Tự trị

1. 
Với chủ đề trước, chúng ta đã kết thúc bằng việc đề cập đến một “Khả thể kiến trúc tuyệt đối". Ở đó, thông qua việc xác định hình thức, tính chính trị của đô thị cũng được xác định. “Kiến trúc tuyệt đối” theo kiến giải của Pier Aureli, là “biệt lập" hay “tách biệt" hoàn toàn. Và vì thế mà nhờ đó đô thị như là tổ hợp của các thành phần kiến trúc “tự trị". 

Khả thể cho một kiến trúc “tự trị" như thế giữa “sự hỗn loạn" (chaos) phải chăng cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa không tưởng? Mà trong đó, khả thể (possibility) chính nó dường như mang tính ý hướng, viễn tượng hơn là một khẳng định chắc chắn?

Đô thị

Tình trạng đô thị ngày nay dường như đã vượt qua tầm kiểm soát của người kiến trúc sư. Khả năng quản lý cái biểu hiện vật chất đô thị thể hiện qua thực hành kiến trúc chỉ còn là ảo tưởng?

Sự bất lực của các kiến trúc sư trong đô thị học đã manh nha từ những năm 1930 ở thế kỷ trước, những đồ án “không tưởng" như Broadacre của Frank Lloyd Wright hay The Radiant City của Le Corbusier bị chối bỏ cho thấy thái độ của xã hội đối với những áp đặt toàn diện và lý tính trên một phạm vi rộng lớn. Nội dung phê phán này cũng được đề cập trong Collage City của Colin Rowe. Chính vì tình thế đô thị phức tạp mà Rowe đã đề xuất sử dụng một kỹ thuật có tính trung lập lý tưởng bằng cách tổng hợp hình thức của “giàn giáo (scaffold) và vật trưng bày, cấu trúc và sự kiện, cái lý tưởng và thực nghiệm, để đạt được, nói một cách ngắn gọn, cả cái tự trị và đa chất của hình thức kiến trúc - được hiểu trên hết như là dấu hiệu và củng cố của bản thân văn hoá” (1). Một cách tiếp cận có thể nói là rất hậu hiện đại, thể hiện qua việc kết hợp hai khái niệm scientist và bricoleur của nhà nhân học cấu trúc Levi-strauss.