tính nghi lễ còn đi sâu vào phía trong công trình, như lối rời khỏi Chapel of Resurrection độc lập hoàn toàn với lối vào nhằm kiểm soát sự tuần tự của cảm xúc tương ứng với các không gian. Tất cả cùng hướng về một đối tượng sử dụng duy nhất: con người và mục tiêu duy nhất: trung giới để họ bước qua cái chết của người thân yêu và trở về tiếp tục cuộc đời của chính mình. 

(còn tiếp)

Chú thích: 
* Maurice Maeterlinck là nhà văn-kịch tác gia người Bỉ, chủ nhân của giải Nobel văn chương năm 1911. Ông tham gia hội đồng cố vấn cho Sigurd Lewerentz và cộng sự Gunnar Asplund trong cuộc thi thiết kế nghĩa trang ở Malmo. 

Bài viết thuộc sở hữu của Alab. Xin liên hệ tác giả nếu có nhu cầu trích dẫn lại. 















No comments:

Post a Comment