CHÚ GIẢI THUẬT NGỮ - Christian Kerez


Chú giải thuật ngữ của Christian Kerez, trích dịch từ tạp chí El Croquis 182.

THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA (Terms and Definitions)

Những dự án trông khác biệt nhau. Chúng cho thấy một quá trình điều tra đang tiếp diễn trong việc định hình không gian theo những cách khác biệt, thậm chí đối nghịch. Mỗi dự án đều phải đương đầu với những nguyên tắc thiết kế không gian. Điểm khác biệt giữa công trình này với công trình khác không phải là kết quả của cách tiếp cận theo hướng bối cảnh hay áp dụng có tính chương trình (programmatic) vào những điều kiện thay đổi. Mặc dù có sự khác biệt giữa một chương trình hay khu đất cho trước, các dự án vẫn liên quan với nhau theo một logic phi tuyến tính. Một vài dự án liên hệ với nhau thông qua những mối bận tâm chung, thông qua một nhu cầu chung cho một trải nghiệm cụ thể của không gian kiến trúc. Có thể sử dụng những thuật ngữ cụ thể để miêu tả đòi hỏi này, và đây là lý do vì sao văn bản giới thiệu này không xuyên suốt, nhưng đơn thuần là một tập hợp của những định nghĩa để làm rõ các thuật ngữ và giải thích sự liên hệ giữa các công trình.




KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC (architectural space)

Thuật ngữ “không gian kiến trúc" thoạt tiên dường như là lỗi lặp từ, bởi lẽ bản thân kiến trúc vốn dĩ đã được định nghĩa như là một không gian xây dựng vật lý. Nhưng, vấn đề là, phần lớn kiến trúc đã được xây dựng thường không quan tâm đến những chủ định cụ thể liên quan đến không gian ngoài trừ nhận thức về tính chất ba chiều của không gian đó. Vậy nên, trong trường hợp này, thuật ngữ “không gian kiến trúc" trở thành yếu tố kháng cự. Nó khăng khăng bám lấy tính toàn vẹn của ngành kiến trúc, nghĩa là mặc dầu chịu ảnh hưởng từ bên ngoài nhưng không bao giờ chấp nhận là kết quả suy ra từ các ảnh hưởng đó. Nó bảo vệ ý tưởng của không gian kiến trúc, nhân danh những người mong muốn sử dụng và trải nghiệm không gian đó, chống lại bất kỳ sự tiếp nhận nhanh chóng một dự phóng nào đơn thuần chỉ hướng đến cái đẹp thị giác (picturesque) hay ý thức hệ. Nó nhấn mạnh vào khả năng truyền thông (media) của kiến trúc so với hết thảy các nhận thức khác [về kiến trúc.
Những khía cạnh cụ thể trong kiến trúc như là yêu cầu tóm lược của khách hàng hay khu đất, tính bền vững hay sự hạn chế chỉ là những điểm xuất phát tuỳ ý, đơn thuần là những tham số hé lộ trải nghiệm của không gian kiến trúc, một trải nghiệm không thể đạt được thông qua những phương tiện (truyền thông) khác. Trải nghiệm này không còn là kết quả của những ảnh hưởng khác nhưng trở thành khởi điểm và tiêu điểm cho hết thảy mọi suy tư qua từng quá trình thiết kế.




SỰ ÁM ẢNH (obsession)

Thuật ngữ này miêu tả một hành động không có mục đích cụ thể nhưng dường như, thay vào đó, có tính chất tự - thoả mãn (self-fulfilling). Một nỗi ám ảnh miêu tả một hành động không có dự định kết thúc cũng như không đơn thuần có thể tới hạn tại một địa điểm và một thời điểm nào đó. Trong trường hợp này, thuật ngữ này [sự ám ảnh] có thể được sử dụng để biểu lộ một chủ định kiến trúc mà mối bận tâm cơ bản của nó không phải là thay đổi hay cải thiện thế giới, hay nói cách khác, một công việc không có mục đích sư phạm hay tuyên giáo nhưng rất khó hiểu và không thể đưa đến một kết luận. Chúng ta có thể vượt qua những ý nghĩa có tính cá nhân và tâm lý của sự ám ảnh nếu như những hành động này không chỉ tuân theo những mô thức cụ thể nhưng đồng thời còn hé lộ một lô-gic có thể nhận diện được.


