Biên độ trải nghiệm kiến trúc - Go Hasegawa


Vào mùa chim di thê, lúc những bầy vịt trời từng đợt bay ngang qua trời rộng, thì chúng gây nên những triều sóng dị thường tại những miền đất ở phía dưới dặm mây bay. Lũ vịt nhà, ngong ngóng nhìn lên, như dường bị nhiếp dẫn bởi đường bay lớn rộng của hàng ngũ vị trời xếp theo hình tam giác dìu dặt tiện gió lướt đi, lũ vịt nhà bỗng dang cánh sập sè vụng về đập nhảy. Tiếng gọi hoang vu đã đánh thức dậy nơi chúng những tàn tích hoang vu nào chẳng rõ. Và bỗng dưng trong một phút, lũ vịt như biến làm chim di thê thiên tẩy. Bỗng dưng trong cái đầu âm u bé bỏng cứng rắn kia, vốn chỉ ghi lại quẩn quanh những hình ảnh ao con, nước đục, sâu đen, chuồng tối, thoắt thôi bỗng trào dậy những cơn phiêu bồng thênh thang lục địa, hương vị những gió dàn trên mặt sóng mênh mông, những địa lý đại dương, những hoạ đồ đại hải … Con vật ngu ngơ vốn không biết rằng cái óc não bé bỏng của mình lại đủ rộng rãi để mang chứa được bao nhiêu là kỳ quan kiều diễm, thế mà đột nhiên nó đã đập cánh chịu chơi, khinh thường hột thóc, khi dễ sâu con, và muốn mình phải trở nên vịt trời hoang vu náo động.
Cõi người ta - Saint Epuxery, Bùi Giáng dịch.

VỊT VÀ TÚP LỀU

Vịt là loài gia cầm phổ biến và được ưa chuộng bởi vẻ ngoài cùng kiểu cách đáng mến. Nhưng chúng bay rất tệ. Trong những năm tháng loài chim hoang dã này được nuôi dưỡng và thuần hoá, thân hình của chúng dần trở nên nặng nề và đôi cánh dần cụt đi, đến khi chỉ bay được không hơn một vài mét. Giống như loài vịt từ bỏ khả năng tự do bay lượn trên bầu trời thênh thang, con người cũng làm vậy thông qua những túp lều (huts). Túp lều một mặt bảo vệ đời sống và gia đình của con người, nhưng đồng thời cũng trói họ vào một nơi chốn cụ thể và theo ngày tháng biến đổi cơ thể cũng như tinh thần của con người.
Phần lớn sự nghiệp kiến trúc của tôi gắn liền với những căn nhà nhỏ, ít nhất là theo một cách nào đó tôi luôn ý thức về những ảnh hưởng vật lý và tinh thần của không gian. Vượt lên trên sự dễ chịu đơn thuần, tôi luôn mong mỏi điều gì đó khác cho những ngôi nhà. Bởi lẽ, dần dà theo thời gian, trong túp lều mà con người chúng ta cùng nhau thu vén, cơ thể và tinh thần của chúng ta đã thay đổi theo cùng một cách giống như loài vịt. Chính vì lẽ đó mà phải chăng cũng có thể là, giống như loài gia cầm đột nhiên mong muốn trở thành loài chim hoang dã, con người cũng có phần nào bản năng mong mỏi được chạm vào hoặc tác động bởi không gian. Hãy nghĩ về cuộc gặp gỡ đối với những công trình trên khắp thế giới thuộc những niên đại khác nhau, thực tế cho thấy rằng chúng ta có thể bị đánh động sâu sắc bởi những không gian mà chẳng cần một chút hiểu biết gì về nền tảng lịch sử hay bối cảnh cụ thể của nó. Đôi khi tôi bất ngờ phát hiện ra bản thân mình nảy sinh mối thâm tình khó lý giải với một không gian kiến trúc ở một niên đại và nơi chốn hoàn toàn xa lạ. Đây rõ ràng là bởi vì con người và không gian liên kết với nhau ở một tầng mức sâu sa. Nói vậy nghĩa là, không gian kiến trúc có thể chôn giấu hay đánh thức khả năng và cảm giác chúng ta bẩm sinh sở hữu. Trong bài viết này, tôi muốn đối chiếu cách thức những không gian kiến trúc liên hệ với đời sống con người thông qua thực hành kiến trúc của mình.

