“CUỘC SỐNG LÝ TƯỞNG” Ở VƯỜN BA TƯ

 

Sự xuất hiện

Bằng chứng sớm nhất về các khu vườn Ba Tư được ghi lại tại khu vực Cung điện ở Pasargadae, vào khoảng năm 600 TCN đến những năm cuối cùng của triều đại Cyrus Đại đế (559-30 TCN). Ý tưởng của các khu vườn Ba Tư thuở sơ khai dựa trên quan điểm của Hỏa giáo (Zoroastrian) phân chia vũ trụ thành bốn mùa hoặc bốn yếu tố - nước, gió, đất và lửa. Khu vườn Ba Tư là biểu hiện của những giá trị và khái niệm tối cao, được ví như cầu nối giữa hai thế giới vật chất và ý nghĩa.

Sự liên kết giữa thế giới phàm trần - vật chất và vũ trụ vĩnh cửu cũng là một yếu tố được nhấn mạnh ở đây. Nổi bật là cấu trúc hình học, phân chia khu vườn thành bốn phần, với một pavilion ở điểm giao trung tâm. Ý tưởng của sự phân chia hình học này, ngoài ảnh hưởng triết lý của Hỏa giáo còn thể hiện góc nhìn của Iran tiền Hồi giáo về việc phân chia Trái Đất thành bốn phần, và có thể tìm thấy trong các họa tiết hình học Lưỡng Hà cũng như nền văn minh Thung lũng Sindh. 

Một khu vườn Ba Tư với các tường bao xung quanh và được chia thành 4 khu

Một tấm thảm trang trí hoa văn phỏng theo sơ đồ một khu vườn Ba Tư 


"Khu vườn" và "Thiên đường"

Sự du nhập của đạo Hồi vào Iran từ thế kỷ thứ VII đã thổi vào những khu vườn Ba Tư một luồng quan điểm mới về cuộc sống, xã hội và con người, biểu đạt qua những thay đổi trong hình thức thiết kế của loại hình kiến trúc cảnh quan này.  Người Iran dần nhìn nhận khu vườn không còn đơn thuần là một tạo tác cảnh quan tăng cường không gian xanh cho thành phố. Khu vườn Iran giờ đây mang thêm một tầng nghĩa khác về sự hạnh phúc, sự thỏa mãn về mặt tinh thần của con người trong cuộc sống hằng ngày. Các khu vườn được ví như những “paradise” (thiên đường), và nguồn cơn của phép so sánh này xuất phát từ việc nhà tiên tri Muhammad đã phát triển khái niệm “paradeisos” (theo tiếng Hy Lạp xưa có nghĩa là “vườn địa đàng”) đi kèm với những khu vườn Ba Tư hiện hữu. Cũng trong kinh Koran của Hồi giáo, khu vườn luôn được nhắc đến với những vẻ đẹp gợi cảm, là “Thiên đường hạ giới” (Terrestrial Paradise) - mang đến cuộc sống viên mãn và hạnh phúc cho nhân loại - một cuộc sống thật sự lý tưởng.

Chahar Bagh - sự chuyển mình của vườn Ba Tư

Trong suốt thời kỳ chịu ảnh hưởng của Hồi giáo, hình học của những khu vườn Ba Tư được phát triển và củng cố dựa trên niềm tin về bốn suối trời - nguyên mẫu của thiên đường trong Kinh Koran. Do đó, mô hình chung sẽ bao gồm một hình chữ nhật được chia thành bốn phần bởi hệ thống thủy lợi gồm các dòng chảy trực giao. Không như phương Tây tuân theo các nguyên tắc phối cảnh, cấu trúc hình học của khu vườn Ba Tư đề cao mục tiêu tạo ra sự thống nhất và toàn vẹn. Nước được chọn là nguyên tố thể hiện sự kết nối ấy. Nếu như các khu vườn Ba Tư đầu tiên không quá chú trọng hệ thống thủy lợi, thì đến những Chahar Bagh sau này các dòng chảy gần như là yếu tố quyết định, ảnh hưởng lớn đến sự phân bố mặt bằng trong thiết kế. 

Nước, với sự khan hiếm ở vùng cao nguyên Iran, là một yếu tố thiêng liêng và quý giá. Sự hiện diện của nước trong Vườn Ba Tư có tác dụng kép - dùng cho nông nghiệp và thiết lập cảnh quan. Sử dụng nguồn nước được dẫn từ những con suối trong khu vực, các Chahar Bagh vì thế được trang bị những bể chứa để đảm bảo lưu thông của nước. Bể chứa chính thường được đặt ở quảng trường trung tâm, phía trước điểm giao của những dòng chảy, nơi được cho là thiêng liêng nhất, qua đó, một lần nữa, đề cao giá trị của nước. 

Dù có những bước chuyển mình trong hình thức lẫn ý niệm, các Chahar Bagh vẫn giữ được một điểm đặc trưng - bức tường thành bao quanh của vườn Ba Tư cổ đại. Điều này có ý nghĩa sâu sắc đối với quan điểm khu vườn là tạo tác duy trì sự sống của người Iran thời bấy giờ. Bên ngoài những bức tường thành là sa mạc, đại diện cho sự khô cằn và chết chóc - một thực tế khắc nghiệt của cuộc sống trên các cao nguyên Iran. Trái lại, bên trong là hoa lá, cây cối, bóng râm, nước và sự sống. Tương phản với thực tế khắc nghiệt bên ngoài càng làm nổi bật sự sống mà những khu vườn này ngụ ý, và Chahar Bagh không khác gì thiên đường giữa chốn sa mạc hoang vu.  

Liên hệ mật thiết giữa hình ảnh thiên đường và khu vườn cho thấy lý tưởng của người Ba Tư về cuộc sống tốt tươi dầu cho ở giữa cao nguyên khô cằn. Hay nói cách khác, một khu vườn tràn trề sức sống đại diện cho một xã hội thịnh vượng được điều tiết bởi hệ thống chặt chẽ. Chahar Bagh là một phần trong mắt xích quản lý lãnh thổ, bởi chúng không bị giới hạn vào việc vận hành nông nghiệp. Trên thực tế, khu vườn Ba Tư có thể được xem như một công trình kiến trúc có khả năng thực thi mọi hình thức sống và định cư của con người. Gần như là sơ đồ của một thành phố thu nhỏ, những “thành phố vườn” này cũng có thể giả định hiệu suất của một cơ quan hành pháp, và khả năng điều hành trên quy mô toàn lãnh thổ. Một xã hội được quản lý tốt sẽ sớm chạm đến khái niệm “cuộc sống lý tưởng”.

@alab, viết bởi Hân 

No comments:

Post a Comment