Tôi tin rằng phải mất nhiều thời gian để trở thành một kiến trúc sư; mất nhiều thời gian để trở thành người kiến trúc sư của khao khát trong ta. Bạn có thể trở thành một kiến trúc sư chuyên nghiệp chỉ qua một đêm. Nhưng mất nhiều thời gian hơn thế để cảm nhận tinh thần của kiến trúc mà từ đó ta dâng hiến.
Và người kiến trúc sư thì ở đâu? Anh ta ở ngay đó; anh ta là người chuyên chở vẻ đẹp của không gian - ý nghĩa đích thực của kiến trúc.
- Louis Kahn
1. Chữ architect có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, được ghép từ arkhi (master/chief, thầy) và tekton (builder, thợ xây). Trong tiếng Việt, từ thợ cả phù hợp với nghĩa này. Nhưng dịch thoáng đi thì architect có thể được hiểu là người đã thuần thục nghệ thuật xây dựng, hay một bậc thầy xây dựng. Từ này đã được sử dụng rộng rãi cùng với sự phát triển của kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại nhưng bị mai một trong thời Trung Cổ bởi sự thống trị của các dân tộc man di phương Bắc. Mãi đến khi Phục Hưng ở Ý tìm cách khôi phục các giá trị của nền văn minh Hy La, chữ này mới được sử dụng lại và từ đó phát triển rộng rãi.
Đó là architect với chữ a viết thường, thế còn Architect với chữ A viết hoa? Từ khi nào mà tên riêng của các kiến trúc sư gắn bó với công trình của anh ta một cách mật thiết như hoạ sĩ với bức tranh của mình?
Thực tế mà nói, mãi đến thời Phục Hưng nghệ sĩ mới để ý đến việc ký tên dưới những bức tranh của mình. Trước đó, trên tường vẽ những con thú trong hang Chauvet có niên đại hơn 30000 năm TCN không hề tìm thấy cái tên nào cả. Và mặc dầu vô cùng nổi tiếng, phần lớn các bức tượng Hy Lạp cũng gặp khó khăn trong việc tìm về nguồn gốc điêu khắc gia đã tạo ra nó. Kiến trúc trước Phục Hưng cũng vậy, những công trình có giá trị, đồ sộ thường phục vụ cho thần linh, hoặc một cộng đồng mà vì thế tên, hay cá nhân của người thiết kế, lên kế hoạch cho chúng gần như là không cần thiết phải được nhắc, hay nhớ tới.
2.
Thế còn ở thời đại này, thực tế của việc người ta nhắc đến kiến trúc sư ngay sau công trình của anh ta phải chăng đồng nghĩa với tính cá nhân ngày càng được đề cao, các giá trị thiêng liêng có khả năng hợp nhất xã hội vượt lên trên những khác biệt cá tính của kiến trúc đã không còn?
Chà … tôi không thể trả lời câu hỏi trên của anh một cách thấu đáo mà không vượt ra ngoài khuôn khổ của quyển sách nhỏ nhắn này. Nó cùng lúc cũng gợi cho tôi về một chia sẻ rất đáng suy ngẫm của Louis Kahn về người kiến trúc sư và kiến trúc. Ông đã viết trong Between Silence and Light thế này “Cách mà một người làm việc là mang tính cá nhân, nhưng cái mà người đó làm có thể thuộc về hết thảy mọi người. Phần có giá trị nhất của bạn là ở nơi mà bạn không sở hữu gì cả, và phần việc mà bạn thực hiện không thuộc về bạn chính là thứ quý giá nhất. Nó là thứ mà bạn có thể trao tặng bởi vì nó là phần tốt hơn của bạn; nó là một phần của cái chung thuộc về tất cả mọi người. Bạn cảm nhận rằng bạn thực sự phải trao tặng nó ở công trình kế tiếp của mình, và rằng cái mà bạn đã hoàn thành thì luôn luôn khiếm khuyết. Tôi tin tưởng rằng thậm chí một nhà soạn nhạc vĩ đại như Bach, người làm mọi việc như là dầu cho nó thuộc quyền sở hữu của người khác, đã qua đời trong suy nghĩ rằng ông chẳng làm được gì cả, bởi vì con người thì cao trọng hơn công trình của chính mình. Anh ta phải tiếp tục”(1).
Con người cao trọng hơn công trình của chính mình? Hay kiến trúc sư chỉ nên giữ vai trò khiêm tốn của … một bà mụ đỡ đẻ cho tác phẩm? Giả như làm kiến trúc là phụ thuộc vào sự nhạy bén quan sát và sự kiên nhẫn chờ đợi và sẵn lòng cho phép “sự vật đi vào trong khai mở của chủ định chính nó", như tinh thần của triết học Heidegger?