TỈ LỆ 

Alain cho rằng “một trong những quy luật của kiến trúc là làm cho tỉ lệ được nhìn nhận" **. Làm sao chúng ta trải nghiệm tỉ lệ của một không gian kiến trúc? Cách tiếp cận truyền thống là xem xét nó thông qua tỉ lệ con người. Kiến trúc được dựng nên, phần lớn là cho con người. Điều này đề xuất rằng cơ thể người có thể được nhìn nhận như là một tiêu chuẩn đo lường tuyệt đối nhằm mục đích diễn tả tính cao thấp hay rộng hẹp của không gian. Vitruvian man (1485-1490) của Leonardo da Vinci là một ví dụ điển hình của cách tiếp cận này.

Một hướng tiếp cận khác là nhìn nhận tỉ lệ không gian một cách tương đối. Cách tiếp cận này cho rằng tỉ lệ không gian có thể dễ dàng được nắm bắt nếu như, thay vì quan sát một không gian đơn nhất, chúng ta đem so sánh những không gian kề cận nhau (hay không gian được kết nối bởi những yếu tố tự nhiên). Lấy ví dụ, trong công trình đầu tiên, House in a Forest, bảy căn phòng có trần nhà cùng nghiêng góc 45 độ nhưng thay đổi độ rộng, sâu và cao. Bằng cách duy trì hoặc thay đổi các kích thước khác nhau như độ rộng, sâu, cao và nghiêng - những thành phần cấu tạo của kiến trúc được đem vào trong mối liên hệ lẫn nhau. Không giống những biểu hiện có tính hệ thống và tiêu chuẩn hoá của các kích thước tuyệt đối như tỉ lệ cơ thể, dãy Fibonacci, tỉ lệ vàng, hay Modulor của Le Corbusier, kích thước tương đối sử dụng tỉ lệ không gian nhằm mang những yếu tố khác biệt của công trình vào trong mối quan hệ có tính tham khảo qua lại lẫn nhau. Có thể thấy tỉ lệ này trong các công trình gần đây. Dù được ứng dụng như thế nào, tỉ lệ con người luôn là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc, đặc biệt là đối với công trình nhà ở. Nhưng thậm chí trong khi tụng ca tỉ lệ con người, không phải cũng có những chiều kích có thể được tạo ra một cách chính xác là bằng [bản thân] kiến trúc hay sao? Ví dụ như, liên quan đến công trình House in a Forest, mười năm trước tôi đã viết những dòng sau: 

Thông thường kích thước của công trình chỉ được nhìn nhận từ phía ngoài, Nhưng trong ngôi nhà này nó còn được trải nghiệm qua những gian phòng nhỏ. Các bề mặt trong không gian áp mái (loft space) đóng vai trò như những tấm phản quang khổng lồ, theo tỉ lệ của công trình, mang ánh sáng và quang cảnh bên ngoài vào trong phòng. Nó là một không gian nội thất liên kết với khu rừng tự nhiên “theo tỉ lệ công trình". 
Mặc dù căn nhà nhỏ, nó đủ lớn cho mọi người bước vào trong, nghĩa là nó lớn hơn nhiều so với cơ thể người. Liệu chúng ta có thể khám phá những giá trị mới từ thực tế đơn giản rằng chúng ta hoàn toàn có ý thức về tỉ lệ của công trình? 

Mười năm tiếp theo đó không gì hơn là nỗ lực của tôi nhằm “khám phá những giá trị mới đến từ thực tế đơn giản … về tỉ lệ của công trình". Có những không gian cung cấp trải nghiệm về tỉ lệ kiến trúc lẫn tỉ lệ con người (House in a Forest và House in Komazawa), có không gian kết nối tỉ lệ con người và đô thị một cách không liền mạch (House in Gotanda Apartment in Okachimachi), có không gian hoà giải tỉ lệ của môi trường xung quanh (Pilotis in the Forest và Gazebo in Shanghai). Trong những công trình này tôi đã suy tư về một thứ tỉ lệ không gian có khả năng tạo ra những mối quan hệ mới. Pilotis in the Forest là một ví dụ dễ hiểu. Pilotis [nói đúng hơn là phần nâng lên khỏi mặt đất của nhà sàn] cao 6.5m. Chiều cao của chúng được quyết định không chỉ bởi bản thân không gian nhưng còn bởi cây cối xung quanh, không gian phòng khách ở trên cùng, cấu trúc (cột, dầm, giằng), cầu thang, và cơ thể con người. Chiều cao hoà giải (mediate) tỉ lệ của tất cả những yếu tố khác biệt nhau này. Thông qua tỉ lệ tương đối, tôi muốn tạo nên không gian mập mờ (ambiguous) - vừa kiến trúc vừa thiên nhiên, vừa ở trong vừa ở ngoài.

