Bản vẽ là một cuộc trò chuyện

Tỉ lệ là tất cả của cuộc trò chuyện thông qua bản vẽ. Yếu tố trừu tượng và vô hình này quyết định mối quan hệ của một cá nhân đối với công trình. Người kiến trúc sư chọn lựa tỉ lệ cho từng đối tượng đối thoại của mình, vì nó tương ứng với khả năng tri biết trong phạm vi mà tỉ lệ nội hàm. Sử dụng tỉ lệ quá nhỏ không thể cho thấy những mối liên hệ tiềm ẩn giữa các thành phần, giống như một buổi chuyện phiếm không có vấn đề nào được giải quyết. Cũng vậy, tỉ lệ quá lớn chẳng mang lại ích lợi gì cho người đối thoại với phạm vi quan tâm bao quát, ngoài việc biến cuộc nói chuyện trở thành nơi phô diễn kiến thức của người kiến trúc sư.

Không - Thời gian

“Căn phòng ông sống là không gian đáng mơ ước, và các bức tường của nó giống như làn da của một cơ thể thứ hai ôm quanh anh, như thể cơ thể chính anh đã được chuyển hoá trở thành trí óc, một thứ khí cụ của thứ suy nghĩ tinh khiết nhất”- Khởi sinh của cô độc, Paul Auster.

“Đáy đĩa mùa đi lượng hải hà" - Nguyễn Xuân Sanh 

1.
Suy cho cùng, không gian là vô tận. Cái mà chúng ta tri kiến được phải chăng là những tập hợp các chứa đựng hữu hạn mà vấn đề nằm ở sự thay đổi trường nhìn qua đó biên giới có thể mở rộng ra mãi. Đó là điều đã được thể hiện bằng hình ảnh qua phim ngắn The Power of Ten của nhà Eames. Với việc lần lượt hiệu chỉnh trường nhìn theo luỹ thừa cơ số 10, cái mà chúng ta gọi là không gian đã trở nên khả thể của một mặt phẳng trải đến vô tận. 

Ánh sáng - Bóng tối

 “Lẽ thường cho chúng ta biết rằng cuộc tồn sinh của chúng ta không là gì ngoài một khe sáng rất hẹp giữa hai thực thể bóng tối”
- Vladimir Nabokov

“Đầu tiên chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu và giống như những nhân vật trong cơn mộng mị sống cuộc đời của chúng trong sự hỗn loạn và bối rối. Chúng không biết gì về ngôi nhà gạch đầy nắng, chúng sống dưới mặt đất như những con kiến bận rộn trong những hang động sâu hút khỏi ánh mặt trời” 
- Aeschylus.

1.
Không biết tự bao giờ, ánh sáng và bóng tối đã hình thành mối quan hệ có tính biện chứng mà ở đó sự vắng mặt của cái này là tiền đề cho sự tồn tại của cái còn lại. Mối quan hệ này theo dòng lịch sử bị đẩy lên đỉnh điểm thù địch khi mà văn hoá nhân loại khoác chiếc áo bào lấp lánh của khôn ngoan, văn minh, tri thức lên ánh sáng, cùng lúc đó, bao phủ bóng tối bằng những tội lỗi, và cái ác.

Trong - Ngoài

Không giống như những thứ được sinh ra từ lòng đất mẹ. Một công trình được dựng nên đã là sự cưỡng bức. Những chiếc cọc nhồi nén chặt vùng đất vốn tự do … bê tông cốt thép chiếm chỗ của những sinh vật quen ẩm ướt và bóng tối … khu đất bị buộc vào trong mối liên hệ cộng đồng khiên cưỡng qua những đường ống kỹ thuật đô thị. Ngay đến không khí của một công trình, chúng rất khác biệt với không khí của một bãi đất trống đã từng hiện hữu. Một cái gì đó rất xa lạ mà người ta thực sự cần thời gian để thích nghi. 

Có phải vì từ trong bản chất đã là thành tố ngoại lai mà công trình luôn trong một mối quan hệ biện chứng với bối cảnh, như khái quát của Nicola Russi về chủ nghĩa hiện đại “kiến trúc đã luôn tự cấu thành bản thân nó trong sự đối lập với phông cảnh, vì thế mà tạo ra một mối quan hệ biện chứng (dialectical) giữa kiến trúc và bối cảnh mà đôi khi trở nên một dạng áp chế của cái này lên cái kia”(1) hay với Le Corbusier.  “Ngôi nhà là một sự khẳng định của con người trong sự đối đầu (in the face) với tự nhiên; cảnh quan được đóng khung bằng những cây cột và qua ô cửa, như là một sự trình diễn (spectacle)” (2).