Bầu khí

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
-  Bà Huyện Thanh Quan, Thăng Long hoài cổ. 

Khí, bầu khí, hay không khí dường như không phải là một khái niệm xa lạ với đời sống Á Đông vốn luôn được khắc hoạ dưới nhãn quang Tây phương bằng khói tỏa, sương mù của huyền hoặc. Vẽ một bức tranh thuỷ mạc, danh hoạ Thẩm Tông Khiên căn dặn hậu thế phải để mắt xem chừng những nét đóng và khoảng mở để “dòng khí" không ngừng dịch chuyển và điều hoà. Nhờ đó, mà bức tranh tránh được kết cục của một đống hỗn độn các điểm sáng tối.


Ở trong kiến trúc, nhà ở tứ hợp viện (siheyuan) của Trung Quốc, hay nhà trong phố cổ Hội An và nhà vườn Huế cũng cho thấy mối quan tâm hàng đầu tới dòng khí lưu chuyển. Từ đó, các khối nhà và khoảng sân, đại diện cho các nét đóng mở, được bố cục hài hoà. Nhưng, một “bầu khí" - một “chất lượng” được tạo ra từ chính công trình phải chăng là một điều mới mẻ? Nói theo cách của Zumthor, trong lần đầu tiên định nghĩa thuật ngữ “bầu khí", “Quality in architecture is when a building manages to move me” - “Chất lượng kiến trúc (bầu khí) là khi một công trình thành công trong việc làm tôi xúc động” (1).

Phát biểu này có thể gây tranh cãi bởi hai điểm. Thứ nhất, bầu khí dường như không phải là một đại lượng khách quan có thể luôn luôn đạt được, dường như nó phụ thuộc vào tính thời điểm của công trình. Thứ hai, khi nói rằng “công trình thành công trong việc làm “tôi” xúc động” phải chăng đang đề cập đến một chủ thể “tôi" - với những nền tảng và mối quan tâm cá biệt - mà thông qua người này đánh giá được đưa ra. Nếu như vậy, khái niệm “bầu khí" là chủ quan, không có khả năng khái quát.

Quả thật, định nghĩa của Zumthor mang hơi hướng của một cuộc cách mạng Copernic theo lối Kant, “cái đẹp nằm trong con mắt của kẻ si tình". Chính Zumthor cũng thừa nhận điều đó, cho rằng “tất cả phụ thuộc vào tôi", nhưng phải có sự tác động vật chất của công trình lên chủ thể “tôi” đó, và đây chính là thứ mà chúng ta trong vai trò kiến trúc sư có thể thao túng được. Còn về khả năng lay động chúng ta, có lẽ “kiến trúc không nên cụ thể hoá cảm xúc, nhưng nên mời gọi cảm xúc”, nghĩa là tạo ra một môi trường mà ở đó gây tác động nhưng theo mỗi cách khác nhau tùy thuộc (2).

Nghĩa là có khả năng cho một công thức chung để tạo ra bầu khí gây tác động như anh nói?

Chúng ta có một số những đề xuất đến từ Zumthor. Nhưng tôi ấn tượng nhất là bởi khái niệm của “mức độ thân mật” (level of intimacy). Cụ thể là, “Nó hoàn toàn ở trong mối quan hệ với sự gần gũi (proximity) và khoảng cách. Kiến trúc sư cổ điển sẽ gọi nó là tỉ lệ. Nhưng nghe có vẻ quá học thuật - ý tôi là cái gì đó có “tính thân thể” (bodily) hơn là tỉ lệ và kích thước … nó là cái gì đó so sánh với chính bản thân tôi” (3).

Sự chiếm lĩnh không gian của một cá nhân trong mối quan hệ với công trình. Cá nhân đó có thể phá vỡ khoảng cách bằng sự thân mật sờ chạm, bằng chuyển động tới lui lên xuống. Hoặc thậm chí bằng khao khát không thể được đáp ứng được trước những công trình kỹ vỹ. Một số công trình có khả năng tạo ra cảm giác giằng co không ngơi nghỉ với đối tượng quan sát của mình, không thể thỏa mãn và cũng không ngừng thỏa mãn. Nhưng liệu chăng, có khả năng nào chăng chính bản thân chúng ta cũng mang vác một “bầu khí" của riêng mình, va chạm với “bầu khí" của công trình.

Anh gợi nhắc tôi nhớ đến những chia sẻ của nhà phê bình văn học Roland Barthes trong tập tiểu luận về nhiếp ảnh Camera Lucida. “Không khí (air) là một dạng bổ khuyết không thể tách rời của một nhân dạng" - Ông đưa ra nhận định này khi xem lại những tấm ảnh chụp người mẹ thân thương của mình. Barthes nói rằng ông cảm thấy như đang nhìn qua rất nhiều mặt nạ “ở cái cuối cùng, đột nhiên mặt nạ biến mất: ở đó còn lại một tâm hồn, không tuổi (ageless) chứ không phải là bất tử (timeless), vì cái không khí này (this air) là người mà tôi đã từng nhìn thấy, đồng bản thể (consubstantial) với khuôn mặt của bà, mỗi ngày trong cuộc đời dài lâu của bà” (4).

Và nếu như Barthes trải qua hàng loạt tấm ảnh để cuối cùng nắm bắt bầu khí phát tiết từ người mẹ đã quá đỗi quen thuộc, chúng ta vẫn làm điều tương tự một cách vô thức trong những cuộc gặp gỡ trực tiếp đối với những người xa lạ, dưới tên gọi của “ấn tượng đầu tiên". Thần kinh học hiện đại đã phát biểu rằng nhận thức của chúng ta đi từ tổng thể đến chi tiết. Điều này có nghĩa là chúng ta ngay lập tức trải nghiệm cái toàn thể, một lúc nắm bắt hết thảy vào trong một chất lượng chung duy nhất, với con người, đó là “ấn tượng đầu tiên”. Với kiến trúc, đó là “bầu khí.

