Muốn đọc Carlo Scarpa thì phải học lại về Venice. Không thể nhắc đến đàn ông mà bỏ qua quê quán của anh ấy. Điều này cũng tương tự với phụ nữ, trẻ em và cơ bản là mọi người. Lấy ví dụ như Las Vegas đối với Frank Gehry và Japan đối với hầu hết các KTS Nhật.
Đối với thành phố trôi lửng lơ Venice, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng vì nó được "neo" vào mặt đất nhờ các cọc gỗ. Không phải được gia nhiệt cưỡng bức YakiSugi, các cọc gỗ sồi tồn tại gần như là "vĩnh viễn" này không bị mục rửa là do được đóng dày đặc và cứng ngắc vào trong lớp đất thành những cụm cọc. Cứ vậy mà nó đã trải qua được hàng chục thế kỷ kể từ những ngày đầu người tị nạn di cư đến đây sau khi đế quốc La Mã hùng mạnh sụp đổ.
Thành phố duy nhất của Ý không chịu ảnh hưởng bởi quy hoạch kiểu La Mã hướng tâm định ranh bởi vòng thành là Venice. Giao thương mới chính là nền tảng dựng nên đô thị tư bản đầu tiên trên thế giới này. Hãy nghĩ về Marco Polo và Con đường Tơ lụa, về Người lái buôn thành Venice, hay Cô Chủ Quán thông minh biết cách làm hài lòng khách trọ.
Nhưng lí do biến thành phố trở thành "trôi lửng lơ" nằm ở chỗ Venice là hòn đảo nằm ngang mực nước biển. Vậy nên một mối quan hệ "cù cưa" đã hình thành và có thể dễ dàng quan sát được thông qua thuỷ triều. Tấn kịch của Venice vì sao lại đặc sắc, tại sao lại có nhiều "drama" chẳng phải vì sự thay đổi trông thấy được chỉ trong một ngày. Như cách mà ánh sáng mặt trời phản chiếu trên biển đã gây ảnh hưởng đến lối dùng màu "tương phản" mạnh mẽ của các hoạ sĩ như Bellini hay Titian. Điều này Paris chỉ có thể mơ về.
Và phải chăng sự chòng chành gây khó khăn cho Venice trong việc giữ cho mọi thứ đối xứng? Và nước biển mặc dù không ảnh hưởng đến các cọc gỗ nhưng vẫn có thể ăn mòn gạch và các lớp sơn. Và vì vậy người Venice chống chế bằng các lớp sơn, cứ thế chúng thay nhau vén màn ... hay là hạ màn, nhỉ?
À tôi quên nói về Carlo Scarpa? Ồ tôi đã nói về ông ấy rồi đấy.
No comments:
Post a Comment