CẤU TRÚC (structure)

Thuật ngữ “cấu trúc" có thể được áp dụng một cách đồng thời cho một lắp ghép có tính kỹ thuật, cho sự sắp xếp chức năng, hay cho bất kỳ khía cạnh đơn nhất nào đó của một công trình. Thuật ngữ [này] khơi gợi sự tích luỹ của những yếu tố đồng nhất hay tương tự nhau mà nhờ đó công trình được soạn thảo nên. Cấu trúc xác định những yếu tố của công trình trong mối quan hệ của chúng. Đây là lí do vì sao chúng ta chỉ có thể nói về một cấu trúc chịu lực khi mà những yếu tố chịu lực của nó được sắp đặt một cách có thể nhận diện được trong mối quan hệ lẫn nhau sao cho ta có thể dễ dàng hiểu chúng như là một thực thể đơn nhất.
Khái niệm kiến trúc như là một cấu trúc có thể được hình dung hoặc định nghĩa theo các yếu tố đa dạng rõ ràng kết hợp nhau cho phép chúng ta nghĩ về kiến trúc theo một cách thức hoàn toàn cởi mở và không có định kiến. [Lối suy nghĩ này] loại bỏ sự tùy ý và ngẫu nhiên và đồng thời ngăn chặn tính khắc kỷ hình thức dựa trên quá trình tinh giản hoá theo lối chủ đề. Khái niệm cấu trúc này cho phép chúng ta đề cập (address) đến những quy luật cơ bản của kiến trúc mà không cần phải viện dẫn những dấu chỉ (gestures) cổ xưa hay chính thống lẫn sự hùng biện cho tính tối giản*. Một cấu trúc kiến trúc là một hệ thống của những yếu tố không đồng nhất về mặt không gian (spatial), chức năng (functional) và kỹ thuật (technical), có thể dễ dàng sụp đổ. Nó cung cấp cơ hội cho ba thành phần khác biệt nhau này trở nên một. Thuật ngữ “cấu trúc", mặc dù vậy, có ý nghĩa khi và chỉ khi nó trở nên cụ thể, hay nói cách khác khi nó, được tập trung nghiên cứu trong một dự án cụ thể.
KHÔNG GIAN CÓ TÍNH CHẤT CHUNG (generic space) Thể loại công trình văn phòng chủ yếu là những công trình thiếu vắng một định nghĩa cuối cùng về không gian thực tế. Chúng, thay vào đó, có xu hướng cụ thể hoá các khu vực và tùy chọn mà sau này sẽ được định hình như là không gian thực tế. Chúng bao gồm một định nghĩa sơ khai của kiến trúc, một kiến trúc chưa hoàn thành (finalized), một không gian trở thành (a space to come). Làm việc với một kiến trúc không có không gian (space) cung cấp cơ hội để ta liên hệ các yếu tố cấu trúc hạ tầng (infrastructure) như là thang bộ, thang máy, hay các lõi kỹ thuật (installations shafts) với nhau và với cấu trúc chịu lực (load-bearing structure). Không gian generic (có tính chất chung) không phải là một hệ lưới vô tận các yếu tố giống nhau. Nó có giới hạn rõ ràng đặt ra câu hỏi về mối liên hệ giữa bên trong và ngoài, nó đề cập đến mối quan hệ giữa lõi công trình và lớp vỏ, bởi lẽ thể loại công trình này đã được rút gọn xuống thành bản chất cốt yếu của cấu trúc công trình và công nghệ. Tuy nhiên, chỉ có thông qua sự chồng lấp của những không gian hoàn thành (final) và thực tế (actual) - trong sự phân biệt ngẫu nhiên với những yếu tố ổn định của công trình, mà những thực hành (these exercises) này trong các yếu tố công trình mới có thể đạt được bất kỳ mức độ tin cậy nào.

