Tự trị

1. 
Với chủ đề trước, chúng ta đã kết thúc bằng việc đề cập đến một “Khả thể kiến trúc tuyệt đối". Ở đó, thông qua việc xác định hình thức, tính chính trị của đô thị cũng được xác định. “Kiến trúc tuyệt đối” theo kiến giải của Pier Aureli, là “biệt lập" hay “tách biệt" hoàn toàn. Và vì thế mà nhờ đó đô thị như là tổ hợp của các thành phần kiến trúc “tự trị". 

Khả thể cho một kiến trúc “tự trị" như thế giữa “sự hỗn loạn" (chaos) phải chăng cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa không tưởng? Mà trong đó, khả thể (possibility) chính nó dường như mang tính ý hướng, viễn tượng hơn là một khẳng định chắc chắn?

Cũng có thể nói như vậy. Tuy nhiên, không nhất thiết phải đứng ra hùng biện trực tiếp cho “kiến trúc tuyệt đối", công trình của một số các kiến trúc sư cách nào thể hiện sự trăn trở hướng về tính “tự trị" của công trình. Một trong số đó phải kể đến Mies Van der Rohe. Trong “Khả thể của một kiến trúc tuyệt đối" Pier Aureli đã chỉ ra thủ pháp rất được ưa chuộng của ông mà qua đó công trình tiến đến xác lập giới hạn của nó với đô thị: cái đế (the plinth). 

Anh đề cập đến phần bệ, đế trong những công trình cao tầng của Mies như Seagram Building ở New York, Westmount Square ở Montreal hay Toronto-Dominion Center? 

Phải vậy!

Chỉ với những cái đế mỏng dính kia mà có thể tạo nên tính tự trị đô thị quả thật là có phần gượng ép! Hãy nhìn kiến trúc của chúng mà xem, các tháp kính chọc trời này hoàn toàn chịu ảnh hưởng của sự phát triển công nghiệp và tư bản? Chạy phía ngoài công trình chẳng phải là những chiếc dầm I, đại diện tiêu biểu cho tinh thần của thời đại công nghiệp, của sản xuất hàng loạt hay sao? 

Vấn đề là nếu Mies cố gắng tạo ra những hình thức mới khác thì ông cũng chỉ đang chạy theo “sự chuyên chế của cái mới”, và quay trở về với vòng xoáy vô tận của “bad infinity"? 

Ý của anh là sự đơn giản hóa hình thức của Mies thể hiện một thái độ “tự trị" chính trị, ở đây là chống lại nhu cầu hay nói đúng hơn là “cuộc đua" sản xuất ra các công trình điểm nhấn (landmark)?

Các tháp được xếp đặt gọn gàng trong không gian xác định là cái đế, tạo thành một nguyên mẫu (prototype) kiến trúc của Mies mà Aureli tin tưởng rằng có thể được xem như ví dụ tiêu biểu cho một kiến trúc tuyệt đối, “vì chúng định rõ đường ranh, khơi gợi trải nghiệm agonistic (đối lập) của đô thị” (1). Thêm vào đó, nếu như để ý kỹ những cái đế của Mies không chỉ tách biệt công trình mà chính nó tăng cường đời sống đô thị, nền lát gạch vuông giống như hệ lưới bên trên đặt các phiến đá, cây cối, và mặt nước … cho sự gặp gỡ. Bản thân “cái đế" lại là một không gian “ở giữa”, không gian “infras -” của những biểu hiện chính trị “vi mô", giữa người với người. 

2. 
“Tự trị” thiết kế không chỉ đơn thuần là một hình thức xác định có tính chất đối kháng với xung lực ngoại tại: kinh tế, chính trị, xã hội ... Nhưng quan trọng hơn nó còn liên quan đến việc truy tìm luật lệ nội tại chi phối kiến trúc. Các kiến trúc sư hậu-hiện đại như Peter Eisenman, hay Aldo Rossi là những nhà tiên phong trên con đường này. Nếu như đối với Rossi “tự trị được tìm thấy trong sự khẳng định [của kiến trúc] trong lịch sử”, thì về phía Eisenman “tự trị nằm ở sự phân tích ngôn ngữ độc lập (self-sufficient) [của kiến trúc]” (2). 

Vậy dám hỏi, theo như quan điểm của Aldo Rossi về typology - biểu hiện của tự trị kiến trúc theo thời gian, những nguyên mẫu được miêu tả ở trên của Mies có được gọi là một “typology" hay không? 

Hỏi rất hay! Nhưng trước tiên tôi muốn chúng ta cùng nhau thống nhất về thuật ngữ typology theo định nghĩa của Aldo Rossi. Cụ thể là, typology xuất phát từ thuật ngữ “type” được Quatremere de Quincy giải thích như sau. “Type” không thể hiện hình ảnh của một thứ chỉ để sao chép hoặc bắt chước hoàn toàn. Không giống như ý niệm về một yếu tố, bản thân type đóng vai trò của một nguyên tắc (luật lệ) cho hình mẫu (model) …” (3). Type khác với “model” ở chỗ “model” phải được lặp lại như chính nó, còn “type” là một vật thể (object) mà “dựa vào đó người ta có thể tạo nên những công trình không giống với công trình nào khác” (4). Mọi thứ đều chính xác và có sẵn trong “model”, mọi thứ đều ít nhiều mập mờ trong “type” (5). 

