Đem đặt cạnh nhau hình ảnh hai mặt tiền có nhiều điểm tương đồng này có thể gây hiểu lầm rằng tôi đang ám chỉ sự tương tự trên phương diện hình thức giữa hai công trình. Về cơ bản cũng không sai, nhưng làm vậy vốn dĩ không có nhiều ý nghĩa, bởi lẽ cả Mies lẫn Lacaton Vassal chưa bao giờ bận tâm đến hình thức của công trình. Điểm chung giữa họ là xuất phát từ không gian và kết thúc luôn ở đó mà vì thế mặt đứng hay vẻ bề ngoài chỉ đơn thuần là kết quả hiển nhiên của sự tổ chức bên trong.
Ai có thể hồi tưởng mặt đứng của Barcelona Pavilion? Cũng vậy, khái niệm mặt đứng là vô nghĩa với các Courtyard House của Mies. Với Lacaton Vassal, đó là những công trình như được “extrude" từ những profile đơn giản như Latapie House hay House in Bordeaux. Và như thế là hết! Hai công trình cụ thể ở trên đây cũng vậy. Lafayette Tower trình diễn thủ pháp quen thuộc với thép và kính với điểm nhấn bằng cây dầm I chạy xuyên suốt chiều dọc của công trình nhằm thể hiện cái Zeitgeist (tinh thần thời đại), vốn là “đặc sản" trên các mặt tiền cao tầng của Mies. Về phần mình, Lacaton Vassal kết thúc công trình cải tạo Grand Parc ở Bordeaux một cách không thể “vô vị" hơn: các phương vị ngang của hệ sàn bê tông đúc sẵn trong mối quan hệ có tính nhịp điệu với hệ thống rèm điều khiển bởi từng hộ cư ngụ.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai công trình mà qua đó ta thấy được ý nghĩa của Lacaton Vassal với Mies, đó là chiều sâu. Bởi vì, trong khi Lafayette Tower trưng ra một hình ảnh phẳng dẹt của công trình, Lacaton Vassal cho thấy sự “sống động" của không gian với các lớp lang ánh sáng và vật liệu. Khi tôi nói ý nghĩa của Lacaton Vassal với Mies mà không phải ngược lại, tôi nói trong hàm ý rằng Lacaton Vassal kiện toàn Mies.
Chất lượng không gian mà Mies chưng cất cho những căn nhà ở đơn lẻ của mình đã không thể được tìm thấy trong các công trình nhà ở tập thể và cao tầng của ông. Về nguyên tắc, mặt bằng của Lafayette Tower cũng không quá khác biệt với mặt bằng trước cải tạo của chung cư Grand Parc, vẫn với lõi thang trung tâm, hành lang giữa và các căn hộ/phòng ở hai bên. Có chăng là ngay từ đầu Mies đã ý thức được góc nhìn và ánh sáng là những “tài sản" có thể được chia đều cho con người hiện đại. Lacaton Vassal với lối tiếp cận mang tính cải tạo của mình có lợi thế hơn người tiền nhiệm. Câu hỏi của họ: Làm thế nào để không gian “tốt hơn"?
Câu trả lời, cũng chẳng ở đâu xa, bằng việc áp dụng chất lượng không gian ở các biệt thự tư nhân của Mies vào trong công trình nhà ở cao tầng. Chỉ cần xem lại mặt bằng Tugendhat Villa ở Brno, CH Séc của Mies, ta sẽ hiểu tại sao phần thêm vào bao gồm một không gian đệm (2.5m) và ban công (1m) của Lacaton Vassal ở Grand Parc bảo đảm sẽ tạo ra không gian tốt. Bởi vì nó đã được chứng minh ở Tugendhat Villa. Chỉ bằng mối quan hệ khoảng cách với các yếu tố kiến trúc khác trong không gian, hàng cột sắt mạ crom “hờ hững" đã tạo ra một bên là “phòng" khách một bên là “hành lang”. Không gian đậm đặc dần khi đi sâu vào bên trong sự tăng dần vây hãm của các diện tường. Áp dụng công thức này với một chút biến đổi, kèm theo việc sử dụng một số các vật liệu đem lại hiệu quả ánh sáng đặc biệt như rèm màu bạc hay tấm poly, Lacaton Vassal đã thực hiện xuất sắc việc dân chủ hoá chất lượng không gian.
Lacaton Vassal đã từng chia sẻ rằng họ thấy cái đẹp ở khắp nơi, ở những điều bình thường nhất. Điều này lí giải tại sao trong khi nội thất của Mies cho thấy một mức độ giám tuyển nghiêm ngặt thì các “chủ nhà” ở Grand Parc Bordeaux được cung cấp cho quyền tự do tuyệt đối với không gian sống của riêng họ. Nếu như kiến trúc của Mies đạt được thể hoàn hảo của nó ngay tại thời điểm hoàn thành. Công trình của Lacaton Vassal khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của người cư ngụ trong quá trình trở thành (becoming) của không gian.
Copyright: bài viết thuộc quyền sở hữu của Alab, yêu cầu liên hệ tác giả khi có nhu cầu trích dẫn lại.
No comments:
Post a Comment