Hansaviertel Apartment House, Alvar Aalto |
Các nhân vật chủ chốt của thời kỳ hiện đại luôn vượt ra ngoài khuôn khổ thời đại cưu mang họ, luôn tươi mới mỗi lần ta quay lại. Với tựa đề trên, nhân vật mà tôi muốn đề cập là Alvar Aalto. Trong “bộ ba” cùng với Le Corbusier và Mies Van der Rohe, Alvar Aalto dường như là nhân vật ít hùng biện nhất. Và khi có cơ hội để làm điều đó, ông lại phó mặc hoàn toàn cho sự dẫn dắt của một đối tượng vô hình, trừu tượng nằm ngoài khuôn khổ của logic, hoặc có thể biện giải được, như những điều ông đã chia sẻ trong tiểu luận “Cá hồi và dòng chảy".
Có những sự việc khá thú vị được tiết lộ trong quyển “Heidegger for architects" của Adam Sharr, liên quan đến Le Corbusier và Alvar Aalto. Chuyện kể rằng Martin Heidegger đã có dịp ghé thăm Ronchamp, nhưng ông chẳng tìm thấy ở công trình của Le Corbusier hấp lực đặc biệt nào. Ngoại lệ kiến trúc của triết gia này lại chính là Alvar Aalto. Heidegger đã chủ đích liên lạc với Aalto, khi biết người kiến trúc sư giữ ấn bản “Xây, ở, suy tư” trên bàn làm việc. Tiếc thay, cuộc gặp trên đã không thể diễn ra vì cái chết đột ngột của Alvar Aalto, và 15 ngày sau đó đến lượt Heidegger tạ thế (!). Thành thực mà nói, tôi không hề ngạc nhiên với “gu" của Heidegger, tôi chỉ ước giá như Heidegger cũng đã đến cả công trình của Mies nữa. Bởi vì, ở Mies và Aalto có nhiều điểm tương đồng hơn là sự đối lập, hoàn toàn khác cái vẻ ngoài công trình họ đề xuất.
Đầu tiên là vật liệu. Nếu Mies có thép và kính là những sứ giả truyền rao “tin mừng" của thời đại, Aalto có gạch và gỗ được mặc cho tinh thần mới. Không đơn thuần tham gia vào việc tạo hình hay chịu lực, vẻ đẹp của vật liệu truyền thống trong sự kém hoàn hảo và khác biệt là bản chất của một sản phẩm thủ công nghiệp được tỏ lộ. Như trong công trình tòa thị chính ở Saynatsalo, đó là “cách xếp gạch kiểu Flemish nhờ đó mỗi viên sẽ có sắc độ khác nhau khi trình diện trước ánh sáng yếu ớt của Phần Lan”. Với Experimental House đó là hơn 50 loại gạch khác nhau làm nên một “căn phòng ngoài trời" với các diện tường như những tấm vải chắp mảnh đa sắc.
Điểm thứ hai vô cùng quan trọng chính là tinh thần hiện đại được thể hiện thông qua sự trừu tượng hoá không gian thành hệ thống để từ đó điều chỉnh, mở rộng, thao túng. Nếu như tinh thần này được thể hiện cách rõ ràng, mực thước nhất trong kiến trúc của Mies với các lưới cột. Những công trình nhà ở của Aalto sẽ rất dễ khiến người ta nhầm lẫn cuộc trở lại đoàn viên với công trình như là sự tập hợp của các phòng, bởi vì sự hữu cơ dễ thấy của chúng. Nhưng trên thực tế, đó là quá trình tư duy khởi đi từ các mô đun không gian sau đó lan rộng ra và “ăn nằm" với bối cảnh thiên nhiên, thay đổi tùy thuộc vào hướng nắng gió, với địa hình công trình. Chúng ta được biết rằng Aalto bị ảnh hưởng lớn của văn hóa Nhật Bản, và quyển Das Japanische Wohnhaus (1935) của tác giả Tetsuro Yoshida đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường ảnh hưởng này vào trong kiến trúc của ông. Nên nhớ, kiến trúc truyền thống Nhật Bản với việc sử dụng các chiếu tatami và các phòng hình thành từ bội số của các chiếu này chính là một biểu hiện ẩn tàng của việc kiến trúc là sự hữu hình hoá một hệ thống trừu tượng, và vì thế là một tinh thần rất hiện đại. Sự khác biệt của Aalto, với Mies, là ở khả năng bảo toàn được cái riêng, sự rung cảm ở cả những không gian có tính phổ quát.
Tuy nhiên, nếu xem xét công trình của họ ở chiều kích lớn hơn, ta sẽ thấy cuộc đổi chiều ngoạn mục. Trong mối quan hệ với bối cảnh, Mies như một người quan sát có phần “dửng dưng" và cô độc từ các “quần đảo" đô thị - có tính “cá thể”. Aalto lại xâm nhập bằng sự trừu tượng hóa, bằng việc thậm chí trong nhiều trường hợp biến công trình thành phong cảnh (như Herzog & de Meuron trong giai đoạn sau của thực hành) - vì vậy trở nên “toàn thể".
(Còn tiếp).
P/S:
*Tựa đề thay thế: Chủ nghĩa hiện đại hay là chủ nghĩa dân tộc lãng mạn?
Copyright: bài viết thuộc quyền sở hữu của Alab, yêu cầu liên hệ tác giả khi có nhu cầu trích dẫn lại.
No comments:
Post a Comment