Những yếu tố đa dạng của kiến trúc cổ điển được sắp xếp vào trong những tổng thể nhất quán thông qua các hệ thống tỉ lệ hình học. Mặc dù tỉ lệ có thể được biểu thị bằng số học nhưng các mối quan hệ được mong đợi cơ bản là hình học. Cách ngôn nổi tiếng của Alberti, “Vẻ đẹp là sự hòa hợp giữa các phần mà ở đó không gì có thể được thêm vào hay bớt ra” cho thấy lý tưởng về tính thống nhất hữu cơ trong hình học. Những quy ước kiến trúc cổ điển không những chỉ ra tỉ lệ của các thành tố đơn lẻ mà còn là mối quan hệ giữa những thành tố ấy với nhau. Những thành tố tạo thành những tập hợp để rồi làm nên những tổng thể to lớn hơn. Những quy luật khắt khe về đường trục, tính đối xứng, hay trình tự (sequence) hình thức chi phối cách thức tổ chức của tổng thể. Kiến trúc cổ điển cho thấy sự đa dạng quy luật này, nhưng nguyên tắc phân bố cấp bậc của từng thành tố trong tổng thể luôn không đổi. Những thành tố đơn lẻ vẫn giữ nguyên được trật tự cấp bậc bằng những mối liên hệ hình học mở rộng nhằm bảo toàn sự thống nhất toàn diện.
Great Mosque of Cordoda, Spain |
Đại Giáo đường của Cordoba, Tây Ban Nha, xây dựng trong quãng thời gian gần tám thế kỷ, cho thấy một phản ví dụ (counterexample) có tính dẫn dắt. Hình thái của đền thờ Hồi Giáo được thiết lập rõ ràng: một sân trước khép kín, củng cố bên cánh bằng một tháp minaret, mở ra một không gian thờ tự khép kín (có lẽ bắt nguồn từ cấu trúc của những ngôi chợ, hoặc mượn từ các basilica La Mã). Phần khép kín được điều chỉnh áng chừng theo hướng qibla, một bức tường cầu nguyện chạy xuyên suốt được đánh dấu bởi một hốc tường nhỏ (mihrab). Ở giai đoạn đầu của quá trình xây dựng (khoảng năm 785 - 800) loại hình kiến trúc tiền lệ này được tôn trọng, dẫn đến kết quả là 10 bức tường có cấu trúc đơn giản song song nhau, vuông góc với qibla. Những bức tường này, được gia cố bằng cột, khoét lỗ bằng những cung vòm, định hình một không gian được che chắn có kích thước bằng với khoảng sân bên ngoài. Những bức tường cung vòm vận hành trong sự đối trọng với những cảnh được đóng khung xuyên suốt không gian. Những cây cột được đặt ở điểm giao của hai vectơ này, tạo nên một trường không phân hóa nhưng có tính truyền tải cao. Trường này tạo ra những hiệu ứng thị sai phức tạp, “bám theo” khách tham quan khi họ di chuyển qua không gian. Toàn bộ bức tường phía Tây mở ra khoảng sân trong, cho nên một khi đã ở trong khu vực khép kín của nhà thờ Hồi giáo thì sẽ không có một cổng ra vào nào. Đường trục, không gian rước lễ của nhà thờ Cơ Đốc Giáo nhường chỗ cho một không gian không định hướng, một thứ tự nối tiếp “hết cái này đến cái kia”.
