Không giống như những thứ được sinh ra từ lòng đất mẹ. Một công trình được dựng nên đã là sự cưỡng bức. Những chiếc cọc nhồi nén chặt vùng đất vốn tự do … bê tông cốt thép chiếm chỗ của những sinh vật quen ẩm ướt và bóng tối … khu đất bị buộc vào trong mối liên hệ cộng đồng khiên cưỡng qua những đường ống kỹ thuật đô thị. Ngay đến không khí của một công trình, chúng rất khác biệt với không khí của một bãi đất trống đã từng hiện hữu. Một cái gì đó rất xa lạ mà người ta thực sự cần thời gian để thích nghi.
Có phải vì từ trong bản chất đã là thành tố ngoại lai mà công trình luôn trong một mối quan hệ biện chứng với bối cảnh, như khái quát của Nicola Russi về chủ nghĩa hiện đại “kiến trúc đã luôn tự cấu thành bản thân nó trong sự đối lập với phông cảnh, vì thế mà tạo ra một mối quan hệ biện chứng (dialectical) giữa kiến trúc và bối cảnh mà đôi khi trở nên một dạng áp chế của cái này lên cái kia”(1) hay với Le Corbusier. “Ngôi nhà là một sự khẳng định của con người trong sự đối đầu (in the face) với tự nhiên; cảnh quan được đóng khung bằng những cây cột và qua ô cửa, như là một sự trình diễn (spectacle)” (2).
1.
Bối cảnh mà anh đề cập dường như là bối cảnh bị kẹp trong vòng kiểm soát của “cái nhìn”. Thế còn bối cảnh về mặt thời gian của công trình. Tôi đã từng đọc ở đâu đó: hành động thiết kế trong mối quan hệ với bối cảnh của kiến trúc là một hành động “condense time into space" (ngưng tụ thời gian vào không gian). Điều này cho thấy chỉ quan sát bối cảnh thôi là chưa đủ, làm sao để đưa không khí của thời đại mà ta đang hít thở vào công trình? Như điều mà Le Corbusier những năm 20 của thế kỷ XX đã làm được.
Đúng là đã có xung đột giữa bối cảnh thị giác và bối cảnh chính trị - xã hội ở những năm đầu thế kỷ 20. Khoảng thời gian ra đời của xe cộ, phim ảnh, điện tín, điện thoại, máy bay nhưng lại không kéo theo bất kỳ sự thay đổi nào trong cấu trúc môi trường sống hằng ngày. Chính sự bất cập đó đã thôi thúc cuộc cách mạng hiện đại của Le Corbusier, đấu tranh cho con người - khả năng cũng như nguyện vọng, chống lại “tự nhiên”.
Tôi có cảm giác rằng “tự nhiên” mà Le Corbusier đối đầu là một tự nhiên của lẽ thường, của truyền thống. Tự nhiên của bánh xe chuyển động theo quán tính, đã thôi những câu hỏi của thuở ban đầu đầy ưu tư. Chuyển động mà không vận động! Tuy nhiên, khi đến lượt mình, chủ nghĩa hiện đại cũng rơi vào một thất bại tương tự, khi những nhà hiện đại quên đi khởi thủy của các nguyên tắc hiện đại nhưng chỉ đơn thuần áp dụng nó một cách máy móc. Thất bại của Pruitt Igoe là minh chứng cho một “chủ nghĩa hiện đại” đã quên mất con người mới là đích đến của cải cách, thay đổi.
Đó là lý do xuất hiện của Genius Loci vào những năm 1960s. Theo đuổi vẻ đẹp có phần hoài cổ, Genius Loci quan niệm “môi trường” (trường hợp của chúng ta là bối cảnh) được cụ thể hoá bằng từ “nơi chốn". Theo đó, “nơi chốn là một tổng thể được cấu thành từ những vật chất cụ thể có chất liệu, hình dạng, kết cấu và màu sắc. Cùng với nhau những thứ này quyết định tính chất của một nơi chốn. Nói chung, một nơi chốn được cho là có một tính cách hay một “bầu khí". Một nơi chốn vì thế là một hiện tượng định tính và có tính tổng hợp (total)”. Noberg Schulz nhận định rằng “Architecture means to visualize the genius loci”- “kiến trúc nghĩa là hữu hình hoá (visualize) genius loci” (tức là bằng công trình kiến trúc hữu hình hoá tính cách, bầu khí của một nơi chốn) (3).
2.