Tạm thời chúng ta hãy đặt tính tuyệt đối của tỉ lệ con người trong ngoặc đơn. Mỗi khi tỉ lệ kiến trúc thay đổi qua mỗi dự án, vấn đề của tỉ lệ tương đối (relative scale) lại xuất hiện theo. Nghĩ về tỉ lệ không gian tương đối là đối mặt với câu hỏi về cuộc đối thoại liên tục giữa cơ thể con người, kiến trúc, và môi trường. 

TRỌNG LỰC

Mỗi khi lên xuống một con đường dốc, chúng ta có thể cảm nhận trọng lượng (weight) của chính bản thân mình trở nên nhẹ hơn hay nặng hơn, và đồng thời nhận thấy cơ thể bị trọng lực nén xuống trái đất. Kiến trúc cũng vậy. Trọng lực tác dụng lực theo phương đứng, và nhiệm vụ vật lý của kiến trúc có thể được miêu tả như là kháng cự lại trọng lực để tạo ra không gian trên mặt đất cho con người. Chẳng cần phải lục lại lịch sử của những ngôi thánh đường với kiến trúc vòm, hay các công trình hiện đại của Auguste Peret, Buckminster Fuller, hoặc Robert Maillart, cũng có thể nói rằng kiến trúc đã phát triển thông qua cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ với trọng lực, thông qua các kết cấu, phương pháp xây dựng và vật liệu mới. Trong giai đoạn này của kiến trúc đương đại, những cải tiến trong phân tích kết cấu và kỹ thuật xây dựng đã cho phép nảy sinh những biểu hiện hình thức (formal expression) phức tạp đồng thời kéo theo đó là xu hướng biểu hiện kiến trúc (đặc biệt phổ biến ở Nhật bản) hướng đến việc làm cho mọi thứ trở nên nhẹ hơn, mỏng hơn và thanh mảnh hơn. Kiến trúc vẫn luôn đối đầu với trọng lực, và sự đối đầu đó kéo dài đến hôm nay.

Một tính chất khác của kiến trúc đương đại là sự đa dạng hình thức. Đến tận thế kỷ 19, hình thức kết cấu của một quốc gia hay một vùng lãnh thổ, thông thường, vẫn còn là tiền định. Kiến trúc liên hệ mật thiết với tài nguyên của quốc gia hoặc vùng miền, dù là ở tỉ lệ nào đi nữa. Lấy ví dụ, cấu trúc gỗ thống trị Nhật Bản và Mỹ, và cấu trúc đá ở Châu Âu. Tuy nhiên, giai đoạn hậu chiến đã chứng kiến sự xuất khẩu ồ ạt của nhiều loại vật liệu cũng như phương thức xây dựng. Những hình thức kết cấu được đa dạng hoá, khi mã an toàn động đất và các luật cháy rừng được áp dụng cũng là lúc loại hình công trình mới được hình thành đòi hỏi không gian ở một tỉ lệ mới. 

Nhìn lại thực hành của mình, mặc dầu đã thiết kế nhiều cấu trúc gỗ, tôi cũng dùng thép, bê tông, cấu trúc lưới, và một vài cấu trúc kết hợp. Ví dụ, House in Komazawa và House in Kyodo có cấu trúc chính là gỗ, nhưng ở Komazawa ba cây dầm thép được sử dụng cho tầng hai còn ở Kyodo các tấm pano kẹp thép cho mái nhà. Nhìn chung, một cấu trúc gỗ vượt nhịp lớn cần những cây dầm tiết diện lớn, cho nên phần không gian phía trên (upper space) của nó trở nên nặng nề. Kiến trúc nông thôn truyền thống của Nhật có những không gian vượt nhịp bằng những cây dầm lớn, như là một hệ khung cho hệ mái chính. Những chiếc dầm này trông phù hợp đối với loại nhà truyền thống nhưng không phù hợp với một căn nhà nhỏ và đương đại. Thế nên hai căn nhà tôi đề cập ở trên tận dụng một phần nào thép làm cho phần phía trên trông nhẹ nhàng hơn, giúp xoá tan cảm giác của sự tù túng nặng nề trong một căn nhà nhỏ. 

