Ánh sáng - Bóng tối

 “Lẽ thường cho chúng ta biết rằng cuộc tồn sinh của chúng ta không là gì ngoài một khe sáng rất hẹp giữa hai thực thể bóng tối”
- Vladimir Nabokov

“Đầu tiên chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu và giống như những nhân vật trong cơn mộng mị sống cuộc đời của chúng trong sự hỗn loạn và bối rối. Chúng không biết gì về ngôi nhà gạch đầy nắng, chúng sống dưới mặt đất như những con kiến bận rộn trong những hang động sâu hút khỏi ánh mặt trời” 
- Aeschylus.

1.
Không biết tự bao giờ, ánh sáng và bóng tối đã hình thành mối quan hệ có tính biện chứng mà ở đó sự vắng mặt của cái này là tiền đề cho sự tồn tại của cái còn lại. Mối quan hệ này theo dòng lịch sử bị đẩy lên đỉnh điểm thù địch khi mà văn hoá nhân loại khoác chiếc áo bào lấp lánh của khôn ngoan, văn minh, tri thức lên ánh sáng, cùng lúc đó, bao phủ bóng tối bằng những tội lỗi, và cái ác.

Thuật ngữ Khai sáng (Enlightenment - với “light") được sử dụng để đặt cho phong trào triết học diễn ra ở châu  u vào thế kỷ 18, cũng đồng thời kết đôi “ánh sáng” và lý tính, “ánh sáng” và “bằng chứng của các giác quan" (tức là thực nghiệm). Nói theo ngôn ngữ của các nhà Khai sáng, người ta ưa chuộng ánh sáng hơn cũng đồng nghĩa với người ta ưa chuộng lý tính hơn, và ưa chuộng những thứ có thể đem ra ánh sáng để quan sát, kiểm chứng. 

Nhưng cả lý tính (logic) và tính thực chứng của giác quan cũng dần dần cho thấy những bất cập. Các vấn đề tiềm thức (phân tâm học), phương pháp hiện tượng học, chủ nghĩa hiện sinh … phần nào chỉ ra những vùng mờ không chạm tới được của những lối tư duy này. Đơn cử là về vấn đề giác quan, chẳng phải đã có không ít trường hợp chúng ta bị thị giác đánh lừa? 

Đúng là không thể biện minh cho thị giác. John Berger thậm chí còn khiến chúng ta hoài nghi hơn khi nói rằng “Cách mà chúng ta thấy bị ảnh hưởng bởi cái mà chúng ta biết hoặc cái mà chúng ta tin” (1). Chỉ cần nhắm mắt lại, và tự mình truy vấn cái niềm tin cơ bản là ánh sáng tồn tại. Chỉ cần làm điều đó thôi chúng ta đã thấy mình bị thử thách cực độ. Bởi vì thị giác “sight" và ánh sáng “light" có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, thế nên “chân lý" về sự tồn tại của ánh sáng lại là “chân lý" có tính phụ thuộc vào thị giác và vì thế, phải chăng, cũng không còn là “chân lý". 

2.
Khi nhắm mắt lại, tắt đi giác quan kém tin cậy nhất của chúng ta, bóng tối ngự trị, và sự hiện diện của nó là không thể chối cãi. Hãy nhớ lại tiếng nói của người mẹ khi muốn dỗ dành đứa con trong lúc hoảng loạn “nhắm mắt lại và đừng sợ"! Hãy xem phản xạ chớp mắt của con người trước những bất ngờ nguy hiểm! Hãy quan sát những người đang thực hành thiền định, họ xua đuổi mọi phiền nhiễu bằng cách khép chặt mi! 

Bóng tối, ở cách chúng ta chỉ một cái chớp mắt. Khép mi lại, ta cảm nhận sự thân quen che chở chín tháng mười ngày trong lòng mẹ; ta đánh thức sự phó thác vô biên và lòng tin mãnh liệt có thể chống lại mọi yếu đuối; và hơn hết ta lắng nghe tiếng nói của vũ trụ từ thuở hồng hoang - sợi dây kết nối đã vô tình bị cắt đứt bởi, trớ trêu thay, thứ ánh sáng mà ta ngày ngày ca tụng. 

