Đô thị

Tình trạng đô thị ngày nay dường như đã vượt qua tầm kiểm soát của người kiến trúc sư. Khả năng quản lý cái biểu hiện vật chất đô thị thể hiện qua thực hành kiến trúc chỉ còn là ảo tưởng?

Sự bất lực của các kiến trúc sư trong đô thị học đã manh nha từ những năm 1930 ở thế kỷ trước, những đồ án “không tưởng" như Broadacre của Frank Lloyd Wright hay The Radiant City của Le Corbusier bị chối bỏ cho thấy thái độ của xã hội đối với những áp đặt toàn diện và lý tính trên một phạm vi rộng lớn. Nội dung phê phán này cũng được đề cập trong Collage City của Colin Rowe. Chính vì tình thế đô thị phức tạp mà Rowe đã đề xuất sử dụng một kỹ thuật có tính trung lập lý tưởng bằng cách tổng hợp hình thức của “giàn giáo (scaffold) và vật trưng bày, cấu trúc và sự kiện, cái lý tưởng và thực nghiệm, để đạt được, nói một cách ngắn gọn, cả cái tự trị và đa chất của hình thức kiến trúc - được hiểu trên hết như là dấu hiệu và củng cố của bản thân văn hoá” (1). Một cách tiếp cận có thể nói là rất hậu hiện đại, thể hiện qua việc kết hợp hai khái niệm scientist và bricoleur của nhà nhân học cấu trúc Levi-strauss. 

Một cách nhìn nhận vấn đề rất lạc quan, nhưng tôi không thấy một chương trình hành động cụ thể nào. Phải chăng quá trình đô thị hoá mà động lực của nó là đẩy mạnh phát triển tư bản đã cuốn phăng mọi nỗ lực của kiến trúc sư. Không còn những ý thức hệ lớn được chống đỡ bởi các nhà nước hay quyền lực chính trị tuyệt đối. Một cách thật mỉa mai, đô thị hoá lại chẳng mảy may chịu chút ảnh hưởng nào của đô thị học. 

Đó chính xác là những gì mà Rem Koolhaas cảm thán trong tiểu luận viết năm 1995 - “Whatever happened to urbanism?” (tạm dịch: Cái quái gì đang xảy ra với đô thị học vậy?). Trong đó, Koolhaas nhìn nhận tình trạng đô thị đương thời như là “thất bại tập thể của mọi cơ quan (agencies) thừa hành hay cố gắng gây ảnh hưởng đến nó (đô thị)”(2). Ông diễn tả kiến trúc và đô thị đương đại bằng “chaos"- tình trạng hỗn loạn, và đáng buồn thay, dự báo rằng “mối quan hệ duy nhất hợp pháp mà kiến trúc sư có thể có với vấn đề của sự hỗn loạn là giành lấy vị trí tương ứng của họ trong đội quân chiến đấu để chống lại sự hỗn loạn, và thất bại”. 

Thất bại? Nói vậy là chúng ta chịu “khoanh tay bó gối"? Giọng điệu của lời sấm này có phải quá bi quan? Cùng với Manhattan Transcript của Bernard Tschumi, Delirious New York của chính Rem Koolhaas trước đó còn đưa ra những quan sát đặc biệt thú vị về sự đặc nghẽn*, những khả thể phép lai, hay các va chạm không thể tiên liệu của một siêu đô thị tư bản. Tôi nhìn thấy trong chúng trong một nguồn cơn dồi dào tiềm năng hành động hơn là sự đầu hàng yếm thế. 

Không phải Rem Koolhaas thể hiện một thái độ “sống chết mặc bay" với đô thị. Tôi nghĩ tầm quan trọng của tiểu luận trên là tuyên bố về buổi “hoàng hôn của những thần tượng", cụ thể ở đây là sự tới hạn của các quy hoạch tổng thể và thức tỉnh các kiến trúc sư khỏi giấc mộng của việc “quy hoạch triệt để, quy hoạch toàn bộ”. Rem Koolhaas thách thức các kiến trúc sư tưởng tượng ra một cái mới - mới (the new -new). Một cách cụ thể, “đô thị học được tái định nghĩa như một cách vận hành trên thứ không tránh khỏi sẽ tấn công kiến trúc, xâm lăng những con mương, bẻ lối khỏi pháo đài của nó, xem nhẹ sự chắc chắn, khám phá giới hạn, cười cợt những mối bận tâm về vật chất và vấn đề của nó, phá huỷ truyền thống, và cho những kẻ thực hành của nó hít khói” (3). 

Nếu như không còn các quy hoạch tổng thể, vậy thì đô thị dường như chỉ còn lại kiến trúc này đứng cạnh kiến trúc kia. Nếu vậy chỉ còn lại những can thiệp cục bộ, và vì thế mà một hình dạng có chức năng ổn định sẽ đứng trước nguy cơ bị phá vỡ khi cần thiết. Để nhờ đó các kết nối nhất thời được tạo ra. Vai trò của các kiến trúc sư hay các nhà quy hoạch sẽ thay đổi cùng theo cách đó nghĩa là những mối quan hệ liên ngành được thiết lập. Sự đa dạng hoá được tăng lên mà không cần phải bao chứa trong một hình thức cụ thể nào. 

Nói cách khác, “kiến trúc sẽ không còn dựa trên ảo mộng kép (twin fantasies) của trật tự và quyền lực tuyệt đối, nó sẽ là sự dàn dựng của không-chắc-chắn" (4). 