Về điều này, Peter Zumthor chia sẻ rằng ông đã từng nghi ngờ tính chuẩn xác của “ấn tượng đầu tiên" trong tiếp xúc với người lạ. Nhưng dần dà, điều đó đã được kiểm chứng đúng đắn, và cũng như vậy đối với kiến trúc, ông nói “Tôi bước vào một công trình, thấy một căn phòng - chỉ trong một phần giây - tôi đã có cảm xúc về nó” (5).

Tôi thì lại không mấy quan tâm đến tính chuẩn xác của “bầu khí" hay “ấn tượng đầu tiên". Bởi vì đó là “ấn tượng”, nói trên quan điểm của Claude Monet. Hãy nhìn xem sê-ri những bó rơm (Haystacks) của ông ấy trên cánh đồng. Chúng là những “ấn tượng” hay “bầu khí” với sắc thái khác nhau thay đổi theo từng thời điểm trong ngày. Và tôi chẳng thể nói mình ưa thích “ấn tượng" nào hơn, hay “ấn tượng” nào là đúng đắn hơn.

Tôi không muốn so sánh hai đối tượng thuộc hai phạm vi và thời kỳ khác nhau, nhưng rõ ràng là họ cùng chia sẻ một mối bận tâm về “bầu khí". Trong khi Monet, sử dụng những nét cọ phóng khoáng để nắm bắt thật nhanh những biểu hiện thoáng qua của ánh sáng và bầu khí quyển, giải thoát bản thân khỏi lề lối kinh viện trong các xưởng vẽ. Thì Zumthor lại vô cùng tỉ mỉ, trau chuốt hướng đến “chưng cất” một bầu khí đậm đặc từ “craft” (thủ công) và “graft” (lắp ghép). Điểm chung của họ là kết quả đạt được một “bầu khí” có sức lay động sâu xa.

Quá trình “chưng cất" bầu khí của Zumthor từ “thủ công” và “lắp ghép”? Ý muốn đề cập đến chọn lựa vật liệu công trình và phương pháp thi công?


Theo tôi thì không hẳn như thế. “Thủ công” và “lắp ghép" có thể được hiểu rộng ra và sâu hơn là ở phương thức làm việc. Bắt đầu chỉ với một ý tưởng để cuối cùng đạt được một bầu khí là điều chẳng mấy dễ dàng, vì công trình là tổ hợp của vô số các yếu tố đan xen và chi phối lẫn nhau. Một số kiến trúc sư bắt đầu trong vô thức, như Alvar Aalto thú nhận: “Được dẫn dắt bởi bản năng, tôi vẽ, không phải một tổng kết kiến trúc, nhưng đôi khi thậm chí là những tổ hợp ngốc nghếch, và thông qua lộ trình này cuối cùng tôi đạt được một nền tảng trừu tượng cho ý tưởng chính của mình, một kiểu vật chất phổ quát mà với nó giúp cho hàng loạt những vấn đề phụ ? đầy mâu thuẫn (của công việc thiết kế) tiến đến một sự hoà hợp” (6). 

Vậy ý của anh là tính “thủ công” và “lắp ghép” có thể tìm thấy ở trong quá trình tư duy vô thức, trong những nguệch ngoạc phóng khoáng, những sự kết hợp chẳng mang ý nghĩa nào cụ thể ở thời điểm bắt đầu? Nhưng dần dà chúng tiến đến xây dựng một cái gì đó “trừu tượng" và chính cái “trừu tượng", trong trường hợp của chúng ta là “bầu khí", sẽ dẫn dắt toàn bộ quá trình còn lại, giống như từ trường của một thỏi nam châm?
Đúng vậy. Bất kỳ lĩnh vực sáng tạo nào, dù đó là tiểu thuyết, thi ca, hội hoạ, âm nhạc … một khi ta đã đạt được “bầu khí" thì mọi thứ trở nên vô cùng dễ dàng. Với tôi, đặt bút viết những dòng đầu tiên là khó khăn nhất. Chúng hầu hết là những con chữ vụn vặt được chắp vá với nhau, nhưng nếu vượt qua thời điểm lộn xộn và phức tạp đó, mọi thứ trở nên thông suốt lạ thường, và dòng suối sáng tạo tuôn chảy. Nói như Juhani Pallasmaa “Nó bắt đầu dẫn hướng cho bạn. Bạn quyết định những bước tiếp theo và những chi tiết tiếp theo dựa trên linh cảm của bầu khí, thay vì dựa trên một cái nhìn lý thuyết hay những điều kiện cho trước. Dường như là trong quá trình sáng tạo, bầu khí bước vào công trình trong khoảnh khắc mà công trình chiếm quyền điều hành, khi mà công trình đạt được tính cách, độc lập khỏi chính bạn” (7). 

Chú thích: 
(1) Peter Zumthor, Atmosphere, 10. 
(2) Juhani Pallasmaa, “Atmosphere, Compassion and Embodied Experience - A conversation about Atmosphere with Juhani Pallasmaa”, OASE 91, 39. 
(4) Peter Zumthor, Atmosphere, 50. 
(5) Roland Barthes, Camera Lucida: Reflection on photography, 109. 
(5) Peter Zumthor, Atmosphere, 12. 
(6) Alvar Aalto, “The trout and the mainstream”, trong Goran Schildt, Alvar Aalto in his own Words.  (7) Juhani Pallasmaa, “Atmosphere, Compassion and Embodied Experience - A conversation about Atmosphere with Juhani Pallasmaa”, OASE 91, 43.

No comments:

Post a Comment