Đền thờ Hồi giáo sau đó được mở rộng qua bốn giai đoạn. Đặc biệt, với mỗi lần bổ sung cơ cấu gốc về cơ bản được giữ nguyên. Cấu trúc của thể loại công trình được nhắc lại ở một tỉ lệ lớn hơn, trong khi các mối quan hệ cục bộ vẫn được giữ cố định. Bằng cách so sánh với kiến trúc cổ điển phương Tây, người ta có thể xác định những nguyên tắc tương phản của tổ hợp: một là đại số, hoạt động với các đơn vị bằng số (numerical units) kết hợp với nhau, và hai là hình học, hoạt động với hình dáng (đường thẳng, mặt phẳng, khối đặc) được sắp xếp trong không gian tạo thành những tổng thể lớn hơn. Ví dụ như trong Cordoba, những thành tố độc lập được kết hợp thêm với nhau để tạo thành một tổng thể vô định. Mối liên hệ giữa các phần với nhau đồng nhất trong các phiên bản được xây dựng lần đầu cũng như lần cuối. Những cú pháp cục bộ được giữ cố định, nhưng không hề có khuôn khổ hình học nào bao trùm. Từng phần không phải là những mảnh vỡ của tổng thể, chúng chỉ đơn thuần là các phần mà thôi. Không giống như ý tưởng về thể thống nhất khép kín được củng cố trong kiến trúc cổ điển phương Tây, cấu trúc có thể được thêm vào mà không cần đến sự biến đổi hình thái nào đáng kể. Cấu hình của trường vốn đã có khả năng mở rộng; khả năng phát triển liên tục được dự đoán thông qua các mối liên hệ toán học trong từng phần.
Có thể nói rằng có rất nhiều ví dụ về kiến trúc cổ điển phương Tây phát triển liên tục và thay đổi qua thời gian. Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Rome, là một ví dụ tương tự, có lịch sử lâu dài trong xây dựng và tái thiết. Nhưng có sự khác biệt đáng kể. Ở Vương cung Thánh đường Thánh Peter, phần thêm vào là sự biến đổi hình thái, trau chuốt và mở rộng giản đồ hình học cơ bản, và hướng về sự khép kín có bố cục. Điều này tương phản với đền thờ Hồi Giáo ở Cordoba nơi từng giai đoạn luôn tái tạo và bảo tồn những giai đoạn trước của quá trình xây dựng bằng cách thêm vào những thành tố tương đồng. Và ở Cordoba, ngay cả trong những giai đoạn sau khi đền thờ Hồi giáo được cung hiến thành nhà thờ Cơ Đốc giáo và một thánh đường Gothic đã được thêm vào trong cơ cấu tiếp nối và không bị phân hóa của đền thờ Hồi giáo, trật tự không gian sẵn có cưỡng lại sự tập trung vào trung tâm hay hệ trục điển hình của nhà thờ Tây phương. Như Rafael Moneo đã nhìn nhận: “Tôi không tin rằng Đền thờ Hồi Giáo Cordoba đã bị tàn phá bởi những biến đổi này. Thay vào đó, tôi nghĩ sự thật là Đền thờ Hồi giáo tiếp tục là chính nó đối mặt với những can thiệp này là dấu chỉ cho sự toàn vẹn của chính nó.”
Để minh chứng cho lập luận này, hãy đến với một ví dụ mới hơn, Bệnh viện Venice của Le Corbusier (1964 - 1965) sử dụng một cú pháp gồm các phần giống nhau được lặp lại, thiết lập nhiều liên kết tại chu vi của nó với cơ cấu của thành phố. Dự án phát triển theo chiều ngang, thông qua logic của sự tích lũy. Khối chức năng cơ bản, một “đơn vị chăm sóc” (care unite) hình thành với 28 giường, được lặp lại trong suốt quá trình. Những phòng tư vấn chiếm những không gian lưu thông mở trong những khu vực được che chắn ở giữa. Vị trí luân phiên của các khối thiết lập sự kết nối và đường đi từ khu này sang khu khác, đồng thời sự thế chỗ của các khối mở ra những khoảng rỗng bên trong trường phương ngang (horizontal field) của bệnh viện. Không có một trọng tâm duy nhất, không có một giản đồ hình học thống nhất. Đối với đền thờ Hồi giáo ở Cordoba, hình thức tổng thể là một sự trau chuốt những điều kiện được thiết lập cục bộ.
(Còn tiếp...)
Bản quyền của Stan Allen, bản dịch @ Alab
No comments:
Post a Comment