NGÔI NHÀ NHƯ LÀ MỘT HÌNH MẪU (house as a model)
Trong quyển Architecture, Mysticism, and Myth, William Richard Lethaby đã viết rằng con người không thể hiểu được thế giới như một tổng thể. Con người vì thế mà tìm cách để giữ khoảng cách với thế giới, đi đến một sự thấu hiểu bằng sự tách biệt. Theo nghĩa này, mỗi ngôi nhà là một hình mẫu của thế giới: nó đại diện cho một trật tự mà chúng ta không thể quan sát (perceive) được trên thế giới, nhưng có thể nhận biết được trong quy mô của một ngôi nhà chứa đựng trong thế giới. Về vấn đề này, nếu như một công trình cung cấp cách hiểu về thế giới, nó không nên loại bỏ bất kỳ sự tương phản hay mâu thuẫn nào. Mà ngược lại, ngôi nhà phải được xem xét như là một công cụ mà nhờ đó tăng cường sự tương phản, mang chúng gần nhau hơn để chúng có thể được trải nghiệm và thấu hiểu.

MÔ HÌNH Ý TƯỞNG (conceptual model)
Một mô hình là một vật thể cho phép chúng ta hiểu được hiện tượng phức tạp bằng cách đơn giản hoá chúng. Mô hình đồng thời trừu tượng và cụ thể, một ý tưởng và một vật thể. Đây là lí do vì sao một mô hình ý tưởng thường mang trong mình một mối bận tâm cụ thể: chúng tái sản xuất thực tại theo cách gián tiếp. Chúng cung cấp khả thể cho việc xem xét một ý tưởng dưới một dạng thức khác biệt: một dạng thức cụ thể (concrete form). Một mô hình ý tưởng không nỗ lực để tiếp cận thực tế; nó có thực tế của riêng nó. Nó là sự miêu tả cụ thể của cái gì đó trừu tượng. Nó giúp chúng ta tưởng tượng ra những ý tưởng/khái niệm đứng sau một công trình. Nó thường là một vật thể được mong đợi trước khi trở thành công cụ để hiểu biết (understanding).


TÍNH TRUNG QUỐC (Chineseness)

Một số tiêu chí kiến trúc của Trung Quốc tương tự như ở nhiều quốc gia khác. Ví dụ như, một mong muốn kép cho kiến trúc vừa đạt được những tiêu chuẩn và kỳ vọng chung, như công năng và kinh tế của công trình, vừa thỏa mãn mong muốn về sự phi thường và đặc biệt đối với công trình biểu tượng hoặc cột mốc. Trung Quốc khác các quốc gia khác (dựa theo những hiểu biết của tôi) ở một yêu cầu chung đặc biệt rằng bất kỳ công trình mới có ý nghĩa quan trọng nào cũng liên quan đến di sản văn hoá của dân tộc. Nhu cầu về một tính Trung Quốc sẽ không bảo vệ kiến trúc truyền thống và các giá trị của nó khỏi việc biến mất trên diện rộng, nhưng nó dường như đã gây một trở ngại cho phong cách quốc tế lỗi thời (outdated international style). Đây cũng có thể trở thành một cơ hội vượt qua một nền kiến trúc được định hình bởi một phong cách có tính cá nhân và dễ nhận thấy, khá giống nhau ở mọi quốc gia. 

