Cái đẹp

"Sức sống của nó vô biên, nó diễn tả một ham muốn không thể cưỡng lại được tự phô bày, không đòi đổi lại thứ gì, không mục đích, không nhờ tới cả biểu tượng lẫn ẩn dụ, không làm trò ráp nối miễn cưỡng lẫn liên tưởng; đó là cái đẹp tự nhiên ở dạng thuần khiết"
Linh Sơn, Cao Hành Kiện

1. Liệu con người có khả năng tạo ra cái đẹp? Hay đặc quyền ấy là của riêng tạo hoá? Phải chăng, bởi vì truyền thống của các triết gia Hy Lạp xem xét các môn nghệ thuật là chước tác (mimetic art), mà kiến trúc không gì hơn là cách thức con người mô phỏng thế giới tự nhiên. Chính vì lẽ đó, con người cũng chỉ dừng lại ở năng lực mô phỏng cái đẹp. Cực đoan như Plato, nếu như bản thân thiên nhiên tri giác được cũng chỉ đang đóng góp vào ý niệm của cái đẹp tuyệt đối, và vì thế mà chúng ta mãi mãi không bao giờ vươn tới được cái đẹp? 


Không thể chối cãi, tạo vật của tự nhiên khác biệt với tạo tác bởi lao công con người. Càng cố gắng đến gần với việc sao chép các hình thức của thiên nhiên, con người dường như lại càng bị đẩy về phía đối lập với cái đẹp. Tôi vẫn vô cùng ưa thích hình dáng của robot Asimo của Honda hồi những năm 2000. Các chi tiết khớp nối cùng các phần cơ thể, được tạo nên bởi dạng khối hình học cơ bản có bo góc, làm nên kiểu chuyển động kiểu tuyến tính và trục xoay đã trở thành thương hiệu của robot. So với những thiết kế trí tuệ nhân tạo theo sau đó, với nỗ lực điên cuồng mô phỏng hình dạng con người, Asimo rõ ràng vẫn cho ta cảm giác thỏa mãn về cái đẹp, bởi vì nó là robot không cố gắng để trở nên giống hệt “con người".

Quả là có những con robot ngày nay mang đến nỗi ám ảnh như kiểu Frankenstein, đó phải chăng là cảm giác mà chúng ta nhận được khi đối diện với một thứ đồ giả mạo? Một sản phẩm của con người như robot có nguy cơ trở nên kinh dị, hay gớm ghiếc nếu trở nên giống hệt con người - một sản phẩm của tạo hoá? Phải chăng anh đang âm thầm gợi ý rằng cần có đạo đức của cái đẹp? Hay là cái đẹp và cái chân (thật) phải đi đôi với nhau? 

Anh muốn đề cập đến cả bộ ba ấy: chân - thiện - mỹ?

Nhưng trước tiên, tôi sẽ đẩy câu chuyện đi xa hơn một tí. Thời kỳ Khai sáng đã mở mang lãnh thổ tri thức của nó với tác phẩm Phê phán năng lực phán đoán của Immanuel Kant. Chính từ lúc này, chiếc kiềng ba chân vững chắc chân-thiện-mỹ bị gãy đổ, vì theo Kant, cái đẹp được xem là cái đẹp khi nó hoàn toàn rũ bỏ các trách nhiệm có tính mục đích, cái đẹp giờ đây đi lại tự do “trong con mắt của kẻ si tình”. Không dừng lại ở đó, Kant sau đó lập luận rằng năng lực phán đoán còn quyết định không chỉ “cái đẹp" mà còn là “cái tráng tuyệt” (the sublime), từ chối hết thảy dù là mảy may biểu hiện nhỏ nhất của công năng chỉ giữ lại “xúc cảm choáng ngợp trước những hình thức “gây bạo ngược với trí tưởng tượng (con người)”(1).  
Ví dụ của cái đẹp và sự tráng tuyệt này có thể được suy tư thông qua những công trình “trên giấy” của KTS Etienne Boullee. Nhấn mạnh vào vẻ ngoài choáng ngợp áp chế, những dự án này “vay mượn những hình thức thánh thiêng và biểu tượng” không hùng biện gì nhiều cho mục tiêu văn hoá đã sinh ra nó, và bỏ mặc tính thực tiễn của công trình (2). 

