“Chúng tôi đi qua một vùng trung tính ngay trước khi đến Arsenal, vài phố vắng hoe đến mức ta phải tự hỏi liệu có người sống ở đó hay không".
- Patrick Modiano, Ở tiệm cà phê của tuổi trẻ lạc lối.
Khoa học hiện đại kể từ thời Rene Descartes ở thế kỷ 17 đã biết đến nhị nguyên luận. Đó là học thuyết của việc sắp xếp các thực tại về hai cực đối lập, tinh thần và vật chất, âm và dương, chủ thể và đối tượng, tự nhiên và nhân tạo, ngày và đêm, thiện và ác … Các cặp phạm trù ở trong tâm thế cực đoan của việc triệt tiêu lẫn nhau, của mối quan hệ “hoặc là … hoặc là …”, giữa tồn tại và không tồn tại, sống và chết. Đến thế kỷ 18, triết gia Immanuel Kant phát biểu về thuyết bất khả tri cung cấp khả thể của việc không thể tri biết được có thể tương thích với cả hai cực đối lập, giữa duy tâm và duy vật, giữa hữu thần và vô thần, duy nghiệm và duy lý … Điều này cũng có nghĩa là chúng ta được cho phép cư ngụ trong vùng ở giữa. Khu vực mà ở đó các tồn tại có thể tạm thời được trì hoãn khỏi việc định danh hay định tính. Khu vực cho phép xuất hiện cả mối quan hệ “vừa là … vừa là” lẫn “không là … không là…”. Với nhà văn Pháp Patrick Modiano, đó là những “vùng trung tính" của đô thị, những không gian chuyển tiếp, ở “ngưỡng" của các thực tại đã được định ranh và gọi tên. Wolfram Nitsch trong tiểu luận No man’s land - Poetics of a neutral zone đã nêu nhận xét về những “vùng trung tính" ấy như sau ”Trôi dạt vào một vùng trung tính gợi nhắc đến con đường ở giữa hai đường biên giới đồng nghĩa với việc tạm trú ở đó một lúc, nhưng đôi khi đồng nghĩa với việc lạc lối ở đó mãi mãi".
Không gian trung tính hay không gian ở giữa không chỉ là một bến cảng lặng gió bảo vệ những tâm hồn tuổi trẻ xao động trước cơn sóng ào ạt của sự phát triển đô thị, nhưng “sự quá cảnh" này quan trọng vì nó có khả năng chuẩn bị về mặt tinh thần cho việc bước vào thế giới. Một ví dụ cụ thể, đó là trường học. Hannah Arendt xem định chế xã hội này như là “không gian trung chuyển" để trẻ em sau đó bước vào thế giới của người lớn. Với nữ triết gia, trường học là “nơi trung chuyển" bởi nó không hẳn là chốn riêng tư, thân mật như gia đình, mà đồng thời cũng chưa phải là “không gian thuần túy công cộng với bản tính “vô tình" cố hữu". Nếu như trẻ em ở gia đình nhận được sự giáo dưỡng để sinh tồn, ở nhà trường trọng tâm của giáo dục là ở sự “phát triển tự do của cá tính và năng khiếu bẩm sinh”, để “trở thành cái gì mới mẻ chưa từng có trước đó trong thế giới". Điều này cũng đồng thời ám chỉ, “không gian trung chuyển" như là không gian của sự nhìn nhận, không gian của phản chiếu, và sự cần thiết phải có một không gian như thế để chính nhờ đó thế giới có thể được biến đổi bởi những con người mới mẻ.
Vai trò của không gian ở giữa, không gian chuyển tiếp trong thiết kế kiến trúc không phải là điều mới mẻ, thậm chí nó đã tồn tại rất lâu trong lịch sử nhiều nền văn hoá. Đơn cử như hàng hiên phẳng trong căn nhà truyền thống Nhật Bản (engawa), chức năng của nó là “thiết lập mối liên hệ thông tuyến giữa không gian nội giới - không gian của các phòng theo kiểu tatami - và khu vườn ngoại giới”. Dưới hàng hiên engawa, người ta có một khoảng lặng để quan sát cái ở trong và cái ở ngoài, giống như ở trên một đường biên dày mà ở đó hai cực đối lập cùng nhau lắng cạn.
Nếu như có thể giản lược không gian trung tính thành đường biên của công trình thì trải nghiệm đường biên trong công trình của Zaha Hadid là một kinh nghiệm dị thường. Chủ nhân giải Pritzker 2004 thường sử dụng những động từ mạnh như phát nổ (explode), tháo dỡ (dismantle), chồng lớp (layer), chạm khắc (carve) … trong các diễn ngôn kiến trúc. Phái sinh từ những hành động “bạo lực" kể trên là những công trình phức tạp về hình khối và kết quả tạo ra những đường biên vô định. Dù được cấu thành từ các đường cong đặc trưng kiểu parametric hay các hình tuyến trực giao, công trình luôn ở trong tâm thế của sự chuyển động, tràn trề sức sống và lôi kéo cảm xúc. Lý giải cho cách tiếp cận kiến trúc này của Zaha Hadid là những ảnh hưởng của hoạ sĩ thuộc trường phái Siêu việt (Suprematism) Kazimir Malevich. Những bức tranh của ông đề cao “tính ưu việt của cảm xúc tinh tuyền trong nghệ thuật sáng tạo”, mà vì thế mà mọi “hiện tượng thị giác của thế giới vật chất” trở nên không đáng quan tâm. Điều này đồng nghĩa với việc giải bỏ hoàn toàn các hình ảnh có tính biểu tượng trong công trình thay bằng sự tinh ròng của cảm xúc. Kết quả là, đường biên hay đường bao định hình của Zaha Hadid là rất khó nắm bắt. Trước khi kịp nhận ra, chúng ta đã ở trong công trình hoặc ở ngoài nó, hoặc nó không hề tồn tại.
Năm 2004, nghệ sĩ Francis Alys thực hiện tác phẩm với tên gọi The Green line ở đó anh mở một can sơn và để chảy dọc theo quãng đường di chuyển tương ứng với đường biên giới giữa hai nước Israel và Jordan. Sau năm 1967, chiến thắng có lợi cho phía Israel đã dịch chỗ và làm biến dạng đường biên. Hành động nhắc lại đường biên đã mất của người nghệ sĩ đặt câu hỏi cho tính tương đối của mọi thực thể, biên giới giữa các quốc gia cũng đơn thuần chỉ là một vệt sơn có thể biến mất. Nếu vậy ở phía ngược lại, phải chăng tất cả mọi thứ đều đang là những “không gian ở giữa" chờ đợi để được định dạng và định danh?
No comments:
Post a Comment