Một ngôi nhà

“Sinh ra trong một gia đình ...” là lối mở đầu quen thuộc vẫn thường xuyên được sử dụng nhằm phần nào “phơi bày" căn tính của một cá nhân trong cộng đồng xã hội. Ở một chiều kích khác, “sinh ra trong một ngôi nhà …” dường như là góc nhìn ít được suy xét, đôi khi dễ dàng bị lướt qua bởi vì quá trình đồng hoá, đơn giản hoá cái tinh thần và vật chất làm một. “Sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản …” không có nghĩa khái quát hoá là sinh ra trong một ngôi nhà hai tầng trên một con phố buôn bán sầm uất với tầng trệt dành riêng cho chức năng kinh doanh. Việc xem xét một cá nhân, trong mối quan hệ với ngôi nhà đầu tiên có ý nghĩa lớn bởi vì đó là “ngôi nhà không thể quên được" của anh ta hay cô ấy. Nhưng điều này còn có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân kiến trúc sư, bởi có lẽ trong suốt cuộc đời mình, người kiến trúc sư chỉ thiết kế một ngôi nhà duy nhất.

Gaston Bachelard đã diễn giải vấn đề của ngôi nhà đầu tiên với những tái khám phá bất ngờ trong quyển sách gây ảnh hưởng lớn của ông là Poetic of Space (tạm dịch: Thi pháp không gian). Ở đó, triết gia người Pháp phân tích hành vi cư ngụ như là quá trình khắc ghi trật tự của các chức năng khác nhau của ngôi nhà đầu tiên trong ký ức một cách liên tục và chậm rãi ngày qua ngày. Hay nói cách khác, cư ngụ trong không gian nghĩa là hình thành những thói quen trong không gian ấy (chữ habit - thói quen có thể được tìm thấy trong inhabiting - cư ngụ). Vấn đề có thể chỉ dừng lại ở đây và ý nghĩa là như nhau với mọi sự cư ngụ nếu như tác giả không tiếp tục chỉ ra rằng cơ thể chúng ta sau đó đã trở thành “giản đồ (diagram) của những chức năng trong việc cư ngụ” trong ngôi nhà cụ thể đó. Và mấu chốt của vấn đề là mọi “mọi căn nhà còn lại chỉ là những biến thể khác dựa trên một chủ đề căn bản” - ngôi nhà đầu tiên mà “những mối quan hệ cháy bỏng” với với cơ thể chúng ta là không thể quên được. Chấp thuận điều này với các kiến trúc sư phải chăng là đồng tình với giả thuyết rằng mọi ngôi nhà được thiết kế chỉ là những biến thể khác dựa trên căn nhà đầu tiên mà ở đó người kiến trúc sư được sinh ra. 


Dado house là căn nhà đầu tiên của kiến trúc sư Valerio Olgiati. Căn nhà nằm ở ngoại vi thành phố Flims, Thuỵ Sĩ được tu sửa bởi cha ông là Rudolf Olgiati - một kiến trúc sư tiếng tăm, có sức ảnh hưởng. Căn nhà ba tầng xây bằng đá trét vữa trắng với hai mái dốc rất đặc trưng kiến trúc ở vùng núi trung tâm dãy Alps là kết quả của nhiều lần cải tạo tài sản được thừa hưởng từ gia đình Olgiati. Trong lần cải tạo gần nhất vào năm 1968, Rudolf Olgiati đã thêm các cung tròn rất đặc trưng của mình lên phía trên các ngưỡng cửa. Sau khi người cha qua đời năm 1995, Valerio Olgiati chính thức trở thành chủ nhân của Dado house. Ông tiến tới dỡ bỏ nhà kho sát bên - vốn dĩ được người cha sử dụng như một “bảo tàng” nhỏ lưu trữ những hiện vật cổ cho sở thích sưu tầm -  và xây dựng văn phòng kiến trúc Valerio Olgiati dựa trên đúng khối tích đó. Đến đây, ngôi nhà đầu tiên của người kiến trúc sư được đặt kế bên “ngôi nhà” do anh ta xây dựng. Ở tầng trệt, nơi duy nhất cho phép sự kết nối của hai khối nhà cho thấy mức độ tương phản vô cùng lớn của một bên là các bức tường dày khép kín với poche và phía còn lại là không gian mở với lõi thang ở giữa và các cột bê tông. Đi vào bên trong, trong khi Dado house mở ra một thế giới chưng cất văn hoá và sinh hoạt nội tâm giàu cảm xúc thì Olgiati office trong màu gỗ đen im lặng trở thành những khung ảnh mà nhờ đó cái ở ngoài được tri giác. Vô tình hay không khi mà chữ “dado” trong tiếng Romansh có nghĩa là ở ngoài, phía ngoài. 


Thoạt nghe có thể mang màu sắc của phân tâm học theo cách mà những yếu tố khắc sâu trong tiềm thức trở thành động lực thầm kín của hành động con người, ý tưởng về ảnh hưởng của căn nhà đầu tiên và duy nhất hoàn toàn có thể được nhìn nhận theo cách thức chủ động, tích cực. Chia sẻ sau đây của chủ nhân giải Pritzker năm 2011 - kiến trúc sư Souto de Moura chứng minh có luận điểm trên "Có những kiến trúc sư dành cả đời thiết kế cùng một căn nhà. Có những kiến trúc sư dành cả đời đợi chờ cùng một người khách hàng: bản thân họ. Từ công trình đầu tiên của tôi, tôi đã liên tục thiết kế cùng một căn nhà, như thể nó là một nỗi ám ảnh. Mặc dầu công bằng mà nói, chúng đều khác biệt, bởi vì nơi chốn và con người tương ứng với chúng. Tôi luôn bắt đầu bằng việc thực hiện dự án của cùng một ngôi nhà, cho cùng một người”. Không bị phân tâm bởi khách hàng, bối cảnh, hay thậm chí các rào cản văn hoá, người kiến trúc sư làm việc cật lực dựa trên tính liên tục và nhất quán. Chính nhờ tâm thế của việc lặp lại một việc duy nhất ngày qua ngày một cách kiên nhẫn và thành thục mà một nghệ nhân đạt được trình độ bậc thầy. Điều này không hề đồng nghĩa với sự thiếu sáng tạo hoặc tư duy theo lối mòn, ngược lại đó là liên tục suy tư cho cải tiến, cho nhu cầu của việc trở nên tốt hơn mỗi ngày.

No comments:

Post a Comment