Quả đúng Sullivan là tác giả của cả công trình lẫn phát biểu anh vừa nêu. Nhưng mâu thuẫn không nằm ở chỗ Sullivan, và nếu như chúng ta tiến vào xem xét tỉ mỉ. Thực tế là, Sullivan ủng hộ chủ trương cho một khả thể kiệt tác kiến trúc hoàn toàn vắng bóng trang trí. Nhưng đồng thời, ông cũng khăng khăng rằng không thể tách rời kiến trúc với trang trí của nó nếu như tổng thể hài hoà là kết quả của các tính toán cẩn thận và cân nhắc kỹ lưỡng (1).
Nhưng tôi e rằng điều đó không giải thích được cho mâu thuẫn “form follows functions", các trang trí là hình thức và chúng đang giữ chức năng gì?
Tôi sẽ trình bày ngay đây thôi. Trong tiểu luận Ornament and architecture vào năm 1892, Sullivan đã có những suy tư rất sâu sắc và có tính chất lan toả mà tôi cho là có liên hệ mật thiết với tuyên bố về chủ nghĩa công năng bốn năm sau đó. Một luận điểm nổi bật của tiểu luận chính là việc xem xét sự trang trí như là một “organic system" (một hệ thống hữu cơ). Ông đã miêu tả cách sinh động như sau “ (sự) trang trí đã xuất ra (come forth) từ chất thể (very substance) của vật liệu và ở đó với cái quyền mà một bông hoa xuất hiện giữa những chiếc lá trên cùng một cây" (2). Ông ví von rằng tạo ra trang trí là tạo ra một “giống loài có chức năng liên lạc (a species of contact)”, trên hết, “cái tinh thần đã làm cho khối tích sống động được tự do thoải mái chảy tràn vào trong trang trí” (3).
Sullivan muốn nói rằng chức năng của trang trí là liên lạc, hay là chuyên chở tinh thần của công trình?
Chính xác là như vậy, ông cho rằng trang trí không chỉ đơn thuần nhận lãnh cấu trúc nhưng thể hiện tinh thần của nó theo logic của sự phát triển (the logic of growth) (4). Và vì đó là phát triển nên giống như chiếc lá của cành cây này thì không thể nảy mầm trên thân cây khác, trang trí cũng đồng thời mang luôn chức năng của sự cá biệt hoá công trình.
Hay nói cách khác là cá tính, “nhân” dạng của một công trình kiến trúc. Vậy là trang trí dưới cái nhìn của Sullivan là một bộ máy, hệ thống hữu cơ mà ở đó chuyên chở tinh thần của cấu trúc và tăng cường cấu trúc. Đồng thời, nó là thứ khiến cho một công trình trở nên duy nhất. Thế thì, hà cớ gì Adolf Loos, sau đó, lại quyết liệt mà rằng “Trang trí là tội ác"?
Chà, thật là một cú hỏi xoáy! Điểm giống nhau giữa Louis Sullivan và Adolf Loos là ở chỗ cả hai cùng nói về cái tinh thần của công trình trong mối liên hệ với trang trí. Nhưng trong khi Sullivan cho rằng trang trí có khả năng chuyên chở tinh thần của công trình - một biểu hiện tự thân (self-sufficient) của chính cấu trúc trong mối quan hệ nội tại với các yếu tính của nó. Thì Adolf Loos lại phê phán tính trang trí vì sự bất hoà (inconsonant) và bất lực trong khả năng mang vác vào trong công trình tinh thần của thời đại và con người hiện đại.
Trên thực tế, tiểu luận của Adolf Loos được viết trong bối cảnh của nước Áo vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của phong trào Art and Craftsmanship và những lề thói cũ, ở đó lao công hoang phí đổ ra cho các trang trí nhưng giá trị của “vật chủ" lại không nhờ đó mà được tăng cường (5).
