Cuộc thi thiết kế Park la Villette ở Paris năm 1982 có ý nghĩa lịch sử đối với kiến trúc. Đó là một cuộc “tái lập trình" kiến trúc, một cách trùng hợp, thể hiện qua hai đồ án do Rem Koolhaas và Bernard Tschumi thực hiện. Bernard Tschumi giành phần thắng chung cuộc và phương án được triển khai nhưng trên thực tế, đồ án của Rem Koolhaas để lại dư âm mạnh mẽ.
Hai đồ án phản chiếu lẫn nhau, chúng bổ sung và mở rộng lẫn nhau. Đó có thể xem như sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc cũng có thể đó là một sự kiện tiền định sẽ xảy ra trong giai đoạn cụ thể đó của lịch sử kiến trúc.
Mặc dù vậy, hai dự án đã có những bước tiếp cận đầu tiên rất khác biệt nhau. Về phần mình, Bernard Tschumi trong đồ án hợp tác cùng với triết gia người Pháp Jacques Derrida và KTS Peter Eisenman hướng đến sự tháo dỡ kiến trúc khỏi tính quy phạm của các lề thói quy hoạch theo kiểu hệ thống (quy hoạch vùng, trục, vệ tinh …). Nói cách khác, nhóm của ông đề xuất khả năng để tổ chức một kiến trúc phức tạp mà không tham khảo bất kỳ luật lệ, nguyên tắc bố cục, trình tự và trật tự truyền thống nào.
Với Bernard Tschumi, quy hoạch công viên được nhìn nhận dưới góc độ của một công trình kiến trúc phức tạp. Trong khi đó, Rem Koolhaas bắt đầu bằng một ý tưởng gần gũi với khái niệm cảnh quan. Ông hướng đến xây dựng một khu rừng mà ở đó các khí cụ xã hội (social instrument) được phát triển dồi dào. Điều này được tạo ra bằng cách kết hợp tính bất định của chương trình vào trong tính cụ thể của kiến trúc.
Khái niệm chương trình đều được cả hai xem xét như là một yếu tính giải phóng. Koolhaas nhìn nhận chương trình như “một đề xuất, một bảng liệt kê tạm thời bao gồm các nguyên liệu mong muốn. Nó không có tính mặc định, trong suốt quá trình phát triển của công trình trải qua những thay đổi và điều chỉnh. Công viên càng hiệu quả khi nó càng ở trong trạng thái không ngừng của sự xem xét lại" (1).
Với Tschumi, ông luôn quan niệm về chương trình luôn như một thứ cần phải được tháo dỡ khỏi các lề thói thông thường và tái định hướng. Đó là lý do đằng sau việc sử dụng một hệ lưới ô vuông với khoảng cách 120m giữa các trục để phân chia công trình/công viên. Trên hệ lưới là một tập hợp của điểm, đường và mặt chồng lấp lên nhau. Các ý niệm có tính quy ước của kiến trúc đã bị tháo dỡ, thay vào đó là sự giao hợp của các hệ thống (điểm, đường và mặt) để tạo ra “hình thức" (form) như chúng ta thấy.
Như vậy, hình thức hay công năng không phải là khởi điểm của công trình đối với cả hai kiến trúc sư. Thay vì vậy, họ bắt đầu bằng việc lập trình những hệ thống mà theo cách gọi của Koolhaas đó là những lớp lang (layer) theo đuổi logic nội tại của chúng. Một cách cụ thể trong trường hợp của ông, đó là các dải băng (strips), điểm lưới (point grid), giao thông và tiếp cận (circulation and access) … Các lớp này sau đó tương tác lẫn nhau và tạo điều kiện cho “social condenser" - không gian kiến trúc có khả năng biến đổi xã hội và tạo điều kiện cho biến đổi xã hội.