Hùng biện của Noberg Schulz theo lối hương xưa có thể phần nào xoa dịu những mất mát gây ra bởi các quy hoạch đô thị lý tính những năm 1960s. Nhưng kỳ thực bối cảnh chính trị xã hội và đô thị từ thời điểm đó đã bắt đầu trở nên cực kỳ phức tạp. Các thế lực chính trị, hay dòng lực kinh tế là những yếu tố liên tục quấy nhiễu, áp đặt, yêu sách. Người kiến trúc sư bị tước đoạt khả năng quyết định, vậy mà chúng ta luôn đòi hỏi họ phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ cái “nhìn” của môi cảnh. Điều này phải chăng là phi lý?
Chính xác đó là điều mà Rem Koolhaas muốn cảnh tỉnh chúng ta khi tuyên bố Fuck context. Nhiều người lầm tưởng rằng khẩu hiệu này thực sự có nghĩa là hãy quên thực tại đi, nhưng hiểu một cách đúng đắn, thực tế là quá phức tạp để nắm bắt hay tổng hợp thành một phông nền/ môi trường/ bối cảnh chung, kiến trúc cũng chẳng thể có những ảnh hưởng lớn lao gì được đến bối cảnh này. Bởi vậy, thay vì xem bối cảnh (context) như là kết quả của một nền văn hoá thiết kế thì chúng ta phân tích, tìm hiểu và miêu tả nó. Vấn đề là: “bối cảnh không phải là toàn cảnh mà ở đó công trình được thực hiện, nó cũng chẳng phải là một khuôn khổ phải được bao gồm để đóng vai trò là một phần tầm nhìn của dự án” (4).
Từ nãy đến giờ, chúng ta đã điểm qua các cán cân giữa kiến trúc - bối cảnh. Đầu tiên là kiến trúc trong thế áp đảo bối cảnh, rồi đến kiến trúc định rõ một lằn răn với bối cảnh như gợi ý của Rem Koolhaas. Trường hợp còn lại phải chăng kiến trúc nên nhượng bộ?
Dùng từ nhượng bộ có phần hơi yếm thế, tôi nghĩ việc xác lập mối quan hệ mới với bối cảnh có thể điều chỉnh những giới hạn bấy lâu nay đã đóng khung kiến trúc và mở ra cho chúng ta cái nhìn phóng khoáng hơn: kiến trúc làm nền cho cảnh quan. Tại sao không?
Có thể lấy những công trình của KTS Nhật Bản Jun Ishigami làm ví dụ. Anh đã tạo ra một dạng đảo nghịch liên tục của đối tượng và bối cảnh/phông nền trong tất cả những dự án của mình. Dự án triển lãm anh thực hiện ở bảo tàng Tokyo… trong đó khối không khí Heli, bọc bởi các pa-nô nhôm phản chiếu, liên tục định hình lại không gian khe hở được cố định vòng ngoài bởi các bức tường của khoảng thông tầng. Sự thay đổi trong vị trí của khối khí với khung định hình mới là vấn đề không gian mà Ishigami muốn chúng ta lưu ý. Cũng chính tại nơi đây, địa điểm thiết kế trở thành một phần sống động của ý tưởng thiết kế; và một lần nữa, toàn bộ bối cảnh trở nên vật thể cuối cùng (ultimate object) của thiết kế kiến trúc.
Tôi luôn nhìn nhận Ishigami ở trong vai trò của một nghệ sĩ nhiều hơn là kiến trúc sư, với các dự án có tính thể nghiệm, các triển lãm ở bảo tàng … Nhưng phải công nhận, nhờ sự táo bạo nghệ sĩ này mới có một Polytechnic Museum ở Moscow hé lộ cả tầng hầm của công trình để mở ra cho đô thị một khoảng không gian công cộng rất khêu gợi. Đường biên của công trình được mở rộng ra và ôm lấy sinh hoạt của đô thị vào trong, một đường biên mập mờ vì thế mà có rất nhiều cách để suy nghĩ về nó. Đôi khi nói về đường biên, không hẳn là lúc nào cũng chỉ là vấn đề của xê dịch và xác định ranh giới của hai đối tượng đứng kề nhau, chính bản thân của đường biên là thứ có thể được tận dụng. Trở về các lâu đài thời phong kiến phân quyền ở Anh, ta sẽ thấy những bức tường rất dày đủ để nhét cả một căn phòng, cầu thang hay hành lang vào trong đó. Vốn là biểu tượng quyền lực chính trị - quân sự và sự giàu có của lãnh chúa, các lâu đài sử dụng bức tường dày như một tín hiệu của bất khả xâm phạm, đồng thời giấu đi những không gian phục vụ (servant space) nơi diễn ra sinh hoạt của người nô lệ. Nhìn từ bên ngoài, chúng ta hầu như là không thể hình dung được sự tồn tại của các không gian lọt thỏm trong những bức tường này.
No comments:
Post a Comment