Sống và chết trên con thuyền (p2)

Khi người Việt định cư trên đất liền, hình dáng con thuyền vẫn hiển hiện trong đời sống thường ngày. Ngôi đình mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như con thuyền rẽ sóng vượt ngàn khơi. Ngôi nhà nóc oằn, mái túm trên trống đồng Đông Sơn là hình ảnh của một con thuyền úp ngược. Theo nhà khảo cổ V. Goloubew, nhà cổ của người Việt mang hình dáng con thuyền được nâng khỏi mặt đất (3). Con thuyền úp ngược cung cấp không gian cho sự cư ngụ và sinh sống trên mặt đất. Ở quy mô nhỏ hơn, đó là hình ảnh chiếc nón lá che chắn mái đầu trước thời tiết nắng mưa. Đường biên dưới mái nhà đánh dấu phạm vi ảnh hưởng và thuộc sự tư hữu của người chủ nhân. Trên hành trình di cư, nơi nào mái nhà của ta có thể lắp được và trụ vững, nơi đó trở thành vùng đất an toàn để sinh sống.  

“Vietnam” (Peter Schmid, Paradies im Drachenschlund : Reise durch Hinterindien, Java und Sumatra [1956])

Khẩu ngữ liên hệ chặt chẽ với đời sống, nên dấu tích của nước Việt thuở chẳng có một cây cầu vẫn còn trong lời ăn tiếng nói đến tận ngày nay. Có nơi đâu mà riêng từ “nước” mang tận 8 nghĩa và trước hết, đồng nghĩa với “quê hương”, “tổ quốc”. Từ những bề mặt có thể sờ chạm như “nước da”, “nước sơn” cho đến những hình dung trừu tượng trong “phi nước đại”, “xuống nước làm lành”,... đều bật ra theo cách tự nhiên nhất trước hoàn cảnh đời thường. “Nước”, nhiều hơn chức năng của một danh từ thông thường, gợi cả cảm xúc và hình ả0nh dạt dào như Nguyễn Du từng ví “Dập dìu tài tử giai nhân/ Ngựa xe như nước áo quần như nêm”. 

Không chỉ hình ảnh con thuyền hay từ ngữ, mà những sinh vật, những hoạt động của đời sống sông nước vẫn len lỏi trong ngõ ngách tâm thức người Việt, lặng lẽ hòa nhập vào đời sống mới. “Con lươn” được mang lên làm lằn ranh giao thông trên mặt đất. Đi trên mặt đường bê tông nhưng người ta vẫn xin “quá giang” và bắt “xe đò”. Cứ thế, đâu đó thấp thoáng hiện lên dáng dấp của một dòng sông. 

(1) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bình Nguyên Lộc, Xuân Thu, 1971
(2) Văn Minh Vật Chất Của Người Việt, Phan Cẩm Thượng, 2011
(3) V. Goloubew: La maison Dongsonienne, BEFEO 1938
Bài viết bởi Tete @alab 

No comments:

Post a Comment