Cái tên

“Ngươi biết cái tên được ban cho, ngươi không biết cái tên mà ngươi có” - Jose Saramago

Anh có nghĩ rằng “cái tên nói lên tất cả”? Italo Calvino nói rằng cái tên của thành phố biến thành chính thành phố đó, và trở thành một thực thể không thể tách rời chính nó. “Cái ngày mà chuyến đi của tôi dẫn tôi tới Pyrrha cũng đã đến. Ngay khi tôi vừa đặt chân xuống đó, mọi thứ mà tôi tưởng tượng đã bị lãng quên; Pyrrha đã trở thành cái-Pyrrha-là (what is Pyrrha) … Từ khoảnh khắc đó cái tên Pyrrha đã mang đến cho tôi cái nhìn này, ánh sáng này, tiếng rầm rì này, không khí này - thứ không khí mà ở đó bụi đất có màu vàng bay; rõ ràng là cái tên mang nghĩa này và chẳng có nghĩa nào khác ngoài ý nghĩa này … Tâm trí tôi tiếp tục chứa đựng rất nhiều những thành phố mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy và tôi sẽ chẳng bao giờ thấy được, tên gọi đã mang theo với chúng một hình tượng (figure) hay là một mảnh hay là ánh sáng mờ mờ của những hình ảnh tưởng tượng: Gentullia, Odile, Euphrasia, Margara. Thành phố nằm phía trên vùng vịnh thì cũng vẫn ở đó im lìm, với quảng trường ôm lấy giếng nước, nhưng tôi không còn có thể gọi nó bằng một cái tên khác, cũng không thể nhớ được làm cách nào mà tôi đã đặt cho nó một cái tên có ý nghĩa gì đó hoàn toàn khác biệt" (1). 



Tôi nghĩ về hai thành phố cùng song song tồn tại trên mảnh đất này: Sài Gòn và Thành Phố Hồ Chí Minh. Một thành phố xuất hiện nghiêm trang trong các văn bản hành chính, địa chính và trên biển số nhà … một thành phố lãng vãng rong chơi đâu đó trong sáng tác văn học, âm nhạc, nghệ thuật … một thành phố được công nhận trong văn viết … một thành phố từ câu cửa miệng của người dân … một thành phố lan rộng hơn, xa hơn … một thành phố vươn cao hơn, sâu hơn … một thành phố ở vẻ bề ngoài … một linh hồn thành phố …

Đúng như thế, đô thị xưa Sài Gòn - Chợ Lớn nay đã trở thành cái lõi văn hoá nghệ thuật đặc sắc cung cấp “tài nguyên" cho sự phát triển rộng hơn xa hơn của TP.HCM. Theo cách hiểu của tôi, việc cho phép xuất hiện đồng thời hai cái tên, giống như chấp nhận sự lồng ghép về mặt vật chất-tinh thần của “hai” thành phố tạo thành một môi trường đô thị như chúng ta quan sát ngày hôm nay. So sánh với các thành phố khác, đô thị lớn nhất nước này luôn trong một tinh thần cởi mở và thông qua đó nhiều phép lai cũng như đối lập cùng tồn tại. 

Trở lại với kiến trúc, đặt tên phải chăng là cách để chúng ta nghệ thuật hoá một công trình? Điều này có lẽ là xác đáng trong trường hợp nhà ở hộ gia đình bởi quy mô nhỏ, tính cá nhân và sự cô đọng của nó có thể được nhấn mạnh qua một cái tên. 

