"Thơ" của Lina Bo Bardi

 Một bài thơ thì ngắn gọn, cô đọng và khúc chiết, không thể tìm thấy từ dư thừa, câu bị lặp hay những đoạn vô nghĩa. Kiến trúc có thể trở nên như thi ca, một thứ thi ca khúc chiết. 

- Lina Bo Bardi 


<Sự khúc chiết, cô đọng>

Kiến trúc của Lina Bo Bardi khúc chiết, cô đọng. Biểu hiện trong công trình ở khả năng của chúng cho phép ta ngay lập tức nắm bắt được cái Gestalt thị giác, một hình ảnh tổng quát của công trình. Kết cấu kinh điển của Sao Paulo Museum of Art treo toàn bộ khối nhà dài 70m cao 2 tầng bởi hệ cột bê tông liền dầm thống nhất trong màu sơn đỏ nổi bật chưa bao giờ làm người ta hết kinh ngạc bởi chất thơ của nó mỗi lần trở lại. Không chỉ xuất phát từ sự choáng ngợp với khả năng đưa ra một giải pháp thông minh của người kiến trúc sư cho không gian công cộng hay sự tiến bộ của kỹ thuật xây dựng cho phép một kiệt tác đô thị như vậy xảy ra, chất thơ của công trình cảm thán sự giản đơn đến cực đoan, ngấm ngầm che giấu những thao tác vô cùng phức tạp và tinh vi trong xử lý lẫn quản lý công trình. Sự giản đơn, mạch lạc này tiếp tục được tìm thấy trong nhà ở Valeria Cirell hay nhà nguyện Santa Maria dos Anjos qua hình vuông hiện đại trong mối quan hệ có ngụ ý đối lập với kiến trúc bản địa bằng không gian hàng hiên. Trong khi đó, nhà thờ Espirito Santo de Cerrado tổ hợp các hình tròn được tái khám phá trong mối quan hệ với các thành tố kiến trúc cơ bản là cột và tường. Tinh thần hiện đại của Lina cho phép công trình bộc lộ tính kiến tạo của nó hoàn toàn không che giấu, và dầu có được phủ lớp áo vật liệu truyền thống cũng không thể hiện gì nhiều hơn là chính nó. 


Casa Valeria Cirell
Espirito Santo de Cerrado Church
Sao Paulo Museum of Art
<Vần điệu>

Khái niệm vần điệu hay nhịp điệu của Lina Bo Bardi không thể bị giới hạn trong phạm vi của công trình kiến trúc. Bởi vì với bà “kiến trúc rõ ràng là sự biểu hiện (expression) của đô thị". Và vì hướng đến “space total space", công trình của Lina luôn xem mình như một phần của đô thị, chứ không phải một thực thể riêng lẻ. Vì thế vần điệu của kiến trúc là nằm trong chính mối quan hệ với bối cảnh, cụ thể trong nhiều trường hợp đó là với địa hình, với hình thái của khu đất. Như trong Chame-Chame House, Lina nhạy cảm với chi tiết căn nhà nằm ở góc đường, những nét cong bo góc đã trở thành ngôn ngữ chính quy định đường vào đỗ ô tô và theo đó liên tiếp giật cấp vào bên trong. Các bụi cây được cắt tỉa hình dạng tường và vật liệu của công trình hoà lẫn vào nhau và vì thế mà tạo ra sự gắn bó chặt chẽ của địa hình-cảnh quan-công trình. Trở lại với tác phẩm kinh điển Sao Paulo Museum of Art, Lina cũng bày tỏ sự nhạy cảm tương tự dành cho địa thế của khu đất. Hướng nhìn từ mặt đứng phía Tây Nam hoàn toàn che giấu khối tích phần còn lại, dường như là nằm dưới mặt đất nếu xét tại cao độ đại lộ Paulista. Chính nhờ đó, sự bất ngờ theo chân người sử dụng di chuyển đến và đi khỏi công trình, theo dõi mối quan hệ có tính hồi ứng này giữa địa hình và kiến trúc. 


Chame-Chame House
Sao Paulo Museum of Art

<Hình ảnh thơ>

  

Lina Bo Bardi nổi tiếng với các phác thảo tay của mình. Một trong những chủ đề yêu thích của bà là đồ vật. Ở đây, tạm gác lại cơn cám dỗ đề cập đến tài năng nội thất của Lina, ta hướng cái nhìn vào mối quan hệ với thế giới vật chất của người kiến trúc sư. Bằng sự trìu mến đặt vào các chủ thể được hoạ, Lina đồng thời cấy vào trong ta một niềm tin tưởng về niềm say mê cái đẹp nằm ở sự tỉ mẩn đặt vào những vật dụng của đời sống thường ngày của bà. Điều này khi được phiên dịch sang công trình kiến trúc trở thành mối bận tâm to lớn dành cho các chi tiết kỹ thuật công trình, ví dụ như hình thức thang xoắn ốc (Solar do Unhao), chi tiết chạm đất của cột chống (Casa Valeria Cirell), chi tiết thoát nước (SESC) … Tất cả đều theo một công thức đơn giản, bộc trực và dễ nắm bắt của cấu trúc, hình thức và vì lẽ đó đẹp và đậm chất thơ. 


Chi tiết thang ở Casa Valeria Cirell

Chi tiết chân cột ở Casa Valeria Cirell

các chi tiết kỹ thuật được làm nổi bật ở SESC

Copyright: bài viết thuộc quyền sở hữu của Alab, yêu cầu liên hệ tác giả khi có nhu cầu trích dẫn lại. 


No comments:

Post a Comment