Hình thức - công năng

Critoboulus: Ta biết rằng, dù sao đi nữa, một tấm khiên được gọi là đẹp, cũng như thanh gươm hay chiếc giáo. 
Socrates: Làm sao như thế, những vật mà anh kể trên nào có giống gì nhau, vậy mà chúng đều được xem là đẹp hay sao?
Critoboulus: Nếu như, nhờ bởi thần Zeus, chúng được tạo tác hướng đến hoàn thành nhiệm vụ mà qua đó ta cầu viện chúng, hoặc nếu về bản chất chúng đáp ứng được nhu cầu của ta, vậy thì hết thảy chúng đều được xem là đẹp đẽ. 
- trích Symposium, Xenophon 

Xem ra mối quan hệ phức tạp giữa hình thức và công năng không hề là đặc thù riêng của ngành kiến trúc. Nó đã được đem ra thảo luận từ những ngày đầu tiên của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. 

Đúng thế, và dẫu cho sau đó, cuộc tranh luận có kết thúc bằng phần thắng nghiêng về Socrates khi ông tự nhiễu nhại vẻ đẹp của mình, với đôi mắt lồi mà ông cho rằng sẽ giúp nhìn rõ hơn những vật ở biên cũng như đôi môi dày sẽ giúp ông hôn giỏi hơn, để chỉ ra lỗ hổng trong lập luận của Critoboulus. Thì cuộc tranh luận này vẫn tiếp diễn, mà đỉnh cao của nó như chúng ta đều được biết là tuyên bố của Louis Sullivan - cha đẻ của kiến trúc hiện đại: “Hình thức đi theo công năng. Đây là luật." (1) 



Và chúng ta sẽ tiếp tục tranh luận về chủ đề này, ở đây và bây giờ?

Dĩ nhiên, nhưng chúng ta sẽ không làm điều đó một mình. Sau cái mà người ta nghĩ là cuộc “cáo chung" của kiến trúc hiện đại, sự tiếp quản của cái hậu (post-) của những năm 60s đã trở thành vườn ươm trăm hoa đua nở cho suy tư kiến trúc. Trong đó, không thiếu những tư tưởng sâu sắc căn cơ lẫn mới mẻ đầy tiềm năng về chủ đề muôn thuở “hình thức và chức năng”. 

Anh muốn nói đến những chức năng văn hoá và xã hội, hay chức năng truyền thông mà người ta cho rằng đã không thể được thỏa mãn bởi chủ nghĩa hiện đại?

Ồ không, mặc dù tư tưởng có tính hùng biện của những nhà nhân văn kiến trúc (humanist) ở thời kỳ đó như Robert Venturi, Robert A. M. Stern hay Juhani Pallasmaa đã ít nhiều gây thổn thức, tôi hướng đến thứ gì đó có ý nghĩa cải cách hơn. Điển hình như những điều được đề cập đến trong “The formal basis of architecture", tạm dịch “Nền tảng hình thức của kiến trúc" - luận văn tiến sĩ của Peter Eisenman. Trong đó, ông đã đề xuất một chiều kích sâu cay hơn của hình thức, gọi là hình thức bao quát (general form), bên cạnh hình thức cụ thể (specific form) là những hình thức vật chất có thể tri giác được (màu sắc, vật liệu, quy mô, kích cỡ) trong thực tế. 

Khái niệm hình thức bao quát này liệu có liên hệ với hình thức hay ý niệm - “form" của Plato chăng? Cái gì đó giống như kiểu mẫu phi vật chất, bất di bất dịch, vĩnh cửu, dựa trên đó chúng ta có thể sao chép ra các bản sao vật chất luôn luôn không hoàn hảo?

Vâng, gần như là vậy! Nhưng dường như với Peter Eisenman, mọi hình thức đều chứa đựng trong bản thân nó cái phổ quát và cái cụ thể, ông giải thích như sau “Tạo ra một hình thức không đơn thuần là tạo ra một dạng hình, hay tạo ra những vật thể đẹp đẽ và làm hài lòng về mặt thẩm mỹ trong chính nó, bởi vì những thứ này chỉ thỏa mãn khía cạnh giác quan chứ không phải ý niệm của vấn đề. Sự giới thiệu của một trật tự phải được nội hàm trong việc tạo ra hình thức, cho dù hình thức này hướng đến làm sáng tỏ một dự định hay chức năng cụ thể, hay hướng đến làm sáng tỏ mối quan hệ giữa công trình và môi trường. Hình thức, vì thế mà cụ thể, nhưng đồng thời cũng bao quát. Nó cung cấp cho kiến trúc, những phương tiện cụ thể để đáp ứng những chủ định (intention) và phục vụ các chức năng (function), và phương tiện chung để tạo ra một môi trường có trật tự” (2). 