Tôi tìm thấy trong nội thất các công trình của Adolf Loos hầu hết là các bề mặt phủ vân gỗ, vân đá cẩm thạch hay các phân chia phương vị có hơi hướm của tính trang trí, và thậm chí có đó những tấm thảm sàn màu sắc nổi bật và hoa văn cầu kỳ. Chúng được kết hợp tinh tế, hài hoà và rõ ràng là tăng cường hoặc thậm chí tính cách hoá không gian nội thất của ông. Thậm chí thủ pháp ốp tường bằng đá cẩm thạch đến một vị trí xác định còn trở thành một dấu ấn rất Loos và ảnh hưởng đến nhiều KTS sau này. Trái lại, ở mặt ngoài các công trình này ta chẳng tìm thấy gì ngoài sự phẳng lì, và những ô cửa sổ ngay ngắn xếp hàng, không có ốp lát lẫn trang trí.
Tôi hiểu ý của anh. Thực tế thì Loos không chống lại toàn bộ trang trí, ông ưa chuộng các kiểu hoa văn của tự nhiên như vân gỗ hay vân đá, ông cũng thường xuyên mượn hoa văn từ các nền văn hoá khác, hoặc ở niên đại khác sử dụng cho công trình. Ở chừng mực nào đó cũng có thể nói rằng ông hơi mâu thuẫn chính mình.
Đột nhiên tôi nghĩ đến điều này. Mặt tiền không biểu cảm của Loos phải chăng là nhằm che giấu sự phức tạp bên trong nội thất? Không gian bên trong, nếu ta dừng lại quan sát, Loos thường bố cục lệch tầng mà nhờ đó tạo ra mối liên hệ thị giác giữa các cao độ khác nhau. Và mối liên hệ này phải chăng đang được tăng cường bởi cách thức sử dụng vật liệu và hình thức ốp lát, trang trí cho từng mảng tường ở các cao độ chênh lệch?
Quan sát thú vị đấy. Vậy nghĩa là trang trí không đơn thuần có trách nhiệm với chỉ riêng không gian nội thất của nó nhưng góp tiếng nói vào trong toàn bộ cấu trúc xuyên suốt công trình. Nhưng tôi ấn tượng nhất bởi phát hiện của anh về mối quan hệ giữa trang trí với bên trong và bên ngoài công trình.
Có cái gì đó giống như là “chơi đùa” với kiến trúc vậy, mặc dầu là một trò chơi nghiêm túc. Cũng không ít các kiến trúc sư trong lịch sử kiến trúc đã làm điều đó theo cách này hay cách khác, ví dụ như trong công trình Santa Maria Novella. Các hình thức trang trí bên ngoài mặt tiền cẩm thạch dường như đang trong một cuộc chuyện trò với không gian đô thị phía ngoài hơn là hé lộ và trung thành với các cấu trúc, hình thức xây dựng như vẫn thường thấy ở công trình Gothic.
Tức là nếu như mặt tiền của Loos là dửng dưng ở phía ngoài để che giấu những phức tạp được tăng cường bằng trang trí ở bên trong thì của Alberti là ngược lại cởi mở, đối thoại bằng trang trí ở phía ngoài và kín kẽ những gì thuộc về nội thất?
Tôi không có ý định so sánh hai công trình cụ thể của họ ở đây nhưng điều anh nói cũng không có mấy sai lệch. Dù vậy, hãy nói về Alberti và một đóng góp quan trọng của ông cho phong trào Phục Hưng có liên hệ đến tính trang trí. Đó chính là ở việc từ chối nhìn nhận công trình như một khối tích ba chiều khép kín, nhưng xem xét chúng dưới dạng một tổng thể được tạo thành bởi các mặt phẳng làm việc, các diện tường. Đặc biệt, mặt đứng hay diện tường phía ngoài của ông có khả năng đối ngoại với không gian đô thị thông qua các hình thức trang trí có tính biểu cảm cao.