Cần phải giải thích kỹ hơn về điều gì đã khiến cho phần đầu (head) “nhẹ” hay “nặng". Trong số các hình vẽ khác nhau chuẩn bị cho một thiết kế, bản vẽ chi tiết mặt cắt, đối với tôi, là quan trọng nhất. Đây là bản vẽ nghiên cứu vật liệu sử dụng, vị trí của chúng trong không gian, và đặc biệt là dành cho việc nghiên cứu “sự phân bố trọng lượng” (weight layout). “Trọng lượng" (weight) nghĩa là một khối lượng vật lý của không gian, biểu hiện qua trọng lực cụ thể của nó, và đồng thời qua ảnh hưởng của nó lên diện mạo của không gian. Lấy ví dụ, khung thép (steel panel) được sử dụng cho mái nhà House in Kyodo về mặt vật lý khá nặng, nhưng độ mỏng và ánh sáng mờ ảo phản xạ từ bề mặt của chúng khiến cho không gian có cảm giác nhẹ theo một cách nào đó. Hay khi so sánh không gian hình thành từ gỗ và bê tông, âm thanh được truyền đi và âm vọng khác biệt nhau, vì thế mà “nặng" hay “nhẹ" được trải nghiệm thông qua thính giác của chúng ta.

Điều kiện địa hình, chương trình, tỉ lệ, và tình hình kiến trúc đương đại ngày nay đã trở nên phức tạp và khó khăn hơn nhiều 100 về năm trước. Người ta đòi hỏi không gian có mật độ cao hơn, cả trên phương diện vật lý lẫn khối lượng thông tin (volume of information). Nếu như mật độ đã khác đi, chúng ta không nên mong chờ "trọng lượng” cũng giống như 100 năm về trước. Không gian kiến trúc không thể bỏ qua 9.6N sức nặng của trọng lực trái đất, nhưng có thể biến đổi chúng. Trong khi di chuyển giác quan thị giác, xúc giác và thính giác như đã nói ở trên, chúng ta có thể nghiên cứu “sự phân bố trọng lượng" của không gian trên mặt cắt chi tiết và tìm kiếm sự cân bằng mới. Tỉ lệ của không gian có thể được thể hiện thông qua hình ảnh, nhưng “trọng lượng" của không gian khó mà nội hàm. Đây chính là điểm thú vị. 

THỜI GIAN

Thời gian cũng là một đại lượng khó lòng truyền tải qua một bức ảnh. Ở đây tôi xin thảo luận về hai loại thời gian.

Thứ nhất là thời gian vật lý (physical time). Năm ngoái tôi tham gia vào hai dự án bắt nguồn từ vật liệu - Yoshino Cedar House và Chapel in Guastalla. Chủ đề quan trọng của mỗi dự án là làm cách nào để biến đổi vật liệu gỗ hay đá thành không gian. Kết quả là, các thiết kế lại chú trọng đến thời gian hơn không gian. Mỗi dự án bắt đầu với khung hình thức của một triển lãm cho đến khi sắp đặt diễn ra trong khoảng một đến ba tháng kết thúc và người ta đề xuất tái dựng cấu trúc như là công trình cố định ở địa điểm khác. Tôi đã rất ý thức về thời gian tính của vật liệu - vài trăm năm cho những cây tuyết tùng Yoshino có đường kính lớn, và hơn 400 triệu năm cho đá marble Estremoz bắt nguồn từ Kỷ Ordovic.

