Vô ngôn của một chiếc dầm I

Tác phẩm Abstract của hoạ sĩ trừu tượng Ad Reinhardt 
Cách thức mà chiếc dầm thép I được thành hình, trên thực tế, hệt như cách mà người thợ thủ công tạo nên chiếc bình gốm vậy:


Đầu tiên, thép phải ở một nhiệt độ rất cao (gần như là phát sáng) mới có khả năng biến đổi hình dạng, giống như người ta phải nhào nặn và làm ướt đất sét trước khi tạo hình.
Sau đó, chuyền động đưa thép qua bốn con lăn (roller) xếp thành âm bản của tiết diện I. Ở đây, bốn con lăn giống như đôi tay người thợ thủ công chịu được nhiệt độ cao vậy. 
Nếu như quỹ đạo tròn xoay hình thành nên chiếc bình gốm, dầm I cũng được hình thành bằng cách để cho tiết diện chuyển động qua lại trên một quỹ đạo tuyến tính xác định cho đến khi đạt được hình thức mong muốn. 
Cuối cùng, thép hình I được làm nguội còn đất sét thì đem đi nung. 

Sự giống nhau đến kinh ngạc này làm lung lay những thành kiến cố hữu của tôi về thời đại công nghiệp hay quá trình sản xuất hàng loạt. Lời phát biểu, “Truth is in the significance of fact" (tạm dịch: Sự thật nằm trong ý nghĩa của thực tại) của Mies Van der Rohe liên quan đến công nghệ và kiến trúc một lần nữa lại vang lên. Tôi tự hỏi, sự thật nào đang ở trong ý nghĩa của một chiếc dầm I? 


Mies là một người hâm mộ quá khích của cấu kiện thép hình I. Hãy nhìn nỗi ám ảnh về chúng được cho thấy trong Farnsworth và Seagram thì sẽ rõ. Không chỉ sử dụng thép hình I cho toàn bộ kết cấu, Mies còn lôi những chiếc cột hình I ra khỏi mặt đứng, và vì thế mà chúng được trông thấy rõ mồn một trên các mặt bằng tối giản của ông. Thái độ này của vị kiến trúc sư người Đức phải chăng là không ngừng nhắc đi nhắc lại cho chúng ta về cái “tinh thần của thời đại", cái Geist* của kiến trúc những năm 1950. Khi nhiều người bộc lộ e ngại về sự lấn lướt ngày càng mạnh mẽ của công nghệ, Mies đã tuyên ngôn chắc nịch rằng “Bất kỳ nơi đâu mà công nghệ thành tựu, nó sẽ siêu vượt thành kiến trúc”. 

Và dầm I, là một thành tựu như vậy. Hình dạng chữ I không được dự tính ngay từ đầu, nhưng là kết quả của quá trình bào mòn, gọt đẽo hết thảy mọi dư thừa do những tính toán tối ưu hoá khả năng chịu lực mang lại. Chính vì vậy, Mies đã quả quyết “kiến trúc chẳng dính dáng gì đến việc phát minh ra các hình thức cả!”. Hình thức, trên thực tế, là kết quả sinh ra của tối ưu hoá chức năng - công nghệ. 



Chiếc cột chữ thập là một sự mở rộng của một chiếc dầm I. Thoạt nhìn, nó có thể khiến chúng ta lầm tưởng với việc Mies mâu thuẫn chính mình khi tạo ra một form, một hình thức mới. Nhưng nếu ngẫm nghĩ thật kỹ, chiếc cột chữ thập về mặt chịu lực cũng vẫn là sự gọt dũa những phần dư thừa từ một cấu trúc chịu lực không thiên vị về hướng (so với sự thiên vị của hình I). Và thậm chí Mies cố tình khiến cho biểu hiện hình học của chiếc dầm I biến mất bằng việc bao phủ kết cấu bằng lớp hoàn thiện crôm có khả năng phản quang mà vì thế phi-vật chất hoá, phi-hình thức hoá cấu kiện chịu lực. 


(còn tiếp)




No comments:

Post a Comment