- Felix Guattari & Gilles Delleure, A thousand Plateaus.
Âm thanh có những tính chất đặc biệt. Âm thanh chảy quanh những chướng ngại, thâm nhập mà không cần được cho phép. Cũng vì vậy mà trải nghiệm thị giác không đồng nhất với trải nghiệm âm thanh. Trong khi, trải nghiệm thị giác bị hạn chế bởi giới hạn vật lí, trường nhìn, tính chủ định của người quan sát và ,vì thế, là đơn nhất. Âm thanh, trái lại, là một trải nghiệm tổng hợp bởi tính chất ép buộc của nó. Ta không thể từ chối âm thanh của một tiếng rao, ví dụ thế.
Tuy nhiên, không phải là không thể chọn lọc âm thanh, con người cũng có thể tự do chọn lựa cái mà họ muốn nghe. Mặc dầu không thể hoàn toàn loại bỏ âm thanh tổng hợp, nhưng đôi lúc tâm trí chúng ta có khả năng lọc gạn âm thanh, chuyển hoá những âm thanh không chủ định thành những “background noise". Ví dụ như lúc anh bắt điện thoại giữa một đám đông náo nhiệt.
Phạm vi âm thanh cá nhân, ngày nay, nhờ sự trợ giúp của công nghệ đã có thể đạt được một cách dễ dàng thông qua các tai nghe điện tử. Chỉ có một không gian làm việc vật lý nhưng rất nhiều không gian âm thanh cá nhân có thể được bao hàm trong đó. Không những vậy, phạm vi âm thanh có thể xuyên qua khoảng cách vật lí thông qua truyền thông vô tín, hai người ở hai đầu ống nghe chia sẻ cùng một “không gian âm thanh". Vào đúng lúc đó, họ hiện diện vật lí ở hai nơi chốn hoàn toàn khác biệt nhau.
Những âm thanh kể trên dường như là âm thanh của con người, hoặc do sản phẩm con người mà thành. Giả sử như chúng ta có thể loại bỏ hết thảy mọi thanh âm, liệu chúng ta có thể nghe được “tiếng" của công trình?
Một câu hỏi rất hiện tượng luận đây, Peter Zumthor từng đề cập đến vấn đề này trong Atmosphere. Ông cho rằng mỗi công trình chắc hẳn sẽ phát ra một loại âm thanh (tone - sắc thái). Và đó không phải là âm thanh được tạo ra bởi va chạm, một thứ gì đó bất khả tri. Đó là thứ mà ta chỉ cảm nhận được khi ta bước vào một không gian cách âm, Zumthor chia sẻ, và thật là đẹp đẽ khi ta xây dựng một công trình và tưởng tượng ra công trình trong sự tĩnh mịch … một nơi im lìm (1).
Thật lạ là tại sao Swiss Sound Box của Peter Zumthor cho Expo Hannover 2000 lại bỏ qua ý tưởng về một không gian “tĩnh mịch"? Tôi không nghĩ là một không gian hoàn toàn dựng nên từ các thanh gỗ xếp trực giao xen kẽ nhau được giằng lại bằng dây thép sẽ giúp ích cho các âm thanh “không được tạo ra bởi va chạm" đề cập bên trên. Mà ngược lại, hiệu ứng của một cấu trúc “xốp" (porous structure) như thế rõ ràng là khuyến khích sự va chạm âm thanh, thậm chí là không kiểm soát nổi của tự nhiên, con người và nhạc cụ. Những tỉ mỉ trong lối sắp đặt và vị trí của các thanh gỗ rõ ràng là cho thấy một nỗ lực “hòa nhạc" để làm thỏa mãn “tai nghe” của thị giác.
Dù sao thì đó vẫn là một công trình triển lãm luôn có những hạn chế về thời gian nơi chốn, cũng như yêu cầu dễ tháo dỡ sẽ liên quan mật thiết đến việc lựa chọn hình thức và vật liệu công trình. Nhưng trở lại với câu hỏi của anh về một không gian hoàn toàn triệt tiêu âm thanh. Vì một số mục đích, người ta cũng tạo ra những không gian như thế thật. “Anechoic chamber” của Harvard là một trong những căn phòng được thiết kế với các diện của căn phòng được trang bị để hấp thu mọi loại âm thanh, không có bất kỳ một âm thanh nào có thể dội lại tai người nghe. Ở những mặt phẳng cấu thành các không gian này, người ta sẽ sử dụng các loại vật liệu hút âm gọi tắt là RAM (Radiation-absorbent material) làm từ xốp, carbon, silicon,... Những bức tường RAM thường được tạo thành bởi cơ số các RAM dưới hình kim tự tháp (phổ biến nhất) có khả năng tạo ra những ảo ảnh thị giác rất thú vị.