Đó là phần ngôn ngữ thêm vào. Nhưng rồi nó trở nên quan trọng chẳng kém gì một cây cột đỡ mái trong không gian. Đó là cách mà House in White neo đậu trong tâm trí của tôi. House in White ư? White từ bao giờ trở thành một địa danh vậy? Nhà ở trong một vùng trắng? Vùng trắng của Xứ tuyết (2)? Vùng trắng của canvas? Hay là vùng trắng của Mù loà (3)?
Mà chẳng phải chỉ có thế, Kazuo Shinohara còn làm tôi bâng khuâng với “House on Earth". Nhà ở trên mặt đất này? Có căn nhà nào không ở trên mặt đất này? Mà phải chăng vì cái lẽ quá đỗi hiển nhiên đó mà chúng ta quên mất rằng hết thảy chúng ta đang ở trên mặt đất này. Nó là một lời nhắc nhở. Nhưng nó cũng có thể là một câu hỏi. Liệu chúng ta đã bao giờ thiết kế với một ý thức “on earth" hay chưa?

Với tôi, “House on earth” là một cái tên đầy tính hiện tượng (phenomenal). Trùng hợp hay không khi mà, “being on earth" là một trong bốn yếu tố làm nên “being in the world" của Martin Heidegger. “Nhưng “on the earth" (trên mặt đất) đã mang sẵn ý nghĩa là “under the sky" (dưới bầu trời. Cả hai đều có nghĩa là “remaining before the divinities" (tồn tại trước các thánh thần) và bao gồm việc “belonging to men's being with one another" (thuộc về sự chung sống với người khác)”” - Heidegger đã giảng giải như thế về mối liên hệ không thể tách rời của bốn yếu tố mà ông gọi là fourfold trong tác phẩm Building Dwelling Thinking. Cũng có thể Shinohara đang ám chỉ những điều này khi đặt tên công trình như thế. Hoặc đơn giản là vì House on Earth có một nửa nằm trong lòng đất. 
Dầu thế nào thì, tôi đồng ý với anh, House in White vẫn là một cái tên trừu tượng, và vì thế mà “màu trắng" của white đó, tôi cho là, vô cùng đặc sắc. Một kiểu trừu tượng rất khác với những con số La Mã của Peter Eisenman. Anh có nghĩ như thế?

Peter Eisenman đặt tên các công trình nhà ở tuần tự bằng những chữ số La Mã, nghiêm cẩn như những nhà soạn nhạc đánh số các bản giao hưởng của mình. Không phải là ẩn dụ, House II của ông trên nền trắng của tuyết ở Hardwick, Vermont. Tuyết xoá đi mọi dấu vết của bối cảnh, mọi đề xuất chính trị, xã hội. Và vì thế mà công trình chẳng cần phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào ngoài chính nó. Các yếu tố hình thức thoát khỏi ý nghĩa về mặt cấu tạo: cột chỉ đơn thuần là yếu tố tuyến tính theo phương đứng, cửa là những khoảng mở, khoảng rỗng trên các mặt diện. Hệ khung dầm chịu lực hay đơn thuần là một hệ lưới đóng vai trò định hình, trong khi các yếu tố trám chỗ dịch chuyển theo một quy luật nhất định. 

Có lẽ vì những quy luật đó mà đến phút cuối, hình thức kiến trúc mới được định đoạt. Với Peter Eisenman, kiến trúc không phải là một tri thức được tiền giả định (predetermined), mà chỉ là phần kết quả của quá trình, của “movements". Thông qua cách đặt tên theo trình tự, ông biến thực hành của mình thành một đề cương bao gồm những cuộc thí nghiệm lần lượt nhắm đến đối tượng hình thức của một đơn vị kiến trúc cơ bản (cube). House I chồng lớp, House II chuyển dịch, House III xoay, house IV chứng kiến sự xuất hiện của lõi, house VI chia ba phần, house VIII chia bốn phần, house X bận tâm tới phần “lõm" và “lồi" … 

Có thể thấy, kể trên là những hành vi có tính chất hướng nội, hướng tới khả năng của một thứ kiến trúc tự trị. Mà trừu tượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình sát hạch ngôn ngữ, nhằm loại bỏ các yếu tố ngoại vi. 