Yêu cầu những công trình mới phải liên hệ với giá trị truyền thống của Trung Quốc thường được hiểu như là [công trình] có tính biểu tượng, hành động phiên dịch từ một khái niệm chung (generic) sang một phép ẩn dụ có tính phổ quát. Kiến trúc trở thành một điêu khắc tượng hình. Không gian nội thất trở thành bộ lọc gán cho mỗi quy mô tương ứng một dấu chỉ có tính hùng biện (rhetoric gesture). Theo như tôi hiểu, lí do duy nhất cho việc làm việc ở các quốc gia khác nhau là tưởng tượng không gian theo những cách khác nhau. Chính vì lẽ đó, yêu cầu cho tính Trung Quốc trở nên một khởi điểm khả dĩ mà từ đó định hình nên những ý tưởng trừu tượng và quy luật kiến trúc, vượt lên trên những giải thích thuần chức năng hay bối cảnh, nhằm khiến chúng ta suy nghĩ về việc kiến trúc mới của Trung Quốc sẽ trông như thế nào và chúng sẽ khác biệt như thế nào với kiến trúc các quốc gia khác.

TRẢI NGHIỆM KIẾN TRÚC (experiencing architecture)
Một công trình không giống như một thí nghiệm khoa học vì trải nghiệm không gian kiến trúc, hay còn gọi là kết luận, không thể nào tách rời khỏi thí nghiệm đó. Chúng ta không thể tiếp thu kiến thức và trải nghiệm và sau đó bỏ đi công trình, hay chụp tấm hình rồi đánh sập công trình. Tôi nghĩ tính chất kiến trúc chỉ có thể kiểm chứng ở trong trải nghiệm tự thân công trình. Mặt bằng chỉ là một công cụ để tạo ra không gian có tính kiến trúc (architectonical). Mô hình chỉ là một cách tiếp cận; chúng không thể thay thế không gian có tính kiến trúc (architectonic).

CHI TIẾT (details)

Trong định nghĩa đã được xây dựng của không gian, mọi khía cạnh của kiến trúc cùng đến để hình thành và định tính một đơn vị không thể hoà tan. Nhưng chúng có ý nghĩa cho đến khi chúng miêu tả được giới hạn của không gian kiến trúc. Chỉ trong bối cảnh của không gian kiến trúc mà mỗi yếu tố của công trình đạt được ý nghĩa. Chi tiết xuất hiện chỉ như là thành phần của công trình nói chung. Điều này mang lại cho tôi hy vọng rằng thậm chí một chi tiết đơn giản và vô vị cũng có thể mang ý nghĩa - nhưng không phải ý nghĩa ở trong hoặc về chính bản thân nó.


TÍNH KHÔNG CHẮC CHẮN (uncertainty)

Tôi bắt đầu một thiết kế bằng sự tra vấn. Tôi không thể bắt đầu dựa trên nền tảng của bất kỳ phát biểu cho trước hay một sự thuyết phục nào. Thay vì thỏa mãn những kỳ vọng của một chương trình (program) cho trước hay của khách hàng, tôi bắt đầu bằng việc đặt những câu hỏi. Đây là một điểm xuất phát rất dễ vỡ và nó khiến cho công việc của một kiến trúc sư không chỉ trở nên khó khăn hơn, nhưng đồng thời cũng trở nên mạo hiểm hơn. Tính không chắc chắn và khát vọng cho thứ không chắc chắn, tiến gần đến với sự tuyệt vọng, là cơ hội duy nhất khiến cho công việc của một kiến trúc sư không trở thành một chuỗi vô tận các dự án giống nhau. Để tìm ra thứ gì mới mẻ trong kiến trúc, bạn phải sẵn sàng để từ bỏ mọi thứ bạn đã làm từ trước đến nay.

QUY LUẬT (rules) 

Định nghĩa kiến trúc bằng một tập hợp các quy luật nhằm mục đích hiểu một công trình theo cách thuần về ý tưởng. Quy luật thiết lập một mối quan hệ giữa các thành phần khác nhau, các yếu tố khác nhau của công trình vượt lên bất kỳ mối quan tâm nào cho tính chất thẩm mỹ, ví dụ như hình dạng của khối tích hay kích thước và tỉ lệ của một không gian nội thất. Quy luật hiểu công trình như một thực thể vượt lên trên bất kỳ tường thuật hay giải thích có tính kể chuyện nào. Chúng là một nỗ lực nhằm vượt qua bất kỳ thị hiếu cá nhân đối với một quyết định thẩm mỹ hay bất kỳ lối nói ẩn dụ nào của kiến trúc.

