Không - Thời gian

“Căn phòng ông sống là không gian đáng mơ ước, và các bức tường của nó giống như làn da của một cơ thể thứ hai ôm quanh anh, như thể cơ thể chính anh đã được chuyển hoá trở thành trí óc, một thứ khí cụ của thứ suy nghĩ tinh khiết nhất”- Khởi sinh của cô độc, Paul Auster.

“Đáy đĩa mùa đi lượng hải hà" - Nguyễn Xuân Sanh 

1.
Suy cho cùng, không gian là vô tận. Cái mà chúng ta tri kiến được phải chăng là những tập hợp các chứa đựng hữu hạn mà vấn đề nằm ở sự thay đổi trường nhìn qua đó biên giới có thể mở rộng ra mãi. Đó là điều đã được thể hiện bằng hình ảnh qua phim ngắn The Power of Ten của nhà Eames. Với việc lần lượt hiệu chỉnh trường nhìn theo luỹ thừa cơ số 10, cái mà chúng ta gọi là không gian đã trở nên khả thể của một mặt phẳng trải đến vô tận. 

Trong đoạn phim kia anh được cung cấp một cái nhìn tạo lập bởi ống kính máy ảnh có mức độ khách quan nhất định của riêng nó, nhưng cách thức trải nghiệm không gian của cơ thể con người là khác biệt. Chưa bàn đến tính chất cá nhân, cơ thể con người nói chung vốn dĩ đã nội hàm khả năng chi phối trải nghiệm không gian. Trước tiên phải kể đến việc “cơ thể không phải là một vật thể tĩnh có một cấu trúc vật lý hay giải phẫu cụ thể, thay vào đó là một tập hợp của những khả năng cho hành động” (1). Nghĩa là mặc dù về mặt vật lí, đó là một cơ thể (figure) nhưng không phải là một cơ thể đóng kín và đối lập hoàn toàn với không gian xung quanh. Khi chúng ta hít thở, bước đi, đối thoại đều là những sự mở ra và trao đổi với cái không thuộc về cơ thể chúng ta. Các giác quan đóng vai trò quan trọng, chúng là cầu nối giữa ta với thế giới. Cái không gian mà chúng ta cảm nhận là tính không gian của cơ thể-trong-hành động (spatiality of the body-in-action), dưới những hành động này chúng ta trải nghiệm không gian thông qua các giác quan. Điều này khác với tính không gian của bản thân thế giới (spatiality of the world).  

Các giác quan của chúng ta lại trở thành “lớp màng” bao phủ và ngăn cản chúng ta tiếp cận thế giới như là chính nó? 

Modulor của Le Corbusier là một ví dụ kiến trúc được xây dựng dựa trên không gian hiện thân, từ kích thước cơ thể người tiêu chuẩn đề xuất kích thước không gian tương ứng với các hoạt động xác định. Lúc này, kiến trúc có thể xem như “sự nối dài cơ thể". 

Điều này làm tôi nhớ đến miêu tả căn phòng của người cha trong tác phẩm Khởi sinh của cô độc: “Căn phòng ông sống là không gian đáng mơ ước, và các bức tường của nó giống như làn da của một cơ thể thứ hai ôm quanh anh, như thể cơ thể chính anh đã được chuyển hoá trở thành trí óc, một thứ khí cụ của thứ suy nghĩ tinh khiết nhất” (2). Paul Austen, trong vai người con đồng thời là tác giả, khi đến thăm căn phòng lúc sinh thời của người cha quá cố đã có cảm nhận rằng căn phòng, mới đây thôi còn xa lạ, bỗng trở nên điều gì đó thân thuộc như thân thể mở rộng của mình. 

Thực vậy, con người sử dụng không gian kiến trúc cố định như một phần của cơ thể mình, giống như mái nhà che mưa che nắng là sự mở rộng của làn da. Kể cả khi bị đặt vào những giới hạn không tự nguyện, con người theo thời gian sẽ có khả năng tạo lập các thói quen (habit) để cư ngụ (inhabit) trong không gian đó. 