Với bóng tối, không chỉ có thị giác bị tắt đi, mà dường như cả thính giác cũng thế. Bóng tối mặc định đã cùng với sự im lặng đi kề bên nhau, không tách rời. Junichiro Tanizaki trong tản văn Ca tụng bóng tối đã miêu tả mối quan hệ không thể lý giải đó rất trọn vẹn “khi chúng ta nhìn sâu vào bóng tối sau dầm ngang, xung quanh bình hoa, phía kệ sách, mặc dù chúng ta đã biết rằng đó chỉ là bóng tối thôi, nhưng chúng ta vẫn bị choáng ngợp với cảm xúc rằng ở cái góc nhỏ trong không khí đó, ngự trị một sự im lặng hoàn toàn và trọn vẹn; rằng ở đây trong bóng tối, sự yên tĩnh thống trị tuyệt đối. “Phương đông bí ẩn" mà người phương Tây nhắc đến có lẽ ám chỉ đến sự im lặng huyền bí của những chốn tối tăm này” (2). 

Bóng tối không có quê hương. Trong khi ánh sáng xuất phát từ mặt trời và các hành tinh, bóng tối chỉ đơn giản là ở đó. Nó không có gốc gác Đông phương cũng như mặt trời chẳng mọc từ đằng Tây vậy. Và nếu như được dịp quan sát công trình của các kiến trúc sư Bắc Âu, tiêu biểu là công trình của Sigurd Lewerentz, chúng ta sẽ nhận ra đó thực chất là những bản “tụng ca bóng tối” không lẫn vào đâu được. 

Tôi còn nhớ, một trong những thủ pháp ưa thích của Lewerentz chính là tạo ra những khoảng hở, khe hở, vết cắt trên bề mặt vật liệu. Điều này góp phần tạo chiều sâu cho công trình? Nếu không, toàn bộ khung cảnh có thể sẽ bị làm phẳng trong thứ ánh sáng khuếch tán nhè nhẹ giống như được miêu tả qua những nét cọ trong tranh của Eugene Jansson.

Chính vì mặt trời ở thấp, ánh sáng phát ra ở khu vực này của thế giới đặc biệt trong các tháng mùa đông sẽ rất hạn chế. Không rực rỡ và chan hoà như được rót xuống từ trên cao, ánh sáng ở đây giống như những người bạn từ phương xa, lặng lẽ đến bên cạnh ta qua những chiếc cửa đi và cửa sổ, từ phía mặt bên của căn nhà. Và trong những đêm hè ngắn ngủi, người ta sẽ tiệc tùng mê say để ăn mừng sự hiện diện của ánh sáng như một người bạn “đã bấy lâu nay bác tới nhà". 

Chú thích: 
(1) John Berger, Những cách thấy - Ways of Seeing, Như Huy dịch (NXB Hội Nhà Văn, 2017)
(2) Junichiro Tanizaki, Ca tụng bóng tối, Trịnh Thuỳ Dương dịch (NXB Tổng hợp, 2014), 42. 
(3) D. Stephen Pepper, “Leonardo da Vinci and the Perspective of Light”, xem trong Fidelio Volume 10, Number 1, Spring 2001.
(4)  Peter Russell, Leonardo da Vinci, Delphi Complete Works of Leonardo da Vinci, (Delphi Classics 2014).
(5) Louis Kahn, John Lobell, Between Silence and Light: Spirit in the architecture of Louis Kahn, (Shambhala, 1979). 
(6) (7) Alberto Campo Baeza, “Light is more" (https://www.campobaeza.com/wp-content/uploads/2010/11/2010_MANUEL-BLANCO_LIGHT-IS-MORE_EN.pdf)


No comments:

Post a Comment