Vậy là ở đây, chúng ta có thể thấy một sự song hành của hai hệ thống được đề xuất bởi hai kiến trúc sư của hai đồ án mặc dầu khác biệt nhau hình thức. “Dải băng” (strips) ứng với “bề mặt" (surface), “điểm lưới" (point grid) ứng với “điểm" (point), và như vậy, “giao thông” (circulation) ứng với “đường” (line).
Các hệ thống (system) của Bernard Tschumi là “mặt, điểm và đường” mang phong cách của một ngôn ngữ kiến trúc hơn, vì như đã nói ở trên, đồ án công viên được nhóm của ông nhìn nhận như một công trình, chứ không phải một quần thể hoặc tổ hợp kiến trúc cùng với cảnh quan. Cảnh quan trong trường hợp này không gì hơn là những yếu tố điền khuyết (in-fill) trong hệ thống mặt phẳng (surface) của công trình. Chúng trở nên hoàn toàn trung tính, nghĩa là không còn trong mối quan hệ biện chứng trong ngoài với kiến trúc, và vì thế mà hoàn toàn bị thao túng cho việc lập trình kiến trúc.
Nghĩa là cả đất, sỏi, mặt nước, cây xanh, các bề mặt kim loại được đổ đầy vào các khuôn đúc sẵn định hình từ các cấu trúc xây dựng lân cận. Chúng được xem xét như bất kỳ yếu tố vật liệu bề mặt nào của một công trình. Điều này cũng dường như đúng với các dải băng chạy theo hướng Đông Tây rộng 50m phân chia đồ án của Koolhaas. Khác biệt là ở chỗ, các dải băng này được gán cho chức năng (các khu vườn chủ đề, sân chơi, vườn khám phá) tương ứng với các “cấu trúc" áp lên nó, dù đó là thiên nhiên hay nhân tạo. Các dải băng trộn lẫn vào nhau và vì vậy mà tạo ra một khu “rừng" đa dạng. Đường biên giới dài của chúng tối đa hoá các va chạm được mong chờ. Lập trình không phải là kiểm soát hoặc giám sát nhưng cởi mở cho các kết quả bất ngờ nảy sinh.
Nếu như lập trình của Koolhaas liên tục đề cập đến chức năng và hoạt động. Lập trình của Tschumi chẳng có gì hơn ngoài những rỗng không của chức năng, ông không có bất kỳ tiền giả định nào cho điều sẽ xảy ra trên khu đất của mình. Ví như 26 follies * được ông phân bố cách đều nhau những 120m, chúng hoàn toàn không có mục đích cụ thể có tính áp đặt nào cả.
Tính trang trí?
Có nhiều người nhận xét chúng là những điêu khắc lớn trong không gian và có tính trang trí nhưng tôi thì không nghĩ vậy. Thực ra toàn bộ hệ thống các follies mang chức năng tổ chức không gian lớn hơn, chúng là những cột mốc để định hướng (3). Dưới góc nhìn của một mặt bằng tổng thể, các follies là sự biến hình của một prototype kiến trúc bằng các phép lặp, chồng lấp, phân mảnh … Điều này thể hiện một cách hình tượng khái niệm về “sự trì biệt” (differences) của triết gia Derrida, cho rằng không thể tìm được ý nghĩa thực sự ở bất kỳ “dạng thức" (form) truyền thông nào cả bởi vì lối tư duy ngôn ngữ của chúng ta được xây dựng dựa trên các tham chiếu chứ không phải chính đối tượng được đề cập. Luôn luôn có gì đó khác.