Để tôi tổng hợp lại một chút, ý anh là trong khi “model" là một hình mẫu có tính biểu hiện bề ngoài, ví dụ như các model khác nhau, hay phiên bản khác nhau của điện thoại thông minh. Thì type lại thể hiện bản thân trong nguyên lý hoạt động của một chiếc điện thoại thông minh có khả năng giải quyết các thao tác “vi tính" đa dạng, phân biệt nó với điện thoại di động “không thông minh" khác? 

Có thể hiểu đơn giản là như thế, bởi lẽ dù cho có thay đổi thế nào, type luôn duy trì “các nguyên tắc cơ bản một cách rõ ràng và hiển nhiên cho cảm quan (senses) và lý tính (reason)”. Aldo Rossi kết luận, “Typology thể hiện bản thân như là (môn học) nghiên cứu về “type" của những thành tố (types of elements) không còn có thể được giản lược của một đô thị cũng như của kiến trúc" (6). Bây giờ để trả lời cho câu hỏi về Mies ở trên của anh … 

Để tôi thử phân tích nhé. Khi tôi, theo cách anh giới thiệu, gọi công trình của Mies là một prototype, với tiền tố proto- (nghĩa là “nguyên-") đứng trước “type". Tôi đã đồng thời công nhận công trình của Mies không những là “type" mà còn là “prototype", nghĩa là một “type" đầu tiên, chúng ta có thể hiểu đây là type đầu tiên của “khả thể tuyệt đối", hay của công trình văn phòng cao tầng. Sử dụng “typology" là không đúng đắn cho câu hỏi, bởi vì hậu tố “-logy” (nghĩa là môn học về -) kết hợp với type ở phía trước có nghĩa là “môn học về loại hình", hay là “hệ thống các kiểu hình". 

Việc xem xét typology như là một môn học thể hiện khát khao của Aldo Rossi trong công cuộc xây dựng kiến trúc trở thành một môn khoa học thực nghiệm (Positive science). 

Nghĩa là Aldo Rossi từ chối cái thế giằng co của kiến trúc là nghệ thuật hay khoa học mà đứng hẳn về phía khoa học. Cụ thể ở đây là khoa học thực nghiệm, theo tôi được biết, là khoa học tuyên bố dựa trên việc kiểm chứng các lý thuyết. Vấn đề là, chúng ta kiểm chứng các lý thuyết kiến trúc bằng cách nào? 

Vấn đề là, chúng ta đã có lý thuyết kiến trúc chưa thì đúng hơn? 

Ý của anh là …? Thế còn kiến trúc hữu cơ (organic architecture) của Frank Lloyd Wright, chương trình sư phạm của Walter Gropius ở Bauhaus, và di sản của CIAM thì sao? Cũng không được xem là lý thuyết kiến trúc ư?

Rất tiếc là không! Aureli, trong The Project of autonomy, đã đưa ra nhận định rằng, những học thuyết trên không phải là lý thuyết, và vì thế không thể làm cho kiến trúc trở thành một môn “khoa học thực chứng" (positive science). Bởi vì trên hết, chúng là những “dự án có tính chính trị … xem Phong trào Hiện đại như là lối đi duy nhất đến một nền kiến trúc và đô thị dân chủ" (7). Hay, nói một cách ngắn gọn, chúng là “những kỳ vọng có tính tư tưởng (ideological pretension) của mối liên hệ giữa chủ nghĩa tự do, dân chủ, và hiện đại" (8). Về phía mình, Aldo Rossi chủ trương kiểm chứng các lý thuyết bằng khái niệm phức tạp Locus. Mong muốn của ông về kiến trúc như khoa học thực chứng chưa đạt được thành quả thuyết phục. 

Tuy vậy, không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của di sản The architecture of the city mà ông đã để lại cho kiến trúc. Quan trọng nhất trong số đó chính là khái niệm có tính truyền cảm hứng cao độ: kiến trúc “vĩnh cửu” hay kiến trúc “tự trị” với thời gian. 

Chú thích:
(1) Pier Vittorio Aureli, The possibility of an absolute architecture (The MIT Press, 2011), 42. 
(2) Rafael Moneo, Theoretical Anxiety and Design Strategies: In the work of eight contemporary architecture, 200-251 (The MIT Press, 2004),149. 
(3) (4) (5) (6) Aldo Rossi, The architecture of the city (The MIT Press, 1984), 40-41. 
(7) (8) Pier Vittorio Aureli, The project of Autonomy: Politics and Architecture Within and Against Capitalism (Princeton Architectural Press, 2008), 54. 
(9) (10) Pier Vittorio Aureli, The project of Autonomy, 62. 
(11) Rafael Moneo, Theoretical Anxiety and Design Strategies, 104. 

No comments:

Post a Comment