Có nhiều hướng tiếp cận khi nói về tương lai, nhưng dù là khía cạnh nào chúng ta vẫn có xu hướng vạch ra những viễn cảnh hoàn hảo hơn thực tại. Ở phương diện nào đó, đây có lẽ là tín hiệu tích cực, nhưng suy cho cùng thì hoàn hảo là như thế nào, và liệu có một chuẩn mực nào để định nghĩa đầy đủ “tương lai hoàn hảo”?
Có lẽ khát vọng khai phá, tìm tòi và tạo ra những điều không tưởng là một trong những đặc tính của con người nên thật khó để không nhắc đến utopia trong những thảo luận về tương lai. Từ nguyên của utopia trong tiếng Hi Lạp (οὐτόπος), với từ “οὐ” là “không” và “τόπος” là “địa điểm”, có nghĩa là một xã hội không tồn tại nhưng với góc nhìn tích cực hơn đáng kể so với xã hội hiện tại. Vậy tạo ra một utopia tức là xây dựng một xã hội hoàn hảo đến không tưởng, một viễn cảnh về cuộc sống trong tương lai có thể giải quyết hết tất cả những xung đột, mâu thuẫn và tiêu cực của hiện tại. Đó là lý thuyết, tuy nhiên những khái niệm utopia mà các triết gia, diễn giả và cả kiến trúc sư đã bàn luận từ các thế kỷ trước cho đến nay vẫn thực tế hơn so với viễn cảnh về một xã hội “thiên đường”.
Tính thực tế của các ý tưởng utopia nằm ở việc nó xuất phát từ những vấn đề trong cuộc sống và xã hội thực tại của con người. Trong một nghiên cứu với tiêu đề Cách Mạng vào năm 1907, Gustav Landauer đã giải thích điều không tưởng là một cái giá của các cuộc biến động ở châu u đã xảy ra từ thế kỷ XVI. Sự phát triển của xã hội nào cũng có những bất ổn nhất định, hay nói cách khác đó chỉ là những “trạng thái ổn định tương đối”. Landauer gọi cấu trúc thiếu sự vững chắc này là topia, và đó là cơ sở để con người bắt đầu nghĩ về những điều không tưởng trong tương lai. Cách tiếp cận của Landauer mang tính thời đại, vì nó xác định được mục tiêu của mình, và đặc biệt không ràng buộc điều không tưởng viễn vông vào một mô hình tiến bộ nhất định nào. Có lẽ mọi sự kiến thiết, đề xuất cho ý tưởng utopia nào cũng nên tham khảo góc nhìn này của Landauer.
Kiến trúc chắc chắn không nằm ngoài sự ảnh hưởng của những bất ổn xã hội. Khái niệm utopia cũng từ đó được thúc đẩy để hình thành những đồ án kiến trúc không tưởng. Mọi thiết kế chú trọng vào việc phác thảo viễn cảnh cuộc sống của những thành phố tương lai, với công nghệ vượt trội và điều kiện sống gần như hoàn hảo. Thế nhưng cũng có những đồ án dù được định danh là utopia nhưng cách tiếp cận lại rất thực tế, hay nói cách khác chúng mang tinh thần không tưởng của Landauer. Thay vì đề xuất ý tưởng cho một thành phố “thiên đường”, mô hình đô thị No Stop City của Archizoom lại không đưa ra một giải pháp thay thế cho thực tế vốn có, mà nó đại diện cho thực tại theo một góc nhìn mới. Nhóm kiến trúc sư xem utopia của họ đơn giản là một công cụ đại diện cho chính xã hội đang tồn tại và hoàn toàn không phải là cấu hình sẵn có của một hệ thống nào khác.
No Stop City giữ nguyên kích thước khổng lồ với hệ thống lưới vô tận đã được thể hiện trong vài đồ án trước đó của Archizoom. Cách tiếp cận utopia của No Stop City không chú trọng biểu thị những công nghệ tối tân mà thay vào đó là những yếu tố đơn giản, cơ bản hơn rất nhiều. No Stop City là nơi cho phép tạo ra bất kỳ hình thức môi trường sống nào chỉ với các nội thất cơ bản nhưng được sắp xếp để trải dài đến vô tận. Sự tự do trong hình thức của No Stop City, thể hiện thông qua những giản đồ và mô hình gồm những vật dụng nội thất quen thuộc đã làm cho bối cảnh của đô thị trong đồ án trở nên trừu tượng và suy tư hơn.
Bằng cách này, tính chất phê phán, châm biếm trong các đồ án utopia của Archizoom được bộc lộ rõ rệt. Utopia mà Archizoom muốn truyền tải không phải là những điều không tưởng viễn vông theo nghĩa đen, mà là vạch trần những tiêu cực trong xã hội thực tại để từ đó người xem tự đề xuất khái niệm utopia của riêng họ. Tùy vào sức mạnh liên kết giữa người xem và những tiêu cực của xã hội được thể hiện trong đồ án mà mọi khái niệm không tưởng đều trở nên khác nhau hoàn toàn. Vậy thì, chí ít là trong những đồ án của Archizoom, không hề có một hình thái utopia nhất định, hay nói cách khác những đồ án này không tồn tại bất kỳ chuẩn mực nào của một tương lai hoàn hảo.
No comments:
Post a Comment