Nếu “sự trì biệt” của Tschumi thể hiện qua sự biến đổi của các follies đơn lẻ, thì Koolhaas cũng có cách tiếp cận song song mặc dù ông không hùng biện về nó một cách rõ ràng. Các điểm giao của Koolhaas có chức năng xác định và cụ thể (ki-ốt, sân chơi, quan bar giải trí, không gian công cộng), tần suất xuất hiện và kích thước của chúng được tính bằng thuật toán rõ ràng. Hình thức của chúng cũng giống nhau trong cùng thể loại. Tuy nhiên, sự phân bổ theo khoảng cách của các “điểm giao" này vào các dải băng khác nhau đã thay đổi tính chất của các “điểm giao". Cùng là một bar giải trí nhưng một bar giải trí lân cận một khu vườn khám phá sẽ khác một bar giải trí ở trước quảng trường và bên cạnh nó là một sân chơi. Các “điểm giao" tuy giống nhau nhưng sự tổ hợp của chúng là mới mẻ ở từng vị trí.
Sự phân bố “điểm giao” này đồng thời tạo nên các chỉnh hợp không gian đa dạng. Cùng lúc đó, công trình được thống nhất thông qua chính sự phân mảnh. Các mảnh ghép được thu nhặt thông qua quá trình di chuyển của chúng ta trong không gian, được ghi nhận lại và được tổng hợp trong tâm trí.
Đó là lý do vì sao giao thông trở nên một lớp cắt (layer) quan trọng đối với đồ án này. Với đại lộ (boulevard) và đường dạo (promenade) kết hợp lại thành vòng số 8 có chức năng kết nối toàn bộ công trình bị cắt đôi bởi con kênh. Koolhaas mời gọi chúng ta xem xét các tuyến giao thông này dưới góc độ của chương trình bằng cách thêm vào các pha hoạt động. Cụ thể, đại lộ sáng đèn suốt đêm gợi nhớ lại hình mẫu quen thuộc của arcade trong đô thị Paris. Các chức năng ban ngày tập trung xung quanh đường dạo nay nhường chỗ cho những sôi nổi của những đêm hội hè.
Anh quên mất trải nghiệm về một chiều kích thứ ba có thể được tạo ra khi đi dọc đại lộ, đó là trải nghiệm của các “screen of trees” hay các “mass of trees", nghĩa là các phông nền và các khối thực vật. Một cách tổng thể chúng có thể xem xét như một phông nền sân khấu, nhưng khi thay đổi góc nhìn có thể là một khối tích “phi vật chất”.
Tschumi cũng tương tự đề xuất hai hệ thống giao thông một tuyến tính và một uốn lượn giao cắt lẫn nhau!
Nhưng điểm khác biệt nằm ở ông không tập trung vào khả năng kết nối hay giao thông của các đường này mà vào những gãy đổ, va chạm có thể xảy ra giữa chúng. Nói cách khác, ông đề cập đến khả năng bẻ gãy và tái định hình. Như mô hình rhizome do Deleuze và Guattari định nghĩa, là một hình thức phi tuyến tính, sự siêu việt nằm ở khả năng tái kết nối vào bất kỳ tuyến mới nào dù làm vậy có thể gây tan vỡ. Park La Villette của Bernard Tschumi hướng đến việc trở thành một rhizome, cắt và dừng đột ngột nhưng luôn tái kết nối mà không đánh mất logic nội tại trong bố cục cấu trúc.
Tôi không cho rằng có quá nhiều khác biệt giữa hai hệ thống giao thông ở đây. Hai kiến trúc sư dường như là đang biện luận cho cùng một vấn đề thông qua hai ứng dụng khác nhau từ sự lập trình. Có thể tổng kết như sau, sự lập trình này dựa trên số lượng cụ thể các vật chất được tổ hợp thành hệ thống xác định, chồng lấp lẫn nhau để tối đa hoá va chạm, và từ đó phái sinh các khả thể bất ngờ.
Chú thích:
Rem Koolhaas, Bruce Mau, “Congestion without matter”, xem trong Small, Medium, Large, Extra-Large (New York: Monacelli Press, 1995), 921.
Andreas Papadakis, Deconstruction: in Architecture and Urbanism, (John Wiley and Sons Ltd, 1988), 32-39.
No comments:
Post a Comment