Rừng Yoshino trên những dãy núi ở tỉnh Nara được trồng dày đặc hơn bất kỳ nơi đâu trên thế giới, kết quả là gỗ tuyết tùng Yoshino có thớ gỗ mịn và đẹp. Nó được sử dụng vào thế kỷ 15 để xây Osaka Castle, nơi ở của chư hầu đầu tiên thống nhất Nhật Bản. Chất lượng cao của loại gỗ này là không cần bàn cãi, nhưng để thực hiện dự án chúng tôi đã đến thăm xưởng và nhà máy gỗ dọc bờ sông Yoshino, nơi đây chúng tôi chứng kiến cách người ta duy trì chất lượng gỗ tuyết tùng Yoshino bằng những kỹ năng điêu luyện lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một điều thú vị về Yoshino Cedar House là lượng lớn bình luận tôi nhận được là về mùi gỗ ngọt ngào và sảng khoái. Một trong những người bình luận thậm chí đã gợi nhắc chúng tôi rằng trong năm giác quan, khứu giác gắn kết mạnh mẽ với ký ức nhất.  Đối với dự án thiết kế ngôi đền (chapel) cho nghĩa trang công cộng ở Guastalla nước Ý, xuất thân Nhật Bản của tôi đã khiến cho nhiệm vụ thiết kế với đá marble trở nên một thử thách. Nước Ý có một lịch sử vô song trong thực hành với vật liệu đá. Tôi bị choáng ngợp với chiều cao của núi đá và sự chuẩn xác của nghề khai thác đá marble ở nơi này. 

Cảm thức niên đại tỏa ra từ vật liệu như gỗ và đá kéo chúng ta ra khỏi đời sống hằng ngày. Và ở nơi mà những vật liệu này được tìm thấy. Có những con người có trình độ bậc thầy đã làm việc với chúng qua hàng thế hệ. Ý tưởng ẩn sau hai dự án này là xem xét liệu chăng thời gian và kỹ năng ở trong những vật liệu này có thể trở nên không gian hay không.

Loại thời gian thứ hai là thời gian hiện hữu trong các yếu tố và loại hình (typology) kiến trúc. Khi tôi làm việc với một thiết kế, tôi chú tâm vào những yếu tố kiến trúc như mái nhà, nhà sàn, ban công và cầu thang. Mối quan hệ của chúng với đời sống của chúng ta ẩn sâu trong những yếu tố này. Chúng đã thành hình qua một quãng thời gian dài với những thử nghiệm và sai sót, qua đó những người đi trước đã tìm cách làm cho cuộc sống thêm phong phú. Thông qua những yếu tố này, tôi muốn suy nghĩ về mối quan hệ giữa kiến trúc và đời sống.

Tôi nghĩ về loại hình kiến trúc như là một phần của thực hành trong những thiết kế mới. Nhưng tôi đồng thời cũng theo đuổi thể loại nhà ở và ý nghĩa đương đại của chúng qua các studio thiết kế ở trường đại học, nơi mà tôi bắt tay vào nghiên cứu một số loại hình nhà ở đặc trưng của một số đô thị và cố gắng tái diễn giải nó trong bối cảnh đương đại. Ví dụ có thể được tìm thấy trong các loại hình nhà ở Berlin (Villa, Block và Siedlung), hay trong công trình nhà ở thấp tầng có nhà để xe chống cột (piloti carports) điển hình cho các đô thị lấy ô tô là trọng tâm (car-centric city) ở Dingbat - Los Angeles, hay công trình nhà ở ba tầng bằng gỗ vốn được xây dựng cho những gia đình thuộc tầng lớp lao động ở Boston ...

Các thành phần (elements) và loại hình kiến trúc đã tồn tại rất lâu trong quá khứ. Ngày nay chúng bị xem như là biểu tượng và hình mẫu, như là cái gì đã “chết". Nhưng còn lâu chúng mới chết đi. Như đã nói ở trên, chúng vẫn còn tiếp tục liên hệ với đời sống con người, vì vậy mà chúng được xem như những sinh vật sống có thể được "nuôi dưỡng" và "phát triển". Khi được nuôi dưỡng, chúng trở nên vừa mới vừa cũ. Trạng thái vừa mới vừa cũ này là một trong những mục tiêu thiết kế của tôi. Để trở thành một không gian đương đại, công trình không phụ thuộc vào “thời gian ngay trước mắt" (here and now)  hay một thời gian cụ thể trong quá khứ. Kiến trúc phi thời gian (timeless) là hướng suy tư của tôi.

