Nhưng luôn có sự phân biệt rạch ròi giữa sản phẩm nhân tạo và tự nhiên mà ở trong đó sản phẩm nhân tạo, phần nhiều trường hợp, phải gánh chịu thiệt thòi nguyên do là bởi năng lực hạn hẹp của con người, xét cho cùng vốn không thể làm chủ sự sống chính mình.
Có phép so sánh đó, bởi lẽ chúng ta đã không có một cách hiểu đúng đắn về bản chất sáng tạo của con người. Khác với Đấng Sáng tạo, sáng tạo của loài người không có nghĩa là tạo tác ra những sự vật. Mà là Hiểu sự vật.
Hiểu sự vật? Đó phải chăng là cách Heidegger bàn về sáng tạo?
Đúng vậy. Chính sự thay đổi trong cách hiểu này là một chân lí tự thiết lập rằng muốn hiểu một vật thì không có cách gì khác ngoài việc không ngừng đào sâu, ngày càng tiến gần đến vật, để ngày nào đó vật hiển lộ cho ta.
Nếu nói vậy, sáng tạo không phải là một dạng tài năng thiên bẩm chỉ được trao tặng cho một số ít những cá nhân kiệt xuất. Trái lại, sáng tạo là một năng lực sẵn có trong chính chúng ta. Nhưng giống như cá bống trong chuyện cổ tích Tấm Cám, cần có câu thần chú mới có thể gọi về thứ năng lực tiềm ẩn đó. Mà đối với khuôn khổ của cuộc trao đổi này, câu thần chú mang tên: niềm tin.
Tại sao niềm tin lại quan trọng?
Vì con đường của kẻ sáng tạo là cô độc. Ở đó, người ta không thể thấy những diễn ngôn hoặc hệ tư tưởng nối gót bởi hàng dài các môn đồ. Kẻ sáng tạo cũng giống như "con người không có chỗ tựa đầu" (1).
Hoàn cảnh cô độc đó, phải chăng là giống như Alvaro Siza chia sẻ “Họ (một vài người bạn) nói với tôi rằng tôi không có một phương pháp hay lý thuyết nào chống đỡ cho thực hành của mình. Rằng tôi chẳng chỉ ra cách thức nào. Rằng vậy chẳng có tính giáo dục gì cả. (Nhưng) như con thuyền phó mặc cho cơn sóng dữ … tôi không để lộ lòng tàu của mình, ít nhất là khi biển động. Chúng đã bị tan tành nhiều lần. Tôi nghiên cứu những đợt sóng, những xoáy nước … Người ta có thể nhìn thấy tôi một mình, đi trên boong tàu. Nhưng tất cả thủ thuỷ đoàn và những thiết bị ở đó … Tôi không dám đặt tay lên bánh lái, khi tôi chỉ thấy độc mỗi một ngôi sao Bắc đẩu. Và tôi không chỉ ra một lối đi rõ ràng nào. Con đường mờ mịt”?
Điều đó cũng đúng đối với những người quan sát thực hành của Alvaro Siza - những người chiêm nghiệm sự cô độc. Ta có thể phân loại, có thể khái quát hoá, thậm chí có thể gán cho chúng những ý niệm, nhưng ta không thể chắc chắn, y hệt như chính người kiến trúc sư. Vì vậy mà mỗi lần tái khám phá những bất ngờ, vỡ lẽ lại ùa đến với chúng ta, những người ao ước được thấu hiểu.
Phải chăng vì thế mà họ, những con người sáng tạo trong cô độc, thường được miêu tả bằng các tính từ như “austere” (hà khắc), “egocentrism" (vị kỷ) hay iconoclast (bài thánh tượng), như những tính từ dùng để phác hoạ chân dung của Kazou Shinohara. Trong đó, giai đoạn thực hành đầu tiên của Shinohara như sau “Từ năm 1954 đến 1968, người kiến trúc sư bước trên dây trong việc xác định một cách tiếp cận đến những công trình nhà ở của mình cái mà bén rễ trong một sự áp dụng rõ ràng là phi truyền thống các phương thức truyền thống của Nhật Bản về quy hoạch, nội thất hay vật liệu”(2).