Tôi nhớ rằng nhà soạn nhạc yêu thích thể nghiệm - John Cage đã tham dự vào một không gian phi âm vọng như thế vào năm 1950. Ông thuật lại việc mình chỉ nghe được hai loại âm thanh một cao, một thấp từ hệ thần kinh và tuần hoàn máu của chính mình. Một lỗ đen âm thanh, đó hẳn là cách thức hoạt động của “anechoic chamber".
Cũng giống như mùi hương, âm thanh có khả năng gắn kết mạnh mẽ với ký ức, đặc biệt là với ký ức về nơi chốn. Một giai điệu quen thuộc vang lên, “ta đã nghe ở đâu rồi đấy nhỉ?” m thanh đôi khi còn giúp xác định cả không gian, lãnh thổ. Tôi còn nhớ thời gian lưu lại ở một vùng nông thôn cách không xa thành phố Huế. “Đây là đài tiếng nói nhân dân Thừa Thiên Huế” - giọng nữ Huế qua chiếc loa vang vọng trên con đường làng một sớm mùa hè trong trẻo. Và chừng nào còn được ở trong tầm phủ sóng của tiếng loa ấy, chúng ta xác định được nơi chốn ta thuộc về.
Tiếng loa mà anh đề cập có thể được xem như một vật thể âm thanh (sound object) tham gia vào “thanh cảnh” (soundscape) của cả làng quê Thừa Thiên được trải nghiệm sáng hôm ấy. Soundscape là khái niệm về môi trường âm thanh được trải nghiệm bởi con người. So với quang cảnh (landscape), khái niệm soundscape vẫn bị xem là thứ cấp bởi vì người ta dễ nắm bắt những gì cụ thể, hữu hình. Nhưng cũng chính vì thế, nó tiềm ẩn khả năng đánh động và khơi gợi sâu xa hơn là những thứ kích thích đơn thuần trên bề mặt.
Cụ thể là âm thanh có nhịp điệu, chúng luôn tác động một cách thần bí đến chúng ta. Rất thường thấy trong những nghi thức cử hành ở các bộ tộc ít người, người hành lễ vừa đi vòng tròn trong một điệu nhảy múa truyền thống vừa kết hợp với việc ngâm nga một giai điệu không có ý nghĩa rõ ràng. Và điều ấy khiến cho cả khu vực hành lễ trở nên linh thiêng.
Đó giống như là sự lãnh thổ hoá không gian mà Deleuze và Guattari đã đề cập trong A Thousand Plateaus. Chúng ta có thể tạo nên một lãnh thổ trong sự hỗn loạn bằng điệp khúc (refrain /ritournelle), giống như đứa trẻ ngâm nga trong bóng tối để chống lại cơn sợ hãi vậy. Thông thường, con người sử dụng những yếu tố “âm vang” (soronous) và “thanh âm” (vocals) nhằm đạt được những ổn định về mặt tinh thần, hay nói cách khác xây dựng một không gian tinh thần có kiểm soát. Một ví dụ thường thấy là người nội trợ hát ca một mình, hay nghe đài phát thanh, khi đang cố gắng đưa nhà cửa vào trong trật tự xác định (2).
Âm thanh thậm chí còn có thể hàm chứa chức năng chính trị. Nhà hát giao hưởng Berlin của Hans Sharoun là một ví dụ đặc biệt. Không gian của thính phòng được thiết kế để các khu vực khán đài đều bảo đảm trang âm đạt chất lượng tương đương nhau, mỗi không gian có một đặc điểm cá biệt để được yêu thích. m thanh được phân phát đồng đều cho mỗi người.
Chú thích:
(1) Peter Zumthor, Atmosphere, 30.
(2) Felix Guattari and Gilles Deleure, A Thousand Plateaus, 311.
No comments:
Post a Comment