Kiến trúc như là thiên nhiên mới

 Một trong những làn sóng gây ảnh hưởng và sôi nổi của kiến trúc trong thời đại này là kiến trúc sinh thái hay kiến trúc xanh đang tạo ra những tác động nhiều chiều trong đời sống đô thị. Sự xuất hiện ồ ạt của chúng bắt nguồn từ quang cảnh nhộn nhịp của những hoạt động vì môi trường từ những năm 60 - 70, song hành với việc lên án chủ nghĩa hiện đại. Xét về bản chất, những đòi hỏi trong việc thay đổi tư duy trước sự thay đổi của xã hội là đòi hỏi hiển nhiên và cần kíp cho sự tiến bộ. Tuy nhiên, bảo tồn thiên nhiên hay bảo vệ môi trường không nên được thực hiện theo kiểu mục vụ, tức là mô phỏng hành động của người khác trong niềm tin mù quáng. Trường hợp này thể hiện qua tâm lý “mô phỏng tự nhiên" của công trình kiến trúc, một trong những biểu hiện bề ngoài thường thấy là sử dụng vật liệu tự nhiên khai thác vô tội vạ từ thiên nhiên hay nỗi ám ảnh phủ xanh mọi bề mặt công trình. 

Kiến trúc có trách nhiệm trước những thay đổi của địa cầu, tuy nhiên, sản phẩm có tính tạo tác của con người không thể và cũng không nên “mô phỏng" tự nhiên. Bộ đôi kiến trúc sư Herzog and de Meuron đưa ra một khả thể khác của việc xem xét “thiên nhiên như là một mô hình" để học hỏi hơn là bắt chước. Khi thực hiện công trình ở quy mô đô thị, thực hành kiến trúc với họ trở thành sự tưởng tượng, sáng tạo có tính địa lý. 

Là nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn đến Herzog and de Meuron, Joseph Beuys đồng thời giữ một vị thế quan trọng trong phong trào Fluxus những năm 60 - 70, hướng tới xóa bỏ ranh giới của cuộc sống và nghệ thuật. Tác phẩm kinh điển với tên gọi 7000 cây sồi (7000 Oaks) của ông là một minh chứng tiêu biểu cho việc học hỏi từ thiên nhiên. Với mong muốn điêu khắc xã hội như một Gesamtkunstwerk (tác phẩm nghệ thuật toàn diện), Joseph Beuys mời gọi công chúng cùng tham gia vào tác phẩm với hành động đơn giản: trồng 7000 cây sồi ở khắp thành phố Kassel, nơi diễn ra Documenta 7. Theo đó, mỗi cây sồi được trồng sẽ chôn kế bên nó một phiến đá Basalt lấy đi từ bãi đá cũng gồm 7000 phiến đã được sắp đặt ở phía trước bảo tàng Fridericianum. Tác phẩm kéo dài đến 5 năm (qua hai mùa Documenta), và thậm chí 2 năm sau khi người nghệ sĩ qua đời mới hoàn tất. Phiến đá lấy đi từ bảo tàng đại diện cho một thực thể trường tồn và cái cây phát triển, thay đổi theo thời gian tồn tại song đôi và tương tác vật chất. Với Joseph Beuys, “7000 cây sồi là một điêu khắc liên quan đến đời sống của con người, đến công việc thường ngày của họ.” Ở đây, ranh giới của hoạt động nghệ thuật và tự nhiên đã không còn nữa, và như vậy phải chăng sống là một thực hành nghệ thuật?

Trở lại với kiến trúc, Herzog and de Meuron cũng tiến hành một thủ pháp tương tự. Ở đó, khám phá từ thiên nhiên được đem vào trong công trình để củng cố hành vi kiến trúc. Một ví dụ nổi tiếng chính là mô-típ trang trí mặt ngoài của công trình nhà kho Ricola hoàn tất vào năm 1992 tại Thuỵ Sĩ. Chi tiết trang trí tích hợp giữa thiên nhiên và lý tính của công nghệ tạo ra bức tường xuyên sáng giới thiệu một mô-típ trang trí từ bức ảnh của Karl Blossfeldt. Dễ thấy trong trường hợp này chính là mối quan hệ giữa hình thức tự nhiên và những mô thức lặp lại biểu trưng cho nền công nghiệp chủ nghĩa Fordism, của sản xuất hàng loạt. Cũng ở nhà kho Ricola, Herzog and de Meuron đã xây dựng hệ thống dự trữ nước mưa trên mái có khả năng tạo cho bức tường bên của công trình một vẻ ngoài thay đổi rõ rệt theo thời gian. Nước mưa trữ trên mái gia tăng quán tính nhiệt (thermal inertia) của công trình, và khi tràn xuống để lại dấu vết trên bức tường phẳng phiu, không có cửa sổ. Thủ pháp này tiếp tục được bắt gặp ở công trình Remy Zaugg Studio sau này nhưng thay bức tường bê tông bằng tường ốp tấm tôn lợp, do đó mà tạo ra hiệu quả mạnh mẽ và khác biệt. Điều mà chúng ta có thể chắc chắn ở đây chính là sự thay đổi theo thời gian của công trình không phải do những sinh thể sống nhưng là do các tương tác vật chất vô cơ có khả năng tạo ra giá trị thẩm mỹ cao. Bằng cách đẩy nhanh quá trình phong hoá của vật chất, người kiến trúc sư có thể nói rằng đã tham gia vào trong chính quá trình tạo dựng của tự nhiên. 

Trên bình diện lớn hơn, một khu đất khi đã được xây dựng, tiếp diễn, bị đô thị hoá, nó cũng đồng thời thể hiện một quá trình kép: cảnh quan (landscape) bị nhấn chìm bởi nền văn hoá đô thị, nhưng thành phố, đến lượt mình, bị biến đổi thành một phong cảnh. Đây chính là suy nghĩ có sức ảnh hưởng lớn đối với kiến trúc của Herzog and de Meuron. Với những công trình có bối cảnh nằm trong các đô thị mật độ cao, các hình thức đồ sộ theo chiều dọc như nhà cao tầng hay tháp cao tầng được đặc biệt sử dụng. Bởi vì chính thời điểm đó, lãnh thổ đô thị hoá trở thành một cảnh quan, một thiên nhiên mới, đòi hỏi sự tưởng tượng và sức sáng tạo địa lý của người kiến trúc sư. 

No comments:

Post a Comment