Ghi chép trên dãy Alps

Bất thức Lô Sơn chân diện mục
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung 
-Tô Đông Pha 

Manfred on the Jungfrau - John Martin
Tôi đã đi từ ngỡ ngàng này đến vỡ lẽ khác khi đào sâu vào đá gneiss của dãy Alps - vật liệu Peter Zumthor sử dụng cho nhà tắm Therme Vals. Những hân hoan của việc hợp thức hoá mọi ca tụng trong tôi với một kiệt tác kiến trúc đương đại dần dà đã biến thành một cảm giác dè dặt, tự vấn không thể đè nén.


Peter Zumthor đã có những thủ pháp điêu luyện với Gneiss, không ai có thể phủ nhận điều ấy. Bề mặt cấu trúc có dạng những dải băng ngang sáng tối của gneiss được ông mô phỏng lại bằng cách cắt và xếp những “thanh" đá theo phương ngang chồng lên nhau. Đá được cho tham gia vào quá trình chịu lực của công trình chứ không đơn thuần chỉ đóng vai trò của lớp hoàn thiện. Đặc biệt, nó ngàm vào lớp lõi bê tông cốt thép ở giữa vì vậy mà bức tường trở nên chắc chắn. Ở các góc tường nơi trực giao của hai mặt phẳng, đá được xếp theo những trật tự gợi ý khác nhau cho độ chuyển tự nhiên.

Gneiss xuất thân từ chữ tiếng Đức - Gneist, có nghĩa là phát sáng (spark). Peter Zumthor đã kích thích những hạt mica trên những dải băng của Gneiss phát sáng lấp lánh thông qua những khe ánh sáng ở phía trên một thứ bóng tối của thứ không khí gần như là hang động. Có thể nói, ông quá thành thục và nhạy cảm trong việc đem lại cho người thường lãm những chấn động sâu sắc trước vẻ đẹp của Gneiss. 

Thế nhưng, những thủ pháp trên sẽ thích hợp biết bao nếu như Gneiss là một loại trầm tích (sedimentary) lắng đọng dưới tầng sâu của đại dương. Gneiss không phải. Nó là đá hoá thân (metamorphosis) - loại đá đã kinh qua hết thảy mọi giới hạn trong hoạt động kiến tạo mà đá có thể trải qua. Xuất thân là dạng lỏng macma phun trào từ miệng núi lửa, nó nguội lại thành đá magma (ingenious), có thể nó đã được tự nhiên đem đi phong hoá và thuỷ hoá thành trầm tích (sedimentary) rồi bị nén ép và chịu nhiệt cao - nguyên nhân của các phân phiến sáng tối trong cấu trúc, để cuối cùng trở thành đá biến chất hay hóa thân (metamorphosis). Dãy Alps được hình thành cách nay hơn 30 triệu năm, gneiss có thể cũng đã mất chừng ấy thời gian để trở thành và hiện diện trước mắt chúng ta. Nhưng lịch sử tính của nó chẳng thể tìm thấy ở bất kỳ đâu trong công trình của Peter Zumthor. Cách xử lý của ông trở nên quá nhẹ tay, hay tôi đã sai khi mong chờ một lần nữa vào cuộc hoá thân hoàn vũ của gneiss? 

Peter Zumthor có niềm tin sắt đá vào việc có thể tìm thấy lõi cứng của cái đẹp trong chính bản thân của vật chất. Ông tin vào chân lý như định nghĩa của Heidegger là sự “khai mở", là sự “bộc lộ” của tồn tại, và vì thế mà sự xây của ông là “ở như là được sống trong sự an lành bên trong miếng đất của tự do, bảo đảm sự an toàn của mỗi vật trong bản tính tự nhiên của nó" *. Nhưng những đào sâu của tôi vào Gneiss khiến cho tôi trở nên mong mỏi một thứ gì khác. Một thôi thúc gần như là thứ đã thúc đẩy Louis Kahn cất lên tiếng hỏi: 
Đá muốn trở thành gì? **