Giống như đi trên dây ... Cùng một lúc từ quá khứ khởi đi nhưng không quay về quá khứ … một thế tiến thoái lưỡng nan mà chính Shinohara chứ không ai khác tự đặt mình vào … Nhưng nếu không làm thế làm sao đạt được sức mạnh và quyền lực mới mẻ? Một vận chuyển đầu tiên? Làm sao có thể khiến cho các vì sao khác quay vần?
Nhà ở Hanayama, House in White, House on Earth … hết thảy đều chứng kiến sức căng kéo của truyền thống và phản truyền thống. Những chi tiết kết cấu truyền thống được nhấn bằng bằng tỉ lệ, bằng tính biểu tượng … nhận thức không gian truyền thống bị xô đẩy theo từng chuyển động của người sử dụng …. trong một không gian mà vì không thể thoả hiệp nên không khí tràn đầy sự cô độc … cô độc nhưng trong lành và mới mẻ.
Rainer Rilke dường như cũng chia sẻ với con đường của người kiến trúc sư cô độc “Những tác phẩm nghệ thuật thoát nguồn từ nỗi cô đơn vô hạn của con người … Chịu đựng cưu mang cho tới cùng, rồi sinh nở: tất cả mọi sự nằm ở đó … Hãy chờ đợi một cách khiêm tốn và kiên nhẫn, chờ đợi giờ phút khai sinh ánh sáng rực ngời mới lạ … Ở đây, thời gian không thể làm tiêu chuẩn đo lường. Một năm có kể gì; mười năm không là gì cả; khi mình là nghệ sĩ thì có nghĩa là không tính toán, không kể số: khi mình là nghệ sĩ thì có nghĩa là nảy nở như một cây lá không hề bức thúc nhựa cây, đứng vững lại một cách tín thành trong tất cả những ngọn gió lớn của mùa xuân, không hề sợ hãi nao núng rằng mùa hạ không trở lại nữa. Mùa hạ nhất định sẽ đến. Nhưng mùa hạ chỉ đến cho những kẻ nào biết chờ đợi, chờ đợi một cách trầm lặng và cởi mở, như là mình đã có cả vĩnh cửu trước mắt mình. Tôi đã học được điều ấy mỗi ngày bằng bao nhiêu đau đớn, bằng bao nhiêu nỗi đau khổ mà tôi vẫn cảm tạ: Kiên nhẫn vẫn là tất cả” (3).
Một cách trùng hợp, phát biểu tương tự cũng được tìm thấy nơi danh họa Nguyễn Gia Trí của chúng ta “Tìm tòi và sáng tạo với tất cả linh tính. Không phải sáng tạo bằng mắt, bằng tay. Mà như người mù sờ soạng, mò mẫm trong đêm tối, để tìm cái đẹp. Như người mẹ mang thai, không thể bắt con mình là gái hay trai, đẹp hay xấu. Mà cầu mong ở con người mình, ở chính phúc đức và thể chất của mình sẽ sinh ra đứa con lành lặn, đẹp đẽ. Người nghệ sĩ không thể quyết định được tất cả. Nhưng người nghệ sĩ có trong mình niềm tin là sẽ sáng tạo ra cái đẹp” (4).
Như tôi đã trình bày ở đầu câu chuyện, sáng tạo là thiên chức. Và sáng tạo là một quá trình lao động của cuộc đời. Nó không bao giờ nên được miêu tả bằng một phút giây vụt sáng của ý tưởng. Giải thành tựu trọn đời vinh danh những cá nhân có đóng góp bền bỉ trong suốt con đường hoạt động nghệ thuật. Tôi muốn có một cái tên chính xác hơn cho nó Giải thưởng của sáng tạo và niềm tin.
Chú thích:
(1) Nhóm phiên dịch các giờ kinh phụng vụ, Kinh thánh Tân Ước, Luca 9, 58 ("Con chồn có hang chim trời có tổ Con người không có chỗ tựa đầu").
(3) Rainer Maria Rilke, Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi, Hoàng Thu Uyên dịch (An tiêm, 1969).
(4) Nguyễn Gia Trí, Sáng tạo (NXB Văn hoá - Văn nghệ, 2018).
No comments:
Post a Comment