Nghĩ về Isamu Noguchi và sự phiêu lưu

Phiêu lưu là gì? Với điêu khắc gia người Mỹ gốc Nhật Isamu Noguchi, có lẽ trải nghiệm này không chỉ gói gọn trong những năm bôn ba ở kinh đô nghệ thuật Paris, hay những chuyến du ngoạn sang Mexico và nhiều nơi khác trên thế giới. Theo từ điển Cambridge, “phiêu lưu” là một hoạt động bất thường, thú vị và có thể nguy hiểm, đặc biệt tạo ra sự phấn khích do một hoạt động như vậy tạo ra. Định nghĩa này có lẽ phù hợp khi nói về Noguchi và những chuyến phiêu lưu của ông trong nghệ thuật.

Isamu Noguchi

Thiết kế sân chơi của Noguchi có thể được đọc hiểu như là “những chuyến phiêu lưu” dành cho trẻ em. Bởi lẽ, so với những sân chơi truyền thống, hình thức của chúng lạ lùng, có phần mạo hiểm, chính vì thế khêu gợi sự tò mò. Những sân chơi “phiêu lưu” ấy không mang nặng tính cấu trúc, có vẻ ngoài rất tự nhiên như thể một phần của bối cảnh. Ngay từ Play Mountain - công trình mặc dù chưa bao giờ được hiện thực hóa nhưng có tầm ảnh hưởng vô cùng sâu sắc - Noguchi đã mang đến một làn gió mới cho không gian chơi của trẻ nhỏ, một sân chơi “chẳng giống ai”. Ông tưởng tượng ra bề mặt nghiêng bằng cách lợi dụng địa hình khu đất sẵn có, gán cho nó một kim tự tháp bậc thang có khả năng bao chứa các hoạt động vui chơi bên dưới. Noguchi đã cởi bỏ các hạn chế của lối tiếp cận truyền thống tồn tại rất lâu trong những công trình sân chơi trẻ em bằng ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại và chủ nghĩa biophormism. 

Play Mountain - Isamu Noguchi, 1933

Ngay từ đầu, ông đã muốn định nghĩa lại “sân chơi” và những ý niệm về sự “chơi” của trẻ. “Tôi nghĩ về sân chơi như một lớp sơn lót về hình dạng và chức năng; đơn giản, bí ẩn và giàu sức gợi; do đó mang tính giáo dục cao.” Noguchi đã phát biểu như thế, bởi ông tin rằng thay vì hướng dẫn đứa trẻ (đu ở đây, leo lên ở đó...), với trí tưởng tượng phong phú của mình, trẻ em hoàn toàn có thể biến sân chơi trở thành thiên đường cho vô tận những tái khám phá. Như Playscapes ở công viên Piedmont, công trình là tập hợp các khối bê tông và kim loại thay thế cho những thành tố quen thuộc thường thấy như hố cát hay nhà banh, buộc bọn trẻ phải trải nghiệm sự “chơi” theo những cách rất riêng, không hề có tiên kiến hay chỉ dẫn. Mỗi đứa trẻ với hình dung riêng của mình là hoàn toàn “đơn độc”, tự thân và rất bản năng trong mối quan hệ với vật chất. Và chính xác đó là điều Noguchi hướng đến, ông muốn bọn trẻ trải nghiệm không gian như cách con người trải nghiệm trái đất lần đầu tiên, bao gồm những nơi chốn ngoạn mục, bí ẩn và phức tạp. Những xúc cảm nguyên thủy được khơi gợi sẽ dẫn các em đến đâu trên hành trình “phiêu lưu" của mình, đó là điều người nghệ sĩ háo hức chờ mong. 

Bài viết bởi Hân @alab. 

No comments:

Post a Comment