Câu trả lời, một lần nữa, xuất hiện cách đó không xa, ở đỉnh Jungfrau*** trên dãy núi Alps - nơi từng diễn ra cuộc tranh đấu nội tâm khốc liệt của nhân vật Manfred, hiện thân của nhà thơ lãng mạn Lord Byron. Trong cơn tuyệt vọng vì những chấn thương tâm lý, Manfred đã đi đến quyết định quyên sinh từ đỉnh Jungfrau, những cảm xúc tột cùng được nhân vật bộc lộ như sau:

Và đây, nơi những vách đá đường biên sắc cạnh

Ta đứng chênh vênh đáy nước cuộn dòng.

Thâu trong tầm mắt thông cao thành bụi thấp

quãng xa choáng váng, cú nhảy nào 
nào khuấy, nào động, nào hơi thở
mang ta ngực áp lòng sâu chất đá
là giường
muôn đời yên nghỉ ...
- trích Manfred, Lord Byron (N.D)

Manfred tự tử bất thành do sự can thiệp tình cờ của một người thợ săn. Nhưng những miêu tả của Lord Byron về núi đá trên dãy Alps thành sự trong tôi. Hình ảnh của chiếc giường mà cái lòng (bosom) của nó có chất đá (hay tính chất đá) cứ trở đi trở lại. Ban đầu, tôi đã có ý định dịch chữ “rocky" thành lởm chởm, hay một tính từ gì đó biểu lộ sự sắc nhọn. Nhưng “bed" và “bosom" đã đẩy tôi đến chỗ chuyển ngữ “rocky" thành “chất đá" (nghĩa là có tính chất của đá). Đây không phải là một lối nói tu từ ẩn dụ, mà là hiện thực. Hãy nghĩ về đá, về chất của đá. Hãy nghĩ về Gneiss, về thời kỳ nó là một chất lỏng trong lòng núi lửa, về thời kỳ nó được nén ép dễ dàng như cách mà chúng ta áp ngực xuống chiếc nệm và lò xo của nó bị biến dạng. Để nghĩ về chúng ta, như một sinh vật thừa hưởng khả năng tạo tác của Đấng Sáng tạo. 


Khi nhìn lại tiến trình lịch sử kiến trúc tôi phát hiện ra ở giai đoạn đầu của những nền văn minh cổ đại, đá đã được hỏi để trở thành gì. Đó là khi những tảng đá vôi nặng hàng tấn được kéo lê bằng sức người trên những mặt phẳng nghiêng. Đá được hỏi để trở nên vĩ đại, và sức nặng của công trình không phải bởi trọng lượng của riêng đá đè trên nền sa mạc, mà chính bởi sức nặng mà nó đã đè lên hết thảy những tấm lưng trần của hàng trăm ngàn nô lệ trong suốt hơn 20 năm ròng. Ngày nay, chúng ta có tất cả công nghệ tân tiến nhất đứng về phía con người, sức nặng của đá đôi khi chỉ bằng một cú gạt cần, một cú click chuột, hoặc thậm chí một dấu chỉ của bàn tay. Chúng ta đã thay đổi, đã tiến bộ hơn. Còn đá thì sao? 


Nietzsche trong Ecco hommo đã phát biểu rằng “đá đã trở thành đá hơn” (stone become more stone). Tôi tin rằng, đá muốn trở thành đá hơn. Và chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc bảo đảm cho sự tồn tại của đá như là chính nó. Bởi vì thông qua việc làm cho đá trở nên đá hơn, con người sẽ học được cách để trở nên con người hơn.


Chú thích:

* Xây, Ở & Suy tư - Martin Heidegger, Bùi Văn Nam Sơn dịch.
** Luis Kahn: "You say to a brick, 'What do you wantbrick?' And brick says to you, 'I like an arch'.
*** Đỉnh Jungfrau cách nhà tắm Therme Vals khoảng 2h xe chạy.

No comments:

Post a Comment