Chính xác là như vậy! Eisenman hướng tới việc thanh lọc các “tính chất giao tiếp" hay “khả năng thể hiện một giá trị văn hoá tiềm ẩn trong tinh thần nhóm xã hội “ của kiến trúc bằng sự trừu tượng, thông qua lược bỏ các yếu tố trang trí, màu sắc, vật liệu. Ở đây, ông muốn định nghĩa lại rằng những “quy chuẩn (norms) và hành vi của ngôn ngữ kiến trúc là một thứ có khả năng tự giải thích”. “Với Eisenman, kiến trúc là một sự trình diễn về mặt tinh thần (mental operation) dựa trên việc sử dụng những quy chuẩn đó. Vì lẽ đó chúng ta có thể nói một cách giản lược rằng công trình của Eisenman mang lấy hứa hẹn về tính tự trị” (4)…

Chỉ có một mâu thuẫn, khi đặt tên theo số thứ tự tăng tiến, các công trình của Peter Eisenman đánh mất tính tự trị của riêng mình. Từng công trình là bộ phận của một “kiến trúc" trừu tượng. Và vì thế, mỗi “cá thể" công trình lại không trọn vẹn. 

Chính vì lý do đó, tôi thiết nghĩ gọi tên công trình theo số thứ tự làm yếu đi tính chất “nghệ thuật" của một tác phẩm kiến trúc. Ở chiều ngược lại, cách đặt tên bằng một chữ cái viết hoa có khả năng gây ra hiệu ứng tăng cường. Đơn cử như cách đặt tên công trình của Studio KO, họ chỉ sử dụng chữ cái đầu tiên (tôi đoán là viết tắt cho tên của vị gia chủ) để đặt cho các công trình Villa của họ, như cách mà nhà văn Franz Kafka đặt tên cho nhân vật K. trong các tiểu thuyết của ông. Về mặt thị giác Villa K, Villa E là một gestalt mạnh mẽ mà vì thế chúng cô đọng và dễ được đón nhận trong trí nhớ của chúng ta. Ngặt nỗi, vì là một gestalt thị giác mạnh mẽ, những cái tên K hay E sẽ dễ tranh chấp với gestalt tổng thể của công trình. Người ta có xu hướng tìm kiếm một hình dạng giống chữ cái của tên gọi ở trên mặt bằng tổng thể. 

Như người ta đã thành công trong việc tìm thấy chữ U trong U house của Toyo Ito?

Quả thật là như thế. Như tôi được biết, chủ nhà cũng là chị gái của Toyo Ito ban đầu muốn căn nhà có dạng chữ L. Về sau, với sự thuyết phục của em trai mình, bà đã đồng ý dạng hình chữ U tăng cường tính biểu tượng và khả năng kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Câu chuyện của U-house còn là câu chuyện của sự phục hồi từ bên trong khi mà người phụ nữ và hai cô con gái trong gia đình vừa trải qua sự mất mát của người chồng, người cha.

Phần cong của chữ U phân chia không gian khách - ăn - chơi một cách tự nhiên. Bằng góc khuất thị giác. Bóng đổ trên tường là hình thức thông báo sự có mặt của người này với người kia. Hai nét thẳng kết thúc vào những hành lang tối dẫn đến các phòng ngủ riêng tư. Ở đây, khả năng hình học của chữ U được khai thác triệt để. Cái tên U house là không tài nào thay thế được. 

Chú thích:
(1) Italio Calvino, Invisible cities (Harcourt Brace Jovanovich, 1978). 
(2) Xứ tuyết là tiểu thuyết của nhà văn Kawabata Yasunari, trong đó miêu tả mùa đông Nhật Bản phủ đầy tuyết trắng. 
(3) Mù loà là tiểu thuyết viễn tưởng của nhà văn Jose Saramago, các nhân vật bị mù không nhìn thấy toàn màu đen, nhưng toàn màu trắng. 
(4) Rafael Moneo, Theoretical Anxiety and Design Strategies: In the work of eight contemporary architecture, (The MIT Press, 2004).


No comments:

Post a Comment