Chơi như Aldo van Eyck

 

Là một trong những kiến trúc sư hiện đại tiêu biểu của Hà Lan, không chỉ nổi tiếng với phong trào cấu trúc luận, Aldo van Eyck còn cho thấy khả năng thiết kế sân chơi “mát tay" với hơn 700 sân chơi trẻ em trong suốt quá trình làm nghề. Xây dựng cho thế hệ “baby boom” (1946 - 1964), trong đô thị Amsterdam hậu chiến đang được tái thiết với nguồn lực hạn chế, những không gian hoang phế được tái kích hoạt thành các sân chơi sử dụng “bộ công cụ” hiện đại. Bao gồm những vật thể cao thấp khác nhau, “bộ công cụ” của Aldo phát triển từ các khung hình học cơ bản (chữ nhật, hình cầu, hình chóp, nón cụt) với vật liệu dễ tìm (thép, bê tông, cát,...) Nếu như vị trí và hình dạng khu đất xây dựng sân chơi đòi hỏi các bố cục khác nhau, bộ công cụ với cấu trúc đơn giản và khả năng tổ hợp linh động cung cấp giải pháp cho sự đa dạng không gian cần thiết đó. Cộng thêm ưu điểm của sản xuất hàng loạt, những sân chơi kiểu Aldo van Eyck nhanh chóng “phủ sóng” thành phố Amsterdam giai đoạn 1947 - 1978.

Một vài ví dụ tiêu biểu có thể kể đến như sau. Sân chơi Dijkstraat (hình 1) lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng, được củng cố về mặt không gian bởi thanh chắn ngang, thường xuyên là vị trí tán gẫu yêu thích của trẻ em trong khu phố. Mặt khác, sân Van Hogendorpstraat (hình 2) nằm ngay giao lộ và mang tính chất tự do trong sự tiếp cận, ta dường như nghe thấy lời mời gọi “hãy băng qua đây” trong khi đứa trẻ treo mình trên khung thép trao đổi ánh nhìn với những người lớn đang băng qua đường. Nếu như hai ví dụ kể trên có bố cục zic-zac, đan xen thì sân Zaanhof (hình 3) lại vuông vắn, ngăn nắp và rạch ròi. Tựu chung lại, mặc cho những khác biệt về bối cảnh, các không gian chơi vẫn được quy hoạch theo nguyên tắc phân tích và tổ hợp hình học cơ bản (tam giác, tròn, vuông ....), một lần nữa âm vang thủ pháp có tính hiện đại, hoàn toàn trùng khớp với phương thức tiếp cận theo lối “bộ công cụ". 


Aldo van Eyck từng phê bình sự thiếu vắng yếu tố nhân văn của Chủ nghĩa Công năng thời hậu chiến, nhưng khi thiết kế sân chơi trẻ em, ông dường như quên mất quan điểm đó. Phải chăng tình thế thiếu thốn và vật liệu khan hiếm đã giới hạn người kiến trúc sư? Sự tối giản, đơn sắc và đơn chất kích thích khả năng sáng tạo và thích ứng của trẻ, nhưng đồng thời nghèo nàn trên phương diện khơi gợi cảm xúc thông qua tính biểu trưng, hay qua các kênh xúc giác. Nói về khả năng “được lòng" trẻ em, chắc hẳn những “hệ lưới” của Aldo van Eyck khó bì được với “cá voi hồng” và “bạch tuộc xanh” của Benjamin Dominguez tại La Laguna Park (1965) - được yêu mến đến mức thoát khỏi kế hoạch tháo dỡ vào năm 2006. Tình cảm dễ dàng nảy sinh từ những hình tượng quen thuộc của tự nhiên hơn các hình thức trừu tượng lý tính. Từ con số hơn 700, Amsterdam chỉ còn 17 sân chơi của Aldo van Eyck tồn tại đến ngày nay, phần nào đề xuất rằng tối giản và lý tính chưa thể là lời giải tối ưu cho thiết kế sân chơi trong đô thị. Tuy nhiên, chúng vẫn là các tham khảo đáng chú ý cho những thành phố đang trong quá trình phát triển nhưng thiếu thốn nguồn lực và sức đầu tư. 



Bài viết bởi Tê Tê @alab

No comments:

Post a Comment