Sự không chắc chắn mà anh đề cập khiến tôi liên tưởng đến phương án dự thi Ville Nouvelle Melun-Senart ở Paris năm 1987 của OMA. Bước đột phá của dự án là ở chỗ quy hoạch không hướng đến cái có, hay cái “hữu” mà hướng đến cái không, cái “vô”. Ở Melun-Senart, những dải băng (the Bands) là những không gian tuyến tính được xác định để “không có chức năng". Chúng được bảo vệ khỏi “sự nhiễm độc" (contamination) của đô thị, mà cụ thể ở trong dự án thể hiện các “đảo" (island) buông thả theo bất kỳ dòng chảy của đầu cơ, phát triển đô thị nào (5). 

Liên tưởng của anh cũng rất hợp lý. Khi quy hoạch cho cái “vô", đồng nghĩa với việc chúng ta mở rộng cho mọi khả thể. Dải băng là bất khả xâm phạm cũng đồng thời cung cấp cơ hội cho những động cơ phi lợi nhuận, ví dụ như duy trì quyền tiếp cận, bảo tồn vẻ đẹp của khu đất, tạo các vành đai kết nối, ngăn chặn tiếng ồn … Trong luận văn “Imagine Nothingness" vào năm 1985, Rem Koolhaas đã đi đến kết luận “Nơi không có gì cả, mọi thứ đều khả dĩ. Nơi có kiến trúc ở đó, chẳng gì (khác) là khả dĩ". 

Các đồ án của Rem Koolhaas dường như luôn có hai thành phần mang ý nghĩa biện chứng. Ở Melun Senart là Dải băng (the Bands) và Hòn đảo (Islands), còn ở dự án The city of the captive Globe, đó lại là hệ lưới (grids) và các phòng thí nghiệm ý thức hệ (ideological laboratory). Nhưng một cách trái ngược, Dải băng và các phòng thí nghiệm ý thức hệ dường như chia sẻ tính chất của sự miễn nhiễm, còn hòn đảo và các hệ lưới thì làm trầm trọng hoá quá trình “ô nhiễm" của đô thị. Điều này có đúng không? 

Với dự án The city of the Captive Globe là “hình thức hoá" của thành phố Manhattan trong Delirious New York, các phòng thí nghiệm ý thức hệ hay “ideological laboratory” không thể gọi là miễn nhiễm. Theo như nhận định của Pier Vittorio Aureli, chúng thậm chí còn là biểu hiện rất đặc trưng của đô thị tư bản, nơi cho phép hết thảy mọi “ý thức hệ" được tạo ra không phải dựa trên mục tiêu tìm kiếm sự thật nhưng là bởi sự thúc đẩy của việc liên tục sản sinh ra cái “mới". Các “phòng thí nghiệm ý thức hệ này" càng đa dạng bao nhiêu lại càng khẳng định tính thống nhất của toàn bộ hệ thống đô thị, hay nói cách khác, lại càng thể hiện dòng chảy ngầm định hình nên chúng: phát triển tư bản. 

Vậy là ngoài việc “không làm gì", chúng ta sẽ chẳng làm được gì cả? 

Đó là lý do Pier Vittorio Aureli, trong tập sách có tầm ảnh hưởng “The possibility of an absolute architecture” xuất bản năm 2011, đã hùng biện cho dự phóng “hướng về quần đảo” (towards the archipelago). “Quần đảo” mà Aureli hướng tới là cách thức tổ chức của các thành quốc Hy Lạp (polis) mà ở đó tính chính trị và tính hình thức của đô thị/thành thị nhập lại làm một trong polis, khác với hai thực thể tách rời là civitas và urbs của thành thị La Mã. Chính nhờ mối liên hệ giữa chính trị và hình thức đó mà vai trò của người kiến trúc sư được khôi phục. 

Nếu tôi nhớ không lầm thì Rem Koolhaas cũng gọi dự án The city of the Captive Globe của ông là một “quần đảo”! 

Aureli đã phê phán các đảo trong quần đảo của Koolhaas, và cho rằng chúng đơn thuần là những sự giam hãm (enclave). Cụ thể là, các giam hãm này “không hoàn toàn tách biệt với các yếu tố bên ngoài nhưng đơn giản là bị cô lập, dù tiếp cận vào bị hạn chế, nhưng sự hiện diện của nó lại phụ thuộc vào hoạt động của mạng lưới đô thị hoá” (6). 

Nghĩa là,“đảo" (island) như trong thành quốc Hy Lạp mà Aureli hướng đến phải đạt được mức độ tự trị nhất định và đồng thời duy trì một quan hệ xác định với bên ngoài. 

Đúng thế, bởi lẽ tính chính trị, theo kiến giải của Hannah Arendt, được xác lập thông qua việc định hình phần không gian ở giữa các đối tượng tham gia hoạt động chính trị đó, chứ không phải ở trong chính bản thân đối tượng (7). Bằng cách định hình nên vùng không gian ở giữa (tính chính trị), các đảo cũng xác lập chính bản thân chúng. Hay có thể nói ngược lại, bằng cách xác định đường biên nghĩa là hình thức của mình mà các kiến trúc có khả năng định hình nên vùng không gian ở giữa có tính chính trị. 

Và đó là “khả thể của một kiến trúc tuyệt đối”?

Đúng như vậy! 

Chú thích: 
(1) Colin Rowe, Collage city (The MIT Press, 1984). 
(2) Rem Koolhaas, “The Generic City", xem trong Koolhaas and Mau, S,M,L,XL,1255. 
(3) (4) Rem Koolhaas, “Whatever happened to Urbanism", xem trong Koolhaas and Mau, S,M,L,XL, 961. 
(5) Ingrid Bock, Six Canonical Projects by Rem Koolhaas (Jovis, 2015). 
(6) (7) Pier Vittorio Aureli, The possibility of an absolute architecture (The MIT Press, 2011). 

No comments:

Post a Comment