Sóng nước rốt cuộc là của ai?

Đã từ bao giờ hoa văn sóng nước và mây trời cũng như cách phối màu hoàng bào trở thành biểu tượng "độc quyền" của triều đại nhà Thanh? Bất kỳ ai có chút kiến thức lịch sử căn bản về Trung Quốc cũng thừa sức để nhớ lại xuất thân của triều đại nhà Thanh, đó là các bộ lạc Nữ Chân ở trên lưng ngựa. Một dân tộc có nguồn gốc du mục sao lại có thể xem sóng nước như một đặc điểm nhận dạng văn hoá? 

Thực vậy, quá trình "toàn cầu hoá" có niên đại từ hàng chục ngàn năm trước công nguyên (từ thời con người hãy còn nhiều lông) chưa bao giờ ngơi nghỉ và lãnh thổ các tộc người liên tục thay đổi. Để nói được rằng hoa văn này là của riêng một dân tộc và cái khác là "đánh cắp văn hoá", trước tiên ta phải chắc chắn được khả năng truy nguyên về gốc rễ của một dân tộc - tức là về con người đầu tiên. Và thành thực mà nói, trả lời được câu hỏi này cũng khó tương đương với trả lời câu hỏi về cội nguồn của ... sự sống. 

Chấp nhận được ý tưởng nói trên là bước đầu giúp đỡ chúng ta trong việc xem xét hoàng bào nhà Thanh như một thực thể văn hoá phản ánh quá trình phát triển nhận thức của triều đại này. Giống như thước phim tư liệu trình bày sự thật khách quan, triều phục và hoa văn trên nó với các chiều kích phi vật thể, không nên trở thành một đồ vật để chiếm hữu, và giữ làm của riêng. 

Bởi vì với cách làm như vậy, triều đại nhà Minh (tộc người Hán) ắt hẳn phải kiện lên toà án quốc tế, về việc Thanh triều (tộc người Nữ Chân) "đánh cắp" các giá trị văn hoá của Hán tộc, rồi "nấu lẩu" trên hoàng bào của họ. 

Hoàng bào cuối thời nhà Minh như chúng ta xem thấy ở dưới, có đầy đủ các yếu tố có thể tìm thấy ở trên hoàng bào nhà Thanh. Như hình ảnh rồng cuộn, hoạ tiết sóng nước, mây trời, cuộn lửa. Rồng đã từ lâu là hình ảnh đại diện cho bậc đế vương, đây là quan điểm lâu đời trong văn hoá dân gian Trung Hoa, và được sử dụng rộng rãi qua các triều đại phong kiến ở hàng loạt các quốc gia Châu Á, trong đó có cả Đại Việt. 

Hoàng bào cuối triều Minh

Sau thời gian ban đầu kiên quyết từ chối các ảnh hưởng của Hán tộc, phục triều nhà Thanh đã dần chấp nhận ảnh hưởng của Minh triều. Tuy vậy, nhà Thanh cũng thận trọng đưa vào trong đó sự điều chỉnh cho xứng hợp với nguồn gốc Nữ Chân của mình. 

Đầu tiên, bởi vì tiền thân của nhà Thanh là nhà Đại Kim. Kim là một trong năm yếu tố của ngũ hành, và theo đó, Kim khắc Hoả. Vì thế tiềm ẩn một mối nguy Hoả đốt cháy kim loại, điều này tiềm ẩn mối hoạ diệt quốc. Đó chính là lí do cho phần hoa văn sóng nước chiếm diện tích lớn ở phần dưới cùng của trang phục, tượng trưng cho yếu tổ Thuỷ. Với việc Thuỷ khắc Hoả, vận mệnh của vương triều qua đó được bảo toàn. 

Người ta có thể dừng lại ở đây, ngay lập tức chỉ ra phần hoa văn sóng nước chiếm diện tích lớn là điểm khác biệt làm nên "đặc trưng" của hoàng bào nhà Thanh với nhà Minh, mà bỏ qua một thực tế rằng, thuyết Ngũ hành không phải là một sản phẩm văn hoá của tộc người Nữ Chân. 

Hoàng bào nhà Thanh, với ống tay áo nhại lại hình móng ngựa, và phần tà xẻ đôi để nhắc nhớ quá khứ trên lưng ngựa mới thực sự là đặc điểm nhận dạng của dân tộc Nữ Chân.    

Đặc điểm có tính Nữ Chân trên thực tế lại được thể hiện qua các đặc điểm có liên quan đến hoạt động trên yên ngựa. Ví dụ như ở phần măng sét nhại lại hình móng ngựa. Hay phần tà xẻ đôi chính giữa thuận tiện cho việc lên xuống yên ngựa, và các hoạt động săn bắn. 

Nói vậy là, hoàng bào của Thanh triều có biểu hiện của văn hoá Nữ Chân, nhưng đồng thời "chiếm đoạt văn hoá" của Hán tộc, nên nhớ Đại Thanh và Đại Minh là hai quốc gia có đường biên giới không giống nhau. 

Việc Bitis mua gấm Taobao để làm giày và nói đó là tôn vinh văn hoá của miền Trung đúng là có sai quá, nhưng xin tha cho "hoa văn sóng nước, mây trời và cách phối màu". Chúng chẳng của riêng ai! 


No comments:

Post a Comment