TRẢI NGHIỆM KHÔNG GIAN VÀ BIÊN ĐỘ CỦA NÓ

Nhìn lại quá trình thực hành của mình, tôi nhận thấy có một mối bận tâm trở đi trở lại. Đó chính là sự truy vấn đối với những nhận thức tuyệt đối, bị cách thể hoá (formalized) của tỉ lệ không gian, trọng lực, và thời gian, và cách thức mở rộng trải nghiệm không gian. Tôi cũng đã đề xuất trả lời cho những vấn đề được đề cập tương ứng này bằng “tỉ lệ không gian tương đối” (relative spatial scale), “sự cân bằng mới" của trọng lượng (new balance of weight), và không gian “vừa cũ vừa mới" (old and new). Đó chẳng phải là việc chọn lựa nghiêng hẳn về một phía nào đó của các đối lập lớn/ nhỏ, nặng/nhẹ, hay cũ/mới hay theo đuổi đại lượng đó đến cùng. Đó cũng chẳng phải là cuộc truy tìm thứ gì ở giữa hoặc trung hoà. Thay vì vậy đó là nắm lấy cả hai thái cực này và truy tìm một sự cân bằng mới cho tổng thể. Nói cách khác, đó là một hướng tiếp cận từ chối việc định hình không gian theo một chất lượng cụ thể không thay đổi. Thay vì vậy, nó tìm cách cung cấp “biên độ" trong trải nghiệm không gian.

Đôi khi tôi nhận thấy sự tương đồng giữa “biên độ" với nghiên cứu thiết kế (design studies) của văn phòng. Ngày ngày, văn phòng tôi thực hành thiết kế theo cách thức sau. Đầu tiên, các nhân viên được giao nhiệm vụ chuẩn bị một tập hợp các bản vẽ và mô hình để trình bày. Sau khi đã thảo luận hết thảy mọi vấn đề liên quan, các phương án khác nhau sẽ được điều chỉnh từng chút từng chút một ngày qua ngày. Đây là một quá trình cực kỳ đơn giản. Tìm ra ý tưởng thì rất dễ dàng, và tôi không tin vào những ý tưởng này ngay tức khắc. Thay vì ý tưởng, tôi nghĩ điều quan trọng là quá trình lặp đi lặp lại diễn ra mỗi ngày. Nó giống như là học cách chơi nhảy dây. Đầu tiên ai cũng bị vướng dây cả. Nhưng dần dần, bằng thực hành và sự lặp lại, bạn bắt đầu nắm bắt được nhịp điệu. Sau đó thêm vào những điều kiện và vấn đề khác để giải quyết. Bán kính sợi dây quay ngày càng được mở rộng. Đầu tiên chỉ có tôi và các nhân viên nhảy dây, nhưng sau đó những người khác bắt đầu tham gia vào vòng tròn - khách hàng và đại diện sản xuất, thầu xây dựng, thợ xây, và những người khác nữa, ngày càng nhiều hơn. Khi mà phương án cuối cùng được quyết định, nó đã trở thành một cung tròn khổng lồ mà không ai có thể đoán định ngay từ đầu, cho thấy mọi người đã học cách nhảy như thế nào khi đồng thời gặp phải sự tham gia của các điều kiện khác nhau vào trong quá trình.

Điểm cốt yếu của sự lặp lại ngày qua ngày là nó mở ra những chân trời mới theo một cách thuyết phục. Điều này là thực tế và có thể tin được. Thông qua việc học cách nhảy dây, sợi dây dần dà mở ra một cung tròn lớn hơn, chúng ta có thể cảm nhận phạm vi suy tư được mở rộng từng chút từng chút một, hé lộ một phần nào khác nữa của thế giới cho chúng ta. Đây là một cảm giác tốt. Chắc chắn nó có gì đó giống với trải nghiệm về biên độ trong kiến trúc.

Cung cấp biên độ trải nghiệm kiến trúc là tăng cường sự thỏa mãn đối với đời sống. Nó đồng thời làm cho cuộc sống phong phú hơn bởi nhiều khả thể, và việc chúng ta tiếp thu nhiều hơn những nhận thức mới về thế giới có ý nghĩa tiềm thức sâu sa. Đó giống như là việc chuẩn bị những túp lều (huts) rộng rãi hơn, mang đến cho con người những trải nghiệm thế giới mới mẻ và thuyết phục. 

Chú thích:
* Luận văn "Amplitude in the Experience of Space - Spatial Dimensions, Gravity, Time", Go Hasegawa, tạp chí A+ u Architecture and Urbanism số 556. 
** “Une des lois de l'architecture serait donc de rendre la grandeur sensible". Alain, “Des perspectives" in Systeme des Beaux-Arts, Gallimard, 1920. 

No comments:

Post a Comment