Nói đến đây, tôi thấy khá hợp lý để bổ sung ý kiến này của Pier Vittorio Aureli cũng về sự trang trí và các diện tường “Sự trang trí luôn xem bức tường như một đại diện (agent), vượt qua chức năng phân chia và cấu trúc. Trên hết, bức tường còn là một vật thể văn hoá can thiệp trực tiếp vào cách đọc hiểu đô thị về mặt xã hội chính trị. Là một tạo tác vật lý, bức tường là khoảnh khắc duy nhất mà ở đó các thế lực xã hội và kinh tế tạo ra đô thị đạt được sự thống nhất của một đường biên hữu hình” (6).
Viết rất hay! Mặt tiền như một ranh giới, nó có thể là một nét tường mảnh trên mặt bằng tỉ lệ nhỏ, một nét tường đen dày 80mm và trét vữa hai mặt, nó cũng có thể là loại tường đất dài đến 30-40cm đắp đất ở một số điều kiện xây dựng khắc nghiệt. Hoặc giả nó cũng có thể dày hơn chúng ta tưởng rất nhiều và vì thế mà cất giấu trong đó, có thể là mọi thứ đang chờ để được lộ diện. Tôi còn nhớ ai đó đã nói, đường biên không phải nơi tất cả kết thúc, đó là nơi mọi thứ lắng cạn.
Chúng ta sẽ dành chút thời gian còn lại nói về kiến trúc đương đại, rõ ràng là đã có một thái độ vô cùng cởi mở với tính trang trí xuất hiện ở khắp nơi. Một số trong đó để lại ấn tượng sâu sắc với tôi, phải kể đến St Gallen Cathedral Chancel của văn phòng Caruso St. John. Đó là cách xử lý tuyệt vời, một thủ pháp vô cùng tinh tế, làm sống động các bậc tam cấp trên gian cung thánh và đem lại cho tâm hồn ngập tràn niềm vui.
Những họa tiết trang trí giống như đang bò từ mặt dựng này lên mặt sàn khác, chính bởi thế đã tạo cảm giác không gian đang phẳng hoá. Trang trí không dừng lại ở các diện mặt mà còn hé lộ khả năng phá huỷ cả tính chất ba chiều của không gian. Thị giác của chúng ta liệu có đáng tin? Hay là chính lúc này đây, các giác quan của chúng ta mới thực sự bị kích thích?
Không chỉ dừng lại ở các trang trí hai chiều trong mối quan hệ với các yếu tố ba chiều của không gian kiến trúc. Một nhân vật đương đại khác, Christian Kerez trong bài viết cho ấn phẩm số 182 của El Croquis đóng góp cách nhìn nhận mới, trừu tượng về trang trí, cụ thể là “không gian (có tính) trang trí" (ornamental space). Ông xem đó là sự lặp lại hoàn toàn tương tự hoặc được điều chỉnh chút ít trong một không gian vô cùng tận của một yếu tố kiến trúc. Giống như tấm thảm trang trí với họa tiết hoa lá được sao chép trong một giới hạn tưởng chừng như có khả năng mở rộng mãi.
Điều này giải thích vì sao trong rất nhiều công trình Kerez đã tìm cách nhân bản các yếu tố trên một miền không gian tự do, trung tính và có thể phát triển ra các biên. Dù là cột chống, là khoảng mở sàn, hay thậm chí là các vế thang, đều mang tiềm năng trở thành “hoa văn", hay nói đúng hơn là “mô típ" để bị thao túng trong một “không gian trang trí". Công trình lúc này không còn mối quan tâm ba chiều nữa, vì dường như vật chất đã mang ý nghĩa khác. Không gian thực tế khép lại và một không gian trừu tượng mở ra trong tâm trí chúng ta.
Chú thích:
(1), (2), (3), (4) Ornament and architecture, Louis Sullivan.
(5) Ornament and Crimes, Adolf Loos.
(6) The thickness of the facade, Pier Vittorio Aureli.
(7) El Croquis 182, Christian Kerez.
No comments:
Post a Comment