Nghĩa là trong trường hợp này thậm chí, ngược lại với phát biểu của Sullivan, hình thức dẫn dắt và tạo điều kiện cho chức năng?

Đúng thế, chính vì vậy là Peter Eisenman đã gọi đó là hình thức tự túc (self-sufficient form) hay là hình thức tự tham khảo (self-referential form), chính nhờ đó mà “kiến trúc vị kiến trúc" được tạo ra.

Không quá khó để nhận thấy lối suy tư đã được áp dụng vào trong các công trình của Peter Eisenman. Bắt đầu với một hình khối cơ bản (phần lớn là các khối hộp vuông hay chữ nhật), ông phát triển một cú pháp dựa trên hình khối đó và sử dụng với ngữ pháp, từ vựng phái sinh từ những thuộc tính cơ bản của hình thức như khối tích, sự chuyển động, các bề mặt …

Đúng như thế, công trình của ông đặc biệt là các công trình nhà ở giai đoạn đầu của thực hành dễ dàng cho chúng ta cảm giác của một “tính tự trị kiến trúc" mà ở đó chức năng hay mối quan hệ với bao cảnh cũng trở nên khái quát hoá. 

Tự trị kiến trúc? Aldo Rossi phải chăng cũng hướng đến tính “tự trị kiến trúc”? Nhưng rõ ràng công trình họ rất khác biệt nhau.

Mừng vì anh đã nhắc đến Aldo Rossi, đúng là công trình họ rất khác biệt nhau mặc dù cùng hướng tới “tự trị kiến trúc", bởi vì trong khi Peter Eisenman xuất phát bằng hình thức, những hùng biện của Aldo Rossi có thể nói là khởi đi từ sự phê phán chức năng. 

Nghe điều rất thú vị!

Chúng ta không có nhiều thời gian cho chủ đề đó, nên tôi sẽ chỉ đề cập một chút đến phê phán quan trọng của Aldo Rossi với chức năng, gọi là chủ nghĩa công năng ngây ngô (naive functionalism). Trong đó, ông “phản đối khái niệm của chủ nghĩa công năng bị thống trị bởi một chủ nghĩa thực nghiệm ngây thơ (ingeneous empiricism) cho rằng chức năng mang theo hình thức và từ bản thân chúng cấu thành tạo tác đô thị và kiến trúc”(3). Aldo Rossi đưa ra lập luận thuyết phục thông qua cách tiếp cận công trình trên bình diện đô thị và xem xét cùng với chiều kích thời gian mà ở đó chúng ta phát hiện ra các chức năng đã liên tục bị thay đổi cho cùng một hình thức. 

Trên khắp các đô thị, luôn có những hình thức kiến trúc tự trị qua thời gian. Chúng có khả năng ứng phó tuyệt vời với biến động lịch sử thường là thông qua mối quan hệ khôn khéo với chức năng. Nói một cách sòng phẳng, niềm tin vào một mối quan hệ bền chặt giữa công năng và hình thức là ngây thơ. Thậm chí với thời gian ngắn ngủi của một đời người, không ít lần ta tự mình trải nghiệm điều đó.

Một trong những công trình ưa thích của Rossi là Palazzo della Ragione ở Padua, một town hall được xây dựng từ thời trung cổ đã trải qua rất nhiều biến cố và tai ương nhưng hiện tại là một không gian đô thị đầy sức sống với sự đan xen các chức năng khác nhau vào trong hình thức có bề dày lịch sử, và thấm đẫm ký ức đô thị. 

Chú thích
(1)"The Tall Office Building Artistically Considered", Louis Sullivan, 1896. 
(2) The formal basis of modern architecture,  Peter Eisenman,

(3) The architecture of the city, Aldo Rossi



No comments:

Post a Comment