Vì một mục tiêu duy nhất dành cho cái nhìn?

Có thể nói là như vậy! 

Tôi sẽ phản bác những cáo buộc trên của anh. Nhưng mừng vì anh đã nhắc đến Boullee vì ông sẽ là người đem đến cho chúng ta một đáp án thuyết phục với câu hỏi được nêu ra ở đầu cuộc trò chuyện này: liệu chúng ta có thể tạo ra cái đẹp như cách thiên nhiên đã làm? Giống như hết thảy chúng ta, Boullee đồng ý rằng con người không thể bắt chước thiên nhiên. Tuy vậy, ông tin tưởng rằng thông qua các thủ pháp nghệ thuật, người nghệ sĩ có khả năng khuấy động cảm giác của người thưởng lãm hệt như thiên nhiên đã tác động lên họ cách trực tiếp vậy (3). Và đó là nơi cái đẹp được tìm thấy. 

Thiên nhiên tác động lên chúng ta luôn luôn và không có tính mục đích, còn con người lại có chủ đích sắp đặt, làm cách nào để trung giới? 

Con người! Phải chăng có thể sử dụng “con người" để hoà giải hay sao? Đừng quên rằng, chúng ta đồng thời là chủ thể cũng vừa là khách thể trong mối quan hệ với thiên nhiên. 

Điều đó giải thích vì sao, Boullee, trong tiểu luận Architecture, Essay on art, lại chú trọng nghiên cứu các hình thức “làm cho con người hài lòng", như một phương thế đạt tới cái đẹp. Ông dẫn lời Montesquieu rằng “đối xứng làm chúng ta hài lòng vì chúng là hình ảnh của sự minh bạch và bởi vì trí não luôn mong mỏi sự thấu hiểu, dễ dàng chấp nhận và nhận thức tất cả mọi đối xứng"(4). Theo cùng một công thức, tính đa dạng (variety) “thỏa mãn nhu cầu bản năng của con người đó là được kích thích và duy trì liên lỉ bởi cái mới”. Cũng như vậy, sự hùng vĩ (grandeur) đáp ứng nhu cầu mong muốn được ôm lấy toàn thể vũ trụ, v.v… 
Tựu chung lại, quan niệm về cái đẹp của Boullee vẫn là một cách đánh giá cái đẹp theo kiểu Aristotle và đặt trọng tâm vào cái tráng tuyệt, gây xúc cảm bằng những khối tích áp chế. Nhưng cũng chính đòi hỏi cho sự hùng vĩ này đã biến công trình của ông thành những “công trình giấy" không tưởng. 

Etienne Boullee là một trong những kiến trúc sư trong sáng nhất, nếu như tôi được nhận định. Trong mối bận tâm về cách thức mà kiến trúc có thể trở thành một môn nghệ thuật thực thụ gây xúc cảm, ông là một trong những người đầu tiên từ đầu thế kỷ 18 nhấn mạnh đến “character” của một công trình. Gọi nó là tính chất, tính cách, hay sau này bầu khí … Bên cạnh tính đối xứng, tính đều đặn, đóng góp về yếu tính “đa dạng" được tạo ra bởi khối cầu của ông cũng là điều đáng suy ngẫm. Các bề mặt trong một hình cầu vừa đều đặn nhưng liên tục thay đổi, mâu thuẫn tự thân …  Chưa kể đến cách thức giấu đi nguồn sáng để đạt đến một thứ ánh sáng gián tiếp đầy bí ẩn mà có lẽ sau này đã ảnh hưởng đến Louis Kahn với Kimbell Museum. 

Tôi không hề phản đối tính di sản trong những nghiên cứu của Boullee, vấn đề là ở chỗ ông ấy đã luôn biện minh cho một thứ kiến trúc thoả mãn giác quan, chạy theo hình thức.