Quy luật chúng tôi làm việc rất cụ thể, và chúng thay đổi từ dự án này sang dự án khác. Chúng không phải những giáo điều, chúng không áp dụng được cho mọi dự án. Chúng là những công cụ để phân biệt dự án này với dự án khác. Một thay đổi trong quy luật về cơ bản là không thay đổi cái nhìn của một công trình; nó thay đổi cách mà một công trình được suy tư.

Những quy luật này không giả vờ để trở thành những chủ định cá nhân theo bất kỳ cách nào. Chúng, thay vì vậy, là một nỗ lực để thanh lọc và biểu lộ những nguyên tắc kiến trúc thường xuyên bị che giấu phía dưới sự quá tải của những biện pháp (measures) có tính đối lập, vô thức. Định nghĩa quy luật này liên quan đến sự hiển lộ (revelation) của những nguyên tắc trong kiến trúc hơn là sự phát minh (invention) kiến trúc.   


NGOẠI LỆ (exceptions)
Một cấu trúc công trình có những chiều kích hữu hạn, những giới hạn, và một biểu hiện bên ngoài có khối tích. Bên cạnh những chiều kích giới hạn này, một công trình cũng luôn được tính cách hoá bởi những ngoại lệ. Một chiếc thang, lấy ví dụ, là một sự ngắt mạch cơ bản trong một chuỗi các tầng lầu theo phương ngang, và cũng như vậy đối với thang máy và những đường ống tiện ích (utility ducts). Ngoại lệ không chỉ là những trở ngại phiền toái ngăn cản việc tạo ra một cấu trúc công trình thuần nhất (pure building structure), nhưng là tiền đề để phát triển một kiến trúc có nhiều lớp phức tạp từ một giản đồ đơn giản. Chính sự gián đoạn cưỡng chế này trong hệ thống kiến trúc cho phép hệ thống được hiểu theo một cách tổng thể (holistic) hoặc phức tạp hơn.  
MÊ CUNG (labyrinth) 
Một mê cung là một chuỗi các không gian khó phân biệt với nhau vì sự tương đồng của chúng và vì chúng được liên kết theo những cách giống nhau. Một mê cung là một hệ thống không gian được xây dựng nhằm đánh mất phương hướng, đánh mất khái niệm của bắt đầu và kết thúc. Mê cung vì thế mà trở thành một không gian lý tưởng ở trong đó nó tạo ra ấn tượng của sự vô tận, ngay cả khi mà nó được xây dựng trên một khu đất với đường biên cụ thể và được xác định rõ ràng. Nó là một cỗ máy tạo ra ấn tượng về không gian vô tận, không kết thúc ở trong một khu đất bị hạn chế hay thậm chí là vô cùng khiêm tốn. 
KHÔNG GIAN TRANG TRÍ (ornamental space)
Một yếu tố trang trí có thể được nghĩ đến theo một cách trừu tượng (nonfigurative). Ví dụ như, tác phẩm của Friedrich Nietzsche có thể được xem như những tác phẩm có tính trang trí (ornamental) bởi vì những suy nghĩ của ông ấy không sắp xếp theo lối tuyến tính (linear layout) với chúng. Tác phẩm của ông ấy như là một miền (field) rộng mở, ở đó nhiều suy nghĩ khác nhau xuất hiện, biến mất và gặp gỡ những dòng suy tư khác. Cách kết nối các sự vật này có thể được miêu tả như là có tính trang trí. Thuật ngữ “trang trí" có thể được áp dụng cho giấy dán tường hay thảm sàn nếu như hoa văn của chúng bao gồm sự lặp lại của những yếu tố đơn nhất, đôi khi với một vài biến đổi nhỏ nhưng luôn không có những đường biên có thể nhận dạng. Một yếu tố trang trí là một yếu tố tạo nên số lượng không đếm được và không thể phân biệt được.  
Một hệ thống bao gồm những yếu tố thông thường có thể phân biệt rõ ràng với nhau thành ra đếm được, và vì thế đạt được một quy mô chính xác. Mặt khác, một hệ thống (system) được tạo nên từ các trang trí mà ở đó những yếu tố cá nhân không có đường biên rõ ràng nên không thể trợ giúp trong việc đo lường bất kỳ khoảng cách hay hình dạng nào của đường biên. Chính nhờ điều này mà một không gian có khả năng mặc lấy tính chất trang trí. 
MẬT ĐỘ (density)
Không gì có thể là sự tương phản mạnh mẽ với Katsura* hơn khái niệm thu nhỏ (miniature). Sự giản lược quy mô ở một vật thu nhỏ cho phép đứa trẻ cầm nắm và chơi đùa một chiến hạm hay một tòa nhà chọc trời, biến nó trở nên một vật thể vô hại và giải trí. Ở Katsura, những phần khác nhau của Nhật Bản tụ họp lại trong một khu vực nhỏ, bị giới hạn để tạo ra sự phức tạp không còn tồn tại trong thực tế bởi lẽ khoảng cách lớn đã tách biệt trải nghiệm của các phong cảnh khác biệt ra khỏi nhau. Sự giản lược quy mô này trực tiếp liên quan đến sự gia tăng độ phức tạp. Sự gia tăng độ phức tạp có thể so sánh với buồng lái trên máy bay, không gian phức tạp nhất, nơi mà nhiều thành phần của máy bay liên kết với nhau và dễ dàng được tiếp cận từ một vị trí duy nhất và, vì thế, ở trong một không gian rất nhỏ. 