Địa đạo Củ Chi đòi hỏi sự thích nghi của các chiến sĩ Việt Cộng, và dần dần chúng trở thành những cơ thể thứ hai bảo vệ họ trong suốt những năm tháng khốc liệt. Khối tích giới hạn của địa đạo đối với kích thước to lớn của binh lính Mỹ là hoàn toàn không phù hợp, mà vì thế không cách nào chứa chấp cư ngụ. 

2.

Không gian hiện thân làm tôi liên tưởng đến khái niệm không gian ở giữa (Ma). Đối tượng của chúng cùng là ở những ranh giới mập mờ.  

Ma là thuật ngữ dành cho “không gian ở giữa” mà KTS Arata Isozaki đã sử dụng từ những năm 1970. Một trong những ví dụ về Ma là “đường biên” được Isozaki khai thác trong tác phẩm Angel Cage thiết kế theo đặt hàng cho triển lãm Man Transforms tại New York năm 1976. Ông đã giải thích về nó trong vựng tập của triển lãm như sau: “Mọi thứ đều liên quan đến “đường biên", nó là kết thúc của một thứ (hay một thế giới) - và, đồng thời, là khởi đầu của một thế giới sau đó” (3). Ông kết luận “tôi muốn nắm bắt (grasp) Ma tại một khoảnh khắc mà ở đó không gian và thời gian chưa được gỡ rối (disentangled) và chưa được biện giải như những khái niệm khác biệt rõ ràng”(4). 

Tôi rất yêu thích không gian ngưỡng cửa. Chúng ta không cách nào trải nghiệm không gian này mà bất động: bước qua là hành động nội hàm thời gian tính. Nói vậy, ngưỡng cửa được trải nghiệm đồng thời khi mà không gian và thời gian chưa được gỡ rối. 

Anh đã từng nghe qua khái niệm hình hài của thời gian - shape of time? Nhà sử học nghệ thuật George Kubler đã định nghĩa khái niệm này như sự tổng hợp của vật chất bao gồm phong cảnh, công trình, vật thể và con người cùng đồng thời tồn tại trong một thời điểm. 

Điều này giống như là chúng ta có được chiếc máy ảnh hiện đại nhất cùng lúc chụp lại hết thảy những thứ quan sát được trên thế giới trong mỗi khoảnh khắc. Trên thực tế, kiến trúc vừa phản ánh thời gian vừa chống lại nó. Kiến trúc là nhân tạo và, vì thế, nó gửi gắm mong muốn của con người về sự vĩnh cửu, trường tồn. Nhưng trớ trêu thay, con người khả tử không thể bảo đảm cho sự tồn tại lâu dài của công trình. Một kiến trúc được ưu ái ở thời kỳ này lại trở nên vật cản, chướng ngại hay thậm chí thù địch theo lối tư duy của thời kỳ khác và, không sớm thì muộn, bị thay thế. 

Mối quan hệ bấp bênh của đô thị (như là tập hợp các công trình kiến trúc) với thời gian đã được Aldo Rossi diễn tả một cách rất biểu cảm như sau "thành thị ở trong thực tế là những nơi trú ẩn tuyệt vời của cái sống và cái chết nơi mà nhiều yếu tố còn vương lại như những tín hiệu, những biểu tượng, những lưu ý. Khi ngày lễ qua đi, cái còn lại của kiến trúc trở thành những vết sẹo, và cát bụi nuốt chửng con đường lần nữa. Ở đó không còn lại gì ngoài việc tiếp tục, với một sự bướng bỉnh chắc chắn, việc tái kiến tạo những yếu tố và công cụ để chờ một ngày lễ khác lại đến" (5).