Phần lớn các đề án của Boullee là những công trình công cộng có tính biểu tượng ở quy mô quốc gia: cung điện, nhà thờ, rạp hát, đấu trường, thư viện … Với rạp hát như một ví dụ, Boullee sử dụng kích thước lớn nhằm phục vụ yêu cầu thoát người. Hay với đấu trường, quy mô các trò chơi và sức chứa biến cái hùng tráng trở nên hợp lý. Và thủ pháp ánh sáng như đã đề cập ở trên Boullee sử dụng còn là vì mục tiêu bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật khỏi tác động trực tiếp của mặt trời. Anh còn mong muốn công năng hay tính thích dụng nào khác? 
Nhân nói về hình thức, chắc hẳn anh có biết nhà hát đánh lừa thị giác Olympia Theater của Andrea Palladio? 

Tôi có biết.

Anh thấy đấy, và trong khi người ta tán dương Palladio vì hiệu ứng thị giác, người ta lại đánh giá thấp nghiên cứu hình thức của Boullee. Chỉ vì chúng không được xây? 

Tôi nghĩ đó chính là mấu chốt của vấn đề, kiến trúc vẫn là trải nghiệm tự xương thịt của con người trong không gian. Những ảnh hưởng của Boullee tôi không chối cãi, và nếu như vẻ đẹp đầy rung cảm của ánh sáng nơi các cung vòm Kimbell thực sự được truyền cảm hứng từ ông. Vấn đề là, giống như những điều được miêu tả thông qua nhân vật kiến trúc sư trong bộ phim The belly of an architect - biên kịch và đạo diễn bởi Peter Greenaway, đó chỉ mãi mãi là kiến trúc ở trong dạng hình của sự thai nghén. 

2. 
Từ nãy đến giờ chúng ta đã lập luận dựa trên cơ sở của việc con người làm trung giới để thông qua đó tìm kiếm cái đẹp. Tôi muốn đề cập đến một cách tiếp cận khác mà ở đó kiến trúc sư lui về hậu trường, để “lõi cứng" của cái đẹp có thể tìm thấy trong chính bản thân vật thể và chất thể. Với tiểu luận “Lõi cứng của cái đẹp”, Peter Zumthor, chịu ảnh hưởng triết học Heidegger về cái “thing", chủ trương khuyến khích “vật thể tự thể hiện" (5). Để từ “lõi cứng", cái đẹp của đa dạng, huyền ảo được tạo thành. 

Có lẽ, kiến trúc sư không gì hơn là “bà mụ đỡ đẻ" đặt niềm tin vào các vật chất và không gian kiến trúc. Đó là vật liệu, kết cấu, khung cảnh, trời, đất … Đó là sự quần quây của không gian, sự chứa đựng, sự trống rỗng, ánh sáng, mùi vị, dung tích, âm thanh. 

Thật vậy, Peter Zumthor cho rằng thông qua việc suy tư về những yếu tố căn cơ nhất thuộc về kiến trúc như vật chất và công năng, chúng ta có thể truy nguyên cái đẹp. Và chính nhờ “lõi cứng của cái đẹp" mà từ đó toả ra những rung cảm đa dạng. Khả năng của nó trong tác động tới nhận thức của con người là ngang bằng với thi ca. 

Cũng có thể ví von, kiến trúc đẹp như là kiến trúc đậm chất thơ?

Chẳng vì thế mà KTS Lina Bo Bardi đã bày tỏ đại thể như sau: Một bài thơ thì ngắn gọn, cô đọng và khúc chiết, không thể tìm thấy từ dư thừa, câu bị lặp hay những đoạn vô nghĩa. Kiến trúc có thể trở nên như thi ca, một thứ thi ca của khúc chiết (6). 

Chú thích: 
(1), (2) Architectural reflections Study in the philosophy and practice of architecture, Colin St John Wilson 
(3), (4) Architecture, Essay on art, Etienne-Louis Boullee
(5) Thinking architecture, Peter Zumthor 
(6) Precise Poetry: Lina Bo Bardi’s architecture 

No comments:

Post a Comment