Trọng Lực

 “Là một kiến trúc sư bạn dành cả đời mình để chiến đấu chống lại trọng lực.”
- Renzo Piano

Một mặt, trọng lực là sự cưỡng bức: buộc vật chất phải hướng vào trung tâm của trái đất; mặt khác, trọng lực lại cho phép con người di chuyển một cách thoải mái trên một bề mặt nằm ngang và giúp cho cấu trúc ổn định tại một vị trí. Kết quả là, trong vai trò của kiến trúc sư, “ bạn dành cả đời mình để chiến đấu chống lại trọng lực. Nó là thứ lực cứng đầu nhất của thiên nhiên" theo lời của Renzo Piano . Nhưng ở một phương diện khác, chúng ta lại muốn khẳng định sự có mặt của trọng lực, như sự đảm bảo cho tính ổn định và vững bền của công trình.

Âm thanh

“Đứa trẻ trong bóng tối, bị nỗi sợ kiềm chặt, tự trấn an mình bằng cách ngâm nga. Nó bước đi và ngập ngừng trong lời hát. Bị lạc, nó tìm kiếm chỗ trú ẩn, hoặc cố gắng hết sức định vị nó bởi những bản nhạc ngăn ngắn. Bài hát như là bản phác thảo về một trung tâm yên bình và ổn định, trong tâm bão của những hỗn loạn. Có lẽ đứa trẻ dừng lại trong lúc hát, gấp gáp hoặc chầm chậm nhịp điệu của nó. Nhưng bài hát bản thân nó là một sự ngắt quãng: nhảy từ chỗ hỗn loạn đến khởi đầu của trật tự ở trong sự hỗn loạn và đối mặt với mối nguy bị tan vỡ bất kỳ lúc nào”. 
- Felix Guattari & Gilles Delleure, A thousand Plateaus. 

Âm thanh có những tính chất đặc biệt. Âm thanh chảy quanh những chướng ngại, thâm nhập mà không cần được cho phép. Cũng vì vậy mà trải nghiệm thị giác không đồng nhất với trải nghiệm âm thanh. Trong khi, trải nghiệm thị giác bị hạn chế bởi giới hạn vật lí, trường nhìn, tính chủ định của người quan sát và ,vì thế, là đơn nhất. Âm thanh, trái lại, là một trải nghiệm tổng hợp bởi tính chất ép buộc của nó. Ta không thể từ chối âm thanh của một tiếng rao, ví dụ thế.

Bầu khí

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
-  Bà Huyện Thanh Quan, Thăng Long hoài cổ. 

Khí, bầu khí, hay không khí dường như không phải là một khái niệm xa lạ với đời sống Á Đông vốn luôn được khắc hoạ dưới nhãn quang Tây phương bằng khói tỏa, sương mù của huyền hoặc. Vẽ một bức tranh thuỷ mạc, danh hoạ Thẩm Tông Khiên căn dặn hậu thế phải để mắt xem chừng những nét đóng và khoảng mở để “dòng khí" không ngừng dịch chuyển và điều hoà. Nhờ đó, mà bức tranh tránh được kết cục của một đống hỗn độn các điểm sáng tối.