Nhưng mặt khác, một số kiến trúc lại bộc lộ khả năng lướt thắng tính chóng qua, hay sự bạo tàn của thời gian, dầu chỉ bằng một vài khoảnh khắc trong trải nghiệm riêng, ngắn ngủi, thân mật của từng cá thể. Nói theo cách của Alberto Campo Baeza, đó là Thời gian ngưng treo khi mà sự thật và cái đẹp gặp nhau. “Thời gian của Venustas là thứ có thể ngưng treo, lơ lửng khi chúng ta bắt gặp một vẻ đẹp cụ thể của một sáng tạo nghệ thuật. Nó là dạng khó khăn nhất để được điều khiển, nhưng vì lý do đó nó là thứ khiến chúng ta si mê nhất” (6). 

Đúng là không gian có khả năng mang lại cảm giác thời gian khác biệt nhau ở mỗi công trình. Phan Chu Trinh chẳng đã nói “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” hay sao? Mặc dù vậy, kiến trúc chỉ có khả năng níu giữ thời gian, đóng băng nó cho một cảm xúc nhất thời ở trong một chừng mực giới hạn. Còn thời gian là không thể vãn hồi, như lời nhà thơ T.S.Eliot: 

    Cả hiện tại và quá khứ

    Có lẽ đều có mặt ở tương lai

    Và tương lai có mặt trong quá khứ

    Nếu thời gian còn mãi bây giờ

    Thời gian không thể nào chuộc lại (7). 

Thời gian không thể nào chuộc lại, phải chăng chính là do phân biệt thời gian thành các khái niệm của quá khứ, tương lai và hiện tại? Thời gian vì thế mà trở nên tuyến tính, là bất khả quy hồi. Trong quan niệm phương Đông, thời gian là tuần hoàn. Chúng ta có lịch can chi sau 60 năm lại quay vòng trở lại. Đó là thời gian của những “đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà".  

Nếu có thể, mối quan hệ với thời gian của các kiến trúc sư phải được xem xét lại, bên cạnh các định nghĩa về thời gian. Trong khi công trình thể hiện đa dạng tương quan với thời gian, các kiến trúc sư dường như vẫn mang nhãn quan đơn thuần tuyến tính của quá khứ - hiện tại - tương lai, Peter Zumthor đã nhắc nhở chúng ta về một thái độ đúng đắn hơn với đại lượng cơ bản của kiến trúc này. " Một thời điểm nào đó tôi cảm giác như là tôi có thể lướt thắng lịch sử theo lối dữ kiện và trở nên một phần của bối cảnh lớn hơn trong cuộc sinh tồn của loài người. Đầu tiên, tôi cảm thấy một chuỗi sự kiện và tôi ở ngay chỗ kết thúc của chuỗi này - một vị trí không lấy gì là thoải mái. Nhưng sau đó, tôi thấy rất nhiều thứ - những thứ từ quá khứ - và tôi là một phần của nó, đến nỗi mà cái chuỗi tuyến tính đó tan biến; mọi thứ là một, tất cả đều hiện diện”(8).

Giống như khi thay đổi góc nhìn, tuyến tính sẽ trở thành một điểm duy nhất, như cách mà thiên thần trong tranh của Paul Klee nhìn nhận lịch sử/ quá khứ. Theo đó, chúng ta phải có trách nhiệm không chỉ với những gì đã qua, nhưng còn với tương lai đang tới. 

Chú thích: 
(1) Jonathan Hale, Merleau-Ponty for Architects, (Routledge, 2016). 
(2) Paul Auster, Khởi sinh của cô độc, Phương Huyên dịch (NXB Trẻ, 2018). 
(3) (4) Arata Isozaki, David B. Stewart, Japan-nese in architecture, (The MIT Press, 2011). 
(5) Aldo Rossi, The Architecture of the City, (The MIT Press, 1966). 
(6) Alberto Campo Baeza, “Suspending time”, (http://oa.upm.es/32755/1/Suspending%20_Time.pdf)
(7) T.S.Eliot, “Burnt Norton”, xem trong Four Quartets (Faber Faber, 1943). 
(8) Peter Zumthor, Mari Landing, A Feeling of History (Scheidegger and Spiess, 2018). 


 

No comments:

Post a Comment