Sống và chết trên con thuyền

Hai khả năng sinh sống thường được định nghĩa: sống định cư, ở yên một chỗ hoặc sống du cư, nay đây mai đó. Khi lối sống định cư với suy nghĩ “an cư lạc nghiệp” đã trở nên quen thuộc với con người hiện đại, lối sống du cư cùng khả năng vận động và thay đổi - điều dường như đã bị quên lãng - cũng cần được nhắc nhớ. 


Con phố trong ngôi làng ngập nước, Bắc Kỳ (L'Indochine en cartes postales: Avant l'ouragan, 1900-1920, Jean Noury [1999])

Đặc điểm địa lý và tự nhiên cho phép cả hai lối sống cùng tồn tại. Việt Nam thuộc xứ nhiệt đới, địa hình thổ nhưỡng liên tục được phù sa bồi đắp, thế nên nông nghiệp, đặc biệt là nền văn minh lúa nước từ lâu đã trở thành đặc trưng của nước ta. Công việc trồng trọt đòi hỏi người nông dân ở yên một chỗ, gắn bó mật thiết với mảnh đất của riêng mình, để từ đó phát triển tình yêu lao động - “Canh một chưa nằm/ Canh năm đã dậy”, kinh nghiệm trồng trọt - “Đất màu trồng đậu trồng ngô/ Đất lầy cấy lúa, đất khô làm vườn”, cách nhìn mùa vụ, thời tiết - “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối”. Song song đó, nước ta có vị trí địa lý nằm trên bán đảo Đông Dương cùng đường bờ biển dài 3444km đã mở ra khả năng khai thác nguồn lợi thủy sản, cũng chính là mở ra khả năng thông thạo di chuyển và sinh sống trên thuyền, được mài giũa qua những chuyến ra khơi dài ngày. Đồng thời phần lớn lãnh thổ nước ta bị chia cắt bởi sông ngòi nên người Việt từ lâu đã thuần thục việc đi lại, giao thương bằng thuyền, vô hình trung hình thành lối sống du cư tùy hứng, nay đây mai đó. 

“Sống” không nhất thiết là ở yên một chỗ và khả năng di chuyển, thay đổi nên được xem như là một phần quan trọng của “sống”. Trước hết hãy tìm về lối sống của tổ tiên ta. Nguồn gốc người Việt vẫn còn để mở cho nhiều khả năng, trong đó có hai giả thuyết tương đối quen thuộc: cộng đồng người Việt có thể hình thành từ nhóm người Hoa Hạ phía Nam sông Dương tử vì bất mãn với các chủng người phương Bắc di cư dần về phía Nam; hay nhóm người di chuyển từ quần đảo Indonesia thông qua bán đảo Mã Lai và Thái Lan cho đến khi họ định cư ở khu vực đồng bằng sông Hồng(1). Dầu nguồn gốc nào đi chăng nữa, quá trình sinh sống của tổ tiên ta gắn liền với việc liên tục vận động, di cư và biến đổi. Giới hạn mốc thời gian gần hơn, ta cũng thấy rằng lịch sử đất nước hình thành từ chuỗi những sự kiện mở rộng bờ cõi, khai khẩn đất hoang, di dời kinh đô,... Vì thế sinh sống gắn liền với khả năng di chuyển, điều đã diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra không ngừng.

Gắn liền với đời sống du cư của người Việt chính là con thuyền. “Ở miền Bắc, từ Bắc xuống Nam cứ đi vài mươi cây số lại gặp một con sông cắt ngang và trước khi người Pháp sang, người Việt không hề bắc được chiếc cầu nào qua sông lớn.”(2) Thế nên phương tiện đi lại trên mặt nước của người Việt phát triển vô cùng phong phú như thuyền, xuồng, bè, tàu, ghe, phà,...  Mà đâu chỉ đi lại, người ta còn họp chợ, buôn bán, mở hàng quán trên thuyền. Theo đó chợ nổi, bến nước - cây đa, hò gọi đò dần trở thành những nét đặc sắc trong văn hóa người Việt. Con thuyền của mỗi địa phương lại mang những đặc tính riêng về vật liệu, hình dáng phù hợp với nhu cầu đặc thù, ấy là chưa kể đến khả năng trang trí và biến tấu con thuyền riêng của mỗi gia đình. Nếu ngôi nhà đắp nền móng cho một đời sống bền vững, yên ổn đến cuối đời thì con thuyền chuyên chở một lối sống tùy hứng, rày đây mai đó với khả năng thích nghi khôn cùng. 

(Còn tiếp ...) 

Bài viết bởi Tete - alab

No comments:

Post a Comment