*Katsura Imperial Villa, Japan.
BẰNG CHỨNG (evidence)
Thay vì phát triển vốn từ vựng có tính chất cá nhân (individualistic) trong kiến trúc, một phong cách hay dấu hiệu đặc trưng của riêng mình, kiến trúc của tôi bị chi phối nhiều hơn bởi việc nghiên cứu các tiêu chuẩn, bởi việc tìm kiếm các bằng chứng trong kiến trúc, và bởi mong muốn tạo ra một công trình được trông thấy theo một cách cụ thể đơn giản là bởi vì nó phải được trông thấy (look) chính xác theo cách đó - vượt lên trên mọi mong muốn thẩm mỹ, và vì những nguyên nhân lý tính đơn thuần là kết quả của những nhu cầu trí tuệ hiển nhiên. 
KHÁI NIỆM  (concept)
Một khái niệm có thể nghe hấp dẫn khi ai đó nói về nó, và có thể thậm chí trông rất thuyết phục khi được thể hiện dưới dạng phác thảo đơn thuần, nhưng tính hữu dụng của nó chỉ bắt đầu khi nó được trải nghiệm theo cách đầy kinh ngạc nơi công trình đã được hoàn thành (finalized) - và không như những phát biểu vô nghĩa mà ở đó công trình đóng vai trò đơn thuần minh hoạ cho bản thân các khái niệm. Liệu rằng công trình có trở thành hiện thực (comes alive) hay không là một câu hỏi có tính thực nghiệm. Một ý tưởng ban đầu có thể thuyết phục nhờ bởi sự thuần khiết và rõ ràng, nhưng những tính chất này có thể bị mất đi trong quá trình biến đổi từ khái niệm sang công trình thực tế. Cần có sự truy vấn liên tục nhằm làm cho một ý tưởng ngay lập tức tiếp cận được đến những người không có hoặc có ít kiến thức về công trình liên quan. Bất kỳ một hình mẫu (model) hay một mô hình (mockup) nào cũng chỉ có thể cung cấp một trải nghiệm có tính ước chừng. 

No comments:

Post a Comment