Kiến trúc sư Hugo Haering diễn dịch nhận định trên rằng “chúng ta phải khám phá và để chúng (kiến trúc) tự khai mở ở trong hình hài của chúng. Điều này đi ngược lại với ý muốn của chúng ta về việc áp đặt một hình thức từ bên ngoài”(2). Và Peter Zumthor bổ sung rằng “Rút lui khi quá trình xây dựng hoàn tất, để cho công trình là chính nó, trong vai trò là một nơi chốn để cư ngụ và một phần của thế giới vật chất, và nó có thể xoay trở hoàn toàn tốt mà không cần có sự hùng biện cá nhân của người kiến trúc sư”(3).
Nói vậy là, chúng ta không thể cùng đi đến một kết luận cụ thể về việc kiến trúc sư hay là công trình, bên nào cao trọng hơn? Một mặt, kiến trúc sư có thể chỉ là bà mụ đỡ đẻ, chứ không hẳn là kẻ sáng tạo toàn năng. Mặt khác, lao động của người kiến trúc sư phải vượt lên trên công trình của anh ta, vươn đến cảm thức của một tính cá nhân phổ quát.
Vì vậy cũng là dễ hiểu khi triết gia Heidegger đã có một kết luận có phần nước đôi thế này trong tác phẩm Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật “Nghệ sĩ là nguồn gốc của tác phẩm. Tác phẩm là nguồn gốc của người nghệ sĩ. Không có cái này mà không có cái kia. Song, cũng không cái nào một mình chống đỡ cho cái kia được. Tự mình và trong quan hệ với nhau, nghệ sĩ và tác phẩm mỗi bên đều nhờ đến một cái thứ ba, mà đúng ra là cái thứ nhất, tức cái mang lại danh xưng cho nghệ sĩ lẫn tác phẩm nghệ thuật, đó là nhờ nghệ thuật (4).
3. Nhận định trên có ảnh hưởng đến chúng ta nếu như tất cả cùng đồng thuận trên quan điểm kiến trúc là nghệ thuật. Và mỗi người thực hành đều hướng đến việc thông qua kiến trúc như một môn nghệ thuật để trở thành nghệ sĩ - những người bắt đầu mọi tác phẩm của mình với tinh thần khiêm tốn và trách nhiệm. Khiêm tốn để nhận ra sự sáng tạo đôi khi là một món quà hơn là cái gì ta có khả năng sở đắc. Và tinh thần trách nhiệm đặt ta vào trong mối quan hệ lịch sử không chỉ với kiến trúc của dân tộc mình, nhưng với lịch sử kiến trúc của toàn thể nhân loại.
Thậm chí, đó là đặt ta vào trong lịch sử nghệ thuật của toàn thể nhân loại, khi đó các kiến trúc sư có thể cùng với thi sĩ Bùi Giáng cảm thán rằng “Tôi có cảm tưởng rằng lúc thật sự "sáng tạo", tôi lại cũng đang dịch. Tôi viết vần thơ "độc đáo" nào, cũng là đang dịch. Tôi dịch lại ông Nguyễn Du, ông Hồ Dzếnh. Cũng như ông Nguyễn Du ông Hồ Dzếnh đã từng dịch người trước, và người trước đã từng dịch người xưa, hoặc dịch một cái gì đó ở trong vạn vật đang muốn hiển hiện liên tồn trong âm thanh ngôn ngữ. Và những người cho rằng kẻ dịch không có tinh thần sáng tạo, những người ấy cũng đang dịch. Vậy bây giờ chúng ta hãy thi đua nhau dịch, và thi đua nhau bỏ dở dang cuộc dịch, và đừng thi đua gì hết cả, để cho cuộc dịch tự nó thành tựu thể thân nó - "Trời có nói gì đâu ... bốn mùa vẫn chuyển nhịp tuần hoàn ... Trời có nói gì đâu ..."- Khổng Tử”(5).
Chú thích:
(1) Louis Kahn, John Lobell, Between Silence and Light: Spirit in the architecture of Louis Kahn, (Shambhala, 1979), 50.
(2) Colin St. John Wilson, Architectural Reflections: Studies in the philosophy and practice of architecture (Manchester University Press, 2000), 32-33.
(3) Peter Zumthor, ‘’The Hardcore of Beauty’’, trong Thinking Architecture (Lars Muller, 2006), 27-35.
(4) Martin Heidegger, Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (1935), Bùi Văn Nam Sơn dịch.
(5) Bùi Giáng, Thi ca tư tưởng (NXB Ca Dao, 1969), 50-51.
No comments:
Post a Comment